Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 70/KH-UBND | Lạng Sơn, ngày 18 tháng 4 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI LẦN ĐẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT VÀ NGƯỜI ĐƯỢC NHÀ NƯỚC GIAO ĐẤT ĐỂ QUẢN LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
Thực hiện quy định về đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Điều 95 Luật Đất đai năm 2013; Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 02/8/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn về tiếp tục thực hiện đo đạc bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đến năm 2020. UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát số liệu về việc đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh. Qua số liệu báo cáo cho thấy còn khoảng 430.000 thửa đất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng và 822 thửa đất do các tổ chức sử dụng chưa thực hiện kê khai, đăng ký đất đai lần đầu.
Để hoàn thành việc đăng ký đất đai lần đầu theo quy định, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Đăng ký đất đai nhằm ghi nhận tình trạng pháp lý về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và quyền quản lý đất đối với thửa đất do các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng vào hồ sơ địa chính để cập nhật, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu địa chính, phục vụ cho công tác quản lý đất đai của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân khai thác thông tin về đất đai nhanh chóng, thuận lợi.
b) Để cơ quan quản lý Nhà nước nắm rõ tình trạng pháp lý của các thửa đất do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang quản lý sử dụng; thống kê chính xác số liệu các thửa đất đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây viết tắt là Giấy chứng nhận) và các thửa đất chưa cấp Giấy chứng nhận, làm căn cứ để hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chỉ đạo thực hiện công tác cấp Giấy chứng nhận đối với các thửa đất đủ điều kiện, bảo đảm cho việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
2. Yêu cầu
a) Đến hết năm 2020 phải hoàn thành công tác đăng ký đất đai lần đầu đối với tất cả các thửa đất đang có người sử dụng hoặc thửa đất được giao quản lý chưa kê khai đăng ký trên địa bàn tỉnh.
b) Tập trung thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng đến người sử dụng đất để tạo sự đồng thuận về nhận thức trong Nhân dân về chủ trương thực hiện đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý; trường hợp không đăng ký sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
c) Tổ chức thực hiện đăng ký đất đai một cách đồng bộ, toàn diện trên địa bàn tỉnh; đảm bảo chính xác, đúng đối tượng, tuân thủ các quy định của pháp luật đất đai hiện hành và tuân thủ thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Mọi thửa đất đã được kê khai, đăng ký đất đai phải được thể hiện đầy đủ, thống nhất các thông tin trong hồ sơ địa chính ở các cấp.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN
1. Phạm vi thực hiện
Thực hiện đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh; triển khai đến từng địa bàn xã, phường, thị trấn.
2. Đối tượng thực hiện
a) Người sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 (gồm: Tổ chức trong nước; tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) đang sử dụng đất mà chưa thực hiện đăng ký đất đai, chưa được được cấp Giấy chứng nhận.
b) Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất để quản lý theo quy định tại Điều 8 Luật Đất đai mà không thuộc trường hợp cấp Giấy chứng nhận.
III. NỘI DUNG CỤ THỂ
1. Thời gian thực hiện đăng ký đất đai
a) Năm 2019, thực hiện kê khai đăng ký đất đai khoảng 170.000 thửa đất của hộ gia đình, cá nhân và 326 thửa đất của tổ chức.
b) Năm 2020, thực hiện kê khai đăng ký đất đai khoảng 260.000 thửa đất, của hộ gia đình, cá nhân và 496 thửa đất của tổ chức .
(Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo).
2. Nội dung thực hiện
a) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tại các cấp tỉnh, huyện, xã.
b) Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác đăng ký đất đai.
c) Tuyên truyền, thông báo đến người sử dụng đất, người được Nhà nước giao đất để quản lý mà chưa thực hiện đăng ký đất đai, chưa được cấp Giấy chứng nhận phải thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
d) Hướng dẫn người sử dụng đất kê khai và nộp hồ sơ đăng ký đất đai theo quy định.
đ) Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký đất đai theo quy định.
e) Tổng hợp báo cáo kết quả đăng ký đất đai; xây dựng bản đồ đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xác định rõ được diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận, diện tích đất đã đăng ký đất đai, diện tích đất cần cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa được cấp, diện tích đất thuộc trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận.
(Chi tiết thời gian thực hiện tại Phụ lục 2 kèm theo).
3. Trình tự các bước thực hiện đăng ký đất đai
a) Bước 1: Tổ chức tuyên truyền, thông báo cho người sử dụng đất chưa thực hiện kê khai đăng ký đất đai, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất đang sử dụng; các tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý phải thực hiện việc kê khai đăng ký đất đai theo quy định của Luật Đất đai.
b) Bước 2: Kê khai, nộp hồ sơ và tiếp nhận hồ sơ kê khai đăng ký đất đai của các tổ chức, cá nhân.
- Hướng dẫn người sử dụng đất kê khai, nộp hồ sơ: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn người sử dụng đất kê khai nộp hồ theo quy định.
+ Đối với tổ chức sử dụng đất, tổ chức được giao đất để quản lý: Hồ sơ nộp tại Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc tại UBND cấp xã nơi có đất.
Trường hợp nộp hồ sơ tại UBND cấp xã thì UBND cấp xã có trách nhiệm hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ và chuyển hồ sơ đến Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.
+ Đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam Hồ sơ nộp tại UBND cấp xã nơi có đất.
- Tiếp nhận hồ sơ: Văn phòng Đăng ký đất đai, UBND cấp xã bố trí cán bộ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
c) Bước 3: Kiểm tra xác nhận vào Đơn đăng ký đất đai.
- UBND cấp xã xác nhận tại Đơn đăng ký về hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 70 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
- Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì kiểm tra, xác nhận vào Đơn đăng ký đất đai đối với tổ chức sử dụng đất; tổ chức được giao đất để quản lý; thực hiện đăng ký, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính.
d) Bước 4: Sau khi UBND cấp xã kiểm tra xác nhận vào Đơn đăng ký đất đai theo quy định thì chuyển hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện đăng ký vào sổ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu và lập hồ sơ quản lý theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Là cơ quan thường trực, có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch; kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi đôn đốc tiến độ thực hiện, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.
b) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện đăng ký đất đai đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh và kinh phí xây dựng bản đồ đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận.
c) Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về đất đai và nội dung Kế hoạch này để người sử dụng đất nhận thực rõ việc đăng ký đất đai là bắt buộc và là quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
d) Chỉ đạo tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác đăng ký đất đai.
đ) Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp với các cơ quan chuyên môn của cấp huyện, cấp xã chuẩn bị các tài liệu, mẫu đơn, mẫu tờ khai và hướng dẫn các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện kê khai đăng ký đất đai theo quy định.
e) Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất hoặc được giao đất để quản lý không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
g) Chỉ đạo cung cấp sổ mục kê đất, sổ kiến điền (nếu có) lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 đang được lưu trữ tại cơ quan mình cho UBND cấp xã để phục vụ cho việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
h) Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh định kỳ kết quả thực hiện đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương, đảm bảo dành tối thiểu 10% số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định.
3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định dự toán kinh phí cho công tác đăng ký đất đai theo nội dung Kế hoạch này và trình UBND tỉnh phê duyệt; hướng dẫn các thủ tục thanh quyết toán đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các chuyên mục tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về đất đai và nội dung Kế hoạch này để nâng cao nhận thức của Nhân dân về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật và hiểu rõ việc đăng ký đất đai là bắt buộc đối với người sử dụng đất, người được Nhà nước giao đất để quản lý.
5. UBND các huyện, thành phố
a) Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai công tác đăng ký đất đai đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương.
b) Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện các nội dung như sau:
- Xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện trên địa bàn cấp xã, bảo đảm đến hết năm 2020 thực hiện xong việc đăng ký đất đai đối với các thửa đất thuộc trường hợp phải đăng ký theo Kế hoạch này trên địa bàn.
- Tập trung tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến từng thôn, bản, khu phố với nhiều hình thức để Nhân dân biết và thực hiện kê khai, đăng ký đất đai. Rà soát, lập danh sách, thông báo đến từng người sử dụng đất, người được giao đất để quản lý chưa đăng ký đất đai hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận. Hướng dẫn người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý thực hiện kê khai, lập hồ sơ đăng ký đất đai theo quy định.
- Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký đất đai đúng theo trình tự, thủ tục quy định. Tổng hợp, phân loại, thống kê kết quả tiếp nhận và giải quyết hồ sơ kê khai, đăng ký đất đai; kịp thời báo cáo UBND cấp huyện để chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện theo quy định.
- Cung cấp sổ mục kê đất, sổ kiến điền (nếu có) lập trước ngày 18/12/980 đang được lưu trữ tại cơ quan mình cho người sử dụng đất để phục vụ cho việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Trong quá trình kê khai đăng ký nếu có tranh chấp đất đai phát sinh thì thực hiện thẩm tra, xác minh, tổ chức hòa giải theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất hoặc được giao đất để quản lý không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
c) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường:
- Cung cấp sổ mục kê đất, sổ kiến điền (nếu có) lập trước ngày 18/12/1980 đang được lưu trữ tại cơ quan mình cho UBND cấp xã để phục vụ cho việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
- Thực hiện thẩm tra hồ sơ, trình UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo thẩm quyền đối với các trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
d) Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện đăng ký đất đai đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận của UBND cấp huyện. Hàng năm chủ động cân đối, bố trí kinh phí từ số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và sử dụng có hiệu quả số kinh phí được phân bổ để thực hiện công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định.
đ) Chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất hoặc được giao đất để quản lý không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
e) Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, theo dõi tiến độ thực hiện Kế hoạch đăng ký đất đai trên địa bàn, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc và đề xuất giải quyết những nội dung vượt thẩm quyền.
6. Đối với người sử dụng đất
a) Yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất hoặc được Nhà nước giao đất để quản lý phải thực hiện kê khai, đăng ký toàn bộ các thửa đất đang quản lý, sử dụng mà chưa kê khai đăng ký đất đai, chưa được cấp Giấy chứng nhận; cung cấp các giấy tờ liên quan đến thửa đất (nếu có). Các tổ chức đang sử dụng đất phải lập báo cáo tự rà soát về nguồn gốc đất, việc quản lý, sử dụng đất, đề xuất xử lý những diện tích bị lấn, chiếm, tranh chấp, diện tích đất lấn hoặc chiếm, diện tích đất được giao nhưng không sử dụng.
b) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất hoặc được Nhà nước giao đất quản lý mà không thực hiện đăng ký đất đai là vi phạm quy định của pháp luật về đất đai và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
7. Chế độ báo cáo
a) Báo cáo quý: UBND huyện có trách nhiệm xây dựng, gửi báo cáo đến Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20 của tháng cuối quý để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25 của tháng cuối quý (số liệu được tính đến hết ngày 15 của tháng cuối quý).
b) Báo cáo 06 tháng: UBND huyện có trách nhiệm xây dựng, gửi báo cáo đến Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20 tháng 6 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25 tháng 6 (Số liệu tính đến hết ngày 15 của tháng 6).
c) Báo cáo năm: UBND huyện có trách nhiệm xây dựng, gửi báo cáo đến Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 20 tháng 12 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25 tháng 12 (số liệu tính đến hết ngày 15 tháng 12).
Yêu cầu UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động tổ chức triển khai thực hiện. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc, UBND các các huyện, thành phố báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, chỉ đạo giải quyết theo quy định./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 03/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai do thành phố Hải Phòng ban hành
- 2Quyết định 10/2020/QĐ-UBND về bộ đơn giá sản phẩm đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 3Quyết định 07/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sỡ hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 4Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2023 về tổ chức kê khai, đăng ký đất đai lần đầu đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái
- 1Luật đất đai 2013
- 2Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
- 3Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
- 4Quyết định 03/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp trong hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai do thành phố Hải Phòng ban hành
- 5Quyết định 10/2020/QĐ-UBND về bộ đơn giá sản phẩm đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 6Quyết định 07/2020/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sỡ hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 7Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2023 về tổ chức kê khai, đăng ký đất đai lần đầu đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh Yên Bái
Kế hoạch 70/KH-UBND năm 2019 về đăng ký đất đai lần đầu đối với người sử dụng đất và người được nhà nước giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- Số hiệu: 70/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 18/04/2019
- Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
- Người ký: Hồ Tiến Thiệu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra