Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5592/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 05 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO HÀNG NĂM THEO CHUẨN NGHÈO TIẾP CẬN ĐA CHIỀU ÁP DỤNG CHO GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm trên địa bàn Quảng Ngãi, cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu, tiêu chí đo lường nghèo đa chiều, đối tượng, phạm vi và phương pháp điều tra:

1. Mục đích, yêu cầu:

- Xác định đối tượng thụ hưởng chính sách giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, làm cơ sở xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hàng năm trên địa bàn tỉnh và các chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; từng địa phương; từng vùng; từng lĩnh vực.

- Việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện tại 100% địa bàn xã, phường, thị trấn; thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy trình, có sự tham gia của các cấp, các ngành liên quan và của người dân; bảo đảm đúng đối tượng, không trùng lắp, bỏ sót và phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương, không chạy theo thành tích.

2. Tiêu chí điều tra, rà soát theo chuẩn giai đoạn 2016-2020:

Áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Đối tượng và phạm vi điều tra, rà soát:

a) Đối tượng điều tra, rà soát:

Toàn bộ các hộ gia đình đang sinh sống trên địa bàn tỉnh từ 6 tháng trở lên không phụ thuộc vào tình trạng hộ khẩu (có hay không) và tình trạng cư trú (đăng ký thường trú, tạm trú hoặc thậm chí không đăng ký).

b) Đơn vị và phạm vi điều tra, rà soát:

- Đơn vị điều tra, rà soát là: Thôn thuộc các xã; tổ dân phố thuộc các phường và tổ dân phố hoặc khu vực thuộc các thị trấn.

- Phạm vi điều tra, rà soát: Thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh.

4. Phương pháp điều tra, rà soát:

Thực hiện điều tra, rà soát thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy trình tại Chương II và tại Phụ lục số 1a, 1b, 2a, 2b, 2c, 2d, 2đ, 2e, 3a, 3b, 3c, 3d, 4a, 4b, 4c, 4d, 4đ ban hành kèm theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

II. Nội dung thực hiện:

1. Xây dựng kế hoạch tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo theo các cấp.

2. Tổ chức tập huấn quy trình, phương pháp và công cụ điều tra, rà soát thường xuyên và định kỳ cho Giám sát viên tỉnh, huyện và điều tra viên đảm bảo nội dung tại điều 3, điều 5, điều 6 Thông tư 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 về việc hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

3. Tổ chức điều tra, rà soát: Thực hiện quy trình, phương pháp và công cụ điều tra, rà soát quy định tại Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 về việc hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

III. Lực lượng điều tra, rà soát:

Tùy theo điều kiện và tình hình cụ thể của từng địa phương, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quyết định bố trí lực lượng điều tra, rà soát theo hướng sau đây:

Mỗi thôn, tổ dân phố thành lập 01 tổ điều tra, rà soát, gồm: Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, mời Mặt trận và các Hội đoàn thể (Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Thanh niên) tham gia. Số lượng điều tra viên của từng thôn, tổ dân phố tùy thuộc vào số lượng hộ cần điều tra, rà soát song cần phải lựa chọn những người có kinh nghiệm trong điều tra khảo sát để đánh giá chính xác các tiêu chuẩn theo quy định, có đủ sức khỏe và thông thuộc địa bàn điều tra.

Riêng đối với khu vực miền núi, để việc điều tra, rà soát đạt kết quả, tùy theo điều kiện mỗi địa phương, UBND các huyện phải có kế hoạch huy động, trưng dụng cán bộ, công chức, viên chức của huyện và lực lượng khác làm lực lượng điều tra, rà soát giúp cho cán bộ xã, thôn, bản thực hiện đảm bảo mục đích yêu cầu của cuộc điều tra, rà soát.

IV. Kinh phí điều tra, rà soát:

Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng dự toán kinh phí chi tiết phục vụ cuộc điều tra, rà soát, gửi Sở Tài chính thẩm tra theo quy định trình UBND tỉnh giải quyết kinh phí để triển khai thực hiện.

V. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê tỉnh, Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho cấp huyện. Theo dõi, đôn đốc UBND cấp huyện chỉ đạo thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn đúng quy trình và đúng thời gian quy định;

b) Kiểm tra và tổ chức phúc tra kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của cấp huyện trong trường hợp thấy kết quả điều tra, rà soát chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương hoặc có đơn thư khiếu nại;

c) Tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm trên địa bàn; báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định;

2. Cục Thống kê tỉnh: Phối hợp với Sở Lao động - TBXH tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cấp huyện, cấp xã phối hợp tham gia tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh giải quyết kinh phí đảm bảo phục vụ cho công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016-2020 để cuộc điều tra, rà soát đạt chất lượng và đúng tiến độ. Đồng thời thẩm định dự toán, cấp phát kinh phí và hướng dẫn các ngành, địa phương thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành.

4. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt cuộc điều tra, rà soát.

5. UBND các huyện, thành phố:

a) Thành lập Ban Chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện, giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực và bổ sung thành viên là Chi cục thống kê cùng cấp để thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo;

- Tổ chức triển khai hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho giám sát viên, điều tra viên cho các xã, phường, thị trấn và điều tra viên của thôn, tổ dân phố thuộc địa bàn quản lý thực hiện đảm bảo đúng theo mục đích, yêu cầu, nội dung, quy trình điều tra, rà soát theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 về việc hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

- Phối hợp với các cơ quan có liên quan chỉ đạo tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn; theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo đúng quy trình và đúng thời gian quy định;

- Thẩm định hồ sơ, thủ tục thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo đối với từng thôn, tổ, xã, phường, thị trấn đảm bảo theo đúng quy trình trước khi báo cáo kết quả cho các cấp thẩm quyền.

b) Kiểm tra và tổ chức phúc tra kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của cấp xã trong trường hợp thấy kết quả điều tra, rà soát chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương hoặc có đơn thư khiếu nại;

c) Tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

6. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã trực tiếp tổ chức thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn với nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Trình Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cơ sở các thành viên thuộc Ban giảm nghèo cấp xã;

- Phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm trên các phương tiện truyền thông; khuyến khích các hộ gia đình chủ động đăng ký tham gia;

- Xây dựng phương án kế hoạch, kinh phí, tổ chức lực lượng tham gia công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm trên địa bàn.

b) Tổng hợp, phân loại và lập danh sách chi tiết các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn sau khi có kết quả điều tra, rà soát chính thức. Báo cáo kết quả điều tra cho Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp và có ý kiến thẩm định, trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

c) Theo dõi, cập nhật thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo vào phần mềm quản lý làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo hàng năm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

VI. Thời gian thực hiện:

Hàng năm, UBND các cấp thực hiện theo tiến độ như sau:

- Cấp xã hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 01/12;

- Cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 10/12;

- Cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ, báo cáo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội trước ngày 15/12.

Yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, có phát sinh vướng mắc kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp) để giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- VPQG về giảm nghèo;
- TT.TU, TT.HĐND;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các Sở: Tài chính, Nội vụ, Lao động- Thương binh và Xã hội;
- Cục Thống kê tỉnh;
- Cac Tổ chức CT-XH tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- VPUB: CPCVP(KGVX), KTTH, CBTH;
- Lưu: VT, KGVXthuy759

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Trường Thọ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 5592/KH-UBND năm 2016 điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

  • Số hiệu: 5592/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 05/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Phạm Trường Thọ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản