Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 536/KH-UBND

Bình Dương, ngày 01 tháng 02 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NĂM 2019 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG

Căn cứ Thông tư số 07/2017/TT-BKHĐT ngày 14/12/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định và hướng dẫn một số nội dung tại Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ;

UBND tỉnh Bình Dương xây dựng kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2019 như sau:

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NĂM 2018

I. Công tác chỉ đạo điều hành triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) năm 2018

Trong năm UBND tỉnh Bình Dương đã triển khai đầy đủ, hiệu quả đến từng Sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh các chính sách của Đảng và Nhà nước, đảm bảo các tầng lớp Nhân dân hiểu đầy đủ và thực hiện hiệu quả các CTMTQG trên địa bàn vừa đảm bảo yêu cầu chung vừa phù hợp mục tiêu đề ra của tỉnh.

Ban chỉ đạo các CTMTQG trên địa bàn tỉnh do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực làm Trưởng ban thường xuyên chỉ đạo công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong quá trình thực hiện các Chương trình.

Để công tác Xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn đi vào chiều sâu, phù hợp tình hình mới, trong năm 2018 tỉnh đã ban hành: Kế hoạch số 02/KH-UBND ngày 02/01/2018 về việc triển khai thực hiện Quyết định số 676/QĐ-TTg ngày 18/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020; Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020 tại Quyết định số 1925/QĐ-UBND ngày 16/7/2018, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nghiên cứu xây dựng mô hình xã NTM kiểu mẫu của tỉnh để triển khai thí điểm trước năm 2020.

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh đã phê duyệt Bộ tiêu chí điều tra, rà soát hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 tại Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, hàng năm trong xây dựng kế hoạch đầu tư công, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các cấp ưu tiên cân đối bố trí vốn thực hiện các công trình thuộc các xã NTM. Chỉ đạo phối hợp thực hiện lồng ghép các chương trình tại các văn bản số 3697/UBND-KTTH ngày 09/8/2018 về việc triển khai Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ và nội dung liên quan phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bình Dương, văn bản số 5297/UBND-KTTH ngày 05/11/2018 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành địa phương hướng dẫn lập kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã giai đoạn 2018 - 2020; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế sử dụng nguồn vốn huy động khác thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018 - 2020, Quy định phân cấp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp xã.

II. Kết quả thực hiện các Chương trình

1. Đối với Chương trình xây dựng NTM

Đến nay đã công nhận được 45/48 xã (chiếm 93,75%), hiện còn 03 xã chưa đạt chuẩn là xã An Bình, xã Phước Hòa huyện Phú Giáo và xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng.

Các huyện, thị thực hiện dặm vá, sửa chữa, nâng cấp nhựa hóa, bê tông hóa được 93 tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng1.

Đến nay tỷ lệ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,98%.

Hệ thống cơ sở hạ tầng y tế, viễn thông, nhà ở nông thôn được duy trì với 100% số xã đạt chuẩn về Y tế; 100% nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm, dột nát; 100% số ấp ở các xã nông thôn đều có hệ thống loa truyền thanh.

Cơ sở vật chất trường, lớp được quan tâm đầu tư, trên địa bàn các xã có 114/172 trường đạt chuẩn Quốc gia chiếm tỷ lệ 66,28%; 48/48 xã đạt tiêu chí về trường học.

Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn được mở rộng, tổng số chợ trên địa bàn nông thôn là 36 chợ, trong đó có 17 chợ xây dựng theo phương thức xã hội hóa (do doanh nghiệp đầu tư), tỷ lệ khu vực nông thôn có chợ trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu phục vụ cho người dân.

Các địa phương đang tiến hành xây dựng, nâng cấp các khu thể thao theo quy định của bộ tiêu chí mới.

2. Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững

Bằng các giải pháp đồng bộ và có chiều sâu của các cấp, các ngành trong tỉnh, sau gần 03 năm thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững, đến năm 2018 đã đạt được kết quả khả quan. Tổng số hộ nghèo của tỉnh đến tháng 7/2018 còn 4.707 hộ trên tổng số 290.652 hộ nhân dân, chiếm tỷ lệ 1,62%. Trong đó có 2.818 hộ nghèo thuộc chỉ tiêu giảm nghèo, chiếm tỷ lệ 0,97% và 1.888 hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, chiếm tỷ lệ 0,65%. Số hộ cận nghèo là 2.883 hộ, chiếm tỷ lệ 0,99%.

Tính đến 8/2018, toàn tỉnh giảm 1.850 hộ nghèo, bình quân mỗi năm giảm được khoảng 0,25% trên tổng số hộ nhân dân toàn tỉnh. Bình Dương cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Trung ương, cơ bản không có hộ tái nghèo.

Tỉnh chỉ đạo Ngành tư pháp phối hợp với Đài Phát thanh truyền hình Bình Dương và các đơn vị có liên quan thực hiện có hiệu quả các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, trong đó có tuyên truyền, vận động thực hiện các CTMTQG.

Đến năm 2018 đã tổ chức 27 lớp tập huấn tại 9 huyện, thị, thành phố về nâng cao năng lực cho 8.949 lượt cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo ở cấp huyện, xã và lãnh đạo khu, ấp.

Phần thứ hai

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA NĂM 2019

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung.

Kế hoạch thực hiện các CTMTQG năm 2019 đảm bảo phù hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với định hướng Nghị quyết tỉnh Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Phát huy tinh thần chủ động thực hiện, bảo vệ thành quả đạt được trong quá trình thực hiện các CTMTQG đến các tầng lớp Nhân dân. Các xã đã hoàn thành xây dựng NTM cần phấn đấu để đạt chuẩn NTM nâng cao.

2. Mục tiêu cụ thể đối với hai chương trình

a) Đối với Chương trình MTQG xây dựng NTM:

Phấn đấu trong năm 2019 có 5-7 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, kiểu mẫu, có thêm 02 huyện đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện đạt chuẩn NTM lên 5 huyện, thị (đối với thị xã Thuận An còn 01 xã nên không làm hồ sơ đề nghị công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM).

Tăng tỷ lệ giao thông đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên 100%, tỷ lệ dân nông thôn sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99,99%.

Số xã đạt chuẩn về Y tế là 100%; 100% xã, phường, thị trấn có bác sĩ phục vụ.

Tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,70%.

Số hộ nông thôn có nhà tiêu vệ sinh đạt ≥ 95%; Tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải đạt ≥ 90%.

Số ấp ở các xã nông thôn đều sử dụng được điện thoại di động, điện thoại cố định không dây và truy cập Internet bằng nhiều hình thức.

Hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới cho rau màu, cây ăn quả đạt 100%, kiên cố hóa 99,83km kênh mương đáp ứng nhu cầu phòng chống thiên tai tại chỗ.

b) Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững:

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2019 còn dưới 1,5%.

100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có lao động và có nhu cầu được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế; được trợ giúp pháp lý miễn phí khi có nhu cầu.

100% học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các khoản đóng góp khác; được vay vốn ưu đãi của nhà nước theo quy định để học văn hóa và học nghề.

100% thành viên trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Tiếp tục vận động, hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở.

II. Nguồn vốn thực hiện

Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm cho lao động nông thôn tăng thu nhập cho người dân. UBND cấp huyện thực hiện đầu tư lồng ghép từ nguồn vốn đầu tư công được phân bổ trong kế hoạch 2019.

Tiếp tục công tác xã hội hóa xây dựng NTM (đặc biệt là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn) nhằm tạo việc làm mới, xây dựng chợ, khu vui chơi giải trí, văn hóa, trung tâm thể dục thể thao...

Vận động nhân dân đóng góp xây dựng NTM, chỉnh trang nhà ở, sân vườn, trồng cây xanh, giữ gìn môi trường giữ gìn truyền thống, bản sắc của địa phương.

a) Dự kiến vốn thực hiện xây dựng NTM năm 2019: 2.055.504 triệu đồng.

Vốn ngân sách đầu tư lồng ghép: 1.312.163 triệu đồng.

(Ngân sách tỉnh 695.430 triệu đồng, Ngân sách huyện 537.155 triệu đồng, Ngân sách xã 29.780 triệu đồng).

- Tín dụng:

- Vốn doanh nghiệp:

- Vốn doanh nghiệp:

- Vốn nhân dân đóng góp:

- Vốn khác (xổ số kiến thiết):

202.177 triệu đồng.

237.277 triệu đồng.

237.277 triệu đồng.

190.677 triệu đồng.

113.210 triệu đồng.

b) Dự kiến vốn ngân sách tỉnh thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững:

- Dự án 4 (Truyền thông và giảm nghèo về thông tin): 335 triệu đồng.

- Dự án 5 (Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá): 529 triệu đồng.

III. Nhiệm vụ thực hiện

1. Nhiệm vụ chung

Nâng cao vai trò chủ động và trách nhiệm của các cấp Đảng ủy và người đứng đầu các ngành, các cấp trong quá trình chỉ đạo, triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch đề ra tại địa phương, đơn vị. Chỉ đạo bộ phận triển khai thực hiện kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc và đề ra phương án xử lý, kiến nghị lên cấp trên.

Với đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương hiện tại và những chuyển đổi cơ cấu trong thời gian tới, để hoàn thành các mục tiêu đề ra tại các CTMTQG, giải pháp cốt lõi là sự điều phối, kết hợp lồng ghép chặt chẽ các chính sách, đề án, chương trình với nhau như: Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chương trình hỗ trợ và phát triển kinh tế tập thể, Đề án nhà ở cho người thu nhập thấp, Chương trình bình đẳng giới...

Đối với các dự án thành phần thuộc các CTMTQG, thông qua Ban chỉ đạo các CTMTQG sẽ chỉ đạo điều hành, phân công, phân nhiệm theo dõi cụ thể, xây dựng kế hoạch triển khai từ đầu kỳ. Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đánh giá kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tiếp tục ưu tiên nguồn ngân sách đầu tư cho các công trình mang tính lan tỏa, liên kết, thu hút đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh kết hợp kêu gọi xã hội hóa.

2. Nhiệm vụ cụ thể:

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Tham mưu lồng ghép các chương trình, dự án và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư khác để thực hiện các CTMTQG.

Tổng hợp, báo cáo Ban chỉ đạo các CTMTQG, UBND tỉnh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch.

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tổ chức xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch chương trình xây dựng NTM năm 2019.

Rà soát các chính sách liên quan phát triển nông nghiệp, nông thôn báo cáo Ban chỉ đạo các CTMTQG đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh.

c) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Tổ chức xây dựng kế hoạch và thực hiện kế hoạch chương trình giảm nghèo bền vững năm 2019.

Rà soát các chính sách liên quan giảm nghèo báo cáo Ban chỉ đạo các CTMTQG đề xuất UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh. Tăng cường công tác tiếp xúc hộ nghèo nhằm giám sát việc thực hiện các chính sách giảm nghèo, đồng thời cũng làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo khắc phục tư tưởng trông chờ vào các chính sách xã hội, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.

d) Sở Tài chính: Hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị trong quá trình thanh quyết toán công trình đầu tư thực hiện các CTMTQG.

đ) UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn năm 2019 phù hợp với kế hoạch này.

Phối hợp chặt chẽ với các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan cấp tỉnh để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp Xây dựng NTM và Giảm nghèo bền vững trên địa bàn trong năm 2019.

e) Các Sở, ngành khác: Theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương tổ chức thực hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các CTMTQG trên địa bàn trong năm 2019.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Kế hoạch này và nhiệm vụ được giao, xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo đảm việc tổ chức thực hiện được triển khai đến cơ sở.

2. Đề nghị HĐND các cấp, UBMTTQVN và đoàn thể các cấp phối hợp tham gia và giám sát, tuyên truyền trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Các Bộ: KHĐT, NNPTNT, LĐTBXH;
- BCĐ TW các CTMTQG;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP, Thg, Thi, Thái, TH, Website;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Mai Hùng Dũng

 



1 Trong đó: huyện Dầu Tiếng 24 tuyến; huyện Phú giáo 07 tuyến; huyện Bắc Tân Uyên 08 tuyến; huyện Bàu Bàng 05 tuyến; thị xã Bến Cát 31 tuyến; thị xã Tân Uyên 18 tuyến.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 536/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2019 trên địa bàn tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 536/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/02/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Mai Hùng Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản