Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 58/KH-UBND | Cần Thơ, ngày 14 tháng 3 năm 2022 |
Thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược);
Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Chiến lược trên địa bàn thành phố, cụ thể như sau:
1. Mục đích:
Nhằm triển khai có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, các chương trình hành động của Chính phủ và của thành phố về thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo nền tảng động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện gắn chặt giữa việc triển khai Quyết định số 1909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025 và các Chỉ thị, Nghị quyết, chỉ đạo khác của Trung ương, của thành phố có liên quan đến sự phát triển văn hóa thành phố; cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, chương trình, đề án cụ thể, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân thành phố và phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện thực tế, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, khả thi cao nhất; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm tích cực và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện ở giai đoạn trước.
2. Yêu cầu
Xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của cả hệ thống chính trị, do đó, việc tổ chức thực hiện Chương trình phải nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả và tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân và toàn xã hội.
Tổ chức quán triệt, phân công nhiệm vụ cụ thể các Sở, ban ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện; xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động tại cơ quan, đơn vị, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển văn hóa của thành phố. Các hoạt động triển khai phải đảm bảo hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Chiến lược; gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố trong từng giai đoạn.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát; bổ sung, cập nhật những chủ trương, nhiệm vụ mới đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn; đề cao tinh thần chủ động, quyết tâm, đổi mới sáng tạo, bảo đảm chất lượng, hiệu quả gắn với nhiệm vụ chính trị của thành phố trong thực hiện Quyết định của Chính phủ và các Chương trình, Đề án, Quy hoạch về phát triển văn hóa của thành phố Cần Thơ.
Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh.
1. Quan điểm
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố; đáp ứng nhu cầu tiếp cận và thụ hưởng văn hóa của Nhân dân; đẩy mạnh xã hội hóa văn hóa, hoạt động văn hóa đối ngoại và coi trọng ngoại giao văn hóa để quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Xây dựng và phát triển văn hóa thành phố Cần Thơ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Nâng cao nhận thức của các Cấp ủy Đảng, Chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, tạo sự thống nhất trong tư tưởng, hành động và quyết tâm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển văn hóa của thành phố. Tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Cần Thơ phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; tạo cơ sở, nền tảng tinh thần vững chắc cho xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững của thành phố.
Góp phần xây dựng Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistiscs, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
b) Một số chỉ tiêu cụ thể
- Phấn đấu đến năm 2025:
Trên 65% người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao.
Trên 80% hộ gia đình được công nhận và giữ vững “Gia đình văn hóa” 03 năm liên tục trở lên; trong đó, có 98% hộ gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
80% ấp, khu vực được công nhận “Ấp văn hóa”, “Khu vực văn hóa” 06 năm liên tục trở lên.
80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” 05 năm liên tục trở lên.
Tổng vốn sách của hệ thống thư viện công cộng thành phố Cần Thơ đạt tỷ lệ 0,5 bản sách/người dân.
- Phấn đấu đến năm 2030:
Trên 70% người dân tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao.
Trên 85% hộ gia đình giữ vững và được công nhận “Gia đình văn hóa” 03 năm liên tục trở lên.
85% ấp, khu vực được công nhận “Ấp văn hóa”, “Khu vực văn hóa” 06 năm liên tục trở lên.
85% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” 05 năm liên tục trở lên.
Tổng vốn sách của hệ thống thư viện công cộng thành phố Cần Thơ đạt tỷ lệ 0,6 bản sách/người dân.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa
a) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tăng cường, đa dạng hóa, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động, nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.
b) Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật nhằm mở rộng khả năng tiếp cận, nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng. Chú trọng công tác quản lý thông tin trên mạng Internet, mạng xã hội để định hướng tư tưởng và thẩm mỹ cho nhân dân, nhất là thanh niên, thiếu niên.
c) Thường xuyên tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và phát triển văn hóa; giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp, truyền thống của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa tốt đẹp của nhân loại trên các kênh truyền thông đại chúng, báo chí, đài phát thanh, truyền hình và các trang mạng xã hội.
2. Hoàn thiện chính sách về văn hóa
a) Rà soát, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực cho lĩnh vực văn hóa của thành phố phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các Cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của các đoàn thể chính trị để thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
b) Có chính sách khuyến khích, đãi ngộ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân và những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trên địa bàn thành phố nhằm phát huy tài năng, năng lực sáng tác, quảng bá văn hóa, nghệ thuật, truyền dạy di sản trong cộng đồng, đồng thời phát triển sâu rộng hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng.
c) Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực văn hóa; tiếp tục phân cấp cụ thể trách nhiệm quản lý về văn hóa cho các địa phương.
3. Xây dựng con người Cần Thơ phát triển toàn diện
a) Tiếp tục xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”; phát huy những giá trị truyền thống, kết hợp với hiện đại, thể hiện bản chất, đặc trưng riêng của người Cần Thơ; chú trọng nâng cao giá trị về đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật, tự hào và tôn vinh lịch sử văn hóa của dân tộc.
b) Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình. Đẩy mạnh truyền thông thực hiện phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”; Đề án “Xây dựng và phát triển con người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2030”; Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”... Nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, khuyến khích phát triển hệ thống thư viện cấp huyện, xã nhằm thúc đẩy phong trào đọc sách, nâng cao dân trí. Nâng cao chất lượng thể thao cơ sở, tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Duy trì và phát triển các câu lạc bộ, điểm nhóm tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe trong Nhân dân.
c) Triển khai hiệu quả chương trình giáo dục ở địa phương nhằm trang bị những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ của thành phố.
3. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế
a) Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nêu cao vai trò, tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, người có uy tín trong cộng đồng trong việc thực hiện quy chế, chuẩn mực đạo đức, thực sự là tấm gương sáng, là hạt nhân trong việc xây dựng môi trường văn hóa.
b) Quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Chú trọng đề cao văn hóa gia đình, tạo môi trường quan trọng nhằm tạo dựng và bồi dưỡng nhân cách, đạo đức, lối sống, thể lực, trí lực cho con người; xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh; kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục kiến thức khoa học với giáo dục tư tưởng, nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn, lối sống.
c) Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái và cảnh quan thiên nhiên, ý thức bảo vệ môi trường. Thực hiện các giải pháp đột phá nhằm ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn của các tôn giáo, tín ngưỡng. Chủ động đấu tranh, loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, lối sống vị kỷ, thực dụng; các hành vi mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, vi phạm pháp luật, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội, làm ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
d) Xây dựng và phát huy lối sống có ý thức tự chủ, tự giác, tôn trọng và chấp hành pháp luật; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, biểu dương những tấm gương tốt để lan tỏa trong cộng đồng.
4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa
a) Tiếp tục đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa gắn với các phong trào, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị. Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của cán bộ lãnh đạo, quản lý làm công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch, tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động văn hóa ở các đơn vị, chia sẻ những sáng kiến, cách làm hay, có chính sách khen thưởng, khuyến khích và phê bình đúng đắn, hợp lý trong công tác phát triển các hoạt động văn hóa. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa.
b) Phát triển văn hóa đọc, phục vụ kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập suốt đời của Nhân dân. Tăng cường chuyển đổi phương thức hoạt động trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, chú trọng phát triển thư viện điện tử. Phát huy vai trò chủ đạo của Thư viện thành phố trong việc cải tiến, đổi mới các sản phẩm - dịch vụ thông tin, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng các cấp đi đôi với việc quan tâm hỗ trợ phát triển mô hình phục vụ sách báo trong cộng đồng, xây dựng hệ thống Thư viện công cộng thực sự là trung tâm phục vụ việc học tập suốt đời của Nhân dân trên địa bàn.
c) Nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập, các đội, câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật quần chúng ở cơ sở. Chú trọng chất lượng nghệ thuật, hướng tới các tác phẩm có giá trị cao, ưu tiên đầu tư giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Chú trọng các chính sách, dự án phát triển tài năng nghệ thuật, xây dựng các công trình biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu, trang bị cơ sở vật chất hiện đại cho các cơ sở biểu diễn nghệ thuật công lập. Xây dựng các chương trình nghệ thuật phục vụ cho Nhân dân ở vùng nông thôn. Cải tạo và nâng cao chất lượng các công trình hiện có, nhất là cải tạo, nâng cấp, mở rộng Nhà hát Tây Đô với quy mô hiện đại, sức chứa 1.000 chỗ ngồi; cải tạo, nâng cấp Trung tâm Văn hóa thành phố.
d) Nâng cao công tác tổ chức các hoạt động, các sự kiện văn hóa nghệ thuật quần chúng của thành phố; xây dựng các chương trình nghệ thuật tiêu biểu của thành phố tham gia các liên hoan giao lưu nghệ thuật quần chúng cấp khu vực; tổ chức các sân chơi, các chương trình giao lưu… ngày càng đổi mới và tính sáng tạo về văn hóa nghệ thuật quần chúng nhằm tuyên truyền, định hướng về chính trị, tư tưởng, thẩm mỹ phù hợp với công nghệ phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí… của người dân. Chú trọng việc khai thác, sưu tầm, phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tổ chức các liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng. Đổi mới và duy trì hoạt động tuyên truyền lưu động, Câu lạc bộ và các hình thức hoạt động văn hóa, dịch vụ tại chỗ hoặc lưu động để trực tiếp tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến quần chúng nhân dân.
đ) Hỗ trợ hoạt động sáng tác, tạo điều kiện công bố, sưu tầm, lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật; chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực, tổ chức các cuộc thi, triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh; xây dựng cơ chế hỗ trợ các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị và người dân.
e) Tiếp thu tinh hoa lý luận văn học, nghệ thuật của các thế hệ tiền nhân và của thế giới, vận dụng sáng tạo, phát triển và làm phong phú thêm nền lý luận văn học, nghệ thuật của thành phố. Đổi mới phương thức giao nhiệm vụ, đẩy mạnh cơ chế đặt hàng sáng tác để có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, hướng đến các chủ đề lịch sử, cách mạng, các giá trị truyền thống, ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng. Thành lập Quỹ hỗ trợ tài năng nghệ thuật nhằm hỗ trợ cho các tác phẩm văn học, nghệ thuật có những tìm tòi, sáng tạo mới. Tổ chức nhiều trại sáng tác văn học, nghệ thuật, tạo điều kiện cho tác giả được nghiên cứu thực tế, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đáp ứng tốt nhu cầu tìm hiểu, học tập và thưởng thức văn hóa của Nhân dân thành phố.
5. Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc
a) Xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, chú trọng giữ gìn, bảo tồn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc, như: Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hò Cần Thơ, Hát ru của người Việt tại Cần Thơ cũng như các loại hình biểu diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian tại thành phố như: hò, vè, dân ca...; khôi phục và duy trì các hội thi, hội diễn truyền thống như: tiếng hát Phát thanh - Truyền hình, Giải Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền...
b) Đổi mới, đa dạng các hoạt động bảo tàng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu của công chúng, từng bước xây dựng và nâng cao thương hiệu của bảo tàng. Quan tâm đầu tư, bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn thành phố; hoàn thành việc chỉnh lý trưng bày Bảo tàng thành phố; Quản lý, vận hành, khai thác có hiệu quả Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ. Tiếp tục lập hồ sơ khoa học và đề nghị xếp hạng 05 di tích; xây dựng, trùng tu, tôn tạo 15 di tích.
c) Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn, đội ngũ thuyết minh tại các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng; trong đó, ưu tiên các di tích có tiềm năng gắn kết, thu hút và khai thác du lịch. Tăng cường công tác quản lý lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các làng nghề, gắn làng nghề với dịch vụ du lịch và hoạt động văn hóa.
6. Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa
a) Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về thị trường văn hóa, công nghiệp văn hóa; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.
b) Nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao tham gia vào thị trường công nghiệp văn hóa trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành công nghiệp văn hóa. Tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa. Xây dựng các chính sách ưu đãi, xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng như: điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, truyền hình và phát thanh, thời trang, du lịch văn hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
7. Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa
a) Xây dựng và đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược văn hóa đối ngoại và Chiến lược ngoại giao văn hóa của Việt Nam tại thành phố Cần Thơ trong giai đoạn mới. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam nói chung và đặc trưng văn hóa thành phố Cần Thơ nói riêng ra thế giới. Mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước; đa dạng hóa các hình thức đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu. Tạo điều kiện cho người Cần Thơ ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế đầu tư trí tuệ, nguồn lực, tham gia phát triển văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và người Cần Thơ đến với bạn bè quốc tế.
b) Đẩy mạnh thông tin đối ngoại, giới thiệu về đất nước và con người Cần Thơ, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thành tựu của thành phố Cần Thơ, quảng bá, giới thiệu những nét nghệ thuật truyền thống của văn hóa đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng đến với bạn bè quốc tế. Tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế lĩnh vực văn hóa. Phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, giao lưu văn hóa và biểu diễn giữa các đơn vị nghệ thuật của thành phố Cần Thơ với các nước đối tác, nhất là các nước trong khu vực ASEAN.
c) Xây dựng và triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Kế hoạch thực hiện chiến lược văn hóa đối ngoại của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
d) Đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao quy mô cấp khu vực, toàn quốc và quốc tế tại thành phố nhằm thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật và du khách đến với Cần Thơ.
đ) Tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu tiềm năng đất nước, văn hóa, con người với công chúng trên địa bàn thành phố.
e) Xây dựng và triển khai các chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch của thành phố tại các hội chợ khu vực, trong nước, quốc tế…
8. Tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật
a) Chú trọng xây dựng phát triển đội ngũ làm công tác văn hóa. Quan tâm quy hoạch, đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là đội ngũ ở cơ sở. Có chính sách phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; trọng dụng đội ngũ làm công tác văn hóa có tâm, có tầm, có phẩm chất đạo đức, năng lực, uy tín, tâm huyết với nghề.
b) Củng cố, kiện toàn đội ngũ giảng viên và đầu tư xây dựng Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật xứng tầm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tương lai phấn đấu nâng cấp lên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực và phát triển tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
c) Xây dựng chế độ, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân, ca sĩ, diễn viên, tài năng văn hóa, nghệ thuật; hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, góp phần tạo nguồn nhân lực cần thiết, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển văn hóa thành phố. Thực hiện các hình thức tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân truyền dạy, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.
9. Phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa
a) Phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống Thư viện, Bảo tàng, Trung tâm văn hóa, Nhà hát Tây Đô, Nhà văn hóa lao động, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện; Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn; Nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp, khu vực; Thiết chế Văn hóa - Thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân trên địa bàn thành phố.
b) Rà soát quy hoạch, xây dựng các công trình văn hóa cấp thành phố tiêu biểu vào quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô, nghiên cứu xây dựng Trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật và công trình Nhà văn hóa thanh thiếu nhi… Ưu tiên đầu tư, bố trí nguồn kinh phí xây dựng các công trình văn hóa, thể thao cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của Nhân dân; đảm bảo trang thiết bị đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho các hoạt động chuyên môn.
c) Chú trọng đổi mới, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, nội dung hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là thiết chế văn hóa cơ sở. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi các thiết chế văn hóa do tư nhân đầu tư; cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội, doanh nghiệp để phát triển sự nghiệp văn hóa.
d) Thực hiện cơ chế tự chủ kinh phí theo lộ trình Đề án “Sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết” khi được phê duyệt. Thực hiện tự chủ một phần tiến tới tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động của Trung tâm Văn hóa thành phố, Nhà hát Tây Đô.
đ) Triển khai các chính sách ưu đãi xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ theo đúng quy định hiện hành. Ban hành Danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi và chính sách xã hội hóa trên địa bàn thành phố Cần Thơ, trong đó có lĩnh vực văn hóa.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.
b) Trực tiếp tham mưu tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, đề án, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển các ngành thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở đã được Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt.
c) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chủ trì tham mưu triển khai hiệu quả Đề án của Chính phủ về Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030, chương trình giáo dục địa phương. Quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội... của các địa phương, thúc đẩy phong trào đọc sách nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho thế hệ trẻ của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
b) Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong trường học; tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện tốt các chương trình Giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường, chương trình Sân khấu học đường, tổ chức các giải thể thao trong trường học và các chương trình, kế hoạch phối hợp khác có liên quan.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố
a) Tuyên truyền sâu rộng Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 gắn với các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch của thành phố về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đến Nhân dân trên địa bàn thành phố.
b) Kịp thời thông tin giới thiệu, biểu dương các mô hình, cách làm hay, các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu biểu trong các lĩnh vực.
4. Sở Khoa học và Công nghệ: chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn thành phố; Khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật.
5. Sở Nội vụ
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố triển khai, hướng dẫn về văn hóa công vụ, văn hóa ứng xử và xây dựng các mô hình văn hóa, văn minh trong các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp trong hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn thành phố; thực hiện chính sách đãi ngộ cho các văn nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các loại hình nghệ thuật đặc thù theo quy định pháp luật hiện hành.
b) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển nguồn lực ngành văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với định hướng phát triển của ngành và đúng quy định.
6. Sở Ngoại vụ
a) Tiếp tục theo dõi, rà soát, kịp thời tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, ban hành các kế hoạch, chương trình hành động trong công tác ngoại giao văn hóa theo quy định.
b) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch quảng bá văn hóa và con người Cần Thơ ở nước ngoài; tổ chức các sự kiện văn hóa đối ngoại tại địa phương sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương thực hiện.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp các Sở, Ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện định kỳ rà soát, tổng hợp danh mục các dự án đầu tư công liên quan đến phát triển văn hóa và con người Cần Thơ, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật.
8. Sở Tài chính: thẩm định, tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bố trí ngân sách hàng năm, bảo đảm yêu cầu tiến độ thực hiện nội dung các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án... về phát triển văn hóa và con người Cần Thơ.
9. Ban Dân tộc thành phố: phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố
a) Phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giám sát việc triển khai thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyết định số 1909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
b) Tiếp tục phối hợp Ban Chỉ đạo phụ trách Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cùng cấp tuyên truyền, vận động, huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
11. Đề nghị Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật thành phố
a) Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, trong đó chú trọng, nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác, xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao về thành phố Cần Thơ.
b) Tạo điều kiện khuyến khích đội ngũ văn nghệ sĩ đi thực tế sáng tác để có nhiều tác phẩm mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật.
12. Các Sở, Ban ngành thành phố có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện: căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, có trách nhiệm xây dựng đề án, quy hoạch, kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, đảm bảo hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trên đây là Kế hoạch triển khai, thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Trên cơ sở Kế hoạch này, các Sở, Ban ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh, bổ sung, đề nghị phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 24/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do tỉnh Cà Mau ban hành
- 2Kế hoạch 7116/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 3Quyết định 481/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 4Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 5Kế hoạch 89/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030
- 6Kế hoạch 70/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 7Kế hoạch 2008/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai
- 1Nghị quyết 23-NQ/TW năm 2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới do Bộ Chính trị ban hành
- 2Nghị quyết 33-NQ/TW năm 2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Kết luận 76-KL/TW năm 2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Nghị quyết 59-NQ/TW năm 2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Chấp hành Trương ương ban hành
- 5Quyết định 1909/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Kế hoạch 24/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 do tỉnh Cà Mau ban hành
- 7Kế hoạch 7116/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 8Quyết định 481/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 9Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 10Kế hoạch 89/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030
- 11Kế hoạch 70/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 12Kế hoạch 2008/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Gia Lai
Kế hoạch 58/KH-UBND năm 2022 thực hiện Quyết định 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- Số hiệu: 58/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 14/03/2022
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Nguyễn Thực Hiện
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra