Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/KH-UBND

Phú Yên, ngày 25 tháng 05 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC GẮN VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM”TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2015-2020

Thực hiện Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. UBND tỉnh Phú Yên xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh nhận thức đúng khả năng sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam; chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; xây dựng văn hóa tiêu dùng dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Phát triển hệ thống phân phối, xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất - phân phối - tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam có thế mạnh đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao sức mua, bình ổn thị trường và cải thiện đời sống nhân dân.

2. Yêu cầu

Bám sát với mục đích đã nêu để tăng cường nhận thức của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo sự đồng thuận trong hành động, thúc đẩy sự tham gia chủ động tích cực và trách nhiệm để công tác phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động triển khai đạt hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để người tiêu dùng trong tỉnh biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp Việt Nam.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cơ quan, đơn vị và tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng yêu cầu của Cuộc vận động và thực hiện mua sắm hàng Việt Nam khi có nhu cầu mua sắm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong tỉnh khi mua sắm vật tư, thiết bị để thực hiện các dự án, công trình thì ưu tiên sử dụng các thiết bị, nguyên vật liệu và dịch vụ trong nước đảm bảo chất lượng.

- Tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền về Cuộc vận động trong nhà trường, các cấp học, đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên Đài phát thanh và truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên để thường xuyên tuyên truyền quảng bá về Cuộc vận động, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước. Đồng thời, phản ánh, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan về tình hình thực hiện Cuộc vận động của các ngành, địa phương trong tỉnh.

- Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, cổ động về Cuộc vận động bằng các hình thức, nội dung phù hợp tại các địa điểm công cộng, trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội trên địa bàn tỉnh.

- Cập nhật, công bố quảng bá thường xuyên và kịp thời danh mục máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất được để phục vụ tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.

- Thông tin chính thức về diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng hóa sản xuất trong nước trên các phương tiện thông tin đại chúng/website Sở Công Thương Phú Yên.

2. Phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững từ sản xuất - phân phối - tiêu dùng gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm. Từng bước nhân rộng mô hình liên kết, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia mô hình.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nhất là hệ thống chợ, nhằm mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các chợ truyền thống, khu vực tập trung đông dân cư, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa theo hướng bền vững.

- Triển khai chương trình bình ổn thị trường một cách phù hợp, ưu tiên đưa hàng Việt vào các điểm bán hàng bình ổn.

- Đẩy mạnh công tác hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chợ truyền thống, các chương trình khuyến mại hàng Việt Nam như “Ngày hàng Việt”, “Tuần hàng Việt”, “Tháng hàng Việt”…

- Tổ chức, vận động, hỗ trợ, thu hút các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao hoặc hàng hóa có thương hiệu để đưa vào thị trường, tạo uy tín cho các phiên chợ. Nghiên cứu bổ sung các nội dung của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nhằm thu hút lượng người đến tham quan, mua sắm.

- Nghiên cứu xây dựng và quảng bá các mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cố định tại các chợ trung tâm huyện, thị xã, thành phố, siêu thị, trung tâm thương mại và một quầy hàng trưng bày hàng giả tại các chợ trung tâm huyện, thị xã, thành phố để người tiêu dùng phân biệt khi lựa chọn mua sắm hàng hóa (quầy hàng này do Ban quản lý chợ quản lý). Phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng, cập nhật bản đồ số về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh.

- Hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trên cả nước.

- Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch gắn với quảng bá sản phẩm đặc trưng của Tỉnh.

3. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận nguồn vốn để đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khai thác lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị; nâng cao hiệu quả kết nối giữa nhà sản xuất, nhà phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

- Tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh về kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu; các hoạt động hỗ trợ để nâng cao năng lực sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

- Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các Hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh, thành phố để đưa các mặt hàng có thế mạnh của Tỉnh tiếp cận với người tiêu dùng của nhiều vùng miền trên cả nước.

- Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tác động của công nghệ thông tin đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, khai thác việc kinh doanh trên môi trường mạng.

4. Kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng

- Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng nhằm kiểm soát luồng lưu thông hàng hóa; triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh, kịp thời xử lý, nhắc nhở các tổ chức, doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh chấp hành đúng các quy định của pháp luật.

- Tăng cường hiệu quả của công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thực hiện tốt việc giám sát các sự kiện xúc tiến thương mại hàng Việt Nam, để đảm bảo mục đích Cuộc vận động và tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; củng cố lực lượng quản lý thị trường nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lồng ghép với quảng bá, giới thiệu hàng Việt Nam tới tay người tiêu dùng.

5. Một số chỉ tiêu cần đạt được

- Năm 2015: 80% người tiêu dùng và doanh nghiệp Phú Yên biết đến Cuộc vận động; tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn lên trên 70%, các siêu thị 80%.

- Đến năm 2016: xây dựng thí điểm các điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; triển khai xây dựng kênh truyền thông với chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên cơ quan báo, đài của tỉnh.

- Đến năm 2020: Trên 70% người tiêu dùng và doanh nghiệp Phú Yên biết đến các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” như các điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”; duy trì được kênh truyền thông với Chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên Đài Phát thanh và truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên để tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động; tăng thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa lên trên 90%. Cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam của cả nước với tỉnh Phú Yên.

6. Kinh phí thực hiện

Các Sở, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Đề án.

7. Danh mục các chương trình (Theo phụ lục đính kèm).

III. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Các Sở, ngành, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện hàng năm với những mục tiêu, nội dung triển khai cụ thể:

1. Sở Công Thương

- Đơn vị thường trực chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015 - 2020.

- Chủ trì, phối hợp cùng các Sở, ngành tỉnh trong thực hiện các Chương trình, kế hoạch, quy hoạch hàng năm thuộc lĩnh vực Công Thương; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch được phê duyệt; Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình gắn với thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như: Bình ổn giá; tổ chức đưa hàng về nông thôn; Liên kết Sở Công Thương giữa các tỉnh, thành phố; Tháng Khuyến mại; Hội chợ hàng Việt; Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

- Chủ động phối hợp với các Sở, ngành, các doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nghiên cứu, xem xét việc bổ sung hạ tầng thương mại trên địa bàn nông thôn vào danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư.

- Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị trong triển khai Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên môi trường trực tuyến” (website: www.tuhaohangvietnam.vn). Xây dựng và phối hợp quảng bá các mô hình thí điểm về Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cố định tại các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại.

- Phối hợp với các Sở, ngành đẩy mạnh thông tin, truyền thông, vận động doanh nghiệp Việt Nam nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình gắn với sản phẩm hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác, tạo nguồn hàng và đưa hàng Việt Nam vào kênh phân phối bán lẻ hiện đại.

- Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt với tên gọi là “Tự hào hàng Việt Nam” tại các Chợ, cửa hàng tiện lợi, khu vực đông dân cư ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

- Phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức xã hội tuyên truyền phổ biến pháp luật về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các chương trình khuyến mại hàng Việt.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng cho doanh nghiệp về kỹ năng bán hàng, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu.

- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về ứng dụng thương mại điện tử vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

- Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, các biện pháp chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất chân chính.

- Chủ trì tổng hợp kinh phí hoạt động của các sở, ngành, đơn vị giai đoạn 2015 - 2020 và hàng năm để phối hợp với Sở Tài chính trình UBND xem xét phê duyệt.

- Chủ trì tổng hợp đề xuất khen thưởng hàng năm đối với các đơn vị, doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín tích cực thực hiện tốt Cuộc vận động trình Bộ Công Thương, UBND tỉnh khen thưởng.

2. Sở Thông tin và Truyền thông

- Tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, vận động bằng các hình thức phù hợp để người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Đồng thời khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo, đài chủ động phối hợp với Sở Công Thương xây dựng các chương trình, chuyên mục như “Tự hào hàng Việt Nam”, thường xuyên tuyên truyền, quảng bá về hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; phản ánh, cung cấp kịp thời và thông tin chính xác, khách quan về tình hình thực hiện Đề án và cuộc vận động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính

Cân đối, tham mưu bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo quy định hiện hành.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phối hợp cùng các Sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp trong hình thành liên kết sản xuất hàng hóa:

- Nghiên cứu, xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng bền vững từ sản xuất - phân phối - tiêu dùng. Tạo điều kiện để các đơn vị nhỏ và vừa được tham gia vào chuỗi.

- Xây dựng chính sách và áp dụng các biện pháp thích hợp để hỗ trợ hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng nông sản để tăng cường liên kết trong chuỗi hàng Việt Nam gắn với quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền phù hợp về Cuộc vận động trong nhà trường, các cấp học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020, để học sinh, sinh viên được cung cấp thông tin, ý thức hơn trong việc lựa chọn và tiêu thụ sản phẩm nội địa.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá về tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh gắn với quảng bá các sản phẩm, hàng hóa đặc trung của tỉnh.

- Chú trọng giới thiệu các chương trình, sản phẩm du lịch, sản phẩm làng nghề du lịch truyền thống trên địa bàn tỉnh tại các sự kiện, liên hoan về du lịch khi tham gia ở các tỉnh, thành phố cả nước.

7. Báo Phú Yên, Đài phát thanh và Truyền hình Phú Yên

- Phối hợp với Sở Công Thương xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong tỉnh có cơ hội quảng bá sản phẩm, hàng hóa của đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về tình hình thực hiện Cuộc vận động của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

8. Các Sở, ban ngành, đoàn thể

Xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, hưởng ứng Cuộc vận động trong nội bộ, cơ quan, đơn vị bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; Ưu tiên lựa chọn hàng Việt trong mua sắm, trang bị.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo phòng, ban, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch hàng năm để đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Thông báo Kết luận số 264/TB-TW ngày 31/7/2009 của Bọ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

- Phối hợp với các Sở, ngành tỉnh trong việc thực hiện các chương trình hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phát triển hạ tầng thương mại (ưu tiên xã hội hóa đầu tư), Phát triển mạng lưới phân phối, tổ chức đưa hàng về nông thôn,...

- Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu đối với các sản phẩm có thế mạnh, sản phẩm các làng nghề truyền thống tại địa phương; quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng thông qua triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

10. Các hội, hiệp hội doanh nghiệp

- Chủ động phối hợp với các Sở, ngành của tỉnh để được cung cấp thông tin về chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động để kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác tới các hội viên.

- Hỗ trợ các hội viên có mong muốn tiếp cận tham gia các chương trình, những thông tin cần thiết để triển khai thực hiện; làm đầu mối cho doanh nghiệp tham gia các chương trình của Cuộc vận động.

Căn cứ vào Kế hoạch trên, UBND Tỉnh yêu cầu các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan thông tấn, báo chí; hội, hiệp hội phối hợp tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015-2020, định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Công Thương để tổng hợp báo cáo UBND Tỉnh theo quy định./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Đình Cự

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC GẮN VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “ NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2015-2020
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 70/KH-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2015 của UBND tỉnh Phú Yên)

TT

Tên Chương trình

Mục tiêu chương trình

Nội dung thực hiện

Cơ quan thực hiện

Thời gian thực hiện

Cơ quan chủ trì

Cơ quan phối hợp

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

1

Chương trình hỗ trợ xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên Báo Phú Yên, Đài phát thanh và Truyền hình Phú Yên.

Nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về chất lượng của hàng Việt Nam cũng như khả năng của doanh nghiệp Việt Nam, từ đó thay đổi thói quen tiêu dùng và lựa chọn hàng hóa.

- Hỗ trợ xây dựng chuyên mục, chuyên trang “Tự hào hàng Việt Nam” trên Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên.

- Hỗ trợ hoạt động tuyên truyền, quảng bá cuộc vận động của Ban chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh.

Sở Công Thương.

Ban chỉ đạo Cuộc vận động Tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính, Báo Phú Yên, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên, các cơ quan, đơn vị liên quan.

Hàng năm
(từ năm 2016 đến năm 2020).

2

Tổ chức các gian hàng trưng bày, nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả giúp dễ dàng phân biệt hàng Việt Nam.

Tổ chức gian hàng trưng bày đặt tại các Hội Chợ diễn ra trên địa bàn tỉnh.

Sở Công Thương.

Sở Thông tin và Truyền thông, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Các doanh nghiệp.

Hàng năm.

3

Chương trình đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng Việt Nam.

Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm thương hiệu Việt Nam, mở rộng hệ thống phân phối, thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Tổ chức Chương trình bán hàng Việt; tham gia hội chợ trong tỉnh và các tỉnh, thành trên cả nước.

Sở Công Thương.

Các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan.

Hàng năm.

4

Chương trình triển khai phát triển Thương mại điện tử.

Ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Tuyên truyền, đào tạo tập huấn về TMĐT;

- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử.

Sở Công Thương.

BQL Khu kinh tế; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Doanh nghiệp và các đơn vị có liên quan…

Hàng năm.

5

Tuyên truyền phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nâng cao nhận thức về Quyền và nghĩa vụ cho người tiêu dùng; Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Tuyên truyền phổ biến và thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để nâng cao nhận thức vai trò của người tiêu dùng về việc thực hiện các Quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia mua sắm, sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Sở Công Thương.

Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh; đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Hàng năm.

6

Chương trình xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” cố định tại các Chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

Hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, tiểu thương xây dựng điểm bán hàng Việt Nam uy tín, chất lượng đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong Tỉnh.

Xây dựng và quảng bá các mô hình thí điểm về điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”.

Sở Công Thương.

Các Sở, ban ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Hàng năm.

7

Chương trình hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh về kỹ năng bán hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại.

Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các doanh nghiệp về phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu...

Tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn cho doanh nghiệp trong tỉnh.

Sở Công Thương.

UBND các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; các cơ quan, đơn vị có liên quan; các trường đào tạo.

Hàng năm.

8

Chương trình mô hình các chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

Giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp hình thành liên kết sản xuất hàng hóa.

Xây dựng giải pháp, chính sách áp dụng các biện pháp để các đơn vị sản xuất mặt hàng nông sản tăng cường liên kết chuỗi hàng Việt gắn với quản lý chất lượng an toàn thực phẩm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các Sở ban ngành UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp; hộ kinh doanh…

Hàng năm.

9

Chương trình tuyên truyền cuộc vận động trong nhà trường, các cấp học trên địa bàn tỉnh.

Giúp học sinh, sinh viên ở các cấp học được cung cấp thông tin, ý thức hơn trong việc lựa chọn và tiêu thụ sản phẩm nội địa.

Xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền phù hợp về cuộc vận động trong nhà trường, các cấp học trên địa bàn tỉnh.

Sở Giáo dục và Đào tạo.

Các Sở ngành, trường học trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm.

10

Chương trình đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá các tuyến, điểm du lịch làng nghề.

Tăng cường du lịch làng nghề, gắn với quảng bá sản phẩm du lịch của làng nghề.

Xây dựng các giải pháp, biện pháp thu hút khách tham quan các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố, các làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Hàng năm.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 70/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2015-2020 tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 70/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/05/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Đình Cự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/05/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản