Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 638/KH-UBND

An Giang, ngày 17 tháng 10 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP VÀ HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017;

Căn cứ Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;

Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2025;

Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Công văn số 5764/BKHĐT-PTDN ngày 20 tháng 8 năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đôn đốc triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án) nhằm mục đích đẩy nhanh tốc độ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo;

b) Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ dựa vào tiềm năng và lợi thế của tỉnh; tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch và ổn định để các doanh nghiệp hoạt động và phát triển, nhằm đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu:

a) Việc xây dựng Đề án cần bám sát các nội dung, quy định của Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn thi hành, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền, đúng đối tượng, đầy đủ nội dung, đúng trình tự và thủ tục theo quy định;

b) Việc cân đối và phân bổ các nguồn lực để thực hiện Đề án phải có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tế, phù hợp với nhu cầu và mong muốn chính đáng của doanh nghiệp trong từng giai đoạn phát triển, tránh dàn trải, hình thức; trong đó ưu tiên hỗ trợ phát triển các ngành, lĩnh vực trọng yếu, là tiềm năng và lợi thế của tỉnh gắn với phát triển tài nguyên bản địa dựa vào sức mạnh công nghệ. Cần cơ chế huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội tạo nên sức mạnh tổng hợp để các cấp, các ngành, đoàn thể tham gia tích cực hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

c) Đề án phải có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, trách nhiệm rõ ràng và thống nhất để các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao và có ý nghĩa thiết thực. Đồng thời, Đề án cần có cơ chế khen thưởng và xử lý cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan, đơn vị được phân công làm công tác hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách, xem đây là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao;

d) Các nội dung của Đề án cần phải có tính linh hoạt cao, có thể điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển và đảm bảo đúng hướng, đúng chủ trương, chính sách của Trung ương và của Tỉnh về phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp trong từng thời gian cụ thể.

III. NỘI DUNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

Thứ tự các bước

Nội dung

Thời gian

1

Xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án

10/9 - 12/10/2018

2

Lựa chọn đơn vị tư vấn lập Đề cương và dự toán chi phí xây dựng Đề án

15/10 - 19/10/2018

3

Lập Đề cương và dự toán chi phí xây dựng Đề án, bao gồm thiết kế bảng câu hỏi khảo sát nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng (khoảng 1.000 doanh nghiệp) và câu hỏi phỏng vấn chuyên sâu các chuyên gia, nhà quản lý

22/10 - 02/11/2018

4

Thẩm định và trình phê duyệt Đề cương và dự toán chi phí xây dựng Đề án

05/11 - 16/11/2018

5

Lập các thủ tục giao nhận thầu và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn lập Đề án

19/11 - 23/11/2018

6

Tiến hành khảo sát thu thập số liệu sơ cấp và thứ cấp về tình hình hoạt động và phát triển của doanh nghiệp, nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; nhập và phân tích số liệu

26/11 - 26/01/2019

7

Viết Đề án

28/01 - 22/02/2019

8

Thông qua cơ quan chủ trì lập Đề án và chỉnh sửa lần 1

25/02 - 01/3/2019

9

Tổ chức lấy ý kiến các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện

04/3 - 08/3/2019

10

Chỉnh sửa lần 2 theo ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện

11/3 - 15/02/2019

11

Lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi chỉnh sửa lần 2

18/3 - 29/3/2019

12

Hoàn chỉnh Đề án trình thông qua Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh hoặc Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ hợp gần nhất

Dự kiến tháng 6/2019

IV. DỰ TRÙ VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Dự trù kinh phí: Tổng kinh phí xây dựng Đề án là 497.343.000 đồng

(Bằng chữ: Bốn trăm chín mươi bảy triệu, ba trăm bốn mươi ba nghìn đồng).

Kinh phí thực tế thực hiện sẽ được thẩm định, bố trí sau khi Đề cương và dự toán được cấp thẩm quyền phê duyệt.

2. Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước tỉnh và các nguồn hợp pháp khác (nếu có).

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp quản lý và thực hiện Kế hoạch này với các nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng Đề cương và dự toán chi tiết, thiết kế bảng câu hỏi khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu, phương thức thu thập số liệu và xử lý số liệu;

b) Tổ chức thẩm định Đề cương, trình phê duyệt Đề cương và dự toán chi tiết thực hiện Đề án; thực hiện các thủ tục giao nhận thầu, ký hợp đồng, thanh quyết toán theo quy định và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí đúng mục đích và hiệu quả;

c) Theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện Đề cương, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện;

2. Căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị có liên quan thẩm định, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch này trên cơ sở lồng ghép với các nhiệm vụ thường xuyên theo quy định;

3. Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu và phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng Đề án.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch & các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- VPUBND tỉnh: CVP, P. KTTH & TH;
- Lưu: HCTC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 638/KH-UBND năm 2018 về triển khai Đề án phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh An Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 638/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/10/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Lê Văn Nưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản