Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 630/KH-UBND

Phú Nhuận, ngày 24 tháng 8 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TẠI MỘT SỐ CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH BÁNH TRUNG THU NĂM 2016 KẾT HỢP VỚI “KIỂM TRA SÂU” NGUỒN GỐC THỰC PHẨM TẠI CÁC CHỢ TRUYỀN THỐNG VÀ KHU DÂN CƯ TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN

Căn cứ Công văn số 8062/SCT- QLTM và Kế hoạch số 8067/KH-SCT ngày 27 tháng 7 năm 2016 của Sở Công Thương về tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm các sản phẩm bánh trung thu; triển khai thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2016;

Thực hiện Thông báo số 117-TB/QU ngày 03 tháng 6 năm 2016 của Quận ủy quận Phú Nhuận về Kết luận của Đồng chí Bí thư Quận ủy đối với khảo sát tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống trên địa bàn quận,

Ủy ban nhân dân quận xây dựng kế hoạch triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2016 kết hợp với “kiểm tra sâu” nguồn gốc thực phẩm ở một số cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ truyền thống và khu dân cư trên địa bàn quận như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Đánh giá thực trạng việc chấp hành quy định pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm (sau đây viết tắt là ATTP) của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó tập trung vào các sản phẩm bánh trung thu, các mặt hàng tươi sống, hàng nông sản. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây lan qua đường thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, đảm bảo cho nhân dân đón Tết Trung thu an toàn;

Đề xuất các giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng ATTP trên địa bàn quận;

Trong quá trình kiểm tra kết hợp công tác tuyên truyền các quy định pháp luật, giáo dục kiến thức về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung, bánh Trung thu nói riêng trong công tác bảo đảm ATTP.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ TIẾN HÀNH KIỂM TRA

- Luật An toàn thực phẩm năm 2010;

- Luật Thanh tra năm 2010;

- Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007;

- Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

- Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

III. ĐỐI TƯỢNG VÀ NỘI DUNG KIỂM TRA

1. Đối tượng:

a. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm sử dụng trong dịp Tết Trung thu như: bánh Trung thu, bánh pía, rau câu...

b. Các cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật, trọng tâm là các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm, hàng nông sản;

c. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương;

d. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, căn tin; quán ăn, cửa hàng ăn uống, thức ăn đường phố;

2. Nội dung:

2.1 Kiểm tra hồ sơ liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

a. Đối với cơ sở kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

- Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, giấy chứng nhận tiêu chuẩn của sản phẩm và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

- Bản công bố hợp quy, bản thông tin chi tiết sản phẩm, mẫu sản phẩm đối chứng.

- Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng tại cơ sở kiểm nghiệm được Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ định hoặc được công nhận.

- Phiếu kiểm nghiệm chất lượng nước (đối với nước giếng).

- Hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ liên qua đến nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm.

- Giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

- Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

- Nội dung ghi nhãn sản phẩm phù hợp với nội dung đã đăng ký với cơ quan thẩm quyền.

- Chứng chỉ phù hợp với tiêu chuẩn HACCP (hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) hoặc ISO 22000 (tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế) hoặc tiêu chuẩn tương đương, hồ sơ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với cơ sở áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP và ISO 22000 (nếu có).

- Hồ sơ về nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia sử dụng chế biến thực phẩm.

- Lưu mẫu thực phẩm.

- Tập trung kiểm tra, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khi có dấu hiệu vi phạm về chất lượng ATTP. Kiểm tra ngược dòng đối với những cơ sở sản xuất, chế biến, cung ứng các sản phẩm không đảm bảo ATTP và xử lý các cơ sở vi phạm.

b. Đối với cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

- Bản cam kết với cơ quan chức năng hoặc bản tự cam kết.

- Giấy tiếp nhận bản công bố họp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, giấy chứng nhận tiêu chuẩn của sản phẩm và bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

- Bản công bố hợp quy, bản thông tin chi tiết sản phẩm, mẫu sản phẩm đối chứng.

- Kết quả kiểm nghiệm sản phẩm trong vòng 12 tháng tại cơ sở kiểm nghiệm được Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ định hoặc được công nhận.

- Phiếu kiểm nghiệm chất lượng nước (đối với nước giếng).

- Hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ liên qua đến nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm.

- Giấy chứng nhận sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

- Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

- Nội dung ghi nhãn sản phẩm phù hợp với nội dung đã đăng ký với cơ quan thẩm quyền.

- Chứng chỉ phù hợp với tiêu chuẩn HACCP hoặc ISO 22000 hoặc tiêu chuẩn tương đương, hồ sơ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với cơ sở áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP và ISO 22000 (nếu có).

- Hồ sơ về nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia sử dụng chế biến thực phẩm.

- Lưu mẫu thực phẩm.

2.2 Kiểm tra hiện trạng của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm về các yêu cầu đối với:

- Cơ sở vật chất: địa điểm, môi trường; thiết kế, kết cấu, bố trí nhà xưởng, nền nhà, trần nhà; hệ thống thông gió; hệ thống chiếu sáng; hệ thống cung cấp nước; hơi nước và khí nén sử dụng trong sản xuất; hệ thống xử lý chất thải, rác thải, nước thải; nhà vệ sinh, khu vực thay đồ bảo hộ lao động.

- Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm; phương tiện rửa và khử trùng tay; thiết bị, dụng cụ sản xuất thực phẩm; thiết bị phòng chống côn trùng và động vật gây hại; thiết bị dụng cụ giám sát, đo lường; thiết bị, dụng cụ vệ sinh; chất tẩy rửa và sát trùng; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; hoạt động lưu mẫu và bảo quản mẫu.

- Người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm: Trang phục bảo hộ lao động; vệ sinh cá nhân.

- Bảo quản thực phẩm trong sản xuất: hoạt động lưu kho, bảo quản nguyên liệu, bao bì, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, thành phẩm thực phẩm; sổ sách theo dõi yêu cầu bảo quản đặc biệt ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm; thiết bị chuyên dụng điều chỉnh, giám sát nhiệt độ, độ ẩm, thông gió và các yếu tố ảnh hưởng tới an toàn thực phẩm; giá, kệ bảo quản; nước đá dùng trong bảo quản thực phẩm; phương tiện vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm.

- Các hồ sơ pháp lý và nội dung thanh, kiểm tra khác theo yêu cầu của các thành viên tham gia Đoàn kiểm tra.

- Truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại cơ sở.

3. Công tác lấy mẫu, kiểm nghiệm

Trong quá trình kiểm tra, nếu xét thấy cần thiết, các Đoàn kiểm tra tiến hành lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm theo quy định.

IV. PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA

1. Tiến hành kiểm tra theo đúng quy định Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Tiến hành lập Biên bản kiểm tra, Biên bản vi phạm hành chính, các văn bản ghi nhận nội dung sự việc đúng quy định đối với đối tượng kiểm tra.

3. Tạm giữ tài liệu, hàng hóa có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về ATTP, các quy định có liên quan trong quá trình kiểm tra theo đúng quy định.

V. XỬ LÝ VI PHẠM

Các đoàn kiểm tra khi phát hiện vi phạm phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và tiến hành xử lý vi phạm hành chính đúng quy định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phòng Y tế

- Tham mưu và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân quận Kế hoạch triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2016 kết hợp với “kiểm tra sâu” nguồn gốc thực phẩm ở một số cơ sở kinh doanh thực phẩm tại các chợ truyền thống và khu dân cư trên địa bàn quận.

- Chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm quận theo Quyết định thành lập số 21/QĐ-UBND ngày 8 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân quận trong việc tổ chức thực hiện kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm nêu trên.

2. Thành viên đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm quận:

Phối hợp với Phòng Y tế trong công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, “kiểm tra sâu” nguồn gốc thực phẩm tại các chợ và khu dân cư trên địa bàn quận.

3. Phòng Kinh tế:

- Chủ trì phối hợp, hướng dẫn Ban Giám đốc các Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Phú Lộc, Phú Hưng, Phú Thịnh vận động thương nhân kinh doanh tại chợ thực hiện 100% bản cam kết chấp hành các quy định đảm bảo ATTP, nhất là đảm bảo việc tập huấn kiến thức ATTP và khám sức khỏe theo quy định cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Công thương.

4. Công an quận:

- Phối hợp, hỗ trợ Đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm trong việc xử lý các trường hợp chống đối, gây rối làm mất an ninh trật tự (nhất là tại các chợ); khởi tố các hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.

5. Ủy ban nhân dân 15 phường:

- Tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra ATTP dịp trong và sau Tết Trung thu cho người dân và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu.

- Riêng Ủy ban nhân dân phường 9 cần tăng cường công tác kiểm tra sâu, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống tại khu vực chợ Ga do địa phương quản lý.

- Ủy ban nhân dân các phường 4,10,17 tăng cường kiểm tra ATTP tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm, khu dân cư buôn bán khu vực lân cận chợ.

♦ Xử lý vi phạm hành chính:

- Đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm quận chuyển biên bản vi phạm hành chính về UBND quận để ra quyết định xử lý đối với cơ sở có hành vi vi phạm. Nếu mức độ vi phạm vượt quá thẩm quyền thì chuyển vụ việc đến UBND thành phố để xử lý.

- Đoàn kiểm tra liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm Phường sẽ chuyển biên bản vi phạm hành chính về UBND phường ra quyết định xử lý đối với cơ sở có hành vi vi phạm. Nếu mức độ vi phạm vượt quá thẩm quyền thì chuyển vụ việc đến UBND quận để xử lý.

Kinh phí cho đợt kiểm tra:

Trích từ nguồn tiền thu xử phạt vi phạm hành chính và của chính cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm, khi cần thiết phải lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm.

VII. THỜI GIAN TIẾN HÀNH:

Bước 1: Lập kế hoạch, tổ chức triển khai chi tiết kế hoạch kiểm tra đến Ủy ban nhân dân 15 phường, các ban ngành có liên quan trước ngày 24/8/2016.

Bước 2: Từ ngày 25/8/2016 đến 30/9/2016 Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra tại cơ sở.

Kết thúc đợt kiểm tra, yêu cầu các ngành chức năng có liên quan, Ủy ban nhân dân 15 phường báo cáo kết quả thực hiện, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất phương án giải quyết cho Ủy ban nhân dân quận (thông qua Phòng Y tế) để tổng hợp báo cáo Sở Công Thương và Ban Thường vụ Quận ủy.

Trên đây là Kế hoạch triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu năm 2016; “kiểm tra sâu” nguồn gốc thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận. Đề nghị các ban ngành và Ủy ban nhân dân 15 phường căn cứ Kế hoạch khẩn trương xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện và báo cáo kết quả đúng tiến độ đề ra./.

 


Nơi nhận:
- Sở Công Thương;
- Sở Y tế;
- Chi cục ATVSTP;
- TT/QU (BT, PBT/TT);
- HĐND quận (các PCT);
- UBND quận (CT, các PCT);
- Ban Chỉ đạo LNVSATTP quận;
- VP/HĐND và UBND quận (CVP, đ/c Mai-PVP);
- UBND 15 phường;
- Lưu: VT, P.YT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Thành Minh

 

DANH SÁCH DỰ KIẾN “KIỂM TRA SÂU”

(ban hành kèm Kế hoạch số: 650/KH-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2016)

STT

TÊN CƠ SỞ/LOẠI HÌNH

ĐỊA CHỈ

THỜI GIAN

1

HTX Phú Lộc

Phường 17, quận Phú Nhuận

 

2

HTX Phú Hưng

84C, Trần Hữu Trang, Phường 10, Quận Phú Nhuận

 

3

Dịch vụ ăn uống

70 Hoàng Văn Thụ, p.9, PN
72 Hoàng Văn Thụ, p.9, PN

 

4

Trường mầm non Ngôi nhà kỳ diệu/Bếp ăn tập thể

72/4 Trương Quốc Dung, p.10, PN

 

5

Điểm kinh doanh thực phẩm tự phát (Chợ Ga)

Phường 9

 

6

Tiệm bánh Đức Phát

513A Nguyễn Kiệm, phường 9, PN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 630/KH-UBND về triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu năm 2016 kết hợp với "kiểm tra sâu" nguồn gốc thực phẩm tại các chợ truyền thống và khu dân cư trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 630/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 24/08/2016
  • Nơi ban hành: Quận Phú Nhuận
  • Người ký: Võ Thành Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản