Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BCĐ PHÒNG CHỐNG AIDS VÀ PCTN MA TÚY MẠI DÂM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/KH-BCĐ

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC CAI NGHIỆN VÀ QUẢN LÝ SAU CAI NGHIỆN MA TÚY NĂM 2017

Thực hiện Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 14/02/2017 của UBND Thành phố tăng cường công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 17/02/2017 của UBND Thành phố về công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn Hà Nội năm 2017; Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Thành phố xây dựng kế hoạch triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy năm 2017, như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới; thực hiện đa dạng hóa các hình thức điều trị, với các giải pháp toàn diện, kiên trì, lâu dài và liên tục; tăng cường chất lượng cung cấp các dịch vụ, tư vấn, tạo việc làm, kết hợp giảm hại của sử dụng ma túy và dự phòng hạn chế lây nhiễm HIV do tiêm chích ma túy; từng bước thực hiện lộ trình chuyển đổi và đa dạng hóa chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở cai nghiện, đảm bảo các điều kiện để tiếp nhận người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, hỗ trợ kỹ thuật cho các điểm tư vấn tại cộng đồng, điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, đáp ứng nhu cầu và chất lượng điều trị. Khuyến khích người cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của nhân dân và gia đình người nghiện trong việc vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện và giúp đỡ người sau cai nghiện phòng chống tái nghiện.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp từ quận, huyện, thị xã đến xã phường, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

- Thực hiện chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ các cơ sở cai nghiện theo Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp tình hình thực tế tại Hà Nội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chữa bệnh, tư vấn, giáo dục, phòng chống thẩm lậu, tiêu cực, chống đánh nhau, bạo loạn và tổ chức trốn tập thể trong các cơ sở cai nghiện. Tăng cường dạy nghề, lao động sản xuất, củng cố cơ sở vật chất, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của học viên, giúp họ có cơ hội tìm được việc làm khi về cộng đồng.

- Đẩy mạnh công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, nâng cao chất lượng các hoạt động cắt cơn, giáo dục, tư vấn, hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm và quản lý, hỗ trợ sau cai nghiện tại cộng đồng; tiếp tục duy trì hoạt động mô hình Câu lạc bộ B93 ở xã, phường, thị trấn.

- Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai tại cơ sở cai nghiện và cộng đồng.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tổ chức cai nghiện cho 70% người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý với các biện pháp, hình thức phù hợp; cụ thể: Tổ chức cai nghiện cho 9.300 người nghiện; cai nghiện ma túy bắt buộc cho 500 người; cai tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện và điều trị methadone cho 6.500 người; cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 300 người và cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện cho 2.000 người (chi tiết theo Biểu số 01, 02 đính kèm).

- 100% người hoàn thành cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện được quản lý sau cai nghiện ma túy với các hình thức quản lý, tư vấn, giám sát phù hợp.

- Duy trì hoạt động 34 Câu lạc bộ quản lý sau cai (B93) phấn đấu có 80% Câu lạc bộ có số buổi và thành viên tham gia sinh hoạt đều đặn, hiệu quả (chi tiết theo Biểu số 03 đính kèm).

- 100% số người cai nghiện ma túy có nhu cầu được tư vấn học nghề và đào tạo nghề; 50% số người cai nghiện có nhu cầu được tư vấn việc làm. Cụ thể: Dạy nghề cho 300 người cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện; các địa phương hỗ trợ tín dụng, tạo việc làm cho 30 người sau cai nghiện.

- 100% cán bộ làm công tác quản lý, trực tiếp làm công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại các cơ sở cai nghiện và xã, phường, thị trấn được tập huấn, đào tạo cơ bản và nâng cao về kỹ năng, nghiệp vụ.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của các đoàn thể, tổ chức xã hội và cộng đồng trong việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai nghiện.

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình và bản thân người nghiện trong việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của nhà nước về công tác cai nghiện phục hồi.

3. Chú trọng thực hiện các biện pháp xã hội hóa công tác cai nghiện. Phát động toàn dân phòng ngừa tệ nạn xã hội và vận động người nghiện ma túy tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp; huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người cai nghiện, giúp đỡ người sau cai có việc làm ổn định cuộc sống; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tại cộng đồng; huy động sự tham gia, đóng góp của người dân, gia đình, cộng đồng cho công tác cai nghiện và quản lý sau cai; lồng ghép công tác cai nghiện với các chương trình kinh tế - xã hội khác như xóa đói, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm...

4. Rà soát, sắp xếp, đa dạng hóa chức năng, nhiệm vụ các cơ sở cai nghiện đáp ứng nhu cầu cai nghiện ma túy của người nghiện ma túy. Tăng cường chỉ đạo, thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

5. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo điểm nâng cao chất lượng công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn Thành phố.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết; định kỳ đánh giá hiệu quả công tác cai nghiện, điều chỉnh nội dung, biện pháp phù hợp nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai.

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy

- Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức nội dung phong phú, phù hợp. Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường tuyên truyền bằng hình ảnh trên đài truyền hình, chú trọng tuyên truyền chiều sâu và tuyên truyền trực tiếp thông qua các hoạt động của các Ban, ngành, đoàn thể các cấp, các tổ chức xã hội trong việc tổ chức như tọa đàm, hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt Câu lạc bộ.v.v...

- Tập trung tuyên truyền tại địa bàn dân cư, trong trường học, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở cai nghiện.v.v..., chú trọng những người có nguy cơ cao, người nghiện ma túy ở cộng đồng, học sinh, sinh viên trong các trường học, người lao động trong doanh nghiệp. Phối hợp các đoàn thể vận động người nghiện tự nguyện đi cai nghiện, giúp đỡ quản lý người sau cai nghiện ma túy, giảm tỷ lệ tái nghiện.

- Nội dung tuyên truyền: Phổ biến các quy định của pháp luật về công tác cai nghiện và quản lý sau cai, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ, Thành phố về công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới.

2. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện

- Quy hoạch hệ thống các cơ sở cai nghiện phù hợp Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Ban Chỉ đạo Phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Công an, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ trong công tác lập hồ sơ, xét duyệt đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, đảm bảo đúng đối tượng, đúng trình tự, thủ tục về hồ sơ và đạt chỉ tiêu được giao; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể vận động người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện.

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác cai nghiện tại cơ sở cai nghiện; hoàn thiện các chương trình chữa trị, giáo dục cho học viên, đảm bảo 70% thời gian cho các hoạt động tư vấn, học văn hóa, học nghề.

- Chuyển đổi và đa dạng hóa chức năng, nhiệm vụ các cơ sở cai nghiện của Thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở cai nghiện hoạt động đúng quy định, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

3. Đẩy mạnh công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng

- Tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.

- Chỉ đạo kiện toàn Tổ công tác cai nghiện tại xã, phường, thị trấn; xây dựng kế hoạch tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, quy định về chế độ chính sách đối với người cai nghiện tại gia đình và cộng đồng phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội của Hà Nội.

- Vận động người nghiện cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. Tổ chức tốt công tác cai cắt cơn, giáo dục, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện. Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu dài tại cộng đồng.

- Tiếp tục triển khai thực hiện điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nghiện ma túy, xây dựng điểm tư vấn kết nối điều trị tại xã, phường thị trấn có nhiều người nghiện ma túy. Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ theo hướng điều trị, hỗ trợ xã hội để người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng.

4. Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý sau cai nghiện và công tác tái hòa nhập cộng đồng

- Đảm bảo 100% số người đã cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện trở về cộng đồng được quản lý sau cai. Phân công Tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện, thanh niên tình nguyện, hội viên của các đoàn thể... quản lý giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy. Tăng cường công tác hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tại nơi cư trú.

- Chú trọng phát triển các hình thức liên doanh, liên kết giữa Trung tâm quản lý sau cai với cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho người sau cai nghiện ma túy thuận lợi trong học nghề và lao động sản xuất, giải quyết việc làm có thu nhập cho học viên. Làm tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức của học viên nhằm thay đổi hành vi, quyết tâm khi trở về cộng đồng không tái sử dụng ma túy. Đẩy mạnh công tác hỗ trợ vốn, cho vay vốn tạo việc làm, dạy nghề và tái hòa nhập cộng đồng đối với người nghiện ma túy (Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 08/12/2014 của UBND Thành phố).

- Duy trì đảm bảo chất lượng, hiệu quả mô hình Câu lạc bộ B93; thường xuyên kiểm tra, đánh giá và có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động các Câu lạc bộ.

- Tổ chức xét duyệt đưa ra khỏi danh sách quản lý người nghiện của địa phương đối với nhưng người đã hoàn thành thời gian cai nghiện tại Trung tâm, có đủ 02 năm không tái nghiện, người đã hoàn thành thời gian quản lý sau cai tại Trung tâm, tại nơi cư trú (Hướng dẫn số 1257/HD-LĐTBXH ngày 02/8/2011 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội).

5. Đẩy mạnh công tác đưa người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định vào lưu trú tạm thời

- Tích cực phát hiện người nghiện ma túy không nơi cư trú ổn định để lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý, theo dõi, chẩn đoán, cắt cơn, giải độc, phục hồi sức khỏe, tư vấn tâm lý cho người không có nơi cư trú ổn định tại các cơ sở cai nghiện được giao nhiệm vụ lưu trú tạm thời.

- Đẩy nhanh các hoạt động phối hợp trong việc xác định người nghiện ma túy, xác minh nơi cư trú và hoàn tất các thủ tục hồ sơ xem xét, quyết định cai nghiện bắt buộc theo đúng trình tự, thẩm quyền quy định.

6. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp làm công tác cai nghiện, quản lý sau cai

- Xây dựng kế hoạch tiếp tục mở các lớp đào tạo cơ bản và nâng cao đối với cán bộ làm công tác quản lý, điều trị, cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai tại các cơ sở cai nghiện và cộng đồng.

- Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn nghiệp vụ cho cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, Đội công tác xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Sở Lao động Thương binh và Xã hội

- Thường xuyên rà soát các văn bản pháp quy về cai nghiện và quản lý sau cai của Chính phủ, các Bộ và Thành phố ban hành; tham mưu UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm Thành phố xây dựng, ban hành văn bản triển khai phù hợp với thực tế Thành phố.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động cai nghiện phục hồi theo kế hoạch được UBND Thành phố và Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm phê duyệt hàng năm.

- Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc, quản lý sau cai, tạm miễn, tạm hoãn... tại các cơ sở cai nghiện và quận, huyện, thị xã. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thành phố; giải quyết các đơn thư, khiếu nại, tố cáo về công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện.

- Định kỳ hằng tháng, quý, năm báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy.

- Trực tiếp quản lý chỉ đạo, điều hành hệ thống các cơ sở cai nghiện của Thành phố hoạt động hiệu quả, đúng chức năng và nhiệm vụ được giao, duy trì ổn định an ninh, trật tự.

- Cân đối số lượng học viên, phân bổ chỉ tiêu cai nghiện ma túy và quản lý sau cai tại các cơ sở cai nghiện; thực hiện tốt công tác hỗ trợ, khuyến khích người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan tham mưu rà soát, sắp xếp chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ các cơ sở cai nghiện quy định tại Quyết định số 1640/QĐ-TTg ngày 18/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

- Hoàn thiện và ổn định bộ máy cán bộ và công tác quản lý học viên tại các cơ sở cai nghiện của Thành phố; thường xuyên nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan kiểm tra hoạt động của các cơ sở cai nghiện tư nhân trên địa bàn Thành phố; tham mưu UBND Thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại thành phố Hà Nội đến năm 2020; chỉ đạo hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về cai nghiện và quản lý sau cai đến các đơn vị cơ sở trực thuộc; phối hợp Sở Y tế chỉ đạo điều trị Methadone tại các cơ sở cai nghiện; tham mưu UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo cùng cấp, chỉ đạo các ngành, đoàn thể thành viên, Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện các hình thức và biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ; tổ chức quản lý sau cai tại nơi cư trú theo Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ; thực hiện chuyên đề xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm; chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động của các Câu lạc bộ B93.

- Phối hợp Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo điểm nâng cao chất lượng công tác lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cai nghiện ma túy bắt buộc tại 04 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Nam Từ Liêm và 2 huyện: Chương Mỹ, Hoài Đức.

- Chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan và Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện Kế hoạch liên tịch về “Phát động toàn dân tham gia vận động người nghiện đi cai nghiện, quản lý giúp đỡ người sau cai tại nơi cư trú” đến các phường, xã, thị trấn để tổ chức thực hiện.

- Phối hợp Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội chỉ đạo, thực hiện tốt công tác cho vay vốn đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 08/12/2014 của UBND Thành phố.

2. Công an thành phố Hà Nội

- Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp phát huy vai trò của cơ quan Thường trực về phòng, chống ma túy. Hướng dẫn Công an cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt công tác lập hồ sơ đưa đối tượng vào cai nghiện ma túy dưới mọi hình thức, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, hoàn thành và vượt chỉ tiêu cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

- Tăng cường công tác đấu tranh, triệt phá các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, ngăn ngừa việc gia tăng người nghiện mới. Nâng cao hiệu quả quản lý người nghiện ma túy thường xuyên rà soát, thống kê, kiểm danh, kiểm diện người nghiện ma túy trên địa bàn để phân loại, áp dụng các hình thức cai nghiện phù hợp.

- Chỉ đạo Công an các cấp truy tìm và bắt đưa đối tượng trốn không thi hành quyết định cai nghiện ma túy bắt buộc, đồng thời phối hợp các cơ sở cai nghiện của Thành phố truy tìm, đưa đối tượng trốn quay trở lại chấp hành quyết định; phối hợp giữ gìn trật tự an ninh, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong khu vực; phòng, chống bạo loạn, trốn tập thể, xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra tại các cơ sở cai nghiện.

- Chỉ đạo Công an các xã, phường, thị trấn phối hợp các Ban, ngành ở địa phương quản lý tốt người sau cai nghiện tại nơi cư trú.

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra, giám sát nắm chắc tình hình thực hiện công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai trên toàn Thành phố.

- Tiếp tục thực hiện chỉ đạo điểm nâng cao chất lượng công tác áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trên địa bàn Thành phố.

- Thực hiện điều tra, thống kê, quản lý người sử dụng ma túy và người nghiện ma túy, rà soát, theo dõi di biến động người nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố.

3. Sở Y tế

- Hướng dẫn việc chẩn đoán và điều trị nghiện ma túy tổng hợp, phác đồ, các thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy được phép lưu hành của Bộ Y tế cho cán bộ các cơ sở cai nghiện và tổ công tác cai nghiện trên địa bàn Thành phố.

- Chỉ đạo cơ quan y tế cấp huyện tổ chức tập huấn, hỗ trợ cán bộ, chuyên môn kỹ thuật cho việc tổ chức điều trị cắt cơn, cấp cứu cho người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Hướng dẫn, chỉ đạo tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ y tế cấp xã xét nghiệm tìm chất ma túy, lập hồ sơ, bệnh án người nghiện ma túy, xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị cắt cơn cho người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Kiểm tra việc tuân thủ phác đồ điều trị cắt cơn nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện.

- Chỉ đạo các bệnh viện đa khoa Thành phố, đa khoa huyện hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân vượt quá khả năng của các cơ sở cai nghiện ma túy.

- Thực hiện tốt công tác tham mưu Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Thành phố triển khai điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho người nghiện ma túy.

- Chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở phối hợp các Ban, ngành liên quan ở địa phương, Công an cùng cấp thực hiện tốt công tác xác định tình trạng nghiện ma túy cho các đối tượng tại địa phương.

- Chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống AIDS hướng dẫn nghiệp vụ phòng, chống HIV/AIDS và quản lý điều trị ARV cho người nhiễm HIV đang chữa trị giáo dục tại các cơ sở cai nghiện của Thành phố. Bệnh viện 09 phối hợp các cơ sở cai nghiện làm tốt công tác chữa bệnh, quản lý học viên đúng quy chế bệnh viện, khi học viên đã điều trị bệnh ổn định thông báo với cơ sở cai nghiện để tiếp nhận, quản lý. Các bệnh viện tuyến huyện tiếp nhận, điều trị người rối loạn tâm thần do nghiện ma túy tổng hợp.

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an thành phố Hà Nội thực hiện việc kiểm tra đột xuất, hướng dẫn các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, tư nhân hoạt động đúng quy định pháp luật.

- Duy trì kiểm tra quy chế chuyên môn, nghiệp vụ; định kỳ hàng quý tổ chức các đoàn bác sĩ khám chữa bệnh cho các học viên vượt quá khả năng các cơ sở cai nghiện của Thành phố.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Phối hợp Sở Tài chính trong việc cân đối nguồn lực, tổng hợp phân bổ kế hoạch kinh phí để triển khai thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn Thành phố.

5. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đảm bảo công tác cai nghiện ma túy; Bố trí kinh phí phục vụ công tác cai nghiện và quản lý sau cai hàng năm; Hướng dẫn các cấp, các ngành quản lý, thu, chi kinh phí và thanh, quyết toán đúng quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố, báo chí Trung ương có chương trình phối hợp công tác với UBND Thành phố và chỉ đạo Phòng Văn hóa và thông tin các quận, huyện, thị xã thực hiện các nội dung tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cai nghiện và quản lý sau cai, tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện; vận động cá nhân, tổ chức tham gia công tác cai nghiện ma túy.

7. Sở Tư pháp: Thực hiện chức năng về lĩnh vực được giao có liên quan đến công tác cai nghiện và quản lý sau cai; Chỉ đạo các đơn vị cơ sở trực thuộc phối hợp cơ quan báo, đài, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai.

8. Sở Công Thương: Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức hội nghị các doanh nghiệp tham quan, khảo sát tại các cơ sở cai nghiện để trao đổi, xúc tiến cơ hội hợp tác đặt hàng, gia công sản phẩm; tạo nhiều việc làm cho học viên sau cai nghiện, giúp họ có thêm thu nhập cải thiện đời sống.

9. Sở Nội vụ: Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các Sở, Ban, ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố kiện toàn tổ chức bộ máy nhân sự làm công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy Thành phố, cấp huyện, cấp xã; quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ sở cai nghiện; hướng dẫn xác định vị trí việc làm và số lượng nhân sự làm việc trong các cơ sở cai nghiện ma túy.

10. Sở Văn hóa và Thể thao

- Thực hiện tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy gắn với các kế hoạch tuyên truyền phòng, chống mại dâm, phòng, chống HIV/AIDS.

- Phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội triển khai hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố, khu dân cư văn hóa gắn với phong trào phòng, chống ma túy.

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội, Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội theo chỉ đạo của Trung ương.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội và các thành viên của Mặt trận tham gia phát hiện, phát giác, vận động người nghiện đi cai nghiện ma túy tự nguyện và cung cấp tài liệu, đề nghị lập hồ sơ giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy. Vận động gia đình, họ hàng, làng xóm, đoàn thể, Đội công tác xã hội tình nguyện, các thành phần kinh tế ở địa phương tham gia giúp đỡ, hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Thực hiện lồng ghép các phong trào tại địa phương, gắn với công tác xây dựng địa bàn trong sạch, không có tệ nạn xã hội.

12. Đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội: Tăng cường công tác chỉ đạo Tòa án nhân dân cấp huyện kịp thời xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; xem xét, quyết định những trường hợp miễn, hoãn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

13. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội

- Chỉ đạo các cơ sở đoàn phối hợp các ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy trong độ tuổi thanh niên đi cai nghiện ma túy. Phân công đoàn viên, thanh niên tình nguyện đảm nhận quản lý, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, người sau cai nghiện ở cộng đồng phòng ngừa, hạn chế tái nghiện.

- Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức cho sinh viên các trường Đại học tham gia hoạt động giao lưu với học viên các cơ sở cai nghiện của Thành phố.

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phòng, chống ma túy trong học sinh, sinh viên các trường phổ thông, đại học trên địa bàn Thành phố.

14. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, Hội Cựu chiến binh thành phố Hà Nội

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật phòng, chống ma túy, nâng cao trách nhiệm của gia đình người nghiện trong việc vận động người nghiện đi cai nghiện với các hình thức phù hợp... Phân công hội viên hoặc Tổ Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh xã, phường, thị trấn đảm nhận quản lý, giúp đỡ trực tiếp từ 01-02 người sau cai nghiện ở cộng đồng phòng, chống tái nghiện.

15. UBND các quận, huyện, thị xã

- Kiện toàn bộ máy cán bộ, bán chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội cấp huyện, cấp xã. Phát huy vai trò của Đội hoạt động xã hội tình nguyện ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

- Chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã rà soát, quản lý người nghiện ma túy tại địa phương, phối hợp Phòng Tư pháp, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện đúng quy trình lập hồ sơ, rà soát, xem xét tính hợp pháp của hồ sơ và đề xuất Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Chỉ đạo Phòng Kế hoạch Tài chính kịp thời bố trí kinh phí thực hiện công tác cai nghiện và quản lý sau cai tại địa phương.

- Lập danh sách người nghiện ma túy của địa phương, theo dõi di biến động, xây dựng kế hoạch cai nghiện phù hợp từng đối tượng theo diện áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đối tượng thực hiện cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ; cai nghiện ma túy bắt buộc tại Trung tâm; đối tượng áp dụng biện pháp điều trị thay thế Methadone.

- Tăng cường vai trò của Đội công tác xã hội tình nguyện trong việc phát hiện người nghiện ma túy, giao chỉ tiêu mỗi Tình nguyện viên vận động, tư vấn, giới thiệu từ 01 đến 02 người nghiện ma túy đi cai nghiện với mọi hình thức.

- Căn cứ tình hình người nghiện ma túy tại địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí nhân lực và cơ sở vật chất, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp xã phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 của Chính phủ. Kiện toàn Tổ công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng đúng thành phần quy định. Tích cực vận động người nghiện ma túy đăng ký hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tại các cơ sở cai nghiện tự nguyện. Tổ chức tốt công tác cắt cơn, giáo dục, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ tạo việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện có việc làm ổn định, giảm tỷ lệ tái nghiện.

- Thực hiện đúng quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện ma túy theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ; đảm bảo trình tự, thủ tục lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc và phối hợp đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định đến Trung tâm được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tuyên truyền, vận động gia đình quản lý người nghiện trong thời gian lập hồ sơ, xem xét, áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc.

- Tích cực hỗ trợ giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy; tạo điều kiện thuận lợi sản xuất, kinh doanh đối với cơ sở sản xuất thuộc các tổ chức cá nhân có tiếp nhận giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Vận động các tổ chức đơn vị kinh doanh sản xuất trên địa bàn, doanh nghiệp tư nhân tiếp nhận, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Thực hiện việc xét duyệt đưa ra khỏi danh sách những người đã cai nghiện ma túy bắt buộc sau 02 năm không tái nghiện. Bổ sung những người nghiện mới được phát hiện, người đã đưa ra khỏi danh sách người nghiện ma túy đã tái nghiện vào danh sách quản lý của địa phương.

- Tổ chức tiếp nhận học viên hết hạn cai nghiện bắt buộc, tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện về địa phương. Phân công các tổ chức, đoàn thể, cá nhân quản lý, giúp đỡ phòng, chống tái nghiện; theo dõi, đánh giá tình hình tái nghiện của học viên quản lý sau cai tại nơi cư trú. Vận động các tổ chức, đơn vị kinh doanh sản xuất trên địa bàn, doanh nghiệp tư nhân tham gia liên kết tổ chức sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai tái hòa nhập cộng đồng. Nghiên cứu, đổi mới và nâng cao chất lượng các Câu lạc bộ B93.

UBND Thành phố yêu cầu các Sở, Ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, đề nghị các đoàn thể Thành phố căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện có vướng mắc phản ánh kịp thời Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm (Công an thành phố Hà Nội) và Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo UBND thành phố và Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm Thành phố./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- T.Trực: Thành ủy, HĐND Thành phố;
- Cục Phòng chống TNXH (Bộ LĐTB&XH);
- Phó Chủ tịch UBND Thành phố:
Lê Hồng Sơn, Ngô Văn Quý;
- Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội;
- Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội;
- Các Sở, Ban, ngành (Thành viên Ban Chỉ đạo PC AIDS và PC MTMD Thành phố);
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Lưu: VT, KGVX(Tue).

TM. BAN CHỈ ĐẠO
TRƯỞNG BAN




PHÓ CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ
Lê Hồng Sơn

 

BIỂU SỐ 01

BIỂU CHỈ TIÊU CAI NGHIỆN MA TÚY VÀ ĐIỀU TRỊ METHADONE NĂM 2017
(Kèm theo Kế hoạch số: 56/KH-BCĐ ngày 08/3/2017 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Thành phố)

TT

ĐƠN VỊ

Người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý 15.01.2017

Giao chỉ tiêu lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc và ra QĐ

Cai nghiện tại GĐ-CĐ (NĐ94/2010/ NĐ-CP)

Cai nghiện tự nguyện tại các Trung tâm

Hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện

1

Hoàn Kiếm

409

15

10

70

01

2

Ba Đình

468

20

12

100

01

3

Hai Bà Trưng

745

30

20

150

01

4

Đống Đa

1.408

40

30

160

01

5

Thanh Xuân

492

20

15

100

01

6

Cầu Giấy

352

15

10

100

01

7

Tây Hồ

365

15

10

30

01

8

Long Biên

676

30

20

120

01

9

Hoàng Mai

713

25

15

120

01

10

Gia Lâm

292

15

5

50

01

11

Thanh Trì

372

15

10

80

01

12

Bắc Từ Liêm

353

15

10

50

01

13

Nam Từ Liêm

202

15

5

50

01

14

Sóc Sơn

446

15

5

80

01

15

Đông Anh

711

30

20

90

01

16

Mê Linh

388

10

5

40

01

17

Hà Đông

466

30

20

80

01

18

Sơn Tây

340

15

10

50

01

19

Ba Vì

550

20

12

100

01

20

Phúc Thọ

193

10

6

30

01

21

Đan Phượng

293

10

5

30

01

22

Thạch Thất

216

10

5

30

01

23

Quốc Oai

160

7

3

30

01

24

Chương Mỹ

281

10

5

80

01

25

Thanh Oai

300

7

5

30

01

26

Ứng Hòa

337

10

7

30

01

27

Mỹ Đức

472

15

5

30

01

28

Hoài Đức

279

11

5

30

01

29

Thường Tín

375

10

5

30

01

30

Phú Xuyên

258

10

5

30

01

Tổng

12.912

500

300

2.000

30

 

BIỂU SỐ 02

PHÂN BỔ CHỈ TIÊU CAI NGHIỆN MA TÚY, QUẢN LÝ SAU CAI VÀ DẠY NGHỀ TẠI TRUNG TÂM NĂM 2017
(Kèm theo Kế hoạch số 56/KH-BCĐ ngày 08/3/2017 của BCĐ Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm TP)

Đơn vị tính: Người

STT

TRUNG TÂM

KHẢ NĂNG TIẾP NHẬN

SỐ HỌC VIÊN QL NĂM ĐẾN 31/12/2016 MANG SANG 2017

PHÂN BỔ CHỈ TIÊU NĂM 2017

DỰ KIẾN TỔNG SỐ HỌC VIÊN QUẢN LÝ NĂM 2017

Tổng cộng

Cai nghiện bắt buộc

Cai nghiện TN

QLSC

Lưu trú tạm thời

Điều trị Metha done

Tổng cộng

Cai nghiện bắt buộc

Cai nghiện TN

DẠY NGHỀ CNBB 2017

QLSC

Lưu trú tạm thời

Điều trị Metha done

Tổng cộng

Cai nghiện bắt buộc

Cai nghiện tự nguyện

Quản lý sau cai

Lưu trú tạm thời

Điều trị Metha done

A

B

(1)

(2)= (3+4+5 +6+7)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8= 9+10+12 +13+14)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)= (2)+(8)

(16)= (3)+(9)

(17)= (4)+(10)

(18)=(5)+ (12)

(19)= (6)+(13)

(20)= (7)+(14)

 

Tổng cộng (I)+(II)

6,350

2,640

543

787

1,102

98

110

3,140

500

2,000

300

0

500

140

5,780

1,043

2,787

1,102

598

250

I

TRUNG TÂM CBGDLĐXH

4,650

2,217

543

664

802

98

110

2,640

500

1,500

300

 

500

140

4,857

1,043

2,164

802

598

250

1

Số I

1,000

428

167

5

200

56

 

370

170

 

100

 

200

 

798

337

5

200

256

 

2

Số II - 06 nam

600

60

22

38

 

 

 

50

 

50

 

 

 

 

110

22

88

 

 

 

Số II - 06 nữ

103

64

24

 

15

 

310

60

150

40

 

100

 

413

124

174

 

115

 

Sau cai nữ

200

3

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

3

 

 

3

Số III

600

368

195

11

135

27

 

370

170

 

100

 

200

 

738

365

11

135

227

 

4

Số IV

900

459

47

125

287

 

 

450

50

400

30

 

 

 

909

97

525

287

 

 

5

Số V

450

407

 

297

 

 

110

640

 

500

 

 

 

140

1,047

 

797

 

 

250

6

Số VI

900

389

48

164

177

 

 

450

50

400

30

 

 

 

839

98

564

177

 

0

II

TRUNG TÂM QLSC

1,700

423

 

123

300

 

 

500

 

500

 

 

 

 

923

 

623

300

 

0

1

Sai cai số 1

1,000

358

 

123

235

 

 

500

 

500

 

 

 

 

858

 

623

235

 

0

3

Trung tâm GDLĐHNTNHN

700

66

 

 

65

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

65

 

 

 

BIỂU SỐ 03

DANH SÁCH CÂU LẠC BỘ B93 NĂM 2017
(Kèm theo Kế hoạch số: 56/KH-BCĐ ngày 08/3/2017 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Thành phố )

Stt

ĐƠN VỊ

Số CLB

XÃ-PHƯỜNG

1

Quận Hai Bà Trưng

5

Phường Minh Khai

Phường Quỳnh Lôi

Phường Lê Đại Hành

Phường Thanh Lương

Phường Bạch Đằng

2

Quận Hoàn Kiếm

17

Phường Đông Xuân

Phường Cửa Nam

Phường Trần Hưng Đạo

Phường Hàng Bài

Phường Phan Chu Trinh

Phường Lý Thái Tổ

Phường Hàng Đào

Phường Hàng Mã

Phường Hàng Bồ

Phường Cửa Đông

Phường Hàng Gai

Phường Hàng Trống

Phường Tràng Tiền

Phường Hàng Bạc

Phường Chương Dương

Phường Phúc Tân

Phường Hàng Buồm

3

Quận Đống Đa

2

Phường Văn Miếu

Phường Trung Phụng

4

Quận Cầu Giấy

3

Phường Quan Hoa

Phường Nghĩa Tân

Phường Mai Dịch

Phường Nghĩa Đô

Phường Trung Hòa

5

Quận Long Biên

3

Phường Ngọc Thụy

Phường Ngọc Lâm

Phường Đức Giang

6

Huyện Gia Lâm

1

Xã Yên Viên

7

Quận Hoàng Mai

1

Phường Tương Mai

 

Tổng

34

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 56/KH-BCĐ triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy năm 2017 do Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm do Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 56/KH-BCĐ
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 08/03/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Lê Hồng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản