Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 628/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 24 tháng 9 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC Y TẾ TRƯỜNG HỌC NĂM HỌC 2021- 2022 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Liên Bộ Y tế - Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học;

Căn cứ Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 04/6/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 139/NQ - CP của Chính phủ và Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

Nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao năng lực thực hiện công tác y tế trường học, bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe, công tác phòng chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên và học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (sau đây gọi chung là trường học).

- Nâng cao kiến thức phòng chống bệnh, tật học đường, góp phần giảm tỷ lệ mắc, kiểm soát và hạn chế một số yếu tố nguy cơ của bệnh, tật học đường phổ biến hiện nay; tạo điều kiện cho học sinh phát triển về thể chất và tinh thần, có sức khỏe tốt để học tập.

- Đáp ứng kịp thời các biện pháp trợ giúp, chăm sóc y tế đối với học sinh bị tai nạn, thương tích, bạo lực học đường và các cấp cứu thường gặp; góp phần giảm thiểu tai nạn, thương tích, bạo lực học đường trong các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. 100% học sinh và giáo viên các trường học được truyền thông, tiếp cận các biện pháp phòng chống bệnh, tật và phòng chống dịch trong trường học.

2.2. 100% trường học tổ chức khám sức khỏe định kỳ hằng năm (đối với trường mầm non khám 2 lần/ năm); trên 90% học sinh các trường học (riêng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non là 100%) được khám, tư vấn sức khỏe và có hồ sơ quản lý, theo dõi sức khỏe; 100% trường hợp mắc bệnh được thông báo cho gia đình.

2.3. 100% trường học có cán bộ y tế theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGD&ĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2.4. 100% cán bộ phụ trách công tác y tế trường học của ngành Y tế, ngành Giáo dục được tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ về công tác y tế trường học.

2.5. 100% trường học trên địa bàn tỉnh được kiểm tra, giám sát các yếu tố, điều kiện vệ sinh trường học, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường,không để xảy ra dịch bệnhngộ độc thực phẩm lớn.

2.6. 100% các cơ sở giáo dục bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế,... sẵn sàng triển khai công tác sơ cấp cứu và công tác phòng chống dịch bệnh.

II. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Công tác tham mưu, chỉ đạo và phối hợp liên ngành

- Kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở giáo dục; chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho học sinh khi học tập tại trường.

- Thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh COVID-19; công tác chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế để có những biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời và phù hợp.

- Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về công tác y tế trường học các cấp, tăng cường sự phối hợp liên ngành Y tế - Giáo dục trong việc thực hiện công tác y tế trường học.

- Ban chỉ đạo công tác y tế trường học các cấp thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo theo chức năng nhiệm vụ. Hằng năm tham mưu với Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lập kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác y tế trường học trên địa bàn.

- Xây dựng Kế hoạch phối hợp liên ngành, ký kết hợp đồng trách nhiệm giữa Y tế - Giáo dục các nội dung cụ thể về công tác phòng, chống dịch, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên trên địa bàn.

- Phối hợp giữa các ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan đến công tác y tế trường học và tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học trên địa bàn tỉnh.

2. Nâng cao năng lực chuyên môn và tổ chức mạng lưới cán bộ làm công tác y tế trường học

- Bố trí nhân lực đảm bảo 100% trường học có cán bộ y tế theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGD&ĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo:

+ Mỗi Trạm Y tế xã, phường, thị trấn bố trí tối thiểu 01 cán bộ y tế phụ trách công tác y tế trường học, thực hiện công tác chuyên môn y tế trường học đối với các trường học trên địa bàn. Trung tâm Y tế cử cán bộ tăng cường hoặc Trạm Y tế bố trí cán bộ tăng cường khi cần thiết, đảm bảo 100% các trường học có cán bộ y tế theo dõi, quản lý sức khoẻ học sinh.

+ Mỗi cơ sở giáo dục phân công 01 cán bộ, giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm (phụ trách) mảng hoạt động công tác y tế trường học làm đầu mối phối hợp với Trạm Y tế cấp xã tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung công tác y tế trường học theo quy định.

- Xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, nhân viên làm công tác y tế trường học phù hợp với từng đối tượng.

- Tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường các văn bản liên quan đến các biện pháp, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong trường học.

3. Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác để triển khai hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGD&ĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Rà soát, bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị (Phòng học, phòng y tế,bố trí phòng cách ly tạm thời, các phòng chức năng, bàn ghế, bảng, đồ dùng trang thiết bị dạy và học, giường, dụng cụ sơ cấp cứu, thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, khẩu trang, cơ số thuốc, tài liệu truyền thông….để triển khai hoạt động phòng, chống dịch và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của liên bộ Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với thực tế của từng cấp học và diễn biến tình hình dịch, bệnh liên quan đến học sinh.

- Đảm bảo vệ sinh môi trường trong trường học, hệ thống cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bố trí khu vực rửa tay có xà phòng và nước sạch; nhà vệ sinh sạch sẽ; trang bị đủ dụng cụ đựng rác thải, chất thải có nắp đậy kín đảm bảo luôn đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn theo quy định.

4. Các hoạt động chuyên môn

4.1. Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Tổ chức tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, nhất là các khuyến cáo và các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19; đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm; dinh dưỡng hợp lý; hoạt động thể lực; phòng chống tác hại của thuốc lá; phòng chống tác hại của rượu, bia; phòng chống bệnh, tật học đường; chăm sóc răng miệng; phòng chống các bệnh về mắt; phòng chống tai nạn thương tích, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, trách nhiệm và quyền lợi của học sinh đối với việc tham gia BHYT bắt buộc theo Luật BHYT.

- Lồng ghép tích hợp các nội dung giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới, bình đẳng giới, phòng chống bệnh tật vào chương trình giảng dạy chính khóa và ngoại khóa trong các giờ giảng.

- Lồng ghép các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục thể chất để cung cấp, hướng dẫn cho học sinh kiến thức về các bệnh tật học đường (bệnh cận thị, gù, vẹo cột sống), chăm sóc răng miệng, các biện pháp phòng chống dịch, bệnh lây nhiễm, phòng chống tai nạn thương tích…Tổ chức cho học sinh thực hành thông qua các hình thức, mô hình phù hợp.

4.2. Tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh

- Tăng cường hệ thống thông tin liên lạc với phụ huynh học sinh qua các kênh thông tin mạng xã hội, sổ liên lạc điện tử, App eNetViet … để cùng với gia đình theo dõi sức khỏe học sinh, cung cấp thông tin về hoạt động phòng, chống dịch của nhà trường, địa phương và các vùng lân cận.

- Duy trì việc theo dõi, giám sát sỹ số và diễn biến tình hình sức khỏe học sinh, giáo viên, cán bộ, công nhân viên tại trường học hằng ngày, phát hiện sớm trường hợp trẻ ốm, nghi ngờ mắc dịch COVID-19 và các bệnh dịch khác: bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, thủy đậu, cúm,...

- Tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh trong nhà trường như: Kiểm tra sức khỏe đầu vào năm học để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe; đo chiều cao, cân nặng, ghi biểu đồ tăng trưởng, theo dõi sự phát triển thể lực đối với trẻ em mầm non; theo dõi chỉ số khối cơ thể đối với học sinh phổ thông; theo dõi, quản lý sức khỏe, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ, vấn đề sức khỏe, bệnh tật học sinh để tư vấn, hướng dẫn, xử trí và chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

- Phối hợp với các cơ sở y tế có đủ điều kiện để tổ chức khám, điều trị theo các chuyên khoa cho học sinh.

- Khám và điều trị một số bệnh thông thường, sơ cấp cứu ban đầu và chuyển đến các cơ sở điều trị phù hợp theo quy định hiện hành của Bộ Y tế.

- Tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh; hướng dẫn cho học sinh biết tự chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh; trường hợp trong trường học có học sinh khuyết tật thì tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khuyết tật hoà nhập.

- Hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý, đa dạng thực phẩm, phù hợp với đối tượng, lứa tuổi và điều kiện của địa phương đối với các trường có học sinh nội trú, bán trú (thực hiện thực đơn tiêu chuẩn cho trẻ em và học sinh đã được ban hành hướng dẫn).

- Tổ chức công tác tiêm chủng phòng bệnh tại trường học theo kế hoạch, hướng dẫn của ngành Y tế.

- Thông báo định kỳ tối thiểu 01 lần/năm học và khi cần thiết về tình hình sức khoẻ của học sinh cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh.

- Cập nhật thông tin sức khỏe học sinh vào hồ sơ sức khỏe điện tử để theo dõi và quản lý sức khỏe của từng học sinh. Đánh giá tình trạng sức khỏe học sinh vào cuối mỗi cấp học để làm căn cứ theo dõi sức khỏe ở cấp học tiếp theo.

- Tổng hợp, phân tích các thông tin về tình hình sức khỏe và mô hình bệnh tật của học sinh để xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe học sinh có hiệu quả đối với từng trường học trên địa bàn toàn tỉnh.

4.3. Triển khai Hướng dẫn phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại trường học trong trạng thái bình thường mới ban hành kèm theo Quyết định số 3888/QĐ-BYT ngày 08/9/2021 của Bộ Y tế.

4.4. Tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình y tế, phòng chống tai nạn thương tích học đường, đặc biệt là phòng tai nạn đuối nước, phong trào vệ sinh phòng bệnh, tăng cường hoạt động thể lực, dinh dưỡng hợp lý, xây dựng môi trường không khói thuốc lá, không sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện:Thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe răng miệng; chương trình chăm sóc mắt học đường; phòng, chống tật cong, vẹo cột sống; phòng, chống bệnh giun sán;các trường học phối hợp với cơ sở y tế địa phương thực hiện tiêm chủng vắcxin phòng bệnh, bổ sung Vitamin A; triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên trong trường học;cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; sữa học đường…

4.5. Tổ chức và đảm bảo công tác y tế, đảm bảo an toàn thực phẩm cho các kỳ thi trong năm.

4.6. Tổ chức kiểm tra, giám sát các các điều kiện học tập, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát liên ngành, chuyên ngành ở tất cả các tuyến, các cấp trong việc triển khai công tác y tế trường học.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát các điều kiện học tập, vệ sinh trường lớp, an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống, vệ sinh cá nhân,… theo quy định.

5.Thống kê báo cáo và đánh giá về công tác y tế trường học

- Thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động y tế trong năm học chậm nhất vào ngày 30 tháng 5 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGD&ĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.

- Thực hiện đánh giá kết quả thực hiện công tác y tế trường học vào cuối mỗi năm học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGD&ĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo

III. KINH PHÍ

Kinh phí hoạt động chương trình y tế trường học năm học 2021 - 2022 thực hiện theo Thông tư số 14/2007/TT- BTC ngày 08/3/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn sử dụng kinh phí thực hiện công tác y tế trường học, gồm các nguồn:

- Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế hằng năm.

- Nguồn trích từ bảo hiểm y tế học sinh theo quy định hiện hành.

- Nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật và các nguồn thu hợp pháp khác.

IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Sở Y tế (cơ quan Thường trực)

- Chủ động phối hợp các Sở, ngành liên quan tổ chức, triển khai có hiệu quả Kế hoạch công tác y tế trường học trên địa bàn tỉnh năm học 2021 - 2022.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành bố trí nhân lực phụ trách công tác y tế trường học theo quy định, đảm bảo 100% trường học có cán bộ y tế theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGD&ĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tập huấn,hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường các văn bản liên quan đến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học; xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ, nhân viên làm công tác y tế trường học cho phù hợp với từng đối tượng.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch phối hợp liên ngành về công tác phòng, chống dịch, công tác chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên trên địa bàn năm học 2021 - 2022.

- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo,Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm,các điều kiện học tập, vệ sinh trường lớp, cung cấp nước uống,.. phòng, tránh và xử trí kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.

- Tổ chức đảm bảo công tác y tế phục vụ các kỳ thi.

- Thường trực tổng hợp kết quả hoạt động y tế trường học để báo cáo theo quy định.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

-Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở giáo dục; chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, bám sát các văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có những biện pháp phòng chống dịch bệnh hữu hiệu, kịp thời và phù hợp.

- Phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, công tác phòng, chống dịch bệnh cho học sinh tại trường học; khám, theo dõi sức khỏe học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, phòng chống các bệnh tật học đường,… thực hiện thực đơn tiêu chuẩn cho trẻ em và học sinh tại các cơ sở giáo dục.

- Chỉ đạo mỗi cơ sở giáo dục phân công 01 cán bộ, giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm (phụ trách) công tác y tế trường học,làm đầu mối phối hợp với Trạm Y tế cấp xã trên địa bàn để tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung công tác y tế trường học theo quy định.

- Chỉ đạo các trường bố trí phòng y tế nhà trường với trang thiết bị y tế và thuốc thiết yếu để phòng dịch và đảm bảo theo quy định, phòng cách ly tạm thời để theo dõi các trường hợp học sinh nghi ngờ mắc bệnh dịch, dụng cụ sơ cấp cứu, cơ số thuốc, thiết bị đo thân nhiệt, nước sát khuẩn, khẩu trang, xà phòng… để phục vụ công tác phòng chống dịch theo quy định và tạo điều kiện làm việc thuận lợi để cán bộ y tế trường học thực hiện tốt nhiệm vụ.

- Phối hợp với ngành Y tế tổ chức tập huấn, phổ biến nội dung kiến thức, kỹ năng nhận biết, cách xử trí tình huống liên quan đến dịch bệnh cho đội ngũ giáo viên, người làm việc trong nhà trường.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho học sinh thông qua các hoạt động giảng dạy chính khóa, ngoại khóa, phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và giới tính.

- Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo theo đúng quy định hiện hành.

- Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện tốt bảo hiểm y tế học sinh, xã hội hóa, huy động cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ tham gia công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

- Tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát hoạt động y tế trường học tại các huyện, thị xã, thành phố: các điều kiện học tập, vệ sinh trường lớp, an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống,…chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại trường học.

- Thực hiện việc thống kê, báo cáo kết quả hoạt động y tế trường học theo quy định.

3. Sở Nội vụ

Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí nhân lực đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGD&ĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Tăng cường tuyên truyền vận động học sinh tham gia bảo hiểm y tế; Hướng dẫn và phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục, phụ huynh và học sinh trong việc thực hiện bảo hiểm y tế.

- Phối hợp đảm bảo quyền lợi cho học sinh tham gia bảo hiểm y tế. Đảm bảo cấp kinh phí đầy đủ, kịp thời đối với công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại các cơ sở giáo dục. Hướng dẫn sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh tại trường học.

5. Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác an toàn thực phẩm tại các trường học.

- Tổ chức thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm với những trường học có tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh.

- Tăng cường tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm tại các trường học.

6. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ chức năng nhiệm vụ tổ chức, triển khai có hiệu quả Kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế, Phòng Y tế phối hợp với Phòng Giáo dục và Đạo tạo tham mưu xây dựng và triển khai hiệu quả Kế hoạch công tác y tế trường học, công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho học sinh khi học tập tại trường.

- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường theo phân cấp quản lý, đảm bảo các quy định, trang thiết bị thiết yếu để phòng dịch:Mỗi cơ sở giáo dục bố trí tối thiểu 01 phòng cách ly tạm thời, dụng cụ, phương tiện sơ cấp cứu, cơ số thuốc, thiết bị đo thân nhiệt, bố trí đầy đủ nước sát khuẩn, khẩu trang, xà phòng… Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường và các cơ sở giáo dục.Bố trí kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho học sinh trên địa bàn.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, các điều kiện học tập, vệ sinh trường lớp, an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống, dung dịch sát khuẩn,… đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý.

- Báo cáo kết quả triển khai hoạt động y tế trường học theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- TT TU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT.UBND tỉnh;
-
Các Sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VP UBND tỉnh: LĐVP, NC;
- Lưu: VT, KGVX (NTT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Quốc Tuấn