Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/KH-UBND

Bình Định, ngày 27 tháng 05 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI TỔ CÔNG NGHỆ SỐ CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

Thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khoá XX) về chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 59/KH-UBND ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 20/9/2021; Văn bản số 793/BTTTT-THH ngày 05/3/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương;

Trên cơ sở đề xuất của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 30/TTr-STTTT ngày 18/5/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng xã, thôn, làng, khối phố trên địa bàn tỉnh; với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân và là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn.

2. Yêu cầu

Triển khai có hiệu quả nền tảng số, công nghệ số đến với cuộc sống của người dân. Các nội dung phải phù hợp với đặc thù của địa phương; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.

Tùy theo đặc thù, mỗi xã, thôn, làng, khối phố có thể có 01 Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng

Thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng tại cấp thôn, làng, khối phố tối thiểu 04 người, gồm: đại diện Đoàn TNCS HCM, Hội Phụ nữ, cán bộ thôn, làng, khối phố; trong đó đại diện Đoàn TNCS HCM làm Tổ trưởng. Ưu tiên lựa chọn những người trẻ, có kiến thức về công nghệ thông tin.

Tổ công nghệ số cộng đồng do UBND xã, phường, thị trấn quyết định thành lập.

2. Nhiệm vụ của Tổ công nghệ cộng đồng

- Thông tin tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, làng, khối phố.

- Về chính quyền số: Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng được đánh giá, lựa chọn.

- Về kinh tế số: Hướng dẫn hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như postmart.vn và voso.vn; mở tài khoản thanh toán điện tử; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng.

- Về xã hội số: Hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch thông qua các nền tảng số như Sổ sức khoẻ điện tử, PC Covid và các nội dung khác theo từng thời kỳ.

3. Báo cáo công tác triển khai

Tổ công nghệ số cộng đồng cập nhật và gửi báo cáo định kỳ, thường xuyên về kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ việc triển khai sử dụng các nền tảng số, công nghệ số qua mạng, sử dụng các nền tảng số Việt Nam (như Zalo, Mochao, Gapo) để chính quyền các cấp nắm bắt, chỉ đạo và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

a) Có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, cung cấp thông tin, tài liệu để phục vụ các hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng; là cơ quan đầu mối thực hiện tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng; đề xuất UBND tỉnh, Ban chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh biểu dương, khen thưởng các Tổ công nghệ số cộng đồng có thành tích xuất sắc, các trường hợp điển hình; phổ biến nhân rộng các mô hình, cách làm hay, hiệu quả.

b) Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, các doanh nghiệp công nghệ

số tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể cho Tổ công nghệ số cộng đồng để triển khai thực hiện tại địa phương.

c) Phối hợp với UBND cấp huyện, Tỉnh Đoàn lập nhóm quản lý các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các phường/xã. Đồng thời, cử công chức, viên chức tham gia trực tiếp tương tác, hướng dẫn triển khai các hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.

d) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn chi phí phục vụ các công việc của Tổ công nghệ số cộng đồng (nếu có) theo quy định.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Chỉ đạo, giám sát, đôn đốc UBND các phường, xã tổ chức thành lập, triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng; kiểm tra, đánh giá và khen thưởng kịp thời cho các Tổ công nghệ số cộng đồng có cách làm hay, hiệu quả.

b) Phân công Lãnh đạo phòng, ban chuyên môn tham gia nhóm quản lý Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn. Định kỳ hàng quý tổng hợp, gửi Sở Thông tin và Truyền thông kết quả hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn (theo mẫu hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông).

c) Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức sơ kết phong trào thi đua chuyển đổi số nhân dịp Ngày Chuyển đổi số quốc gia hàng năm (ngày 10/10).

3. Tỉnh đoàn Bình Định

a) Chỉ đạo các tổ chức Đoàn cơ sở cử các đoàn viên ưu tú, nhiệt huyết, có kỹ năng sử dụng nền tảng số, công nghệ số, có khả năng tuyên truyền… để tham gia vào các Tổ công nghệ số cộng đồng (tối thiểu 02 đoàn viên/Tổ).

b) Tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng; theo dõi, kịp thời biểu dương, khen thưởng các đoàn thanh niên có thành tích xuất sắc trong việc tham gia hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.

c) Phân công lãnh đạo phòng, ban thuộc Tỉnh Đoàn tham gia nhóm quản lý Tổ công nghệ số cộng đồng tại các huyện, thị xã, thành phố.

4. Các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ số (Vietttel Bình Định, VNPT Bình Định, Mobifone Bình Định, Bưu điện tỉnh, Công ty Cổ phần FPT)

a) Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, tập huấn cho Tổ công nghệ số cộng đồng nâng cao kỹ năng sử dụng các nền tảng số, công nghệ số.

b) Triển khai các chính sách ưu đãi cho các xã, phường, thị trấn, Tổ công nghệ số cộng đồng sử dụng các ứng dụng, dịch vụ của đơn vị.

Trên đây là nội dung kế hoạch triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng theo Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có phát sinh nội dung cần điều chỉnh, bổ sung; các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề xuất gửi Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- BCĐ Chuyển đổi số tỉnh;
- CT, PCT Lâm Hải Giang;
- UBND các huyện, TX,TP;
- Các DN Viễn thông;
- Công ty CP FPT;
- CVP, PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, K9.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lâm Hải Giang