Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 14 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KIỂM KÊ VÀ LẬP HỒ SƠ KHOA HỌC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ TỈNH BẮC NINH GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Căn cứ Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định việc kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

Để bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XX, về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững", UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025 với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhận diện, xác định giá trị, lập danh mục và từng bước tư liệu hóa các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh;

- Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích cộng đồng cam kết bảo vệ di sản; góp phần bảo tồn, lưu giữ di sản, đồng thời phát huy tính sáng tạo, tự tôn của cộng đồng dân cư và cá nhân chủ thể đang nắm giữ, thực hành di sản văn hóa phi vật thể;

- Danh mục kiểm kê tạo cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch cụ thể đối với từng di sản văn hóa phi vật thể nhằm bảo vệ và phát huy giá trị trong đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng dân cư, góp phần xây dựng văn hóa, con người Bắc Ninh, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;

- Kết quả kiểm kê là cơ sở để đánh giá thực trạng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Xác định những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương, để lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể UNESCO ghi danh, nhằm khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng đương đại. Từ đó tham mưu kế hoạch, đề án, dự án bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả các hoạt động quảng bá di sản, văn hóa, du lịch của tỉnh Bắc Ninh.

2. Yêu cầu

- Nhận diện, đánh giá được thực trạng các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, đặt mối quan hệ của các di sản văn hóa phi vật thể trong điều kiện hoàn cảnh mới;

- Công tác kiểm kê phải được thực hiện đúng quy trình, thông tin thu thập phải chính xác, trung thực, đúng đối tượng và được thể hiện đúng theo các mẫu phiếu kiểm kê. Hồ sơ kiểm kê phải thống nhất, khoa học, được lưu trữ tại các cơ quan nhà nước theo đúng quy định;

- Quá trình kiểm kê có sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu văn hóa, đặc biệt là các nghệ nhân, cộng đồng, những chủ thể văn hóa, người nắm giữ và đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương;

Căn cứ vào kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Ban Chỉ đạo kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh có những giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh;

- Đề xuất được các di sản văn hóa phi vật thể và lộ trình lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Các di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phải bảo đảm các tiêu chí theo quy định.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI KIỂM KÊ VÀ LẬP HỒ SƠ KHOA HỌC DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

1. Đối tượng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học

1.1. Đối tượng kiểm kê

Căn cứ vào hệ thống những di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, tiếp tục triển khai công tác kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể theo Thông tư 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định và điều kiện thực tế của tỉnh, tập trung kiểm kê những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và ưu tiên kiểm kê di sản có nguy cơ mai một trên địa bàn tỉnh, cụ thể gồm 07 đối tượng theo quy định tại Thông tư:

- Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam;

- Ngữ văn dân gian, bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết;

- Nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác;

- Tập quán xã hội, bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác;

- Lễ hội truyền thống;

- Nghề thủ công truyền thống;

- Tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.

1.2. Đối tượng lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể

Những di sản văn hóa phi vật thể được lựa chọn để lập hồ sơ khoa học phải đảm bảo 4 tiêu chí:

- Có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương;

- Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ;

- Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài;

- Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ;

Trên cơ sở những tiêu chí trên, Ban kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh sẽ dự kiến lựa chọn những di sản để lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, quốc gia và UNESCO cụ thể theo từng năm.

2. Phạm vi kiểm kê và lập Hồ sơ khoa học

Công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể giai đoạn 2023 - 2025 được tổ chức, triển khai thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

III. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP VÀ QUY TRÌNH KIỂM KÊ

1. Nội dung kiểm kê

Đối với các di sản trong quá trình kiểm kê cần được làm sáng tỏ những nội dung sau:

- Xác định được tên gọi của di sản;

- Xác định được loại hình của di sản văn hóa (07 loại hình di sản đã được xác định nêu trên). Trường hợp di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình thì xác định đầy đủ các loại hình có liên quan;

- Xác định rõ địa điểm có di sản;

- Xác định chủ thể của di sản (trường hợp chủ thể là một cá nhân: Xác định rõ họ và tên, tuổi, dân tộc, nghề nghiệp, địa chỉ và những thông tin liên quan đến quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Trường hợp chủ thể văn hóa là cộng đồng, nhóm người: Xác định tên thường gọi của cộng đồng, nhóm người và thông tin về những người đại diện cho cộng đồng, nhóm người đó. Thông tin về những người đại diện cần xác định như chủ thể là cá nhân);

- Miêu tả di sản (quá trình ra đời, tồn tại của di sản; hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, các công trình đồ vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể);

- Đánh giá giá trị của di sản: Cần xác định được giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản văn hóa phi vật thể đối với đời sống cộng đồng hiện nay;

- Xác định hiện trạng di sản (đánh giá sức sống của di sản, khả năng duy trì, nguy cơ, nguyên nhân mai một của di sản);

- Các biện pháp bảo vệ (các biện pháp, dự án đã và đang thực hiện bảo vệ di sản);

- Tổng hợp danh mục các tài liệu có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể bao gồm các xuất bản phẩm, tư liệu khảo sát điền dã và tài liệu khác.

2. Phương pháp kiểm kê

Việc kiểm kê dự kiến thực hiện theo các phương pháp sau:

- Khảo sát điền dã, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay phim để thu thập thông tin và tư liệu hóa di sản văn hóa phi vật thể;

- Phân tích đối chiếu, so sánh, đánh giá tổng hợp các tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể;

- Lập lý lịch di sản văn hóa phi vật thể;

- Lấy ý kiến cam kết của cộng đồng, cá nhân đại diện cho di sản văn hóa phi vật thể.

3. Quy trình kiểm kê

- Nghiên cứu, thu thập tư liệu, thông tin hiện có liên quan đến đối tượng kiểm kê;

- Tập huấn những người tham gia kiểm kê;

- Khảo sát điền dã, thu thập tư liệu, thông tin về đối tượng kiểm kê theo nội dung kiểm kê;

- Lập phiếu kiểm kê, danh mục kiểm kê (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch);

- Tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả kiểm kê sơ bộ và thông báo đến từng địa phương cơ sở;

Lập hồ sơ kiểm kê.

Trong quá trình kiểm kê, khi phát hiện di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm báo cáo, trình UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo bảo vệ kịp thời.

4. Hồ sơ kiểm kê

- Báo cáo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025;

- Phiếu kiểm kê;

- Danh mục kiểm kê;

- Băng ghi âm, ghi hình, ảnh, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ;

- Nhật ký khảo sát điền dã và các tài liệu khác có liên quan.

Hồ sơ kiểm kê được lưu giữ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh.

IV. THỜI GIAN VÀ TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ

1. Năm 2023

- Xây dựng và ban hành Kế hoạch tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 -2025;

- Thu thập tư liệu, thông tin về đối tượng kiểm kê hiện đang lưu giữ tại các thư viện, trung tâm nghiên cứu ở trung ương và địa phương từ trước đến nay;

- Xây dựng phương án điều tra, bao gồm: xây dựng đề cương tổng quát, đề cương chi tiết và lập hệ thống phiếu mẫu phục vụ kiểm kê;

- Mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho những người tham gia kiểm kê;

- Tổ chức các hội thảo, hội nghị liên quan, bao gồm: Hội nghị triển khai nhiệm vụ, hội thảo xin ý kiến chuyên gia về tổ chức thực hiện, hội nghị thẩm định phương án kiểm kê, hội nghị nghiệm thu nội dung phiếu kiểm kê;

- Tổ chức các nhóm chuyên gia và cán bộ thực hiện công tác điền dã thực địa tại 02 huyện Gia Bình và Thuận Thành để thu thập thông tin từ các cá nhân và các tổ chức về các di sản văn hóa phi vật thể hiện còn tồn tại trên địa bàn, lập danh mục kiểm kê đối với các di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại;

- Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng công tác kiểm kê.

2. Năm 2024

- Mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho những người tham gia kiểm kê;

- Tổ chức các nhóm chuyên gia và cán bộ thực hiện công tác điền dã thực địa tại 03 huyện/thành phố Từ Sơn, Tiên Du và Yên Phong để thu thập thông tin từ các cá nhân và các tổ chức về các di sản văn hóa phi vật thể hiện còn tồn tại trên địa bàn, lập danh mục kiểm kê đối với các di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại.

- Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng công tác kiểm kê;

- Hội nghị nghiệm thu cuối đợt điều tra 03 huyện/thành phố.

3. Năm 2025

- Mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho những người tham gia kiểm kê;

- Tổ chức các nhóm chuyên gia và cán bộ thực hiện công tác điền dã thực địa tại 03 huyện/thành phố Bắc Ninh, Lương Tài và Quế Võ để thu thập thông tin từ các cá nhân và các tổ chức về các di sản văn hóa phi vật thể hiện còn tồn tại trên địa bàn, lập danh mục kiểm kê đối với các di sản văn hóa phi vật thể còn tồn tại.

- Hội nghị nghiệm thu cuối đợt điều tra 03 huyện/thành phố;

- Trên cơ sở kết quả điền dã, kiểm kê thực tế 03 năm (2023 - 2025), tổ chức hội nghị Hội đồng nghiệm thu và Hội nghị tổng kết công bố kết quả kiểm kê, danh mục và hồ sơ di sản phi vật thể;

- Ban hành Quyết định công bố kết quả kiểm kê tổng thể về di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, lựa chọn các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu và các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền để thực hiện kiểm kê chuyên sâu theo loại hình.

Trên cơ sở danh mục di sản văn hóa được kiểm kê và lập hồ sơ giai đoạn 2023-2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất một số dự án bảo tồn, phát huy giá trị đối với các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hoặc có nguy cơ thất truyền; lựa chọn những di sản tiêu biểu trình UBND tỉnh đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

V. KINH PHÍ

- Nguồn kinh phí: Ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng ghép với các chương trình, kế hoạch khác có liên quan; các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Căn cứ nội dung triển khai cụ thể từng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, gửi Sở Tài chính thẩm định, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố thực hiện các nhiệm vụ:

- Hằng năm xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện kiểm kê và lập hồ sơ khoa học đảm bảo mục tiêu, yêu cầu đề ra;

- Tham mưu giúp UBND tỉnh kiện toàn Ban kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025;

- Thành lập Tổ kiểm kê giúp Ban kiểm kê thực hiện công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể;

- Hướng dẫn các huyện, thành phố triển khai công tác kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn;

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức khảo sát, lập cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn.

- Tổng hợp những di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức kiểm kê; hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh ghi vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh; lựa chọn di sản văn hóa tiêu biểu đề nghị UBND tỉnh trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UNESCO ghi danh.

2. Sở Tài chính

Phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí hằng năm thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong quá trình kiểm kê;

- Tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân, đặc biệt là những cộng đồng dân cư, những tập thể, cá nhân đang lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể hợp tác, hỗ trợ cán bộ và chuyên gia trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật./.

 


Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL (b/c);
- TTTU, TTHĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: VHTTDL, TC, KHĐT;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh: PVPVX, CVP;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Tân Phượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2023 về tổng kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025

  • Số hiệu: 57/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 14/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Ngô Tân Phượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản