Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/KH-UBND | Tuyên Quang, ngày 27 tháng 3 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI NĂM 2024
Thực hiện Kế hoạch số 19/KH-BCĐ138/CP ngày 15/01/2024 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm Chính phủ về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 và Nghị quyết số 113-NQ/TU ngày 26/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an Tuyên Quang năm 2024. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024, như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
1. Tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm các cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong phòng, chống mua bán người. Kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa ngay từ địa bàn cơ sở.
2. Phấn đấu kiềm chế, làm giảm số vụ phạm tội về mua bán người, bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, xử lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử. Làm tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, người bị nghi là nạn nhân.
II. NHIỆM VỤ VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Công tác tham mưu, chỉ đạo
(1) Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 19/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội về công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung và công tác phòng, chống mua bán người nói riêng.
Xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, trên các lĩnh vực, địa bàn, có trọng tâm, trọng điểm, với mục tiêu cao nhất là “bảo vệ an ninh con người”, lấy người dân làm trung tâm của công tác bảo vệ.
(Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện)
(2) Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) ngay sau khi được Quốc hội thông qua theo hướng dẫn của Bộ Công an; kịp thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng chống mua bán người.
(3) Tổ chức triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội để chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh chống tội phạm mua bán người; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống mua bán người.
(4) Duy trì, phát huy hiệu quả các hoạt động liên ngành phòng, chống mua bán người qua các buổi tổ chức hội nghị, hội thảo, tổ chức kiểm tra, khảo sát, sơ kết, tổng kết, giao ban định kỳ theo Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh…
(5) Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 9145/QĐ-BCĐ ngày 06/12/2022 của Ban Chỉ đạo 138/CP phù hợp với thực tiễn và các văn bản khác có liên quan về chế độ thông tin, báo cáo, thống kê, theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người phục vụ Ban Chỉ đạo 138 các cấp đảm bảo chính xác, chặt chẽ, đúng quy định. Trên cơ sở thực tiễn công tác, chủ động đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, cập nhật nội dung biểu mẫu, phục vụ hiệu quả công tác theo dõi, thống kê, báo cáo.
(6) Đề xuất tổ chức lớp tập huấn và cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn để nâng cao năng lực, bồi dưỡng pháp luật, nghiệp vụ về phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán.
(Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện)
2. Công tác truyền thông, phòng ngừa tội phạm mua bán người
2.1. Công tác truyền thông
(1) Tập trung xác định rõ đối tượng, nội dung và phương pháp truyền thông phù hợp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác cho Nhân dân với mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội mua bán người quốc tế và nội địa. Chú trọng xây dựng các sản phẩm truyền thông với nội dung về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, chính sách, pháp luật, chế tài xử lý tội phạm, chính sách, pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, kết quả đấu tranh phòng, chống mua bán người của các lực lượng chức năng,… tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng loại đối tượng, trong đó đẩy mạnh thực hiện hình thức tuyên truyền tiếp cận được số đông quần chúng như tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình, tin, bài, phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tuyên Quang, Đài truyền thanh cơ sở, Báo Tuyên Quang, các Cơ quan thông tin, báo chí, các trang thông tin đại chúng, trang mạng xã hội, kênh truyền thông của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, của địa phương…; gửi tin nhắn SMS tuyên truyền, cảnh báo người dân về phòng, chống mua bán người; tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng, xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sân khấu hóa, pano, áp phích…
(Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện)
(2) Tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông truyền thống như: Tổ chức mít tinh và các hoạt động truyền thông hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7”. Phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về phòng, chống mua bán người.
(Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện)
(3) Tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2022-2026, gắn với việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phòng ngừa tội phạm, phòng, chống mua bán người, phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
(Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện)
(4) Tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng chống mua bán người trong học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, nội dung tập trung tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong nội địa, mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động “việc nhẹ lương cao” lồng ghép trong các chương trình giáo dục công dân, hoạt động giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
(Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện)
2.2. Công tác phòng ngừa xã hội
(1) Tổ chức lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân (vấn đề về hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, thực hiện chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi,...) không để nhóm yếu thế này trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành để trực tiếp chỉ đạo giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
(Các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện)
(2) Tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng tình hình, các nguyên nhân điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để hoạch định các chủ trương, giải pháp phòng ngừa xã hội.
(3) Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể.
(Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện)
2.3. Công tác phòng ngừa nghiệp vụ
(1) Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Hình sự tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của ngành về công tác nghiệp vụ cơ bản phòng chống mua bán người, trong đó đặc biệt lưu ý tổ chức điều tra cơ bản lĩnh vực phòng, chống mua bán người xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, theo các chỉ tiêu, yêu cầu của Bộ Công an đã đề ra. Triển khai công tác nghiệp vụ cơ bản phòng chống mua bán người đảm bảo toàn diện, từ đời thực đến không gian mạng; thực hiện hiệu quả nội dung liên quan đến tội phạm mua bán người thuộc phần mềm nghiệp vụ cơ bản và điều tra hình sự.
Xây dựng các kế hoạch nghiệp vụ, nắm tình hình, rà soát các đường dây, băng, nhóm, đối tượng nổi lên, số có tiền án, tiền sự, môi giới, cò mồi và nghi vấn hoạt động mua bán người; các trường hợp phụ nữ vắng mặt tại địa phương lâu ngày, lấy chồng nước ngoài, có con lai về thăm thân; số nạn nhân trở về địa phương; tập trung đổi mới phương pháp thu thập thông tin; tăng cường thu thập thông tin trên “không gian mạng”, nắm chắc các hội, nhóm, đường dây trên không gian mạng liên quan đến tội phạm mua bán người; chú trọng phòng ngừa, phát hiện mua bán người trong tỉnh ra các tỉnh khác hoặc ra nước ngoài nhằm mục đích mại dâm, cưỡng bức lao động.
(2) Chú trọng công tác quản lý cư trú, quản lý nhân hộ khẩu, quản lý nhập cảnh, xuất cảnh và hoạt động của người nước ngoài tại Tuyên Quang; quản lý, rà soát, kiểm tra hành chính các lĩnh vực môi giới cho nhận con nuôi, kết hôn, lao động có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân..., các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như các cơ sở kinh doanh, cho thuê lưu trú (nhà trọ, nhà nghỉ, khách sạn), nhà hàng, quán massage, karaoke, vũ trường, khu công nghiệp, khu du lịch, địa bàn giáp ranh... để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán.
(3) Tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030” phục vụ công tác phòng, chống mua bán người; truy bắt, vận động đầu thú các đối tượng truy nã về mua bán người.
(Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện).
3. Công tác đấu tranh, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người
(1) Tập trung làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm mua bán người ngay từ địa bàn cấp xã. Tiến hành xác minh, điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, phòng chống sai phạm, tiêu cực trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm mua bán người. Thường xuyên sơ, tổng kết các chuyên án vụ án mua bán người điển hình để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung.
(2) Mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, thời gian từ ngày 01/7/2024 đến hết 30/9/2024. Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người, mua bán người trong nội địa, mua bán bộ phận cơ thể người, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, các hoạt động lợi dụng tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép để mua bán, cưỡng bức lao động,....
(3) Tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đặc biệt chú ý chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm phục vụ hiệu quả công tác xây dựng sơ đồ hóa chứng cứ trong giải quyết các vụ án, vụ việc.
(4) Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, mua bán người; đảm bảo xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra việc xét xử oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Làm tốt công tác bảo vệ nạn nhân trong quá trình giải quyết xét xử. Căn cứ tình hình thực tiễn giải quyết các vụ án, tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử các vụ án mua bán người để đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐTP.
(Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện).
4. Công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
(1) Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành số 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG ngày 18/7/2022 giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
(Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện).
(2) Thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo tố giác về mua bán người được chuyển từ Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em; xử lý chuyển tuyến các trường hợp là nạn nhân hoặc nghi là nạn nhân bị mua bán.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa các Bộ, ngành, địa phương trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
(Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện).
(3) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp giữa Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh với các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện đối tượng là nạn nhân bị mua bán , người có khó khăn về tài chính để kịp thời trợ giúp pháp lý miễn phí, kịp thời hỗ trợ nạn nhân mua bán người.
(Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện).
5. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống mua bán người
Tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị với cấp có thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành hoặc đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản có liên quan phù hợp với tình hình thực tiễn. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quản lý công tác công tác hộ tịch, quốc tịch, con nuôi; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi, cung cấp thông tin về trợ giúp pháp lý; thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt là nạn nhân bị mua bán.
(Sở Tư pháp, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện)
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ vào nội dung Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nội dung chỉ đạo để triển khai thực hiện, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình thực tế ở đơn vị, địa phương.
2. Định kỳ hằng quý (trước ngày 29/3 và 10/9), 6 tháng (trước ngày 10/6) và năm (trước ngày 10/12), các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
3. Giao Công an tỉnh chủ trì, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, đề xuất công tác biểu dương, khen thưởng; định kỳ tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 116/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2023 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2Kế hoạch 24/KH-UBND triển khai lồng ghép nhiệm vụ Điểm hỗ trợ, tư vấn cộng đồng với công tác dự phòng, giảm tác hại tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024
- 3Kế hoạch 65/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 4Kế hoạch 144/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 do tỉnh Lào Cai ban hành
- 5Kế hoạch 133/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 do Thành phố Hà Nội ban hành
- 1Luật phòng, chống mua bán người năm 2011
- 2Quyết định 793/QĐ-TTg năm 2016 về Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành
- 4Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 do tỉnh Tuyên Quang ban hành
- 5Quy chế phối hợp 2548/QCPH-LĐTBXH-CA-QP-NG năm 2022 trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Ngoại giao ban hành
- 6Kế hoạch 116/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2023 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 7Kế hoạch 24/KH-UBND triển khai lồng ghép nhiệm vụ Điểm hỗ trợ, tư vấn cộng đồng với công tác dự phòng, giảm tác hại tệ nạn ma túy, mại dâm và phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk năm 2024
- 8Kế hoạch 65/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 9Kế hoạch 144/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 do tỉnh Lào Cai ban hành
- 10Kế hoạch 133/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 do Thành phố Hà Nội ban hành
Kế hoạch 61/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 do tỉnh Tuyên Quang
- Số hiệu: 61/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 27/03/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Người ký: Hoàng Việt Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/03/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra