Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 08 tháng 1 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CÂU LẠC BỘ LIÊN THẾ HỆ TỰ GIÚP NHAU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Quyết định số 1336/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025, như sau:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN MÔ HÌNH GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 02/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 1434/QĐ-UBND ngày 21/7/2017 phê duyệt Đề án xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau. Qua 03 năm triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 20 Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau, đạt 100% kế hoạch đề ra (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 05; huyện Ninh Hải 04; huyện Ninh Sơn 04; huyện Ninh Phước 02; huyện Thuận Nam 03 và huyện Thuận Bắc 02 Câu lạc bộ), tổng số hơn 700 thành viên, bình quân 50 người/Câu lạc bộ. Nguồn lực vận động từ xã hội được 290 triệu đồng (bình quân 15 triệu đồng/Câu lạc bộ). Các Câu lạc bộ được thành lập đều đảm bảo các nguyên tắc, tiêu chí quy định về mô hình; có sự thống nhất cao từ tỉnh đến cơ sở; được củng cố, duy trì về tổ chức, đảm bảo chế độ sinh hoạt; hoạt động có hiệu quả, khẳng định vai trò trong chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi, nhất là người cao tuổi nghèo, khó khăn; đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của các thành viên đều được cải thiện, nâng lên; tài chính, tài sản của Câu lạc bộ được quản lý, sử dụng đúng mục đích, nguyên tắc và hiệu quả... đã góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước; thực sự là chỗ dựa tinh thần cho người cao tuổi, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc và có ích.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU ĐẾN NĂM 2025

1. Mục tiêu:

- Phát huy hiệu quả mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đã được xây dựng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020; tiếp tục duy trì nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau hiện có; đồng thời tiếp tục phát triển, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau cả về số lượng và chất lượng nhằm huy động tốt hơn sự tham gia của người cao tuổi, Hội Người cao tuổi, các cấp, các ngành và cộng đồng để nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, bảo vệ quyền và lợi ích của người cao tuổi.

- Chú trọng việc nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đối với các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, xã bãi ngang ven biển, xã có điêu kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Chỉ tiêu:

a) Chỉ tiêu về số lượng:

- Phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có thêm ít nhất 30 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau mới được xây dựng; nâng số Câu lạc bộ toàn tỉnh được thành lập là 50 Câu lạc bộ.

- Đảm bảo có 70% số xã nông thôn, trong đó có 70% số xã đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng; 80% phường, thị trấn xây dựng được Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

- Duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động và quản lý đảm bảo 100% Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đã xây dựng triển khai thực hiện và các Câu lạc bộ mới được xây dựng hoạt động có hiệu quả.

b) Chỉ tiêu về chất lượng:

- Các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau phấn đấu bảo đảm chất lượng về cơ cấu, thành phần (mỗi câu lạc bộ có từ 50 - 70 thành viên, trong đó 60% - 70% là phụ nữ, 60% - 70% là người cao tuổi, 30 - 40% là người trẻ tuổi; ưu tiên người có hoàn cảnh khó khăn).

- Có ít nhất 70% Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau thực hiện đủ các hoạt động và được quản lý tốt để có ít nhất 50% thành viên được vay vốn để sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập, mọi thành viên được nâng cao sức khỏe về thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, kiến thức và bảo vệ quyền lợi của người cao tuổi.

- 100% Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau có Quỹ tăng thu nhập ban đầu ít nhất 20 triệu đồng, trong đó 50% Câu lạc bộ có quỹ tăng thu nhập từ 30 triệu đồng trở lên.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi: Kế hoạch được triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Đối tượng: Người cao tuổi và gia đình của họ, phụ nữ và các thành viên khác trong cộng đồng. Đặc biệt người cao tuổi là phụ nữ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi dân tộc thiểu số, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Lập kế hoạch, triển khai Đề án: Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thành lập, nhân rộng Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn.

2. Tăng cường công tác tuyên truyền hiệu quả của hoạt động Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau góp phần nâng cao nhận thức các cấp, các ngành nhằm tạo sự chuyển biến lan tỏa về vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội; trong đó chú trọng đến trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi.

3. Xây dựng, quản lý và triển khai hoạt động câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau:

- Căn cứ chỉ tiêu về số lượng Câu lạc bộ được nhân rộng đến năm 2025 và điều kiện thực tế của các địa phương, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch nhân rộng Câu lạc bộ cho từng năm, hướng dẫn Câu lạc bộ xây dựng quy chế và thực hiện các hoạt động đảm bảo yêu cầu của Đề án. Tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đã xây dựng trong giai đoạn 2017- 2020.

- Câu lạc bộ quản lý, triển khai các hoạt động: tăng thu nhập; chăm sóc sức khỏe; tình nguyện viên chăm sóc tại nhà; tự giúp nhau, hỗ trợ cộng đồng; bảo vệ quyền, lợi ích; truyền thông; thể thao, văn hóa văn nghệ; vận động nguồn lực.

4. Kiểm tra, giám sát các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ, thực hiện công tác báo cáo 6 tháng, hàng năm và giai đoạn theo quy định.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau:

Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan thông tin tuyên truyền của tỉnh (Đài PTTH tỉnh, Báo Ninh Thuận, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo.v.v...) và các tổ chức đoàn thể có liên quan (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, Hội Chữ thập đỏ...) thực hiện công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, lợi ích của mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau nhằm tăng cường sự đồng thuận xã hội và sự hợp tác trong việc thực hiện Đề án. Cụ thể như: đưa tin, phóng sự, đối thoại, quản lý mô hình Câu lạc bộ nói chuyện chuyên đề, hướng dẫn cách làm nghề truyền thống phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Xây dựng tài liệu tuyên truyền, sổ tay tuyên truyền về Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau phù hợp với tình hình điều kiện thực tế của tỉnh.

2. Tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau:

- Tổ chức các cuộc hội thảo, tham quan mô hình, giao lưu học tập kinh nghiệm để phổ biến, xây dựng các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đạt hiệu quả chất lượng.

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn, tập huấn cho cán bộ Hội Người cao tuổi cơ sở, Ban Điều hành, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Phấn đấu trên 70% thành viên Ban điều hành Câu lạc bộ được tham gia tập huấn về nghiệp vụ điều hành Câu lạc bộ.

3. Huy động nguồn lực từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia nhân rộng và duy trì hoạt động Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau:

- Huy động nguồn lực từ Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, các hội đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân để thực hiện đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau một cách thiết thực, hiệu quả.

- Chính quyền địa phương, Hội Người cao tuổi các cấp tạo điều kiện cho Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau huy động nguồn lực, kinh phí cho xây dựng và hỗ trợ hoạt động Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

- Đẩy mạnh xã hội hóa về công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, đa dạng hóa các nguồn lực về hoạt động, kinh nghiệm cách làm hay, hiệu quả, thiết thực để triển khai thực hiện Đề án.

4. Sơ kết, tổng kết năm và tổng kết giai đoạn:

Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thực hiện việc sơ kết năm và tổng kết giai đoạn; báo cáo theo định kỳ kết quả thực hiện Đề án cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách Nhà nước:

Ngân sách Nhà nước theo phân cấp hỗ trợ cho các hoạt động: lập kế hoạch, hướng dẫn thực hiện Đề án, tập huấn cho cán bộ có liên quan phụ trách hoạt động các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, công tác tuyên truyền, công tác kiểm tra giám sát; Hội nghị sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án, khen thưởng thành tích thực hiện Đề án.

2. Huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật:

- Tiếp tục thực hiện huy động đóng góp từ nguồn xã hội hóa để duy trì và nhân rộng mô hình câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau (theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 2335/UBND-KGVX ngày 06/6/2017 về vận động kinh phí thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau).

- Tăng cường vận động phát triển Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở cơ sở để trích một phần hỗ trợ cho các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

- Huy động nguồn lực từ các chương trình an sinh xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp,... tham gia đóng góp nguồn lực, kinh phí cho xây dựng và hỗ trợ hoạt động các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

- Huy động sự đóng góp của các thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, Hội Người cao tuổi và cộng đồng hỗ trợ Quỹ ban đầu và kinh phí hoạt động cho Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Phối hợp với Hội Người cao tuổi tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện; hướng dẫn các địa phương thực hiện Đề án; lồng ghép các chương trình, các dự án, đề án có liên quan để thực hiện Đề án; tập huấn nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án.

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện, kịp thời tham mưu, đề xuất những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện. Kiến nghị những điều chỉnh cần thiết phù hợp với thực tế từng giai đoạn, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án.

2. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh:

- Chủ trì việc thực hiện Kế hoạch; phối hợp với Ban Công tác Người cao tuổi tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở ngành liên quan và các tổ chức Đoàn thể triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Người cao tuổi cơ sở, Ban Điều hành, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn, hỗ trợ các cấp Hội Người cao tuổi địa phương, cơ sở xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án.

- Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể vận động nguồn lực, kết hợp sử dụng các nguồn quỹ hợp pháp của các tổ chức đoàn thể để hỗ trợ thực hiện Đề án. Theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện Đề án.

3. Sở Tài Chính:

Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu bố trí ngân sách Nhà nước để thực hiện các hoạt động tại khoản 1 Mục V Kế hoạch này trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

4. Sở Y tế:

Chỉ đạo các cơ sở V tế phối hợp với các cấp Hội Người cao tuổi và các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tổ chức khám sức khỏe định kỳ, quản lý sức khỏe cho người cao tuổi và thành viên Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau; tuyên truyền, phổ biến về chăm sóc sức khỏe, kiến thức chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi và người có hoàn cảnh khó khăn tại cộng đồng; hỗ trợ tập huấn và hoạt động cho đội ngũ tình nguyện viên của Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau; phối hợp với Hội Người cao tuổi triển khai chương trình chăm sóc dài hạn và liên quan cho người cao tuổi.

5. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền và nâng cao nhận thức về Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, qua đó nhằm huy động nguồn lực để nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Tăng thời lượng phát sóng, số lượng tin bài tuyên truyền Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 đến với người dân để tạo sự lan tỏa tiếp cận thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Phối hợp và hỗ trợ tạo điều kiện cho các hoạt động thể dục thể thao, dưỡng sinh, văn nghệ của các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của xã hội, cộng đồng và các thành viên gia đình hỗ trợ nhân rộng và tham gia các Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:

Phối hợp vận động nguồn lực, sử dụng các nguồn quỹ hợp pháp để hỗ trợ Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động hiệu quả; phối hợp các tổ chức thành viên hỗ trợ thực hiện và giám sát Đề án.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 trên địa bàn; lồng ghép thực hiện có hiệu quả Đề án với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình, kế hoạch, đề án khác có liên quan của đơn vị; kiểm tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện Đề án theo đúng quy định.

- Chỉ đạo và hỗ trợ Hội Người cao tuổi cơ sở trong việc xây dựng và tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tại cơ sở. Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn hàng năm bố trí kinh phí trong dự toán chi thường xuyên, chi đúng mục đích theo Kế hoạch này; đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi cơ sở hằng năm, trích một phần hỗ trợ cho Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau.

- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện Đề án thông qua Sở lao động - Thương binh và Xã hội 6 tháng và năm để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2025; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan căn cứ triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ LĐTBXH; UBQGNCT Việt Nam;
- CT, PCT Nguyễn Long Biên;
- Thành viên Ban Công tác NCT tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VPUB: CVP, PVP (NĐT);
- Lưu: VT, VXNV, NVT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Biên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 72/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn đến năm 2025

  • Số hiệu: 72/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/01/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Nguyễn Long Biên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản