Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7015/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 26 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 18-CT/TTG NGÀY 09 THÁNG 7 NĂM 2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ “VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC NHÂN ĐẠO VÀ HOẠT ĐỘNG CHỮ THẬP ĐỎ TRONG TÌNH HÌNH MỚI”.

Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 09/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 18/CT-TTg), UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát huy hơn nữa vai trò của Hội Chữ thập đỏ tỉnh và tạo điều kiện cho Hội Chữ thập đỏ các cấp hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Tăng cường phát triển mạng lưới các cơ sở hoạt động chữ thập đỏ và các dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo trên địa bàn tỉnh theo quy định.

3. Đảm bảo biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí để Hội Chữ thập đỏ các cấp triển khai các hoạt động, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Quán triệt Chỉ thị số 18/CT-TTg

- Các sở, ngành, địa phương lồng ghép phổ biến Chỉ thị số 18/CT-TTg đến cán bộ, công chức, viên chức, gắn với thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

- Hội Chữ thập đỏ các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng đến công chức, viên chức, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên chữ thập đỏ và nhân dân; phát hiện nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện Chỉ thị.

2. Củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp

- Rà soát, đánh giá đúng thực trạng về tình hình chất lượng tổ chức bộ máy, cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó, củng cố tổ chức bộ máy cán bộ đủ năng lực, khả năng thực hiện các hoạt động Chữ thập đỏ theo quy định.

- Tăng cường phối hợp giữa Hội Chữ thập đỏ các cấp với các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp trong tổ chức các hoạt động hội và nhân rộng các mô hình nhân đạo; chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ Hội, phát triển và sử dụng hiệu quả lực lượng hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ các cấp triển khai thực hiện các hoạt động nhân đạo theo quy định.

- Đổi mới các hoạt động nhân đạo theo hướng gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững ... Xây dựng thí điểm mô hình dạy nghề, sản xuất, dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo; tăng cường kết nối, vận động các nguồn lực hợp pháp trong và ngoài nước cho hoạt động nhân đạo.

3. Thực hiện công tác nhân đạo và nhiệm vụ chữ thập đỏ

- Chủ động triển khai kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm được quy định trong Luật hoạt động chữ thập đỏ. Hàng năm, tổ chức tốt “Tháng nhân đạo” và phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”; kịp thời khen thưởng, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh.

- Tích cực đổi mới hoạt động Hội theo hướng dựa vào cộng đồng, gắn bó với người dân, thực chất, hiệu quả; nắm chắc đối tượng khó khăn và ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng và cập nhật thường xuyên ngân hàng “địa chỉ nhân đạo”; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong thực hiện cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; cùng các cấp ủy đảng, chính quyền định hướng tổ chức các hoạt động nhân đạo đúng mục đích, đối tượng, theo hướng phát triển bền vững.

- Triển khai thực hiện các Đề án do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động như: Phát triển hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng; xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; phát triển cộng đồng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển hệ thống điểm hiến máu cố định. Xây dựng Hội là tổ chức nòng cốt trong thực hiện các hoạt động nhân đạo và phong trào chữ thập đỏ; nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông của Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới.

- Tiếp tục hợp tác với các tổ chức nước ngoài và thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân đạo; thu hút nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh.

4. Công tác phối hợp thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg

- Hội Chữ thập đỏ các cấp tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan vận động các nguồn lực, tổ chức các sự kiện hoạt động nhân đạo; phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, đuối nước và tập huấn nâng cao năng lực sơ cấp cứu; chăm sóc sức khỏe và hiến máu tình nguyện; giáo dục lòng nhân ái cho thanh, thiếu niên.

- Tăng cường đối ngoại nhân đạo, thu hút nguồn lực và sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với hoạt động nhân đạo tại địa phương; đảm bảo kinh phí đối ứng cho các dự án theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội Chữ thập đỏ tỉnh:

- Chịu trách nhiệm chính tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện có hiệu quả nội dung kế hoạch; định kỳ, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện báo cáo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và UBND tỉnh theo quy định.

- Tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật hoạt động chữ thập đỏ trong năm 2018; phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, nạn nhân chiến tranh, thiên tai, thảm họa và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khác phù hợp với tình hình của địa phương. Xây dựng đề án thành lập Quỹ hoạt động chữ thập đỏ, quy chế hoạt động Quỹ theo đúng quy định của pháp luật. Hàng năm đề xuất danh mục các nhiệm vụ nhân đạo, các chương trình, dự án trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức bộ máy và cán bộ Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu củng cố, kiện toàn bộ máy, mạng lưới Chữ thập đỏ từ tỉnh đến cơ sở; chủ động nghiên cứu, đánh giá, đề xuất, tham mưu UBND tỉnh việc sắp xếp bộ máy các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo, đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, tránh trùng lắp, chồng chéo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu nội dung hoạt động nhân đạo lồng ghép trong kế hoạch kinh tế - xã hội của địa phương như: chăm sóc sức khỏe, công tác xã hội, xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, phòng ngừa và ứng phó với thảm họa thiên tai; vận động và xây dựng các hoạt động dịch vụ phù hợp với mục tiêu nhân đạo,...

- Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố thực hiện công tác thông tin, báo cáo kết quả hoạt động nhân đạo hằng năm theo quy định.

2. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh tham mưu xây dựng các quy định về công tác cán bộ, biên chế, chính sách đối với cán bộ Hội các cấp, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động chữ thập đỏ.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tham mưu bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ ngân sách của nhà nước đối với các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp; quy định về các hoạt động kinh tế, dịch vụ vì mục tiêu nhân đạo và các quy định liên quan khác. Hàng năm, tham mưu đảm bảo kinh phí cho hoạt động chữ thập đỏ, kinh phí đối ứng cho các dự án do quốc tế tài trợ.

4. Các Sở: Y tế, Giao thông Vận tải; Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, tai nạn thương tích, nhất là tai nạn giao thông, đuối nước; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và các đối tượng dễ bị tổn thương; phát triển các điểm hiến máu cố định lồng ghép với tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến mô tạng nhân đạo; triển khai các dịch vụ y tế công, các cơ sở khám chữa bệnh nhân đạo, hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp phát triển tổ chức Hội trong trường học; xây dựng lực lượng thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ trong trường học; tổ chức “Học kỳ nhân ái”, góp phần giáo dục lòng nhân ái, tính hướng thiện cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động Chữ thập đỏ.

6. Các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; xây dựng cộng đồng an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, các hoạt động truyền thông, tập huấn, đào tạo, diễn tập và hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương tại cộng đồng.

7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh với sự nghiệp nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, giới thiệu gương người tốt việc tốt, những mô hình nhân đạo điển hình tại cơ sở; vận động các cơ quan, tổ chức, các nhà hảo tâm và nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo.

8. Các sở, ngành, hội, đoàn thể tỉnh căn cứ vào nhiệm vụ và thẩm quyền được giao tích cực phối hợp và tạo điều kiện để Hội Chữ thập đỏ tỉnh tham gia xây dựng các chính sách an sinh xã hội liên quan đến hoạt động nhân đạo và thực hiện các chương trình, dự án vì mục tiêu nhân đạo để phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của Hội Chữ thập đỏ.

9. UBND các huyện, thành phố:

- Hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Hội Chữ thập đỏ tại địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội triển khai nhiệm vụ công tác; phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh định kỳ rà soát, xác định các “địa chỉ nhân đạo” cần trợ giúp.

- Xây dựng cơ chế phát huy vai trò của Hội Chữ thập đỏ trong phản biện xã hội và tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách xã hội liên quan đến các hoạt động nhân đạo ở địa phương.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên:

- Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp trong việc lựa chọn đối tượng và triển khai, thực hiện các hoạt động nhân đạo trên địa bàn tỉnh.

- Hàng năm phối hợp chỉ đạo và tổ chức tốt “Tháng nhân đạo”, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”. Vận động các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, chủ động và tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động nhân đạo do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động, triển khai./.

 


Nơi nhận:
- Trung ương Hội CTĐ Việt Nam;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như mục IV;
- Lưu: VT, VX3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Đa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 7015/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg "về Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới" do tỉnh Lâm Đồng ban hành

  • Số hiệu: 7015/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 26/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phan Văn Đa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản