Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 28 tháng 10 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN VIỆC TRAO ĐỔI VĂN BẢN ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2013-2015

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số;

Căn cứ Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang Thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 1605/2010/QĐ-TTg ngày 27/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 1755/2010/QĐ-TTg ngày 22/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông;

Căn cứ Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 09/5/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015 tỉnh Hòa Bình;

Căn cứ Công văn số 1777/BTTTT-ƯDCNTT ngày 21/6/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng lộ trình bắt buộc thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử.

Ủy ban nhan dân tỉnh Hòa Bình xây dựng Kế hoạch thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2013-2015, với các nội dung như sau:

II. HIỆN TRẠNG TRAO ĐỔI HỒ SƠ, VĂN BẢN ĐIỆN TỬ

Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện cho việc triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng tốt hơn. Tính đến nay: 100% các cơ quan đều đã được trang bị máy tính để phục vụ công việc, 85% cán bộ công chức cấp tỉnh, 67% cán bộ công chức cấp huyện được trang bị máy tính cho công việc; 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, 94% cơ quan nhà nước cấp huyện có kết nối Internet băng rộng (ADSL). Hầu hết các cơ quan cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố đã đầu tư xây dựng hệ thống mạng nội bộ (LAN) hoặc tận dụng hệ thống mạng nội bộ được đầu tư từ đề án 112. Với cơ sở hạ tầng hiện có, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đang nâng cấp Hệ thống thư điện tử và xây dựng phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh, đây là công cụ quan trọng để thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử trong các cơ quan nhà nước.

1. Đối với các cơ quan nhà nước cấp tỉnh:

- 100% các Sở, Ban, Ngành đã được triển khai hệ thống thư điện tử chính thức của tỉnh phục vụ cho công việc (22/22 Sở, ban, ngành);

- Tỉ lệ trung bình cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử chính thức của tỉnh đạt 93% (1210/1300 Cán bộ, công chức);

- Tỉ lệ trung bình cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử chính thức của tỉnh trong công việc tại các Sở, Ban, Ngành đạt 52% (676/1300 Cán bộ, công chức);

- 32% các Sở, Ban, Ngành tỉnh đã được triển khai hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc (7/22 Sở, ban, ngành);

- 77% các Sở, Ban, Ngành tỉnh đã triển khai xây dựng Trang/Cổng thông tin điện tử phục vụ công việc (17/22 Sở, ban, ngành).

2. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện/Thành phố:

- 63% Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố đã được triển khai hệ thống thư điện tử chính thức của tỉnh phục vụ cho công việc (7/11 Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố);

- Tỉ lệ trung bình cán bộ, công chức được cấp hộp thư điện tử chính thức của tỉnh đạt 70% (760/1085 Cán bộ, công chức);

- Tỉ lệ trung bình cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử chính thức của tỉnh cho công việc đạt 25% (271/1.085 Cán bộ, công chức);

- Hiện nay chưa có Ủy ban nhân dân huyện/thành phố sử dụng hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc;

- 36% Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố đã triển khai xây dựng Trang/Cổng thông tin điện tử phục vụ công việc (4/11 Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố).

Song song với việc phát triển các hệ thống Thư điện tử và Quản lý văn bản điều hành, một số cơ quan đã bắt đầu chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho các hệ thống trên. Đối với các Sở, Ban, Ngành tỉnh 65% số máy tính được trang bị phần mềm diệt virut, hệ thống thư điện tử đã trang bị phần mềm quét lọc thư rác. Đối với cấp huyện/thành phố 30% số máy tính được trang bị phần mềm diệt virut.

Mặc dù công tác bảo đảm an toàn, an ninh tại các cơ quan cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố đã được quan tâm đầu tư, nhưng tại một số cơ quan và Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố vấn đề an toàn, an ninh vẫn chưa được đảm bảo. Tỷ lệ máy tính được trang bị phần mềm diệt virut như đã nói ở trên còn thấp, phần lớn là những phần mềm miễn phí, không có bản quyền, chưa được cài đặt đồng bộ trên toàn cơ quan, khả năng phòng chống virut, bảo mật không cao. Các phần mềm diệt vi rút thường được sử dụng là phần mềm của các hãng BKAV, Kaspersky, AVG… Bên cạnh đó, các cơ quan vẫn chưa ban hành được các văn bản quy định về an toàn, an ninh thông tin.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định 06/2010/QĐ-UBND ngày 05/3/ 2012 về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng hệ thống Thư điện tử trong hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Hòa Bình. Quy chế sử dụng hệ thống Quản lý văn bản và điều hành điện tử tỉnh Hòa Bình đang được dự thảo và sẽ ban hành trong thời gian tới.

Thực hiện Quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 09/5/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã và đang quan tâm từng bước đầu tư nâng cấp mạng LAN cho 21 đơn vị hiện có và xây dựng mới cho 9 đơn vị Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chưa có mạng LAN; xây dựng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành điện tử tỉnh, đảm bảo công tác điều hành, làm việc trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, hệ thống Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đang được triển khai và hoàn thiện đảm bảo tốc độ truy cập cao, an toàn bảo mật kết nối giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, cấp xã, phường và các cơ quan liên quan.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng so với các yêu cầu đặt ra, các cơ quan nhà nước vẫn chưa tận dụng hiệu quả các điều kiện hiện có để thực hiện trao đổi văn bản qua môi trường mạng. Tỷ lệ các loại văn bản được trao đổi song song (cả văn bản giấy và văn bản điện tử) tại các sở, ban, ngành trung bình chỉ đạt khoảng 30%, cấp huyện đạt khoảng 15%. Các loại văn bản thường được trao đổi qua môi trường mạng là: giấy mời họp, tài liệu họp, thông báo, báo cáo định kỳ hàng tháng, hàng quý về tình hình công tác của đơn vị, lịch công tác, phiếu điều tra, khảo sát, thông tin chỉ đạo, điều hành, văn bản nội bộ, các loại văn bản dự thảo, văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện nay, tỉnh Hòa Bình chưa triển khai việc áp dụng Chữ ký số trong gửi nhận tài liệu điện tử cũng như triển khai việc số hóa văn bản, tài liệu lưu trữ để phục vụ trong việc trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Tăng cường trao đổi, sử dụng văn bản điện tử như một hoạt động cải cách hành chính, nhằm chuyển đổi phương thức làm việc trong cơ quan nhà nước các cấp chủ yếu dựa trên giấy sang phương thức làm việc qua mạng, góp phần nâng cao tính hiệu quả, kịp thời của công tác quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015:

- 100% các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp huyện được tạo lập hộp thư chính thức của tỉnh phục vụ cho trao đổi hồ sơ, văn bản điện tử;

- 100% các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và thành phố được triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc phục vụ trong công tác;

- 40% các cơ quan nhà nước được triển khai hệ thống chứng thực điện tử và chữ ký số;

- 80% hồ sơ, văn bản được trao đổi dưới dạng điện tử trong hoạt động nội bộ của mỗi cơ quan nhà nước;

- 60% trao đổi văn bản chính thức giữa các cơ quan nhà nước với nhau được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử;

- 100% Các cơ quan nhà nước được xây dựng cổng/trang thông tin điện tử và đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo tổng hợp, thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý. Cung cấp đầy đủ dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các biểu mẫu tải về từ mạng để điền và khai trước khi đến cơ quan nhà nước làm thủ tục.

IV. CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản:

- Nghiên cứu ban hành, sửa đổi và bổ sung các Quy chế: Quy chế an toàn bảo mật thông tin, truyền thông; Quy chế về việc quản lý và đưa thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử; Quy chế quản lý và sử dụng thư điện tử; Quy chế quản lý và sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Quy chế quản lý, sử dụng, khai thác hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước tỉnh Hòa Bình nhằm đảm bảo an toàn, an ninh và xác thực thông tin khi luân chuyển và xử lý trên môi trường mạng;

- Xây dựng các tiêu chí đánh giá việc ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng văn bản điện tử để làm cơ sở đánh giá công tác thi đua, khen thưởng của các cơ quan nhà nước tỉnh Hòa Bình; quy định rõ các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với các đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện quy định về sử dụng văn bản điện tử trong công việc;

- Ban hành Kế hoạch ứng dụng chứng thực số và chữ ký số trong các hệ thống thông tin theo nhu cầu thực tế nhằm thay thế dần việc bắt buộc gửi văn bản giấy có chữ ký và dấu qua đường bưu điện bằng việc gửi văn bản điện tử có chữ ký số qua mạng;

2. Trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước:

- Triển khai đồng bộ hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành dùng chung cho tất cả các Sở, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đảm bảo hệ thống liên thông, ổn định và có hiệu quả cao;

- Đến năm 2015, cấp phát đủ hộp thư điện tử với địa chỉ tên miền xxx@hoabinh.gov.vn và tài khoản sử dụng hệ thống Quản lý văn bản và điều hành cho hầu hết các cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước và quán triệt việc thường xuyên trao đổi văn bản điện tử trong công việc;

- Công khai địa chỉ thư điện tử hoặc hệ thống thông tin dùng để gửi nhận văn bản điện tử của cơ quan để phục vụ việc gửi, nhận văn bản điện tử.

3. Trao đổi văn bản điện tử giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân:

- Tích cực, chủ động triển khai và tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, hệ thống thông tin chuyên ngành để gửi, nhận văn bản, hồ sơ giao dịch với tổ chức, doanh nghiệp;

- 100% cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước đăng tải văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo tổng hợp, thống kê về ngành, lĩnh vực quản lý. Cung cấp đầy đủ dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho các dịch vụ được cung cấp, trong đó cho phép người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng các biểu mẫu tải về từ mạng để điền và khai trước khi đến cơ quan nhà nước làm thủ tục;

- Thực hiện Kế hoạch cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thuộc nhóm dịch vụ công ưu tiên triển khai nêu tại quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

4. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật:

- Tổ chức triển khai Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước để hoàn thiện hệ thống mạng nội bộ, kết nối thông suốt từ Ủy ban nhân dân tỉnh tới các đơn vị trực thuộc, bảo đảm cho các hoạt động trao đổi văn bản điện tử được thực hiện trên môi trường mạng an toàn, nhanh chóng;

- Trong năm 2013-2014, tiếp tục triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành tới các cơ quan nhà nước các cấp bảo đảm đến hết năm 2015 có 100% cơ quan nhà nước được trang bị hệ thống quản lý văn bản và điều hành quản lý, lưu trữ các văn bản điện tử phục vụ xử lý, điều hành công việc và tra cứu thông tin qua mạng;

- Xây dựng các phương án kỹ thuật, kết nối liên thông các hệ thống thông tin dùng để gửi nhận văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn an ninh thông tin khi trao đổi các văn bản điện tử qua mạng giữa các cơ quan nhà nước với nhau;

- Đến hết năm 2015, triển khai kết nối liên thông hầu hết các hệ thống phần mềm xử lý văn bản phục vụ chỉ đạo điều hành trong cơ quan nhà nước từ cấp đơn vị trực thuộc tại các sở, ban, ngành, huyện và Thành phố với cơ quan nhà nước cấp trên.

5. Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức:

- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức về các lợi ích của việc trao đổi văn bản điện tử qua mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước, từ đó thay đổi lề lối thói quen làm việc, hướng tới môi trường làm việc điện tử, hiện đại, hiệu quả;

- Bồi dưỡng, tập huấn cho lãnh đạo cơ quan về nghiệp vụ quản lý công nghệ thông tin, mà cụ thể là tổ chức, điều hành việc triển khai trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

- Bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin để nâng cao năng lực đề xuất, xây dựng và triển khai biện pháp đáp ứng các điều kiện kỹ thuật về trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin;

- Bố trí cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa tập huấn sử dụng thư điện tử, khai thác hệ thống quản lý văn bản và điều hành, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử, hệ thống quản lý thông tin tổng thể đang triển khai trong cơ quan và các nội dung liên quan khác để tăng cường trao đổi văn bản văn bản điện tử qua mạng trong công việc.

6. Kiểm tra, đánh giá, báo cáo:

- Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá tình hình trao đổi văn bản điện tử của cơ quan nhà nước các cấp; tổng hợp, đối chiếu với các mục tiêu hàng năm của Kế hoạch để có biện pháp hiệu chỉnh;

- Đánh giá, tìm kiếm mô hình điển hình về cơ quan nhà nước thực hiện trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động để phổ biến áp dụng rộng rãi.

V. CÁC GIAI ĐOẠN KẾ HOẠCH (Xem phụ lục kèm theo)

VI. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tổ chức điều hành:

- Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và Thành phố có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin của đơn vị mình, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Lãnh đạo các cấp về ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng chương trình kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của đơn vị trong việc trao đổi văn bản điện tử của mình đến năm 2015;

- Ban hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho việc trao đổi văn bản điện tử.

2. Giải pháp kỹ thuật công nghệ:

Xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chữ ký số và trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng trong cơ quan nhà nước; kiểm tra đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn này của các cơ quan nhà nước;

Xây dựng các đề án, dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước tỉnh Hòa Bình đảm bảo cho việc trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng được thông suốt;

Sử dụng và khai thác hạ tầng mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước trong việc triển khai trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.

3. Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực:

Tăng cường đào tạo kỹ năng về ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức. Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức chuyên trách về công nghệ thông tin các cấp; Bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin cho lãnh đạo các cơ quan nhà nước;

Tăng cường học tập kinh nghiệm của các tỉnh đi trước trong việc phát triển chính phủ điện tử.

4. Giải pháp tuyên truyền tập huấn:

Tăng cường công tác tuyên truyền về việc trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng. Thường xuyên hướng dẫn, thực hiện công tác đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để có những giải pháp thúc đẩy kịp thời;

Tổ chức tuyên truyền rộng rãi nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và các lợi ích trong việc xây dựng Chính phủ điện tử cho cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp.

5. Giải pháp tài chính:

Kinh phí thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được đảm bảo từ ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

Chủ trì, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch này; chủ trì công tác theo dõi, tổng hợp đánh giá mức độ, tiến độ thực hiện Kế hoạch để kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;

Chủ trì triển khai các giải pháp tổng thể, các ứng dụng dùng chung của tỉnh (Mail Hòa Bình, Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc…);

Đảm bảo quản lý toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của tỉnh, quản trị và duy trì hoạt động 24h/7 ngày/ tuần hệ thống trung tâm tích hợp dữ liệu;

Chủ trì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi văn bản điện tử; Tăng cường công tác tham mưu, quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi văn bản điện tử của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh;

Phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư, Sở tài chính xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các dự án công nghệ thông tin về trao đổi văn bản điện tử của cơ quan nhà nước, hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt;

Hàng năm tổ chức đánh giá, tìm kiếm mô hình điển hình về cơ quan nhà nước thực hiện trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động để phổ biến áp dụng rộng rãi;

Đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi văn bản điện tử của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đồng thời hướng dẫn và tổ chức thực hiện sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Kế hoạch hàng năm.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm:

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền hướng dẫn thực hiện các quy định về tài chính hiện hành, phù hợp với đặc thù của dự án công nghệ thông tin về trao đổi văn bản điện tử trên địa bàn tỉnh;

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt và dự toán kinh phí của các Sở, ban, ngành. Căn cứ khả năng ngân sách và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, thẩm định dự toán kinh phí thực hiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định hiện hành.

3. Sở Kế hoạch đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông cân đối tổng hợp kinh phí đầu tư hang năm cho các dự án công nghệ thông tin và trao đổi văn bản điện tử trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức về trao đổi văn bản trên môi trường mạng cho các cán bộ, công chức, viên chức các ngành các cấp trên địa bàn tỉnh;

Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo thông tin các cấp của tỉnh.

5. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện và Thành phố có trách nhiệm:

Phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng các hệ thống kỹ thuật và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng đồng bộ, đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn;

Ban hành Kế hoạch, lộ trình thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử tại đơn vị mình trước Quý III năm 2014, trong đó nêu rõ:

Chủ động bố trí kinh phí, tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trao đổi văn bản điện tử của đơn vị mình, đảm bảo mục tiêu đề ra. Tập trung các nội dung: Thư điện tử, Trang thông tin điện tử, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ ( Mạng Lan, thiết bị phục vụ cán bộ, công chức);

Sử dụng hiệu quả các phần mềm dung chung ( thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc…);

Trong phạm vi, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động trao đổi văn bản điện tử; phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung theo Kế hoạch quy định tại Quyết định này.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2013-2015 tỉnh Hòa Bình. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thông tin và Truyền thông (để báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Hòa Bình, Đài PTTH tỉnh, Cổng TTĐT;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu: VT, VX…

CHỦ TỊCH




Bùi Văn Tỉnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 59/KH-UBND năm 2013 thực hiện việc trao đổi văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2013-2015

  • Số hiệu: 59/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/10/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hòa Bình
  • Người ký: Bùi Văn Tỉnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản