Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 730/KH-UBND

Gia Lai, ngày 09 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG BỆNH CÚM GIA CẦM GIAI ĐOẠN 2019 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Quyết định số 172/QĐ-TTg ngày 13/02/2019 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiểm soát, khống chế không để dịch bệnh Cúm gia cầm (CGC) xảy ra và lây lan diện rộng; chủ động giám sát để phát hiện sớm, cảnh báo và có giải pháp phòng, chống; tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, các chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh; góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của CGC đối với sức khỏe cộng đồng và các hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh, chủ động giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời ổ dịch và không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

- Tổ chức tiêm phòng đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn thuộc diện tiêm.

- Ngăn chặn không để các nhánh, các chủng vi rút mới nguy hiểm xâm nhiễm vào và lây lan rộng trên địa bàn tỉnh.

- Góp phần giảm thiểu hoặc không để phát sinh các ca bệnh CGC ở người do nhiễm các chủng vi rút cúm nguy hiểm (H5 và H7).

II. NHIỆM VỤ

- Phân vùng nguy cơ (cấp huyện) để có cơ sở xây dựng các biện pháp và bố trí các nguồn lực tổ chức các hoạt động kiểm soát, phòng chống bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm dịch bệnh và tình hình thực tế tại các địa phương.

- Tổ chức chủ động giám sát dịch bệnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan ra diện rộng; xác định chính xác chủng loại vi rút cúm lưu hành để có cơ sở lựa chọn chủng loại vắc xin phù hợp cho công tác phòng dịch bệnh CGC.

- Xử lý ổ dịch CGC theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm tại những vùng nguy cơ cao; tiêm phòng bao vây khi xuất hiện dịch bệnh CGC.

- Tổ chức quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức phòng, chống nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào tỉnh; kiểm soát ấp nở gia cầm, kiểm soát giết mổ gia cầm bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

- Tập trung và đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi các cơ sở chăn nuôi gia cầm, sản xuất sản phẩm gia cầm an toàn bệnh CGC để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh CGC, giảm thiểu các hành vi làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh; thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi và các biện pháp chủ động phòng bệnh.

III. CÁC NỘI DUNG CHÍNH CỦA KẾ HOẠCH

1. Phân vùng để có cơ sở kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh CGC

- Căn cứ Quyết định số 172/QĐ-TTg , ngày 13/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025”, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có:

+ 03 huyện, thành phố nằm trong vùng nguy cơ cao gồm thành phố Pleiku, huyện Ia Grai và huyện Đăk Pơ.

+ 14 huyện, thị xã nằm trong vùng nguy cơ thấp gồm các huyện: Kbang, Đăk Đoa, Mang Yang, Chư Păh, Kông Chro, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Păh, Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện; thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa.

- Chuyển đổi vùng nguy cơ

Hằng năm, căn cứ kết quả vào giám sát lưu hành vi rút, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND cấp huyện đánh giá và trình cấp có thẩm quyền chuyển đổi giữa các vùng cho phù hợp với tình hình dịch bệnh chung của cả nước.

2. Giám sát dịch bệnh

a) Giám sát tại huyện nguy cơ cao

- Giám sát bị động

+ Đàn gia cầm nuôi có biểu hiện nghi ngờ bệnh CGC phải được lấy mẫu để xét nghiệm vi rút CGC và chẩn đoán phân biệt.

+ Đàn gia cầm nghi có tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh CGC phải được giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút CGC.

+ Chim hoang dã, động vật mẫn cảm với bệnh CGC tại vườn thú, vườn quốc gia bị ốm, chết không rõ nguyên nhân phải được gửi bệnh phẩm xét nghiệm vi rút CGC.

- Giám sát chủ động

Xây dựng kế hoạch giám sát sau tiêm phòng tại vùng trọng điểm thuộc các huyện thuộc vùng nguy cơ cao và giám sát lưu hành vi rút CGC trên địa bàn tỉnh.

b) Giám sát tại huyện nguy cơ thấp

Chủ động lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng và giám sát lưu hành vi rút CGC ở tất cả các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, vùng đệm của cơ sở an toàn dịch bệnh để tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh, nhằm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm.

c) Giám sát CGC trên gia cầm nhập lậu

Các huyện có đường biên giới giáp với nước Campuchia chủ động xây dựng kế hoạch giám sát CGC trên gia cầm nhập lậu bị bắt giữ trên địa bàn quản lý.

3. Xử lý ổ dịch

Thực hiện việc xử lý ổ dịch theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

4. Tiêm vắc xin phòng bệnh

a) Đối với huyện nguy cơ cao

Tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình tại vùng trọng điểm (các xã, phường đã từng xảy ra dịch) thuộc vùng nguy cơ cao.

b) Đối với huyện nguy cơ thấp

- Tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch CGC (khi có dịch xảy ra) hoặc khi có bằng chứng vi rút CGC lưu hành và có khả năng gây bệnh, lây lan.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chủ gia cầm chủ động tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn gia cầm.

5. Kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; quản lý, kiểm soát chợ buôn bán gia cầm sống

a) Kiểm soát vận chuyển, quản lý, kiểm soát chợ buôn bán gia cầm sống

Đối với việc kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm: Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức thực hiện kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y; tăng cường phối hợp với các ngành liên quan như: Quản lý thị trường, Cảnh sát giao thông, Kiểm lâm,... với chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông.

b) Kiểm soát buôn bán, vận chuyển qua biên giới

- Các huyện Chư prông, Đức Cơ, Ia Grai có đường biên giới giáp với nước Campuchia thường xuyên tổ chức kiểm soát hoạt động vận chuyển hàng hóa; tăng cường kiểm tra chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu kịp thời phát hiện hoạt động vận chuyển, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào địa bàn tỉnh.

- Tất cả các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc bị bắt giữ phải được tiến hành lấy mẫu xét nghiệm CGC và xử lý theo quy định của pháp luật.

- Những huyện, thị xã, thành phố không có đường biên giới nếu phát hiện gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu hoặc nghi nhập lậu đi qua địa bàn cần kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức công tác truyền thông về nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn dịch bệnh, tác hại đối với nền kinh tế, ngành chăn nuôi,... do hoạt động buôn bán, vận chuyển lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm gây ra.

6. Kiểm soát giết mổ gia cầm

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tổ chức việc kiểm soát giết mổ gia cầm theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y.

- Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp và hướng dẫn UBND cấp huyện tổ chức quản lý việc kiểm soát giết mổ gia cầm trên địa bàn.

7. Kiểm soát ấp nở gia cầm

Thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý chăn nuôi và ấp nở gia cầm.

8. Vệ sinh tiêu độc khử trùng

- Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp: Hướng dẫn thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.

- Đối với các hộ chăn nuôi, gia trại: Hướng dẫn thường xuyên thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh, phun thuốc sát trùng, tiêu độc nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh, trong đó có vi rút CGC.

- UBND cấp huyện định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia cầm và các sản phẩm của gia cầm bằng vôi bột hoặc hóa chất; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ gia cầm; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

Thực hiện các đợt tiêu độc khử trùng môi trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh phát động. Ngoài ra căn cứ tình hình thực tế, các địa phương chủ động triển khai thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong môi trường chăn nuôi.

9. Xây dựng vùng, chuỗi cơ sở chăn nuôi an toàn bệnh CGC

- Hướng dẫn xây dựng vùng, chuỗi cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh.

- Hướng dẫn thực hiện việc duy trì trạng thái an toàn bệnh CGC đối với các cơ sở đã được công nhận.

- Tham mưu xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

10. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Tiếp tục tuyên truyền về nguy cơ dịch tái phát trên diện rộng, nguy cơ lây truyền qua vận chuyển gia cầm qua biên giới; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; không sử dụng giống gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín, không ăn tiết canh; vận động người dân tự giác báo cáo khi phát hiện gia cầm bị bệnh, gia cầm nghi mắc bệnh CGC, giảm thiểu các hành vi làm dịch phát sinh và lây lan dịch bệnh...

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, tổ chức các buổi tọa đàm hoặc viết thông điệp ngắn; xây dựng, in ấn tờ gấp, biển quảng cáo phân phát cho người chăn nuôi, dán ở nơi công cộng (chợ, nơi hội họp ở cấp thôn, xã).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y

- Xây dựng kế hoạch giám sát phù hợp với tình hình dịch bệnh từng vùng, đưa các nhiệm vụ của Kế hoạch vào kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh hàng năm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Hàng năm, phối hợp với các địa phương đánh giá, phân loại vùng nguy cơ CGC A/H5, A/H7 của từng huyện, thị xã, thành phố và thông báo bằng văn bản để các địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch CGC cho năm kế tiếp.

- Tổ chức hướng dẫn xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chuỗi sản xuất các sản phẩm chăn nuôi gia cầm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh; tham mưu xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh.

- Hướng dẫn thực hiện việc duy trì trạng thái an toàn bệnh CGC đối với các cơ sở đã được công nhận.

- Tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch CGC và phối hợp thực hiện điều tra ổ dịch (khi dịch xảy ra).

- Tổ chức thực hiện các quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi để giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh CGC.

- Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” ban hành theo Quyết định số 984/QĐ-BNN-CN ngày 09/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Hướng dẫn các địa phương tăng cường tuyên truyền và áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn theo quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP).

- Tăng cường phổ biến kiến thức về an toàn sinh học cho các cơ sở chăn nuôi; tổ chức hướng dẫn áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống gia cầm, đặc biệt đối với cơ sở ấp nở trứng gia cầm.

2. Sở Tài chính

Hàng năm, trên cơ sở dự toán của các đơn vị xây dựng, kiểm tra, tổng hợp tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí, nguồn kinh phí theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành để triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025 trên địa bàn tỉnh theo quy định.

3. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan Gia Lai - Kon Tum

- Chỉ đạo lực lượng Bộ đội biên phòng, hải quan phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên tuyến biên giới, cửa khẩu.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân tổ chức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cư dân khu vực biên giới trong công tác phòng chống dịch, phòng ngừa gian lận thương mại và vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; hỗ trợ việc tiêu hủy khi có số lượng lớn gia cầm, sản phẩm gia cầm buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

4. Cục Quản lý thị trường Gia Lai

Phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thú y, công an đấu tranh, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc tại các bến xe, đầu mối giao thông.

6. Công an tỉnh

- Chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với các cơ quan liên quan đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; tổ chức dừng phương tiện giao thông ra, vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát để thực hiện việc kiểm soát vận chuyển và vệ sinh, sát trùng tiêu độc.

- Chỉ đạo lực lượng công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường phục vụ công tác phòng chống dịch CGC.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành và địa phương có liên quan tuyên truyền Kế hoạch phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019 - 2025.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống đài truyền thanh cơ sở tổ chức công tác truyền thông nguy cơ dịch CGC, các biện pháp phòng, chống CGC.

9. Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Căn cứ các nội dung của Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch của địa phương; trong kế hoạch cần phân rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị và người chăn nuôi để có cơ sở thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống bệnh CGC.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác phòng, chống dịch, đặc biệt công tác giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch.

- Chủ động nguồn kinh phí thuộc trách nhiệm của địa phương.

- Tổ chức hướng dẫn xây dựng các cơ sở, vùng sản xuất các sản phẩm gia cầm an toàn dịch bệnh.

- Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành thực hiện Kế hoạch.

10. Doanh nghiệp và người chăn nuôi: Thực hiện các quy định hiện hành của pháp luật về chăn nuôi, thú y, phòng, chống dịch bệnh; thực hiện theo chỉ đạo, đề nghị của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương về phòng, chống dịch bệnh.

V. CƠ CHẾ TÀI CHÍNH

1. Ngân sách nhà nước

- Ngân sách tỉnh: Đảm bảo kinh phí giám sát sau tiêm phòng và kinh phí giám sát lưu hành vi rút CGC tại các huyện có nguy cơ cao, tại vùng an toàn dịch bệnh, vùng đệm của cơ sở an toàn dịch bệnh; kinh phí giám sát CGC trên gia cầm nhập lậu; kinh phí mua vắc xin dự phòng và chi phí tiêm phòng bao vây ổ dịch CGC, tiêm phòng vắc xin định kỳ cho các đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình ở các huyện có nguy cơ cao; kinh phí mua vắc xin dự phòng và chi phí tiêm phòng bao vây ổ dịch CGC hoặc khi có bằng chứng vi rút CGC lưu hành và có khả năng gây bệnh, lây lan tại các huyện có nguy cơ thấp.

- Ngân sách huyện: Đảm bảo kinh phí lấy mẫu, gửi mẫu, chẩn đoán xét nghiệm tại các huyện có nguy cơ cao; kinh phí điều tra ổ dịch các hoạt động chống dịch, bảo hộ cá nhân, tiêu hủy gia cầm, tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc; thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng do Trung ương và UBND tỉnh phát động; kinh phí mua hóa chất phòng, chống dịch.

2. Kinh phí của tổ chức, cá nhân

Chủ vật nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo chi trả cho tiêm phòng vắc xin CGC cho đàn gia cầm; lấy mẫu, xét nghiệm mẫu, xử lý ổ dịch.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, trình UBND tỉnh để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở ban, ngành trong tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- CVP, các phó CVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, KGVX, NL.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Kpă Thuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 730/KH-UBND năm 2019 về phòng, chống bệnh Cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai

  • Số hiệu: 730/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/04/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Kpă Thuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/04/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản