Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN HÓC MÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 739/KH-UBND

Hóc Môn, ngày 03 tháng 3 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH HÓA CHẤT TRONG LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN HÓC MÔN NĂM 2022

Căn cứ Quyết định số 133/QĐ-UBND ngày 14 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn về kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách huyện Hóc Môn và Chương trình công tác năm 2022.

Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn xây dựng Kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn năm 2022, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hóa chất trên địa bàn huyện, đảm bảo hoạt động hóa chất trên địa bàn tuân thủ đúng quy định pháp luật, đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong sản xuất kinh doanh, bảo quản, sử dụng hóa chất nguy hiểm; chủ động phòng ngừa các sự cố cháy, nổ liên quan đến hóa chất; đánh giá thực trạng và tình hình chấp hành pháp luật của các cơ sở hoạt động hóa chất trên địa bàn huyện.

Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động hóa chất cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động hóa chất trên địa bàn huyện.

Kết hợp việc kiểm tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện pháp luật cho các cơ sở hoạt động hóa chất; đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng và bảo quản hóa chất không đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định.

Rà soát, lập danh sách các đơn vị có hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nội dung kiểm tra

1.1. Hồ sơ pháp lý liên quan sản xuất, kinh doanh hóa chất, gồm:

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Các loại giấy phép: Giấy phép nhập khẩu tiền chất (tiền chất thuốc nổ và tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp); Giấp phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ; Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất thuộc Danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong ngành công nghiệp; Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;...

- Hồ sơ khai báo hóa chất (đối với cơ sở sản xuất và nhập khẩu hóa chất); Phiếu an toàn hóa chất, phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc, báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất.

- Hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hóa chất; Sổ theo dõi mua bán và xuất nhập kho tiền hóa chất công nghiệp.

- Văn bằng, chứng chỉ hợp quy về chuyên ngành hóa; Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất của lãnh đạo, người quản lý, người phụ trách an toàn hóa chất và người lao động trực tiếp làm việc với hóa chất.

- Hồ sơ về điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy: Giấy chứng nhận thẩm duyệt và văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, Biên bản kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy định kỳ của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền.

- Quyết định phê duyệt, Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất nguy hại của cơ sở hóa chất; Kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của nhà xưởng, kho chứa hóa chất đã được phê duyệt hoặc xác nhận.

1.2. Kiểm tra về điều kiện thực tế của cơ sở kinh doanh hóa chất

- Kiểm tra, thống kê danh mục, quy mô, khối lượng hóa chất sản xuất, kinh doanh, sử dụng và tồn trữ tại cơ sở.

- Công tác đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường: trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy; Biểu trưng, biển cảnh báo nguy hiểm; công tác huấn luyện an toàn hóa chất cho người lao động làm việc trực tiếp với hóa chất; công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại cơ sở.

- Quy cách sắp xếp, bảo quản hóa chất; trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất theo yêu cầu của Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5507:2002 - Hóa chất nguy hiểm - Quy phạm an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm.

- Việc chấp hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm.

2. Đối tượng kiểm tra

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, kho chứa hóa chất đang hoạt động trên địa bàn huyện.

3. Thời hạn kiểm tra: Thực hiện trong năm 2022.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Đội kiểm tra liên ngành

Thành phần Đội kiểm tra liên ngành cấp huyện đại diện gồm:

- Trưởng Phòng Kinh tế huyện: Đội trưởng.

- 01 Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện: Đội phó Thường trực.

- 01 Lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 18: Đội phó.

- Đại diện Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an huyện: Thành viên.

- 01 Công chức Phòng Kinh tế huyện: Thành viên.

- 01 Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 18: Thành viên.

- Đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện: Thành viên.

- Đại diện Ủy ban nhân dân các xã - thị trấn: Thành viên.

2. Phân công thực hiện

2.1. Phòng Kinh tế huyện

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu và trình Ủy ban nhân dân huyện thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành; chủ trì tổ chức lập biên bản kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Lập danh sách các cơ sở hóa chất thuộc đối tượng kiểm tra trình Ủy ban nhân dân huyện.

- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm tra cho Ủy ban nhân dân huyện và tham mưu báo cáo gửi Sở Công Thương theo quy định.

- Dự trù kinh phí, chấm công và quyết toán theo quy định.

2.2. Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an huyện

- Cử nhân sự tham gia Đội kiểm tra liên ngành.

- Có ý kiến chuyên môn về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý theo nội dung kiểm tra. Đề xuất xử lý vi phạm hành chính theo quy định đối với các doanh nghiệp có kho chứa hóa chất công nghiệp không đảm bảo điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

2.3. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện

- Cử nhân sự tham gia Đội kiểm tra liên ngành.

- Có ý kiến chuyên môn về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý theo nội dung kiểm tra.

- Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất nguy hại của cơ sở hóa chất.

- Kế hoạch hoặc biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất của nhà xưởng, kho chứa hóa chất đã được phê duyệt hoặc xác nhận.

- Kiểm tra việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường, đề xuất và xử lý vi phạm hành chính theo quy định đối với các cơ sở hóa chất gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

2.4. Đội Quản lý thị trường số 18

- Cử nhân sự tham gia Đội kiểm tra liên ngành.

- Có ý kiến chuyên môn về các vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý theo nội dung kiểm tra.

- Hồ sơ khai báo hóa chất (đối với cơ sở sản xuất và nhập khẩu hóa chất); Sổ theo dõi mua bán và xuất nhập kho tiền hóa chất công nghiệp.

- Kiểm tra hóa đơn, chứng từ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hóa chất và đề xuất xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2.5. Ủy ban nhân dân các xã - thị trấn

Lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất công nghiệp và phối hợp kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hóa chất công nghiệp thuộc địa bàn quản lý.

3. Chế độ báo cáo

- Các đơn vị căn cứ nhiệm vụ được phân công nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này; đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm từ thực tế kiểm tra, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân huyện (thông qua Phòng Kinh tế huyện), Sở Công Thương theo quy định.

- Giao Phòng Kinh tế tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý trước ngày 15 tháng 12 năm 2022 cho Ủy ban nhân dân huyện.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Mỗi thành viên tham gia Đội kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính được bồi dưỡng, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

- Nguồn kinh phí cho hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính được lấy từ nguồn ngân sách huyện. Phòng Kinh tế chủ trì lập dự trù kinh phí, quyết toán kinh phí gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện xem xét, quyết định.

Trên đây là Kế hoạch kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn năm 2022. Đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Sở Công Thương;
- UBND huyện: CT, PCT/KT;
- Các đơn vị được phân công;
- VP HĐND- UBND huyện: CVP, PCVP/KT;
- Lưu: VT, P.KT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thụy Mỵ Châu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 739/KH-UBND về kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh năm 2022

  • Số hiệu: 739/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 03/03/2022
  • Nơi ban hành: Huyện Hóc Môn
  • Người ký: Lê Thụy Mỵ Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản