Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 55/KH-UBND | Hà Giang, ngày 07 tháng 03 năm 2016 |
HOẠT ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH Ở NGƯỜI TỈNH HÀ GIANG NĂM 2016
THÔNG TIN CHUNG VỀ TÌNH HÌNH DỊCH BỆNH Ở NGƯỜI
I. TÌNH HÌNH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM
Trong năm 2015, tình hình bệnh truyền nhiễm gây dịch trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dịch bệnh do vi rút Ebola bắt đầu từ tháng 3/2014 tính đến ngày 30/12/2015 toàn thế giới đã ghi nhận 28.316 trường hợp mắc, 11.310 trường hợp tử vong tại 9 quốc gia, trong đó tập trung tại 7 nước Châu Phi. Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng ghi nhận các trường hợp mắc và tử vong như Tây Ban Nha; Mỹ; Anh và Italy.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS-CoV): Từ tháng 9 năm 2012 đến nay, đã ghi nhận số (nhiễm/tử vong) là 1.542/544 trường hợp; đặc biệt tại Hàn Quốc, trong thời gian từ 20/5/2015 đến 06/7/2015 đã ghi nhận 186 trường hợp mắc; 33 trường hợp tử vong.
Bệnh cúm A/H7N9: Đến nay toàn cầu ghi nhận 575 trường hợp mắc cúm A(H7N9) ở người (Trung Quốc (556), Đài Loan (4), Hồng Kông (12), Malaysia (1) và Canada (2)), trong đó 212 tử vong.
Dịch tả tại Iraq bắt đầu được ghi nhận từ tháng 9/2015 và đến nay đã ghi nhận ít nhất 2.200 người bị nhiễm bệnh tại 15/18 khu vực quản lý của Iraq, (6 trường hợp tử vong); dịch đã lan sang các nước như Kuwait, Bahrain và Syria; nguy cơ dịch tiếp tục gia tăng và lan sang các nước khác trong khu vực.
Bệnh sốt xuất huyết vẫn có diễn biến phức tạp và đang có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới nhất là các nước khu vực Đông Nam Á như Philippines, Malaysia,... và hiện vẫn đang tiếp diễn tại khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Mỹ Latinh.
Bệnh do vi rút ZIKA: Trong năm 2015, tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh tại một số quốc gia khu vực châu Mỹ, châu Phi như: Guatemala, Elsalvador, Venezuela, Senegal, Honduras, Panama, Brasil. Ngày 31/12/2015, ghi nhận trường hợp đầu tiên tại quần đảo Puerto Rico; tại Brasil đến 31/12/2015 đã ghi nhận 2.975 trường hợp nghi ngờ mắc chứng não nhỏ, trong đó có 40 trường hợp tử vong. Số ca mắc tiếp tục gia tăng trong tháng đầu năm 2016.
Bệnh bại liệt: Tại Lào, trong tháng 11/2015 ghi nhận 02 ca mắc bệnh bại liệt hoang dại.
Năm 2015, tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng, toàn quốc ghi nhận 81.441 trường hợp mắc; 52 trường hợp tử vong (số mắc tăng 11,5%). Số mắc cộng dồn khu vực miền Bắc là 16.514 ca, tăng gấp 6 lần so với năm 2014 (2.285 ca), không ghi nhận ca SXHD nặng, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Bệnh viêm não vi rút ghi nhận 924 trường hợp mắc, 26 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2014 số mắc giảm 16%, tử vong giảm 38%. Số ca mắc lũy tích khu vực miền Bắc năm 2015 là 565 ca, giảm 18% so với năm 2014 (690 ca). Khu vực miền Bắc ghi nhận 13 trường hợp tử vong do viêm não vi rút.
Viêm màng não do não mô cầu ghi nhận 131 trường hợp mắc, 5 tử vong, so với cùng kỳ 2014 (69/3), số mắc tăng 62 trường hợp, tử vong tăng 2 trường hợp.
Tay chân miệng ghi nhận 57.039 trường hợp mắc, 06 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2014 số mắc giảm 42,3%, tử vong giảm 89,9%, Riêng khu vực miền Bắc, tổng số ca mắc cộng dồn năm 2015 là 9.108 ca, giảm 13% so với năm 2014 (10.533 trường hợp), không có ca tử vong.
Bệnh dại, cả nước ghi nhận 72 ca tử vong do bệnh dại, tăng 5 ca so với năm 2014 (67 ca). Các ca tử vong vẫn tập trung ở các tỉnh khu vực miền Bắc chiếm 72% (52 ca), miền Trung chiếm 10% (7 ca), miền Nam chiếm 14% (10 ca), Tây Nguyên chiếm 4% (3 ca).
Bệnh thương hàn ghi nhận 376 trường hợp mắc, không có tử vong.
Không ghi nhận ca mắc mới cúm A/H5N1 và tả.
Các bệnh truyền nhiễm thuộc tiêm chủng mở rộng giảm rõ rệt so với năm 2014. Số mắc/nghi mắc sởi tại khu vực miền Bắc năm 2015 là 525 ca, giảm 98% so với năm 2014 (24.600 ca). Các ca nghi mắc ghi nhận rải rác, không có ca tử vong. Tuy nhiên, năm 2015 cũng đã ghi nhận sự trở lại của bệnh bạch hầu tại một số địa bàn có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Toàn quốc vẫn tiếp tục duy trì thành quả thanh toán bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh. Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh như A/H7N9, Ebola, Mers-CoV và ZIKA chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam.
3. Tình hình bệnh truyền nhiễm gây dịch tại Hà Giang năm 2015
Năm 2015, các bệnh truyền nhiễm gây dịch tại Hà Giang khá ổn định; tình hình dịch bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh Hà Giang trong năm 2015, cụ thể như sau:
a) Một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng năm 2015
- Lỵ trực khuẩn: Ghi nhận 328 ca, chết 0; tăng 56,7% so với năm 2014. Huyện có số mắc cao là Đồng Văn (227 ca), vẫn xuất hiện 01 ổ dịch tại xã Nam Sơn huyện Hoàng Su Phì (từ 15/9 đến 05/11 ghi nhận 46 ca mắc, tử vong 0).
- Tay chân miệng: Toàn tỉnh ghi nhận 301 ca, tử vong 0; tăng 16,3% so với 2014. Trong năm bệnh có xu hướng tăng cao vào đầu mùa hè và những tháng cuối năm.
- Bệnh quai bị: Ghi nhận 337 trường hợp mắc, tăng 71% so với năm 2015. Đặc biệt xuất hiện ca mắc tập trung tại một số trường học như Trường Tiểu học Tiên Nguyên; Quang Bình tháng 5/2015 (83 ca); Trường PTDT Nội trú huyện Bắc Mê tháng 09/2015 (56 ca) và Trường Tiểu học Lê Lợi, Phường Nguyễn Trãi TP Hà Giang tháng 11/2015 (14 ca)
- Bệnh Lỵ amíp: Ghi nhận 62 trường hợp, tăng 53,5% so với 2014. Địa bàn có số mắc cao là Đồng Văn (54 ca).
- Bệnh viêm gan vi rút: Ghi nhận 59 ca, tập trung ở các huyện như Mèo Vạc, Quản Bạ. Đặc biệt tiếp tục ghi nhận 07 trường hợp có biểu hiện viêm gan tại Chu Hạ (Tân Lập, Bắc Quang) trong tháng 8/2015; đã tiến hành điều tra và xét nghiệm các vi rút viêm gan A, B, C và E song chưa xác định được nguyên nhân.
b) Các bệnh truyền nhiễm có số mắc ổn định
- Bệnh than: Ghi nhận 11 ca mắc tương đương năm 2014; tuy nhiên có 01 trường hợp tử vong và xuất hiện tại 5 điểm có ổ dịch (TT Đồng Văn và Sủng Trái Đồng Văn; Niêm Tòng, Sơn Vĩ và Khâu Vai huyện Mèo Vạc).
- Bệnh dại: Toàn tỉnh có 1.400 trường hợp bị súc vật nghi dại cắn đến tiêm vắc xin và huyết thanh tại các phòng tiêm dịch vụ (98 người tiêm kháng huyết thanh). Ghi nhận 3 ca tử vong (02 tại Xín Mần và 01 tại Vị Xuyên).
c) Một số bệnh truyền nhiễm có số mắc giảm trong năm 2015
- Bệnh sởi: Ghi nhận và điều tra 6 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; kết quả 01 trường hợp mắc sởi (chẩn đoán phòng thí nghiệm). So với năm 2014, sởi là bệnh giảm rõ rệt nhất (năm 2014 ghi nhận 1.306 ca nghi sởi, trong đó 455 ca sởi xác định).
- Bệnh viêm não vi rút: Ghi nhận 02 trường hợp mắc, tử vong 0; trong đó 01 trường hợp dương tính với vi rút VNNB; giảm 30 ca mắc so với năm 2014.
- Uốn ván sơ sinh: Trong năm không ghi nhận trường hợp nào mắc uốn ván sơ sinh (năm 2014 là 4 trường hợp mắc, tử vong 3).
- Thủy đậu: Ghi nhận 279 ca mắc; giảm 84,95% so với 2014 (516 ca).
- Tiêu chảy: Ghi nhận 9.749 ca mắc, tử vong 0; giảm 5,21% so với 2014, đặc biệt không xuất hiện ổ dịch và không có tử vong.
- Cúm: Ghi nhận 18.747 ca, chết 0; giảm 15,66% so với năm 2014. Giám sát 05 ca viêm phổi nặng nghi do vi rút cúm; kết quả 5/5 âm tính với các vi rút cúm A và B.
d) Các bệnh truyền nhiễm không ghi nhận tại Hà Giang trong nhiều năm
- Các bệnh truyền nhiễm thuộc tiêm chủng mở rộng: Bệnh bạch hầu (Điều tra 01 trường hợp nghi ngờ tại Túng Sán, Hoàng Su Phì, kết quả âm tính); bệnh ho gà và bại liệt (điều tra 03 trường hợp liệt mềm cấp, kết quả âm tính).
- Các bệnh truyền nhiễm có ổ dịch lưu hành tại Hà Giang: Bệnh viêm màng não do não mô cầu, bệnh thương hàn.
- Các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ xâm nhập: Tả, sốt xuất huyết Dengue.
- Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi: Bệnh cúm A/H5N1, cúm A/H7N9; Ebola, Mers-CoV và ZIKA.
II. DỰ BÁO TÌNH HÌNH DỊCH NĂM 2016
Năm 2016 bệnh dại là bệnh truyền nhiễm có nguy cơ gây tử vong hàng đầu tại Hà Giang; bệnh viêm màng não do não mô cầu (mầm bệnh tiềm ẩn), viêm màng não do vi rút có nguy cơ tái bùng phát tại các huyện phía Bắc (Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và Quản Bạ); ngoài ra, các bệnh truyền nhiễm gây dịch khác hiện đang lưu hành như cúm mùa, tiêu chảy, quai bị, lỵ trực khuẩn, tay chân miệng, viêm gan do vi rút,... tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc tại các huyện, thành phố nếu không có các biện pháp phòng chống dịch chủ động và kịp thời rất có thể dịch sẽ bùng phát trên diện rộng và gây hậu quả tử vong.
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH NĂM 2015
1.1. Công tác củng cố, kiện toàn về tổ chức
- Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người các tuyến tỉnh, huyện, xã luôn được củng cố kiện toàn và duy trì hoạt động.
- Ban điều hành phòng chống dịch bệnh của Sở Y tế (gồm 11 thành viên do Phó Giám đốc Sở Y tế là Trưởng ban, lãnh đạo các phòng thuộc Sở và lãnh đạo các đơn vị có liên quan là thành viên). Tuyến huyện, thành phố có Ban Điều hành PCD huyện do Giám đốc Trung tâm Y tế là Trưởng ban.
- Đội chống dịch cơ động của các đơn vị thuộc hệ dự phòng và đội điều trị cơ động thuộc các bệnh viện được củng cố kiện toàn và duy trì hoạt động.
1.2. Ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo
- UBND tỉnh Hà Giang ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch:
+ Kế hoạch số 41/KH-UBND , ngày 05/3/2015 của UBND tỉnh Hà Giang về hoạt động phòng chống dịch bệnh ở người tỉnh Hà Giang năm 2015.
+ Kế hoạch số 98/KH-UBND, ngày 16/6/2015 của UBND tỉnh Hà Giang về việc hoạt động phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Corona MERS-CoV;
- Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người tỉnh Hà Giang đã ban hành 02 văn bản chỉ đạo triển khai hoạt động phòng chống dịch.
- Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành 03 kế hoạch triển khai hoạt động phòng chống dịch, 06 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị chuyên môn thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
* Tại tuyến huyện, 11/11 huyện thành phố có kế hoạch phòng chống dịch bệnh ở người năm 2015.
- Sở Y tế phối hợp với Đài Truyền thanh truyền hình các địa phương tổ chức phát 46 tin hoạt động về ngành y tế; 24 chuyên mục về sức khỏe trên sóng truyền hình, 24 chuyên mục trên sóng phát thanh.
- Sở Y tế xây dựng:
+ Trên báo viết: 103 tin, 58 bài và 127 ảnh.
+ Trên trang thông tin điện tử Y tế Hà Giang: 242 tin, 92 bài và 256 ảnh.
+ Bản tin sức khỏe Hà Giang: 84 tin, 42 bài và 62 ảnh
+ Qua hệ thống tin nhắn của Vinaphone, Viettel: đã phát hành 12 nội dung tin nhắn về phòng chống dịch bệnh, thông báo lịch khám và mổ mắt, lịch tiêm chủng vắc xin với mỗi tin nhắn trên 10.000 thuê bao nhận.
3. Hoạt động chuyên môn nghiệp vụ
3.1. Tập huấn chuyên môn
- Sở Y tế tổ chức: 03 lớp tập huấn về công tác phòng, chống dịch MERS-CoV, bệnh lây truyền từ động vật sang người và bệnh dại, bệnh than cho cán bộ y tế các tuyến tổng số 92 người tham dự.
- Tham dự các lớp tập huấn do Bộ Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức 05 lớp tổng số 18 người tham dự.
- 11/11 huyện/thành phố tổ chức tập huấn, phổ biến cập nhật kiến thức chuyên môn về bệnh MERS-CoV cho cán bộ y tế xã phường và cán bộ làm công tác điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh.
3.2. Công tác điều trị
- Các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã bố trí khu vực cách ly tại bệnh viện; tuyến tỉnh 20 - 30 giường, tuyến huyện 10 - 20 giường và có phương án thiết lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết.
- Bảo đảm cơ số thuốc, nhân lực, trang thiết bị, tổ chức thu dung bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.
- Tổ chức tập huấn cập nhật phác đồ điều trị mới cho cán bộ làm công tác khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và cán bộ làm công tác xét nghiệm của bệnh viện.
3.3. Kiểm tra, giám sát
Hoạt động kiểm tra giám sát được duy trì tổ chức triển khai thực hiện; phối hợp với Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh, trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ lây sang người như cúm A/H5N1, A/H7N9, bệnh Than,...; Phối hợp với Sở Công thương thực hiện hoạt động kiểm tra giám sát công tác An toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là các thực phẩm chứa các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây truyền sang người; Phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trong hoạt động kiểm tra giám sát dịch bệnh tại các huyện và xã biên giới; các bệnh dịch có tính chất lây truyền qua đường biên giới vào Việt Nam;
Phối hợp liên ngành Hải quan, Biên phòng, Y tế,... trong hoạt động kiểm dịch tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, các cửa khẩu tiểu ngạch, cửa khẩu phụ, đường mòn lối mở tiếp giáp với Trung Quốc.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức 06 đợt kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh tại các huyện và xã.
3.4. Thường trực và thông tin báo cáo dịch
- Phối kết hợp liên ngành Y tế - Nông nghiệp PTNT trong việc nắm bắt và cung cấp thông tin về diễn biến đối với một số bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người để thực hiện tham mưu, tổ chức các biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời.
- Sở Y tế đảm bảo hệ thống thông tin báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế tại tất cả các tuyến.
- Thực hiện chế độ thường trực phòng chống dịch 24/24 giờ trong dịp Lễ, Tết, trong mùa mưa lũ và khi có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.
- Thiết lập và duy trì hoạt động phần mềm hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm gây dịch.
3.5. Các hoạt động khác
- Hoạt động đảm bảo Vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai tích cực; đặc biệt trong việc phối kết hợp liên ngành trong thanh, kiểm tra “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”. Các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua thực phẩm, nhất là một số bệnh truyền nhiễm lây truyền từ gia cầm sang người đã được kiểm soát chặt chẽ và chủ động.
- Các ngành thành viên thực hiện tốt kế hoạch hoạt động “Hưởng ứng ngày môi trường thế giới 5/6/2015” góp phần nâng cao ý thức về vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dịch; Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân 11/11 huyện thành phố hưởng ứng và tổ chức Lễ phát động.
- Chủ động phối hợp giữa các ngành trong hoạt động đáp ứng thảm họa thiên tai, xử lý môi trường tại một số địa bàn xảy ra thảm họa sau mưa lũ.
Sở Y tế đã phối hợp với Đài truyền thanh truyền hình, Báo Hà Giang tổ chức hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; Phối hợp với Hải Quan, Biên phòng, Nông nghiệp trong triển khai hoạt động kiểm dịch y tế biên giới; phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm có tính chất lây truyền sang người; phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai hoạt động phòng chống dịch bệnh trong trường học,...
II. NHỮNG KHÓ KHĂN, TỒN TẠI HẠN CHẾ
1. Nhân lực trong hệ thống y tế dự phòng thiếu cả về chất lượng và số lượng, số cán bộ được đào tạo chuyên ngành y tế dự phòng ít. Thiếu cán bộ có trình độ đại học và sau đại học.
2. Cơ sở hạ tầng Trung tâm Y tế một số huyện chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được đầu tư trang bị các trang thiết bị, đặc biệt là hệ thống xét nghiệm.
3. Kinh phí đầu tư cho công tác phòng chống dịch còn ít.
4. Chính quyền một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt đối với công tác phòng chống dịch; sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể còn nhiều hạn chế, công tác phòng chống dịch chủ yếu còn giao phó cho ngành y tế.
5. Giám sát, phòng chống dịch, báo cáo dịch
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm còn thụ động chủ yếu giám sát các trường hợp bệnh dựa vào cơ sở khám, chữa bệnh. Công tác giám sát chủ động ca bệnh, xử lý ổ dịch, điều trị kịp thời còn nhiều hạn chế.
KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH NĂM 2016
Căn cứ Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ tình hình dịch bệnh và mô hình các bệnh truyền nhiễm gây dịch năm 2015 và dự báo tình hình dịch bệnh năm 2016 trên địa bàn tỉnh Hà Giang;
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, hạn chế tối đa tỷ lệ mắc và tử vong.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở người năm 2016 như sau:
Tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát phát hiện các ca bệnh truyền nhiễm gây dịch ở người; điều tra, xác minh, xử lý ổ dịch, theo dõi, cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh gây ra trong cộng đồng.
- Kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người 11/11 huyện, thành phố.
- 100 các cửa khẩu và lối mở thực hiện tốt hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, hạn chế thấp nhất các bệnh dịch xâm nhập qua đường biên giới vào Việt Nam.
- 100% các ngành thành viên Ban chỉ đạo có văn bản chỉ đạo theo ngành dọc đến các cơ sở tuyến huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh ở người.
- 100% các cơ sở điều trị và dự phòng có đủ cơ số thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, giường bệnh, sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.
- 100% cán bộ làm công tác phòng, chống dịch được đào tạo tập huấn kiến thức về giám sát, chẩn đoán các bệnh dịch nguy hiểm và bệnh dịch thường gặp trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
- 100% các huyện, xã được giám sát thường xuyên, phát hiện bệnh dịch kịp thời.
- 100% các huyện/thành phố thực hiện tốt công tác giám sát phát hiện ca bệnh và có các biện pháp xử lý kịp thời không để dịch xảy ra trên địa bàn.
- 100% huyện/thành phố có kế hoạch hành động và tổ chức hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh tại 100% số xã/phường thuộc địa bàn.
1.1. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tuyến tỉnh
- Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch.
- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch chỉ đạo, hướng dẫn các huyện/thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch.
+ Ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành tăng cường công tác phối kết hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh.
+ Huy động nguồn lực, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác phòng chống dịch.
1.2. Ban Điều hành phòng chống dịch Sở Y tế
- Kiện toàn Ban điều hành phòng, chống dịch bệnh ở người của Sở Y tế.
- Phối hợp với Sở Nông Nghiệp và PTNT trong công tác kiểm tra giám sát đàn gia súc, gia cầm mắc bệnh tại các hộ gia đình có nguy cơ lây sang người.
- Tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên BCĐ, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện công tác báo cáo theo quy định.
1.3. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các huyện, thành phố
- Củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các huyện, thành phố.
- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cấp huyện/thành phố năm 2016 bố trí ngân sách cho hoạt động phòng, chống dịch và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của kế hoạch.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn chuyên môn cho các xã/phường thị trấn thực hiện công tác công tác phòng, chống dịch; báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn theo quy định.
- Chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn thực hiện các nội dung:
+ Củng cố, kiện toàn BCĐ chăm sóc sức khỏe nhân dân xã/phường/thị trấn (gọi chung là xã).
+ Xây dựng kế hoạch Phòng chống dịch cấp xã.
+ Chỉ đạo Trạm Y tế, PKĐKKV tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh, tổ chức điều tra, phát hiện cách ly các đối tượng mắc, nghi ngờ mắc bệnh và thực hiện công tác báo cáo dịch theo quy định.
+ Tổ chức tuyên truyền hướng dẫn nhân dân thực hiện vệ sinh môi trường và các biện pháp phòng, chống dịch.
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, huyện/thành phố và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng về nguy cơ và các biện pháp phòng chống dịch bệnh; Tuyên truyền Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác vệ sinh phòng bệnh.
- Sở Y tế làm đầu mối và phối kết hợp với các ngành có liên quan tổ chức thực hiện:
+ Phối hợp với Đài TTTH đưa tin sớm về tình hình bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh.
+ Phối hợp triển khai hệ thống văn bản chỉ đạo và hướng dẫn triển khai các hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch và ngộ độc thực phẩm.
3.1. Đào tạo, tập huấn
- Hệ thống các văn bản pháp luật về Phòng chống bệnh truyền nhiễm: Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; Nghị định của Chính phủ; các Quyết định; Thông tư hướng dẫn,... thực hiện công tác phòng chống bệnh dịch.
- Các quy trình giám sát, chẩn đoán, điều trị và xử lý ổ dịch, tập huấn cập nhật phác đồ điều trị mới cho cán bộ làm công tác phòng chống dịch.
- Kỹ năng truyền thông về phòng, chống dịch.
- Công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng
3.2. Tiêm chủng phòng bệnh
- Duy trì hoạt động tiêm chủng mở rộng trên địa bàn toàn tỉnh (thuộc dự án chương trình mục tiêu y tế quốc gia).
- Mở rộng địa bàn triển khai tiêm vắc xin, huyết thanh phòng bệnh có thu phí tại 11/11 Trung tâm Y tế huyện, thành phố trong tỉnh.
- Tiếp tục hỗ trợ tiêm vắc xin, huyết thanh điều trị dự phòng bệnh dại miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi và người thuộc hộ nghèo.
3.3. Công tác điều trị
- Kiện toàn đội điều trị tại các bệnh viện và đội điều trị cơ động, sẵn sàng chi viện cho đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu.
- Bố trí khu cách ly của các bệnh viện, chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị hồi sức cấp cứu, xe cứu thương đảm bảo công tác khám chữa bệnh.
- Chuẩn bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cho cán bộ y tế.
- Xây dựng phương án duy trì hoạt động thường xuyên của Bệnh viện khi có đại dịch xảy ra.
3.4. Kiểm tra, giám sát, điều tra xác minh ca bệnh
- Điều tra, xác minh bệnh truyền nhiễm gây dịch khi có thông báo ca bệnh nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm từ tuyến cơ sở.
Thực hiện điều tra xác minh ca bệnh người tiếp xúc, hồi cứu tử vong, các yếu tố dịch tễ liên quan, lấy mẫu bệnh phẩm, xử lý ổ dịch,... thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.
- Kiểm tra giám sát thường xuyên về công tác phòng chống dịch trên người tại các tuyến: Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành phòng, chống dịch bệnh ở người tuyến tỉnh kiểm tra tình hình dịch và các biện pháp triển khai phòng chống dịch chủ động tại các huyện/thành phố; BCĐ, Ban Điều hành huyện/thành phố kiểm tra tại các xã/phường/thị trấn. Thời gian thực hiện ít nhất 2 đợt/năm.
3.5. Hoạt động kiểm dịch
- Duy trì các tổ kiểm dịch tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới gồm: Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và các cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở thuộc các huyện (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì và Xín Mần).
- Thực hiện công tác kiểm dịch (kiểm dịch người, phương tiện vận chuyển, hàng hóa,....) theo quy định của Nghị định Chính phủ về kiểm dịch y tế nhằm ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nội tỉnh. Đối với đối tượng qua lại thường xuyên qua đường cửa khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, đường mòn để đi chợ buôn bán hoặc đi lao động phổ thông, công tác kiểm dịch do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm chính và phối hợp với các ngành chức năng có liên quan thực hiện.
3.6. Nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm các tuyến
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống xét nghiệm tại Trung tâm Y tế dự phòng giúp chẩn đoán nhanh, chẩn đoán sớm các tác nhân gây dịch.
- Tiếp tục củng cố hệ thống phòng xét nghiệm các tuyến bao gồm: Phòng xét nghiệm của Trung tâm Y tế huyện, Bệnh viện Đa khoa huyện và Bệnh viện Đa khoa tỉnh đảm bảo yêu cầu về An toàn sinh học.
3.7. Báo cáo dịch
Thực hiện nghiêm túc Quy chế thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm gây dịch ban hành kèm theo Thông tư số 48/2010/TT-BYT ngày 31/12/2010 của Bộ Y tế (Thông tư số 54/2015/TT-BYT , ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ thông tin, báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 thay thế Thông tư số 48/2010/TT-BYT).
- Sở Y tế:
+ Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các ngành có liên quan giám sát chặt chẽ các bệnh, dịch ở người lây truyền từ gia súc, gia cầm,...
+ Phối hợp với các ngành có liên quan triển khai biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường, thanh khiết và xử lý môi trường; đảm bảo an ninh trật tự khi có dịch xảy ra.
- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì và phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan tiếp tục thực hiện Nghị định 05/2007/NĐ-CP , ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng chống bệnh dại ở động vật; phối hợp với Sở Y tế thực hiện Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNN&PTNT, ngày 27/5/2013 về việc phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người;
- Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT, Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn, vận chuyển, kinh doanh gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, bắt giữ, tiêu hủy gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, thực phẩm không đảm bảo an toàn.
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan trong công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh và cách phòng chống.
- Cục Hải quan tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các ngành có liên quan trong công tác quản lý xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu và tăng cường kiểm dịch y tế biên giới.
- Sở Giáo dục & Đào tạo chủ trì phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các trường học trên địa bàn toàn tỉnh triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp tục triển khai Thông tư số 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT, ngày 28/4/2011 về việc quy định các nội dung đánh giá công tác y tế tại các trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và các trường phổ thông có nhiều cấp học.
5. Đầu tư tài chính, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị
- Bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, thuốc vật tư hóa chất, khu cách ly,... sẵn sàng triển khai công tác phòng chống dịch.
- Bố trí kinh phí đảm bảo cho hoạt động phòng chống dịch bệnh chủ động của Ban Chỉ đạo, Ban điều hành phòng chống dịch tỉnh, các huyện/thành phố khi chưa có dịch và khi có dịch xảy ra.
- UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố dịch trên địa bàn tuân thủ các quy trình cần thiết đối với từng loại dịch bệnh trên người theo quy định tại Mục 1, Chương IV, Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
- Duy trì hoạt động Ban chỉ đạo, Ban điều hành phòng chống dịch bệnh ở người của tỉnh.
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, cách ly, xử lý những đối tượng bị bệnh và báo cáo khẩn cấp theo quy định.
- Triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch theo quy định về mức độ dịch.
- Khử và tiệt trùng nơi có mầm bệnh và nơi có nguy cơ mầm bệnh tiềm ẩn.
- Tăng cường kiểm dịch biên giới tại các cửa khẩu và nơi xảy ra dịch.
- Bố trí phòng cách ly tại cửa khẩu Thanh Thủy để sẵn sàng cách ly các đối tượng nghi ngờ và đối tượng mắc.
- Đảm bảo vật tư thuốc, trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh theo nhu cầu thực tế.
- Phối hợp với các ngành giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Huy động lực lượng y tế, quân đội, công an và tổ chức đoàn thể xã hội tại tỉnh và tỉnh lân cận tham gia các hoạt động chống dịch như: Điều trị, vận chuyển thuốc, trang thiết bị, vận chuyển người bệnh, chôn cất bệnh nhân tử vong, cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhân dân, người bệnh tại vùng dịch,...
- Huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế cho hoạt động dập dịch và khắc phục hậu quả khi có dịch xảy ra trên địa bàn tỉnh.
- Nghiêm túc thực hiện hệ thống báo cáo theo giờ, ngày với Ban chỉ đạo phòng chống dịch, UBND tỉnh và Bộ Y tế.
- Huy động cán bộ chuyên môn và đảm bảo đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế để cấp cứu, điều trị người bệnh.
- Đảm bảo đầy đủ phương tiện phòng hộ cho cán bộ y tế trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh.
- Tổ chức quản lý, cách ly và điều trị kịp thời người bệnh.
- Bệnh viện Đa khoa tỉnh bố trí khu điều trị tại khoa lây với số giường từ 30 - 50 giường.
- Bệnh viện các huyện bố trí khu điều trị và khu cách ly riêng biệt với số giường ít nhất từ 10 - 20 giường.
- Lấy một Khoa của Bệnh Viện lao & bệnh phổi làm cơ sở điều trị dự phòng, thiết lập Bệnh viện dã chiến để phân loại bệnh nhân, thu dung bệnh nhân điều trị khi lưu lượng bệnh nhân quá đông; có phương án xây dựng bệnh viện dã chiến tại các huyện để đáp ứng công tác thu dung và điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.
- Điều chuyển bệnh nhân về tuyến Trung ương trong trường hợp bệnh viện quá tải hoặc không đủ điều kiện phương tiện và kỹ thuật để điều trị.
- Tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp phòng chống dịch, nhưng tránh gây hoang mang, dao động trong nhân dân.
- Tuyên truyền cho người dân các huyện không có dịch hạn chế đi đến các huyện khác, tỉnh khác có dịch nếu không thật sự cần thiết.
1. Kinh phí bảo đảm khi chưa có dịch xảy ra
STT | Hoạt động | Tổng cộng | Nguồn kinh phí | Ghi chú | |
TW | NS địa phương | ||||
1 | Thông tin tuyên truyền, tập huấn | 200.000 |
| 200.000 |
|
2 | Kiểm tra giám sát của Ban chỉ đạo, Ban ĐH (công tác phí, xăng dầu) | 100.000 |
| 100.000 |
|
3 | Mua bổ sung thuốc vật tư hóa chất | 320.000 | 200.000 | 120.000 |
|
| Tổng cộng | 620.000 | 200.000 | 420.000 |
|
(Sáu trăm hai mươi triệu đồng)
* Khi chưa có dịch xảy ra sử dụng kinh phí sự nghiệp giao cho Sở Y tế năm 2016 để tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra giám sát, mua bổ sung hóa chất,...);
2. Kinh phí bảo đảm khi có dịch xảy ra
(ĐVT: nghìn đồng)
STT | Hoạt động | Tổng cộng | Nguồn kinh phí | ||
TW | NS địa phương | Khác | |||
1 | Thông tin tuyên truyền | 400.000 | 200.000 | 200.000 |
|
2 | Kiểm tra giám sát | 150.000 |
| 150.000 |
|
3 | Vận chuyển mẫu xét nghiệm | 70.000 |
| 70.000 |
|
4 | Phụ cấp chống dịch | 600.000 | 500.000 | 100.000 |
|
5 | Mua thuốc vật tư hóa chất | 2.500.000 | 2.000.000 | 500.000 |
|
| Tổng cộng | 3.720.000 | 2.700.000 | 1.020.000 |
|
(Ba tỷ, bảy trăm hai mươi triệu đồng chẵn)
* Kinh phí bảo đảm khi có dịch xảy ra, Sở Y tế lập dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt, cấp bổ sung kinh phí chống dịch để Sở Y tế triển khai thực hiện.
3. Kinh phí tiêm vắc xin dại miễn phí: 300.000.000đ (Sở Y tế có kế hoạch riêng, gửi Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt).
(ĐVT: nghìn đồng)
STT | Nội dung hoạt động | Tổng cộng | Nguồn kinh phí | |
Trung ương | Địa phương | |||
1 | Khi chưa có dịch | 620.000 | 200.000 | 420.000 |
2 | Khi có dịch xảy ra | 3.720.000 | 2.700.000 | 1.020.000 |
3 | Tiêm vx dại | 300.000 |
| 300.000 |
| Tổng cộng | 4.640.000 | 2.900.000 | 1.740.000 |
(Bốn tỷ, sáu trăm bốn mươi triệu đồng)
Các ngành thành viên, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người tỉnh Hà Giang và UBND các huyện/thành phố căn cứ kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; nhiệm vụ cụ thể của các ngành thành viên Ban chỉ đạo tỉnh thực hiện theo Quy chế phòng, chống dịch bệnh ở người ban hành kèm theo Quyết định số 590/QĐ-UBND, ngày 25/3/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.
Giao cho Sở Y tế cơ quan thường trực Ban chỉ đạo tỉnh đôn đốc các ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
Trên đây là kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ở người năm 2016 tỉnh Hà Giang; các Sở, ban, ngành, đơn vị, UBND các huyện/thành phố căn cứ kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc báo cáo kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 17/2014/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và tiền thuê phòng nghỉ trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 2Hướng dẫn liên ngành 934/HDLN-SYT-BHXH năm 2014 về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tỉnh Hà Giang
- 3Quyết định 01/2016/QĐ-UBND Quy định về trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh từ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 4Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2016 về hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 5Kế hoạch 505/KH-UBND năm 2016 phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Lai Châu
- 6Kế hoạch 58/KH-UBND năm 2016 tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 1Nghị định 05/2007/NĐ-CP về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật
- 2Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007
- 3Thông tư 48/2010/TT-BYT hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế ban hành
- 4Thông tư liên tịch 18/2011/TTLT-BGDĐT-BYT về quy định nội dung đánh giá công tác y tế tại trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Y tế ban hành
- 5Thông tư liên tịch 16/2013/TTLT-BYT-BNNPTNT hướng dẫn phối hợp phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 6Quyết định 17/2014/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và tiền thuê phòng nghỉ trong mỗi đợt khám, phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 7Hướng dẫn liên ngành 934/HDLN-SYT-BHXH năm 2014 về đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tỉnh Hà Giang
- 8Thông tư 54/2015/TT-BYT hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 9Quyết định 01/2016/QĐ-UBND Quy định về trình tự, thủ tục và mức hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh từ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 10Quyết định 02/2016/QĐ-TTg quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11Kế hoạch 41/KH-UBND hoạt động phòng chống dịch bệnh ở người tỉnh Hà Giang năm 2015
- 12Kế hoạch 32/KH-UBND năm 2016 về hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 13Kế hoạch 505/KH-UBND năm 2016 phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tỉnh Lai Châu
- 14Kế hoạch 58/KH-UBND năm 2016 tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2016 trên địa bàn tỉnh Sơn La
Kế hoạch 55/KH-UBND hoạt động, phòng chống dịch bệnh ở người tỉnh Hà Giang năm 2016
- Số hiệu: 55/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 07/03/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
- Người ký: Trần Đức Quý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra