Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 60/KH-UBND

Lào Cai, ngày 30 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI NĂM 2024

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự phối hợp của các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tỉnh đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hạn chế tình trạng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tăng cường bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích và tử vong do tai nạn thương tích, đuối nước...

- Huy động sự tham gia tích cực của gia đình, cộng đồng, trường học và toàn xã hội vào việc triển khai thực hiện Luật Trẻ em, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án có liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

- Xây dựng môi trường an toàn, thân thiện và bình đẳng với mọi trẻ em để trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, nhân cách, trí tuệ. Thực hiện hiệu quả các quyền cơ bản của trẻ em; tăng cường sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

2. Yêu cầu: Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch và các chương trình, đề án bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2024 và giai đoạn 2021 - 2025. Chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em của sở, ngành, đơn vị, địa phương đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch của tỉnh.

II. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

- Giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt từ 1,38% năm 2023 xuống còn 1,36% năm 2024.

- Phấn đấu 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc. 100% trẻ em bị bạo lực, xâm hại được kịp thời phát hiện, can thiệp, trợ giúp để ổn định tâm lý và phát triển bình đẳng. Đảm bảo 100% cơ sở giáo dục không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường.

- Đảm bảo 100% các cơ quan, đơn vị, công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn tỉnh Lào Cai không sử dụng lao động trẻ em. Hạn chế tối đa tình trạng trẻ em tham gia làm kinh tế phụ giúp gia đình. 100% trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

- Phấn đấu 94% trẻ em trong và ngoài trường học được hướng dẫn và biết kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng chống tai nạn đuối nước. Tăng dần tỷ lệ trẻ em được học bơi, biết bơi, có kỹ năng tự cứu đuối; 94% hộ gia đình, nhà trường, cộng đồng và trẻ em được tuyên truyền nâng cao kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước.

- Đảm bảo 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập theo quy định của Pháp luật. Thực hiện tốt các quyền cơ bản của trẻ em được quy định trong Luật Trẻ em.

- Duy trì tỷ lệ 100% cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã, phường, thị trấn được tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Phấn đấu có trên 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

- Vận động, xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh đạt 01 tỷ đồng trở lên (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy đổi thành tiền).

III. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Hoạt động truyền thông

a) Nội dung

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền Luật Trẻ em, các chính sách, chương trình, kế hoạch có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên các phương tiện truyền thông báo, đài, Internet, mạng xã hội... Tuyên truyền sâu rộng về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và đường dây nóng tỉnh Lào Cai 18001136.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại cộng đồng, trường học về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.

- Biên soạn, phát hành các ấn phẩm truyền thông bảo vệ, chăm sóc trẻ em, như: Sách mỏng tuyên truyền phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; sách mỏng tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước trẻ em; sách mỏng tuyên truyền phòng ngừa lao động trẻ em... để cấp phát đến các gia đình, trẻ em trong và ngoài trường học. Biên soạn, phát hành tờ rơi tuyên truyền bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo chuyên đề; sản xuất băng rôn, banner, áp phích tuyên truyền Tháng hành động vì trẻ em, Diễn đàn trẻ em các cấp...

b) Tổ chức thực hiện

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.

c) Kinh phí: Sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương được cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2024.

2. Nâng cao năng lực quản lý, nâng cao năng lực của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em; hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, hoàn thiện hệ cơ sở dữ liệu bảo vệ, chăm sóc trẻ em

a) Nội dung: Tổ chức 09 lớp tập huấn cho 540 cộng tác viên, tình nguyện viên, Bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, tổ dân phố. Tập huấn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em. Tập huấn cho trẻ em trong và ngoài trường học về công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; phòng ngừa lao động trẻ em...

b) Tổ chức thực hiện

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố.

c) Kinh phí: Sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương được cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2024.

3. Tổ chức Tháng hành động vì trẻ em

- Tổ chức 01 Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp tỉnh. Chỉ đạo và hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024.

- Tăng cường các hoạt động truyền thông trong Tháng hành động vì trẻ em, bao gồm: Tuyên truyền trên hệ thống các cơ quan truyền thông cấp tỉnh như Báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình, Cổng thông tin điện tử tỉnh; hệ thống Cổng thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức các hoạt động nhân đạo, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Phát động tháng trọng điểm tuyên truyền, vận động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp trên địa bàn tỉnh.

4. Tổ chức Diễn đàn trẻ em

a) Nội dung

- Chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn, thành lập đoàn tham gia Diễn đàn trẻ em tỉnh Lào Cai.

- Tổ chức 01 lớp tập huấn cho 20 dẫn trình viên và 60 trẻ em về phương pháp kỹ năng xây dựng thông điệp truyền thông, kỹ năng dẫn trình viên thảo luận nhóm và thuyết trình.

- Tổ chức 01 Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh tại thành phố Lào Cai hoặc lựa chọn điểm thực hiện tại huyện, thị xã. Xây dựng kịch bản, chương trình diễn đàn, đối thoại giữa trẻ em với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ em tham gia Diễn đàn cấp tỉnh. Hướng dẫn 9/9 huyện, thị xã, thành phố tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp huyện, thị xã, thành phố.

b) Tổ chức thực hiện

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục và Đào tạo.

c) Kinh phí: Sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương được cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2024.

5. Hoạt động của mô hình hỗ trợ can thiệp, trợ giúp trẻ em

a) Nội dung

- Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng thí điểm mới các mô hình hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp trẻ em theo hướng dẫn của Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, như: “Mô hình kết nối, chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”; “Mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”; “Mô hình phòng chống đuối nước cho trẻ em”; “Mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em phải lao động sớm, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm”; “Mô hình trợ giúp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em khuyết tật”; “Mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội cơ bản cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”…

- Tổ chức Hội nghị thống nhất nội dung hoạt động, thông qua kết quả khảo sát và báo cáo xây dựng kế hoạch hoạt động của mô hình; triển khai kế hoạch; tập huấn nâng cao năng lực quản lý, năng lực giám sát cho các thành viên trong xã triển khai mô hình; tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao năng lực, nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em tại xã triển khai mô hình về công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em; phòng ngừa lao động trẻ em...

- Tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát tại cấp huyện, xã triển khai thực hiện mô hình.

b) Tổ chức thực hiện

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

c) Kinh phí: Sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương được cấp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2024.

6. Xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em

a) Nội dung

- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương hướng dẫn, đôn đốc thực hiện tốt các tiêu chí, tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em (theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 03/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em).

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đánh giá, công nhận xã phường, thị trấn phù hợp với trẻ em tại cấp huyện, cấp xã.

b) Tổ chức thực hiện

- Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thị xã, thành phố.

- Cơ quan phối hợp: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

7. Tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục, vui chơi, giải trí cho trẻ em: Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hoá, thể thao. Tổ chức thăm hỏi tặng quà, trao tặng học bổng cho trẻ em có nhiều thành tích trong học tập, trẻ em nghèo vượt khó vươn lên, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… nhân các ngày lễ, tết: Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Tết Trung thu; chỉ đạo tổ chức tốt Lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi năm học 2023 - 2024.

8. Hoạt động phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em và việc hỗ trợ, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại

- Biên soạn, cấp phát tài liệu tuyên truyền phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em đến gia đình, trường học, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em.

- Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại để theo dõi bảo vệ, hỗ trợ. Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở thường trực cán bộ tiếp cận gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em để tuyên truyền, giáo dục, tư vấn luật pháp, các chính sách trợ giúp xã hội.

- Quản lý tốt danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự, thành phần ham chơi, lười lao động, nghiện rượu, ma túy, đua đòi, sống buông thả để giáo dục, răn đe, phòng ngừa trước khi có biểu hiện của bạo lực, xâm hại trẻ em.

- Kịp thời tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra, đề nghị truy tố các tội danh liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em. Xử lý nghiêm các đối tượng xâm hại trẻ em theo đúng quy định của pháp luật.

- Kịp thời tiếp cận, nhận diện trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại; xác định mức độ tổn hại và nhu cầu để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, can thiệp phù hợp theo hướng dẫn tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

9. Công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và tổ chức, cá nhân về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em. Biên soạn, cấp phát tài liệu tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em trong, ngoài trường học.

- Chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt mô hình “Trường học an toàn”, "Cộng đồng an toàn" và “Ngôi nhà an toàn” cho trẻ em. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em về phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em.

- Triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động thuộc mô hình Dự án Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

10. Công tác phòng ngừa lao động trẻ em

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động về luật pháp, chính sách phòng ngừa lao động trẻ em. Biên soạn, cấp phát tài liệu tuyên truyền phòng ngừa lao động trẻ em đến các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động; cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em trong, ngoài trường học.

- Chỉ đạo và triển khai thực hiện mô hình bảo vệ trẻ em khỏi lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em trong, ngoài trường học về phòng ngừa lao động trẻ em.

- Huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án có sự đầu tư của tổ chức quốc tế về phòng ngừa lao động trẻ em.

11. Công tác xã hội hóa nguồn lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em

- Chỉ đạo kiện toàn Ban Quản lý, điều hành Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lào Cai; Sửa đổi Quy chế hoạt động Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Lào Cai để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; Xây dựng kế hoạch vận động và sử dụng hiệu quả Quỹ Bảo trợ trẻ em cấp tỉnh.

- Tuyên truyền vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các tổ chức Quốc tế tiếp tục quan tâm, đóng góp, hỗ trợ bằng tiền mặt và hiện vật cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp tỉnh Lào Cai.

- Vận động và phối hợp hiệu quả với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tăng cường tổ chức các hoạt động hỗ trợ, nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

12. Công tác kiểm tra, giám sát: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình hành động vì trẻ em, chương trình bảo vệ trẻ em, các kế hoạch trung hạn, dài hạn về bảo vệ trẻ em; việc triển khai thực hiện tiêu chí, tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; công tác cấp phát thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; kiểm tra công tác thu thập thông tin trẻ em và cập nhật vận hành phần mềm quản lý trẻ em trên địa bàn tỉnh.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Cấp tỉnh: Kinh phí nguồn ngân sách địa phương đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kinh phí từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia đã giao tại Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 12/12/2023 và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

2. Cấp huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ tình hình thực tế địa phương, UBND các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí từ ngân sách để chi cho các hoạt động quản lý nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2024, đảm bảo thiết thực, phù hợp và hiệu quả.

- Huy động các nguồn lực xã hội hóa để tăng cường kinh phí tổ chức các hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại địa phương.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện kế hoạch.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2024, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin, tài liệu để hướng dẫn các cơ quan báo chí, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông các huyện, thị xã, thành phố; Đài truyền thanh cơ sở tuyên truyền về chủ đề bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

2. Sở Tài chính: Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực thực hiện nội dung của kế hoạch theo quy định.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Tăng cường các biện pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Thường xuyên bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước cho thầy cô giáo và học sinh trong trường học.

4. Sở Văn hóa và Thể thao: Lồng ghép triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách bảo vệ trẻ em vào các hoạt động văn hóa, thể thao, gia đình. Tăng cường tổ chức các hoạt động dạy bơi, học bơi phòng, chống đuối nước trẻ em và tổ chức các lớp phát triển năng khiếu cho trẻ em.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn các cơ quan báo chí, Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông các huyện, thị xã, thành phố và Đài truyền thanh cơ sở tuyên truyền về chủ đề bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

6. Sở Y tế: Chủ trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cha mẹ và trẻ em về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em trong những năm đầu đời; kiến thức, kỹ năng phòng chống bị bạo lực, xâm hại và phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước.

7. Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tỉnh: Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và kế hoạch công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Lào Cai để xây dựng kế hoạch và lồng ghép tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đảm bảo hiệu quả và phù hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển của ngành, đơn vị.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Căn cứ kế hoạch của tỉnh, chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em của địa phương. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2024 đạt hiệu quả.

- Rà soát, kiện toàn Ban Điều hành, nhóm công tác liên ngành cấp huyện, thị xã, thành phố. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, kiện toàn Ban Bảo vệ trẻ em các xã, phường, thị trấn.

- Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để chi cho hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2024 đạt hiệu quả.

VI. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO

Các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo định kỳ:

- Báo cáo 6 tháng: Trước ngày 15/6.

- Báo cáo năm: Trước ngày 15/11.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024, yêu cầu các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện; đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH;
- TT. UBND tỉnh;
- Cục Bảo trợ xã hội;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Các tổ chức CT - XH tỉnh;
- CVP, PCVP1;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, VX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 60/KH-UBND thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2024

  • Số hiệu: 60/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 30/01/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Giàng Thị Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản