Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 18 tháng 09 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” TỈNH THỪA THIÊN HUẾ, GIAI ĐOẠN 2012 - 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Đẩy mạnh và nâng cao nhận thức trong cấp ủy Đảng, Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; các cấp, các ngành từ cơ quan Nhà nước đến ngoài xã hội, trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống xã hội phát triển.

2. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; hiệu lực quản lý của các cấp Chính quyền; vai trò chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các cấp; sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở các cấp; phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng, tạo cơ chế quản lý đồng bộ để phong trào phát triển bền vững.

3. Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; loại bỏ những thủ tục, tập quán lỗi thời, lạc hậu, hình thành những tập quán mới văn hóa, văn minh phù hợp với truyền thống văn hóa của địa phương.

4. Phối hợp và đẩy mạnh các phong trào hiện có, tạo sức mạnh tổng hợp của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phong trào phù hợp với đặc điểm, tình hình ở các khu vực, vùng miền; thu hút càng đông đảo các tầng lớp nhân dân ở các địa bàn tham gia.

5. Nâng cao chất lượng theo các tiêu chí, qui ước về nếp sống văn hóa. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực tham gia thực hiện phong trào, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa phát triển, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng đáng là trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, tiến tới thành phố trực thuộc Trung ương.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ NHỮNG NỘI DUNG CỤ THỂ

1. Mục tiêu chung

a) Huy động sức mạnh của toàn đảng, toàn dân, mọi nguồn lực xã hội tập trung chỉ đạo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020. Gắn kết và phát huy vai trò của phong trào với phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

b) Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015:

- 90% làng (thôn, bản), tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa;

- 92% gia đình được công nhận đạt chuẩn văn hóa;

- 95% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

- 30% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 25% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

- 30% nhà văn hóa và khu thể thao xã, phường, thị trấn; 55% nhà văn hóa thôn.

b) Định hướng đến năm 2020:

- Củng cố và nâng cao chất lượng, nâng cao tỷ lệ các chỉ tiêu đạt được giai đoạn 2012 - 2015.

- 60% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 40% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

- 60% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa và khu thể thao xã, 80% làng, thôn, bản có nhà văn hóa và khu thể thao

3. Nội dung cụ thể

a) Đẩy mạnh phát triển số lượng, chú trọng nâng cao chất lượng “Làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”, “Gia đình văn hóa”:

- Chú trọng đẩy mạnh phong trào đồng đều ở khắp các địa phương, vùng miền Chỉ đạo triển khai công nhận danh hiệu đạt chuẩn văn hóa theo giai đoạn để nâng cao chất lượng phong trào. Lồng ghép nhiều nội dung, nhiều phong trào ở cơ sở vào phong trào “TDĐKXDĐSVH”.

- Tiến hành tổng kết các chương trình phối hợp liên ngành, khắc phục sự chồng chéo, nhiều đầu mối làm cho việc phối hợp được tập trung, thống nhất, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong việc thực hiện các nội dung của Phong trào.

- Nâng cao chất lượng các danh hiệu đạt chuẩn văn hóa bằng cách thường xuyên tổ chức phúc tra, kiểm tra để công nhận theo giai đoạn. Tăng cường công tác giám sát của Ban chỉ đạo cấp tỉnh đối với Ban chỉ đạo các cấp.

b) Xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị:

Trên cơ sở phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn văn hóa đã triển khai trong giai đoạn trước, tiếp tục triển khai phong trào với những danh hiệu, tiêu chuẩn mới quy định tại Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02 tháng 12 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về việc Quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” cụ thể:

* Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới với các tiêu chuẩn sau:

- Giúp nhau phát triển kinh tế;

- Nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa, Làng, thôn, bản văn hóa;

- Xây dựng thiết chế văn hóa và thể thao;

- Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn;

- Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

* Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị với các tiêu chuẩn sau:

- Quản lý, xây dựng đô thị theo qui hoạch;

- Nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa;

- Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa đô thị;

- Xây dựng phong trào văn hóa, thể thao;

- Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương.

c) Xây dựng thành phố, thị xã văn minh đô thị:

- Thành phố Huế trên cơ sở đang triển khai Đề án xây dựng văn minh đô thị, tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung của đề án nhằm góp phần nâng cao vị thế của một thành phố Festival, thành phố du lịch của Việt Nam.

- Chỉ đạo xây dựng và triển khai Đề án Văn minh đô thị đối với thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà.

d) Xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở:

- Các địa phương hoàn thành qui hoạch, dành quỹ đất công, giải phóng mặt bằng xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, xã hội hóa theo các quy định của Pháp luật;

- Huy động mọi nguồn lực đầu tư cho xây dựng thiết chế và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở;

- Hàng năm xác định chỉ tiêu phát triển văn hóa, thể thao, tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa, thể thao cơ sở;

- Đẩy mạnh việc xây dựng quỹ văn hóa ở các cộng đồng dân cư.

đ) Tiếp tục thực hiện 5 nội dung chủ yếu của phong trào:

- Trên cơ sở 5 nội dung chủ yếu của Phong trào “TDĐKXDĐSVH” là “Phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng, xóa đói giảm nghèo; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh; xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội; sống và làm việc theo pháp luật; xây dựng môi trường văn hóa - sạch - đẹp - an toàn và xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - thể thao cơ sở”, Ban chỉ đạo phong trào các cấp kết hợp với những tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cụ thể hóa thành những nội dung, tiêu chí đưa vào các phong trào cụ thể để chỉ đạo triển khai thực hiện.

- Tập trung chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong đó cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện và vận động nhân dân thực hiện.

e) Tập trung nâng cao chất lượng các phong trào cụ thể sau:

* Xây dựng “Người tốt việc tốt” và các điển hình tiên tiến:

- Xây dựng con người có đủ phẩm chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hóa. Bình chọn và biểu dương khen thưởng “Người tốt, việc tốt” các cấp trong phong trào “TDĐKXDĐSVH”.

- Biểu dương, khen thưởng và phổ biến nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “TDĐKXDĐSVH” bao gồm:

+ Gia đình văn hóa; làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

+ Các cá nhân, tập thể có tinh thần vượt khó, phát huy nội lực, có tinh thần đóng góp cho phong trào, có cách làm sáng tạo, hiệu quả, đạt thành tích xuất sắc thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH”.

* Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới:

- Thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động trên cơ sở bổ sung nội dung, tiêu chí thực hiện góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” gắn với việc huy động mọi nguồn lực nhằm đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo.

- Tiếp tục phát huy kết quả việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư gắn với việc tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu.

* Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “gia đình văn hóa”; “làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”:

- Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và năng lực tự quản cộng đồng trong quá trình xây dựng và giữ vững danh hiệu “gia đình văn hóa”; “làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”.

- Trên cơ sở Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Làng văn hóa”; “Thôn văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương, Ban chỉ đạo các cấp nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tiêu chí cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới.

- Nâng cao chất lượng và tiêu chuẩn các làng, thôn, bản, tổ dân phố, gia đình đã đạt chuẩn văn hóa. Thực hiện nghiêm túc việc bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Làng văn hóa”; “Thôn văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa” theo Luật Thi đua - Khen thưởng.

- Phát huy vai trò của ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trong việc tuyên truyền vận động, bình xét và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Làng văn hóa”; “Thôn văn hóa”; “Bản văn hóa”; “Tổ dân phố văn hóa”.

* Xây dựng, công nhận cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa:

Nâng cao chất lượng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đạt chuẩn văn hóa. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt các nội dung tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa phù hợp với tính chất, đặc điểm từng loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Gắn việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa với việc thực hiện qui chế Dân chủ ở cơ sở và qui chế Văn hóa công sở.

Thực hiện các tiêu chuẩn đánh giá tại Thông tư số 01/2012/TT-BVHTTDL ngày 18 tháng 01 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc Qui định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, tập trung các nội dung chủ yếu sau:

- Xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa theo các tiêu chuẩn cơ bản: Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở; Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa theo các tiêu chuẩn cơ bản: Sản xuất kinh doanh ổn định và từng bước phát triển; Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa doanh nghiệp; Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người lao động; Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước.

* Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”: Phát huy phong trào luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, phong trào thể dục thể thao quần chúng ở các vùng dân cư, đơn vị cơ sở; khuyến khích mọi loại hình xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao.

ê) Gắn kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với các cuộc vận động, các phong trào khác nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ:

- Các phong trào, các cuộc vận động của các ngành, đoàn thể tiếp tục chủ động phối hợp với Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” để thống nhất bổ sung, lồng ghép các nội dung cho phù hợp với tình hình mới.

- Thực hiện các chương trình phối hợp giữa ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, Ban dân tộc tỉnh về “Đẩy mạnh công tác văn hóa - thông tin ở miền núi và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số”, “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động văn hóa, thông tin trên các tuyến biên giới, ven biển và đầm phá”.

- Gắn với các cuộc vận động xã hội lớn: “Ngày vì người nghèo”; xây dựng nông thôn mới; xây dựng đô thị văn minh; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thực hiện Kế hoạch hóa gia đình; Xây dựng văn hóa giao thông; phòng chống tệ nạn xã hội.

- Gắn kết thực hiện các nhiệm vụ của các ngành, đoàn thể với các phong trào: “Học tập, lao động, sáng tạo trong cán bộ, công nhân viên chức”; “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”; “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Cựu chiến binh gương mẫu”; “Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”; “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các đơn vị lực lượng vũ trang”; “Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân”.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nâng cao nhận thức, Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo

a) Tổ chức tốt và đổi mới các hình thức tuyên truyền nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị doanh nghiệp về ý nghĩa, mục tiêu của phong trào trong giai đoạn mới.

b) Kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “TDĐKXDĐSVH” giai đoạn mới với những chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với từng địa phương và từng thời kỳ. Đưa mục tiêu thực hiện phong trào vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của các cấp Chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện;

c) Các cơ quan, địa phương thành viên Ban chỉ đạo phong trào cấp tỉnh chủ động tăng cường các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào; đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tồn tại đặt ra trong quá trình triển khai phong trào;

d) Xây dựng và thực hiện tốt quy chế hoạt động, quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo các cấp nhằm đảm bảo sự chỉ đạo tập trung và phát huy vai trò chủ động của các cơ quan, tổ chức thành viên Ban chỉ đạo các cấp;

đ) Phối hợp chặt chẽ giữa Ban chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” và Ban vận động “TDĐKXDĐSVH ở khu dân cư” ở các cấp; củng cố và nâng cao năng lực tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa” từ cấp tỉnh đến cơ sở;

Thống nhất danh hiệu, hình thức công nhận, cấp công nhận và khen thưởng, các danh hiệu thi đua, danh hiệu văn hóa. Đảm bảo công nhận các danh hiệu văn hóa đúng tiêu chuẩn, có kỳ hạn. Định kỳ kiểm tra, phúc tra công nhận các đơn vị đạt chuẩn văn hóa hoặc thu hồi danh hiệu văn hóa đối với các đơn vị vi phạm, nhằm nâng cao chất lượng của phong trào.

2. Huy động nguồn lực cho phong trào

a) Tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước:

- Đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo phong trào ở các cấp; kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ; kinh phí khen thưởng các cá nhân, gia đình, các tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện phong trào theo quy định hiện hành;

- Đảm bảo ngân sách nhà nước xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao xã, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao thôn theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 06 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020; Tăng cường hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao thôn, trang thiết bị hoạt động văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa hàng năm cấp cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Đảm bảo kinh phí khen thưởng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” theo quy định hiện hành.

b) Đẩy mạnh công tác xã hội hóa:

- Xây dựng cơ chế, khuyến khích tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp xã hội xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

- Huy động sự đóng góp của các tổ chức, tập thể và cá nhân cho việc thực hiện phong trào; phát động rộng rãi các mô hình tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phù hợp với điều kiện sinh hoạt và nhu cầu người dân ở cơ sở.

3. Huy động sức mạnh của hệ thống chính trị tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Tiếp tục thực hiện phương hướng nêu trong Nghị quyết Trung ương V (Khóa VIII): “… Huy động mọi nguồn lực nhân dân và các hệ thống chính trị từ trên xuống, từ trong Đảng, cơ quan Nhà nước, các đoàn thể ra ngoài xã hội tích cực tham gia phong trào...”.

Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động và tập hợp lực lượng tham gia phong trào, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ tự quản cộng đồng và ban công tác Mặt trận ở cơ sở.

4. Đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, thi đua khen thưởng

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát động, triển khai phong trào thi đua thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp thường xuyên, thiết thực hiệu quả;

b) Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên các phương tiện thông tin đại chúng. Biểu dương, khen thưởng kịp thời các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào ở mỗi cấp, mỗi ngành, đoàn thể, góp phần tạo động lực phát triển phong trào. Lấy kết quả thực hiện phong trào là một trong những tiêu chuẩn để bình xét các danh hiệu thi đua của các cá nhân và tập thể hàng năm;

c) Định kỳ tổ chức các hội nghị tuyên dương các cá nhân, tập thể xuất sắc trong phong trào ở các cấp, tiến tới Hội nghị tôn vinh các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp tỉnh và tham gia Hội nghị toàn quốc vào năm 2015 và năm 2020;

d) Thống nhất việc thực hiện công nhận các danh hiệu theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể:

- Danh hiệu “Gia đình văn hóa” do UBND cấp xã, phường, thị trấn ra quyết định công nhận hàng năm, 3 năm cấp Giấy công nhận.

- Danh hiệu “Làng văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” do UBND cấp huyện, thị xã, thành phố ra Quyết định kèm theo Giấy công nhận theo định kỳ từ hai (02) năm trở lên (công nhận lần đầu), ba (03) năm trở lên (công nhận lại).

- Danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” Do Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh công nhận sau một năm (01 năm) đăng ký xây dựng (công nhận lần đầu), năm năm (05) năm trở lên (công nhận lại),

- Danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” do Chủ tịch UBND huyện, thị xã công nhận sau hai (02) năm đăng ký xây dựng.

- Danh hiệu “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” do Chủ tịch UBND thành phố, thị xã công nhận sau hai (02) năm đăng ký xây dựng.

5. Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp

Thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp tỉnh thường xuyên mở các đợt tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng tổ chức triển khai thực hiện phong trào cho Ban chỉ đạo phong trào các cấp và cán bộ trực tiếp tham mưu triển khai phong trào ở cơ sở.

Xây dựng, phổ biến, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến giữ vững và phát huy các danh hiệu văn hóa, có cách làm sáng tạo, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp. Nghiên cứu kịp thời bổ sung, sửa đổi các tiêu chí đánh giá cho phù hợp với tình hình thực tiễn của từng địa phương, vùng miền.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh căn cứ Kế hoạch để giúp UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, địa phương thành thực hiện; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh:

a) Trình Chủ tịch UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phong trào, cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá các danh hiệu đạt chuẩn văn hóa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển của phong trào trong giai đoạn mới.

b) Tổ chức các hoạt động tuyên truyền văn hóa, các Liên hoan, Hội thi, hội diễn, các cuộc Thi viết về các điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa; làng, thôn, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị văn hóa và xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

c) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới;

d) Phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh theo dõi phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

3. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí xây dựng chương trình, kế hoạch mở các chuyên trang chuyên mục để tuyên truyền về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện kế hoạch theo quy định hiện hành.

5. Các cơ quan, đơn vị là thành viên của Ban chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào, nội dung văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức mình.

6. Sở Y tế chỉ đạo triển khai có hiệu quả mô hình “Cụm dân cư không có người sinh con thứ 3”, phối hợp lồng ghép chính sách Dân số/kế hoạch hóa gia đình vào các quy ước, hương ước xây dựng Làng, thôn, bản, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.

7. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục đẩy mạnh triển khai có hiệu quả mô hình “Xã, phường không có tệ nạn xã hội”.

8. Công an tỉnh phối hợp với các ban ngành và Chính quyền các cấp triển khai tốt phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh chỉ đạo thực hiện các nội dung:

a) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng người dân, hộ gia đình, khu dân cư về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh...

b) Chủ trì thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo” và các phong trào khác có liên quan.

10. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Chủ trì triển khai phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, tổ chức xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế:

a) Cụ thể hóa Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020 sát với yêu cầu thực tiễn ở địa phương. Hàng năm, lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển phong trào vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội động của địa phương để triển khai thực hiện.

b) Đảm bảo kinh phí hoạt động cho Phong trào tại địa phương. Tổ chức công nhận danh hiệu văn hóa, khen thưởng các cá nhân, gia đình, tập thể xuất sắc thực hiện phong trào theo quy định của Pháp luật.

c) Chỉ đạo xây dựng và công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn văn minh đô thị.

Trên cơ sở Kế hoạch này, yêu cầu các đơn vị, địa phương định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp) để báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL;
- TVTU,
- TTHĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị được giao nhiệm vụ;
- VP: CVP, PCVP và CV: KH, TH;
- Lưu: VT, VH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 69/KH-UBND năm 2012 thực hiện Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 69/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/09/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Ngô Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản