Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 06 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÂN LOẠI, THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮC SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Thực hiện Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 71/KH-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2021 của UBND tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thực hiện Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và “Đề án Hậu Giang xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

b) Giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt (sau đây viết tắt là CTRSH) phát sinh từ cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải vận chuyển, xử lý và giảm chi phí xử lý; đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng.

2. Yêu cầu

a) Công tác phân loại CTRSH tại nguồn được tổ chức triển khai đồng bộ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, thường xuyên đánh giá, điều chỉnh trong quá trình thực hiện; huy động sự tham gia tích cực của tổ chức, cá nhân sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh.

b) Triển khai thực hiện kế hoạch là nhiệm vụ thường xuyên của chính quyền các cấp, các sở, ngành; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ xã hội và ngân sách các cấp để thực hiện Kế hoạch.

II. NỘI DUNG

1. Phân loại, thu gom, xử lý CTRSH

a) Phân loại, lưu giữ CTRSH tại nguồn

- Phân loại: CTRSH phát sinh trong sinh hoạt thường ngày của con người, được phân loại thành các nhóm như sau:

Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh,...

Chất thải thực phẩm: Thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật,...

CTRSH khác (các loại rác còn lại trừ chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm): Chén, dĩa bể; đầu tàn thuốc lá;...

Khuyến khích phân loại chất thải nguy hại: Bình ắc quy, pin, bóng đèn, chai đựng hóa chất,...

(Chi tiết về loại CTRSH theo từng nhóm được đính kèm ở phụ lục)

- Lưu giữ:

Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Chứa, đựng trong các túi (hoặc thùng) màu trắng.

Chất thải thực phẩm: Chứa, đựng trong các túi (hoặc thùng) màu xanh.

CTRSH khác: Chứa, đựng trong các túi (hoặc thùng) khác với màu trắng và màu xanh để phân biệt.

Chất thải nguy hại (khi có phát sinh): Chứa, đựng trong thùng màu vàng, cảnh báo nguy hại.

- Lưu ý:

Ở khu vực đô thị: Chất thải thực phẩm và CTRSH khác có thể chứa chung khi chưa có điều kiện để sử dụng chất thải thực phẩm làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

Hộ gia đình tự trang bị hoặc tận dụng các vật dụng sẵn có trong nhà để chứa CTRSH theo từng loại, sau đó giao cho đơn vị thu gom hoặc đổ/bỏ vào thùng rác công cộng tương ứng hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

Khuyến khích hộ gia đình sử dụng túi/thùng thân thiện với môi trường và có thể tái sử dụng nhiều lần để chứa CTRSH.

Đối với chất thải nguy hại (khi có phát sinh): Lưu giữ riêng để chờ giao cho cơ sở có chức năng xử lý chất thải nguy hại khi chính quyền địa phương tổ chức thu gom, xử lý.

b) Chuyển giao CTRSH sau khi phân loại

- Khu vực đô thị:

Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Chuyển giao (bán phế liệu) cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế; hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

Chất thải thực phẩm và CTRSH khác: Chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi (nếu đủ điều kiện).

- Khu vực nông thôn:

Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Chuyển giao (bán phế liệu) cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế; hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

Chất thải thực phẩm: Tận dụng tối đa để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH trong trường hợp không tận dụng để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.

CTRSH khác: Chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

- Chất thải nguy hại: Chuyển giao cho cơ sở có chức năng xử lý chất thải nguy hại khi chính quyền địa phương tổ chức thu gom, chuyển giao xử lý.

c) Thu gom, xử lý CTRSH sau khi phân loại tại nguồn

- Khu vực đô thị:

Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Mỗi cơ quan, hộ gia đình, cá nhân định kỳ thu gom, chuyển giao (bán phế liệu) cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế; cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH tổ chức thu gom, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế.

Chất thải thực phẩm và CTRSH khác: Cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH tổ chức thu gom, vận chuyển đến các bãi rác hiện hữu. Phải chuyển giao cho Nhà máy điện rác Hậu Giang để xử lý khi Nhà máy đi vào hoạt động; mỗi cơ quan, hộ gia đình, cá nhân có thể thu gom chất thải thực phẩm hàng ngày để sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi (nếu đủ điều kiện).

- Khu vực nông thôn:

Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế: Mỗi cơ quan, hộ gia đình, cá nhân định kỳ thu gom, chuyển giao (bán phế liệu) cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế; cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH hoặc cá nhân đủ điều kiện tổ chức thu gom, chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế.

Chất thải thực phẩm: Mỗi cơ quan, hộ gia đình, cá nhân định kỳ thu gom hàng ngày để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc tự xử lý tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (làm phân bón hoặc ủ biogas); các cá nhân đủ điều kiện thực hiện thu gom để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường (làm phân bón hoặc ủ biogas); cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH tổ chức thu gom, vận chuyển đến các bãi rác hiện hữu. Phải chuyển giao cho Nhà máy điện rác Hậu Giang để xử lý khi Nhà máy đi vào hoạt động.

CTRSH khác: Cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH tổ chức thu gom, vận chuyển đến các bãi rác hiện hữu. Phải chuyển giao cho Nhà máy điện rác Hậu Giang để xử lý khi Nhà máy đi vào hoạt động.

- Chất thải nguy hại: Cơ sở có chức năng xử lý chất thải nguy hại tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định khi chính quyền địa phương tổ chức thu gom, chuyển giao xử lý.

2. Lộ trình thực hiện

a) Đến năm 2025: Phấn đấu 50% hộ gia đình ở đô thị hiện phân loại CTRSH tại nguồn; 90% lượng CTRSH phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; Phấn đấu 50% hộ gia đình ở nông thôn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Cụ thể từng năm như sau:

- Năm 2022:

Hoàn thành thí điểm các mô hình về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH ở khu vực đô thị và nông thôn, đánh giá các mô hình đang triển khai, đề xuất nhân rộng mô hình có hiệu quả.

Phấn đấu 15% hộ gia đình ở đô thị thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; tỷ lệ thu gom CTRSH ở đô thị đạt 90%.

Phấn đấu 15% hộ gia đình ở nông thôn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

-Năm 2023:

Phấn đấu 30% hộ gia đình ở đô thị thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; phấn đấu 90% lượng CTRSH phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Phấn đấu 30% hộ gia đình ở nông thôn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Năm 2024:

Phấn đấu 45% hộ gia đình ở đô thị thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; 90% lượng CTRSH phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Phấn đấu 45% hộ gia đình ở nông thôn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Năm 2025:

Phấn đấu 50% hộ gia đình ở đô thị thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; 90% lượng CTRSH phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Phấn đấu 50% hộ gia đình ở nông thôn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

b) Đến năm 2030: Phấn đấu 100% hộ gia đình ở đô thị hiện phân loại CTRSH tại nguồn; phấn đấu 100% lượng CTRSH phát sinh ở đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; phấn đấu 80% hộ gia đình ở nông thôn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và được thu gom, xử lý tập trung hoặc tự xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường”.

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

a) Ban hành quy định chi tiết về chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020:

- Quy định về quản lý chất thải; phân loại chất thải rắn sinh hoạt; chính sách khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

- Quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

b) Tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người dân về phân loại CTRSH tại nguồn.

c) Triển khai nhân rộng các mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH có hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

d) Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH theo quy định.

đ) Nhân rộng, duy trì và hoạt động có hiệu quả Tổ vệ sinh môi trường ở địa phương để tổ chức thu gom CTRSH đối với các tuyến đường chưa có tuyến thu gom của cơ sở có chức năng.

e) Thực hiện lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật (quy định tại Khoản 1 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020). Cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH phải đáp ứng về thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại CTRSH đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chung

Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện phân loại CTRSH tại cơ quan, đơn vị; tuyên truyền đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị thực hiện phân loại CTRSH tại gia đình và tích cực vận động gia đình, người thân, cộng đồng cùng thực hiện.

2. Nhiệm vụ cụ thể

a) Sở Tài nguyên và Môi trường

- Xây dựng, in ấn và chuyển giao các tài liệu tuyên truyền phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

- Thí điểm các mô hình về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH ở khu vực đô thị (thành phố Vị Thanh) và nông thôn (thành phố Ngã Bảy), đánh giá các mô hình thí điểm và các mô hình đang triển khai, đề xuất nhân rộng mô hình có hiệu quả.

- Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định chi tiết về chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Quy định về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt; chính sách khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân.

Quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

b) Sở Tài chính phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định.

c) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh, cơ quan chức năng, các địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền về việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đối với các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

d) UBND huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo phòng chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn về bảo vệ môi trường, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

- Áp dụng, triển khai nhân rộng các mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH có hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Rà soát, bố trí mặt bàng điểm tập kết CTRSH thuận tiện và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

- Thực hiện lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật (quy định tại khoản 1 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

đ) UBND xã, phường, thị trấn

- Thường xuyên tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể cùng cấp tăng cường các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường, phân loại CTRSH tại nguồn.

- Hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân chuyển giao CTRSH cho cơ sở, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết đúng quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom CTRSH.

- Tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Tổ vệ sinh môi trường được thành lập để đảm bảo hoạt động có hiệu quả trong thu gom, vận chuyển CTRSH.

- Chủ động rà soát, xử lý các điểm tập trung rác tự phát ở các tuyến đường và khu dân cư; tăng cường kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển CTRSH; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH theo thẩm quyền; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến việc thu gom, vận chuyển CTRSH. Thực hiện hàng năm.

- Rà soát, củng cố, thành lập Tổ vệ sinh môi trường ở ấp, khu vực tại địa phương đảm bảo hoạt động hiệu quả

- Chủ trì, phối hợp với cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH, cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở để rà soát, xác định thời gian, địa điểm, tần suất và tuyến thu gom CTRSH tại địa phương; rà soát, bố trí mặt bằng điểm lưu giữ CTRSH tại điểm thuận tiện giao thông và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường để Tổ vệ sinh môi trường của địa phương giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.

- Lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH để thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH đối với khu vực, tuyến đường ngoài phạm vi do UBND cấp huyện tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý (nếu có).

e) Trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân

- Tích cực thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; tham gia thực hiện các mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; đổ CTRSH đã được phân loại đúng thời gian và nơi quy định, không vứt bừa bãi ra môi trường; giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường khu phố, tổ dân phố, đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng do chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể phát động.

- Nộp phí vệ sinh cho thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH theo quy định.

- Phát huy vai trò giám sát để kịp thời phát hiện, phê bình tại các cuộc họp Tổ nhân dân hàng tháng đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTRSH, vi phạm quy chế, quy ước cộng đồng; đồng thời, mạnh dạn tố cáo, cung cấp chứng cứ đến cơ quan chính quyền địa phương đối với trường hợp tái phạm để xử lý vi phạm theo quy dị nil.

g) Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ CTRSH phù hợp với từng loại CTRSH đã được phân loại; tổ chức thu gom chất thải từ hộ gia đình, cá nhân và chuyển giao cho cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

Căn cứ Kế hoạch này, các sở, ngành; UBND huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, trách nhiệm của mình triển khai thực hiện có hiệu quả; Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị tổng hợp gửi Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT: TU, HĐND tỉnh, UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBMTTQVN, các Đoàn thể tỉnh; -Văn phòng Tỉnh ủy;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- UBND xã, phường, thị trấn;
- Báo HG;
- Đài PTTH HG;
- Lưu: VT, NCTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Cảnh Tuyên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 55/KH-UBND năm 2022 về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

  • Số hiệu: 55/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 06/04/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang
  • Người ký: Trương Cảnh Tuyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản