Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 73/KH-UBND

Nghệ An, ngày 03 tháng 02 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU TRA THU THẬP THÔNG TIN HỘ GIA ĐÌNH CÓ ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP/TRỢ GIÚP XÃ HỘI HÀNG THÁNG TẠI CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.

Căn cứ Quyết định số 1683/QĐ-LĐTBXH ngày 30/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” vay vốn ngân hàng thế giới;

Căn cứ Quyết định số 1655/QĐ-LĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Phương án thu thập thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có đối tượng hưởng chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1732/QĐ-LĐTBXH ngày 24/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt dự toán chi phí điều tra và đơn giá khoán/phiếu điều tra (phiếu C và C1) cho các tỉnh thực hiện thu thập thông tin hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có đối tượng hưởng chế độ trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng năm 2015;

UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch Điều tra thu thập tin hộ gia đình có đối tượng hưởng chế độ trợ cấp/trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An (Phiếu C1) cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Điều tra, thu thập thông tin hộ có đối tượng hưởng chế độ trợ cấp/ trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng là để xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia và hệ thống thông tin quản lý hộ có đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) áp dụng trên phạm vi của tỉnh và toàn quốc.

2. Yêu cầu

- Điều tra thu thập thông tin hộ có đối tượng hưởng trợ cấp/trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng phải thực hiện đúng quy trình, đảm bảo tính trung thực, khách quan, đồng thời thông tin thu thập được phải chính xác với từng đặc điểm trong hộ, từng thành viên trong hộ.

- Điều tra viên thu thập thông tin phải trực tiếp với chủ hộ và thành viên trong hộ có đối tượng bảo trợ xã hội có liên quan để phỏng vấn và ghi thông tin, tuyệt đối không được sử dụng bất kỳ một tài liệu sẵn có nào để thay thế cho phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên phải tuân thủ hướng dẫn phỏng vấn hộ theo đúng tài liệu hướng dẫn thu thập thông tin vào Phiếu C1.

II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA

1. Phạm vi và đối tượng

Thu thập thông tin hộ gia đình và thành viên hộ gia đình hưởng chính sách trợ giúp xã hội thuộc một trong các loại sau trên địa bàn toàn tỉnh:

a. Hộ gia đình

- Hộ có đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; Bao gồm đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP .

- Hộ có đối tượng khác bao gồm các đối tượng không theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP , (ví dụ như người từ 75 - 80 tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn... do địa phương quyết định thực hiện).

- Hộ đang nhận kinh phí chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng là thành viên hộ gia đình.

- Hộ đang nhận kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, người khuyết tật đặc biệt nặng, người cao tuổi.

b. Thành viên hộ

- Là những người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

- Là những người khuyết tật đặc biệt nặng mà hộ gia đình đang hưởng kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng nhưng người này không hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng mà đang hưởng các chế độ khác như chế độ người có công, người bị nhiễm chất độc hóa học, lương hưu...

- Là những người (trẻ em mồ côi, bỏ rơi; người cao tuổi đủ điều kiện sống trong cơ sở BTXH, nhà xã hội nhưng được hộ gia đình nhận nuôi dưỡng, chăm sóc; người khuyết tật đặc biệt nặng...) được cá nhân, hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại hộ gia đình nhưng chưa được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

- Là người đứng ra nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc đại diện hộ gia đình nhận kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng.

2. Phương pháp điều tra, thu thập thông tin

Điều tra thu thập thông tin hộ có đối tượng hưởng trợ cấp/trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, được sử dụng phương pháp điều tra bằng phỏng vấn trực tiếp. Điều tra viên đến gặp trực tiếp chủ hộ và những thành viên trong hộ có liên quan để phỏng vấn và ghi thông tin trực tiếp vào phiếu phỏng vấn (phiếu C1). Để đảm bảo chất lượng thông tin thu thập, cuộc khảo sát điều tra không sử dụng phương pháp điều tra gián tiếp hoặc sao chép các thông tin từ các nguồn có sẵn khác vào phiếu thu thập thông tin.

III. NỘI DUNG CÔNG TÁC ĐIỀU TRA:

1. Công tác chuẩn bị:

a. Thành lập Ban Chỉ đạo Điều tra: Ban chỉ đạo cuộc điều tra thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được thực hiện trên cơ sở Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp (đã được thành lập) và kiêm nhiệm thêm chức năng về chỉ đạo điều tra, thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội (phiếu C1).

b. Thành lập tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo trong điều hành, tổ chức thực hiện cuộc điều tra trong phạm vi địa phương mình.

c. Tổ chức lực lượng điều tra viên, giám sát Viên

Lực lượng điều tra viên, giám sát viên do các cấp tuyển chọn. Để đảm bảo cuộc điều tra thu thập thông tin thành công, điều tra viên, trưởng tổ/nhóm và giám sát viên phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm về công tác thống kê, giảm nghèo và bảo trợ xã hội, có kinh nghiệm khai thác, thu thập, ghi chép thông tin đúng yêu cầu, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, có sức khỏe và thời gian để điều tra.

Tại mỗi xã/phường/thị trấn cần thành lập 01 nhóm điều tra, mời cán bộ các ngành, đoàn thể như: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Thống kê, chuyên trách DS-KHHGĐ, Lao động - TB&XH...và một số trưởng thôn/tổ dân phố có kinh nghiệm, đã thực hiện tốt cuộc tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 làm điều tra viên. Cử 01 cán bộ cấp xã làm trưởng nhóm.

2. Tập huấn nghiệp vụ

- Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia điều tra ở địa phương, gồm: Tổ chuyên viên cấp huyện, Trưởng ban chỉ đạo cấp xã, Tổ chuyên viên cấp xã, các trưởng nhóm và điều tra viên; giám sát viên tại các cấp.

Thời gian tập huấn là 02 ngày/lớp, trong đó có thực hành điều tra tại địa bàn cơ sở. Giảng viên gồm những người đã tham gia tập huấn ở cấp Trung ương.

Nội dung tập huấn theo tài liệu hướng dẫn của Trung ương do Sở Lao động - TB&XH in cấp cho cán bộ tham gia lập huấn.

3. Công tác tuyên truyền

Cùng với hoạt động Tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015, các nội dung tuyên truyền về hoạt động thu thập thông tin được phổ biến trên cơ sở được chuẩn bị ở cấp Trung ương cho cả nước và phù hợp với các hình thức tuyên truyền tại địa phương.

Các địa phương triển khai thực hiện tuyên truyền ở các cấp.

Cấp xã phát thông báo trực tiếp về cuộc điều tra trên loa đài của xã trước và trong thời gian thực hiện điều tra.

4. Triển khai thu thập thông tin:

Ban chỉ đạo cấp tỉnh chỉ đạo Ban chỉ đạo cấp huyện, xã triển khai thu thập thông tin tại địa bàn theo thời gian quy định.

Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp xã xây dựng kế hoạch điều tra thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng hưởng chế độ trợ cấp/trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng và tổ chức điều tra ở các thôn, tổ dân phố. Căn cứ kế hoạch điều tra, trưởng nhóm và cán bộ thôn, tổ dân phố thông báo kế hoạch điều tra cho từng hộ để chủ hộ và thành viên có liên quan biết thông tin, chủ động sắp xếp công việc, có mặt ở nhà để tiếp điều tra viên. Kế hoạch này phải được thông báo trước thời điểm điều tra viên đến phỏng vấn khoảng 3-5 ngày.

5. Giám sát, kiểm tra

Sở Lao động - TB&XH phối hợp với lực lượng giám sát ở cấp Trung ương bao gồm đại diện, Cục Bảo trợ xã hội và Ban QLDA "Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam" và các đơn vị liên quan từ tỉnh đến xã thực hiện việc giám sát thường xuyên hoặc đột xuất trong suốt thời gian thu thập, nghiệm thu và sửa lỗi sau khi nhập tin.

Trưởng nhóm ở cấp xã tham mưu BCĐ cùng cấp chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra tất cả các phiếu khảo sát đã hoàn thành của nhóm mình.

Đối với khâu thu thập số liệu tại địa bàn, ở cấp huyện/xã đều phải có kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra nhằm uốn nắn kịp thời những sai sót của điều tra viên để tránh những lỗi hệ thống.

6. Nghiệm thu kết quả

Ban chỉ đạo cấp xã có trách nhiệm kiểm tra 100% các phiếu của điều tra viên và nghiệm thu theo các thôn/tổ dân phố, chuyển phiếu đã nghiệm thu về Phòng Lao động - TB&XH cấp huyện.

Ban chỉ đạo cấp huyện (Phòng Lao động - TB&XH) có trách nhiệm kiểm tra và nghiệm thu 100% các phiếu do cấp xã chuyển lên. Sau khi nghiệm thu, Phòng Lao động - TB&XH tổng hợp, báo cáo Sở Lao động - TB&XH về kết quả và bàn giao phiếu thu thập thông tin trên địa bàn huyện.

Sở Lao động - TB&XH có trách nhiệm nghiệm thu các phiếu do cấp huyện chuyển lên trên cơ sở kiểm tra ngẫu nhiên 20% số phiếu của mỗi huyện, thị xã và thành phố. Đồng thời phối hợp với Ban QLDA, Cục Bảo trợ xã hội nghiệm thu phiếu điều tra trực tiếp theo Hợp đồng đã được ký kết.

Ở mỗi cấp nghiệm thu, cần nghiệm thu cả danh sách hộ có đối tượng hưởng TCXH hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng theo mẫu quy định trong hướng dẫn ghi phiếu C1, thông tin trong phiếu và trong danh sách này phải khớp nhau.

7. Chuyển giao tài liệu

BCĐ cấp xã chuyển giao phiếu điều tra C1 và danh sách, báo cáo số liệu (nêu trong phần nghiệm thu kết quả) cho BCĐ cấp huyện để nghiệm thu trong vòng 10 ngày sau khi kết thúc điều tra.

BCĐ cấp huyện (Phòng Lao động - TB&XH) chuyển giao phiếu điều tra và danh sách, báo cáo cho BCĐ cấp tỉnh (Sở Lao động - TB&XH) để nghiệm thu trong vòng 10 ngày sau khi nhận của cấp xã.

BCĐ cấp tỉnh nghiệm thu trong vòng 10 ngày từ khi nhận được phiếu và danh sách chuyển giao từ cấp huyện.

Phiếu điều tra và danh sách và báo cáo số liệu được nghiệm thu bởi Ban QLDA trung ương sẽ được thực hiện tại tỉnh, với phương thức nghiệm thu và bàn giao 3 bên. Sau khi nghiệm thu tại tỉnh, phiếu sẽ được chuyển về Trung ương để nhập tin.

8. Bảo quản phiếu

Do phiếu điều tra được nhập liệu bằng phương pháp hiện đại là quét quang và nhận dạng tự động. Do đó, việc bảo quản phiếu trong thời gian trước khi bàn giao nghiệm thu 3 bên tại tỉnh vô cùng quan trọng. Yêu cầu các cấp cần phải thực hiện theo quy định về việc bảo quản dưới đây:

Công cụ: Cặp ba dây và thùng giấy dày, túi nilông to.

Chất lượng phiếu: Phiếu được cập nhật thông tin đầy đủ và chính xác, không tẩy xóa lem nhem, được bảo quản sạch sẽ, không lấm bẩn, không bị quăn mép, nát hoặc rách.

Sắp xếp phiếu: Phiếu sắp xếp theo thứ tự mã thôn và mã hộ tương ứng với bảng kê danh sách hộ để thuận tiện cho việc kiểm kê và bàn giao phiếu.

Bảo quản phiếu: Mỗi cặp 3 dây chỉ chứa loại Phiếu C1 của 1 xã. Nếu xã có nhiều phiếu không xếp chung trong 1 cặp 3 dây thì chia thành nhiều cặp 3 dây theo 1 hoặc nhiều thôn (không để phiếu 1 thôn vào các cặp 3 dây khác nhau. Sau đó, sắp xếp các cặp 3 dây đựng phiếu vào trong túi nilông to trước khi được cho vào thùng giấy để tránh ướt, không đặt các thùng phiếu/cặp phiếu trực tiếp xuống nền nhà ẩm ướt.

IV. KINH PHÍ

Kinh phí Điều tra thu thập tin hộ gia đình có đối tượng hưởng chế độ trợ cấp/ trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng do Dự án “Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam” chi trả thông qua hợp đồng giao khoán giữa BQL Dự án và Sở Lao động- TB&XH. Sở Lao động-TB&XH sẽ ký kết hợp đồng giao khoán lại cho Phòng Lao động-TB&XH các huyện, thành phố, thị xã để triển khai thực hiện trên cơ sở nguồn kinh phí của BQL Dự án cấp.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tham mưu ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện công tác điều tra thu thập, thông tin hộ gia đình có đối tượng hưởng chế độ trợ cấp/trợ giúp xã hội tại cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch và tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tham gia điều tra gồm: Cán bộ giám sát viên cấp tỉnh, Tổ chuyên viên cấp huyện và đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cấp xã.

- Phối hợp với Phòng Lao động - TB&XH cấp huyện tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ điều tra cho điều tra viên, giám sát viên các cấp.

- Trực tiếp phối hợp với các cấp, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu và bàn giao phiếu thu thập thông tin và báo cáo theo quy định của Ban quản lý dự án.

- Phối hợp với các cơ quan ở Trung ương và các địa phương chỉnh sửa phiếu C1 khi có yêu cầu.

- Sở Lao động - TB&XH ký kết hợp đồng giao khoán cho Phòng Lao động - TB&XH về công tác điều tra, thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí thực hiện trên cơ sở đơn giá được tính theo mỗi phiếu thu thập thông tin và thực hiện thanh toán dựa trên số phiếu thực tế bàn giao đã được làm sạch và nghiệm thu.

2. Sở Tài chính Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan sử dụng và thanh quyết toán kinh phí đảm bảo đúng các quy định hiện hành.

3. Cục thống kê phối hợp với Sở Lao động - TB&XH hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc Chi Cục thống kê phối hợp với Phòng Lao động - TB&XH các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện tốt công tác điều tra, thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

4. Các sở, ban, ngành chức năng liên quan: có trách nhiệm tham gia phối hợp với Sở Lao động - TB&XH và UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ điều tra, thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

5. UBND các huyện, thành phố, thị xã:

- Xây dựng kế hoạch điều tra, thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng hưởng chế độ trợ cấp/trợ giúp xã hội tại cộng đồng của địa phương.

- Thành lập tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo trong điều hành.

- Phối hợp với Sở Lao động - TB&XH Tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch và tập huấn nghiệp vụ điều tra thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội, cho giám sát viên cấp huyện và lực lượng trực tiếp điều tra viên ở xã/phường/thị trấn và khối phố/xóm/bản.

- Phối hợp với các thành viên BCĐ, cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc tổ chức điều tra thu thập thông tin trên địa bàn.

- Phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, ở tỉnh và Điều tra viên ở cấp xã thực hiện việc chỉnh sửa phiếu C1 khi có yêu cầu (do thu thập thông tin chưa đúng hướng dẫn).

- Chịu trách nhiệm nghiệm thu Phiếu C1, danh sách, mẫu biểu báo cáo từ các xã, phường, thị trấn chuyển giao theo hướng dẫn của Trung ương.

- Chủ động phối hợp với Sở Lao động-TB&XH thanh quyết toán các khoản kinh phí điều tra theo đúng hợp đồng giao khoán đã ký.

6. UBND các xã/phường/thị trấn:

- Thành lập Tổ chuyên viên giúp việc cho Ban chỉ đạo trong điều hành, Ban chỉ đạo có trách nhiệm triển khai thực hiện điều tra tại các thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi mình phụ trách.

- Phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của cuộc điều tra, thu thập thông tin theo tài liệu hướng dẫn của Bộ Lao động-TB&XH.

- Tổ chức lực lượng Điều tra viên, Giám sát viên, phân công cán bộ làm trưởng nhóm điều tra để tham mưu cho BCĐ thực hiện các yêu cầu của cuộc điều tra.

- Phối hợp với các cơ quan ở Trung ương, ở tỉnh và Điều tra viên ở các thôn/tổ chỉnh sửa phiếu C1 khi có yêu cầu (do thu thập thông tin chưa đúng hướng dẫn).

- Sau khi hoàn thành việc điều tra thu thập thông tin Phiếu C1 và các báo cáo, mẫu, biểu, danh sách liên quan của Điều tra viên, BCĐ cấp xã phải nghiệm thu 100% các loại phiếu và danh sách, bảo quản để chuyển giao cho phòng Lao động-TB&XH.

- Chủ động phối hợp với Phòng Lao động-TB&XH thanh quyết toán các khoản kinh phí điều tra theo đúng hợp đồng giao khoán đã ký.

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

- Căn cứ nội dung tại Kế hoạch Ban chỉ đạo các cấp chủ động báo cáo tiến độ triển khai thực hiện và báo cáo kết thúc cuộc điều tra theo yêu cầu.

- Thời gian thực hiện điều tra thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng hưởng chế độ trợ cấp/trợ giúp xã hội tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thực hiện từ 20/02/2016 đến 30/5/2016.

Trên đây là kế hoạch điều tra thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng hưởng chế độ trợ cấp/trợ giúp xã hội tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị kịp thời phản ảnh về UBND tỉnh (Qua Sở Lao động -TB&XH) để tổng hợp sửa đổi, bổ sung./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động-TB&XH (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh VP, PVP VX UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- Thành viên BCĐ cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Lưu:VT, TH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Xuân Đại

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 73/KH-UBND năm 2016 điều tra thu thập thông tin hộ gia đình có đối tượng hưởng chế độ trợ cấp/trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 73/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/02/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Lê Xuân Đại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản