Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 534/KH-UBND | Khánh Hòa, ngày 12 tháng 01 năm 2024 |
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG CÔNG LẬP NĂM 2024, NĂM 2025
Thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 21/12/2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025; tiếp tục thực hiện Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 09/02/2021 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 21/12/2020, Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 24/6/2021 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập năm 2024, năm 2025 như sau:
1. Mục đích
a) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên; chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, có năng lực kỹ năng nghiệp vụ sư phạm; thực hiện tốt nội dung các chương trình giáo dục; kiểm tra đánh giá và tổ chức các hoạt động giáo dục,... nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành học, bậc học đề ra, đảm bảo mục tiêu giáo dục và nhu cầu xã hội, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo;
b) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng góp phần xây dựng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, góp phần thực hiện tốt chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa nói chung và của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà nói riêng;
c) Thay đổi nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập về phương pháp giáo dục tại các cơ sở giáo dục hiện nay nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về phương pháp giảng dạy, phương pháp tiếp cận các nội dung giáo dục một cách khoa học, logic, hiệu quả và thiết thực.
2. Yêu cầu
a) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập đảm bảo chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non và phổ thông theo quy định. Trang bị và nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng-an ninh, kỹ năng điều hành thực thi công vụ, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp..., trong đó quan tâm đến giáo viên mầm non và phổ thông công lập cốt cán và trong diện quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục;
b) Đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm; gắn với công tác sử dụng, quản lý viên chức phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị; phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập; năng lực tự đánh giá hiệu quả bồi dưỡng thường xuyên; năng lực tổ chức, quản lý hoạt động tự học, tự bồi dưỡng của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập tại các cơ sở giáo dục;
c) Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập đảm bảo những mục tiêu, yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ tiêu cần đạt được trong từng năm liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập của cơ quan có thẩm quyền quy định.
II. THỰC TRẠNG TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
1. Quy mô trường, lớp, giáo viên
- Hệ thống mạng lưới trường, lớp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã được rà soát, sắp xếp, bổ sung, điều chỉnh đồng bộ từ bậc học mầm non đến cấp học phổ thông, bao gồm đủ các loại hình trường lớp trong hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng đa dạng hóa, xã hội hóa giáo dục và đào tạo, mật độ các trường học trên địa bàn tỉnh phân bổ hợp lý. Hệ thống trường, lớp bảo đảm sự liên thông giữa các trường mầm non và phổ thông với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhân dân đi học, đặc biệt là ở các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, giảm thiểu tình trạng bỏ học. Toàn tỉnh có 524 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm. Cụ thể ở các cấp học như sau: Mầm non có 204 trường (159 trường công lập và 45 trường ngoài công lập); Tiểu học có 160 trường; Trung học cơ sở (THCS) có 121 trường; Trung học phổ thông (THPT) có 34 trường (29 trường THPT công lập và 05 trường THPT ngoài công lập) và có 04 trung tâm;
- Năm học 2023-2024, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành là 22.126 người. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 là 93,22% (trong đó trên chuẩn là 12,8%). Tỷ lệ giáo viên các cấp học cơ bản đáp ứng theo yêu cầu: nhà trẻ đạt 1,72 giáo viên/nhóm (trong đó công lập 2,04 giáo viên/lớp); mẫu giáo đạt 1,72 giáo viên/lớp (công lập 1,7 giáo viên/lớp); tiểu học: 1,43 giáo viên/lớp; THCS: 1,91 giáo viên/lớp; THPT: 2,23 giáo viên/lớp.
2. Trình độ đào tạo, bồi dưỡng
- Theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019, toàn tỉnh còn 6,78% giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định, phải tham gia đào tạo theo lộ trình từng năm trong giai đoạn 2021-2025; 100% giáo viên trung học phổ thông công lập đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định;
- Trong những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập, cụ thể: Thạc sĩ chuyên môn; Quản lý giáo dục; An ninh - quốc phòng (đối tượng 3 và 4); Lãnh đạo quản lý cấp phòng, cấp Sở; Lý luận chính trị (cao cấp, trung cấp); Kiến thức dân tộc và tiếng dân tộc; Chương trình quản lý nhà nước ngạch (chuyên viên, chuyên viên chính); bồi dưỡng chính trị hè; ...
- Công tác bồi dưỡng cho cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục 2018 đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả và thiết thực.
3. Đánh giá chung
- Có thể khẳng định, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập trong thời gian qua đã được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sâu sắc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương đối với công tác phát triển nguồn nhân lực và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập. Đặc biệt, là ý thức, trách nhiệm và tinh thần học tập rất cao của đại bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập trong việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng;
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã tăng cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, góp phần thực hiện tốt chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa nói chung và của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà nói riêng.
Tuy nhiên, việc liên kết với các trường có uy tín trong và ngoài nước trong đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập chưa được chú trọng; Công tác nghiên cứu khoa học trong giáo viên mầm non và phổ thông chưa được quan tâm; Một số ít cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục chưa quan tâm và đầu tư thường xuyên đến công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông tại đơn vị mình; Một số giáo viên mầm non và phổ thông công lập lớn tuổi ngại tham gia đào tạo, bồi dưỡng; thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên mầm non và phổ thông công lập còn hạn chế, chủ yếu tham gia trong dịp hè; Việc tham gia đào tạo trình độ thạc sĩ đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập (cấp tiểu học và trung học cơ sở) còn thấp do hạn chế về biên chế, thời gian, kinh phí...
III. ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU VÀ NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Đối tượng: Cán bộ quản lý và giáo viên (sau đây gọi tắt là giáo viên) trong các cơ sở giáo dục công lập, bao gồm: cơ sở giáo dục mầm non; các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên biệt, trung tâm giáo dục thường xuyên... (sau đây gọi tắt là cơ sở giáo dục phổ thông) trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu đến năm 2025
- Phấn đấu 100% giáo viên mầm non và phổ thông công lập (tiểu học và trung học cơ sở) tham gia và đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo quy định (giáo viên mầm non phải tốt nghiệp trình độ đào tạo từ Cao đẳng trở lên; giáo viên Tiểu học, THCS phải tốt nghiệp trình độ đào tạo Đại học);
- Phấn đấu ít nhất 90% trở lên, giáo viên mầm non và phổ thông công lập đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mức độ khá;
- Phấn đấu 100% giáo viên mầm non và phổ thông công lập được bồi dưỡng nâng cao năng lực tương ứng theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trưởng theo quy định;
- Phấn đấu 100% giáo viên mầm non và phổ thông công lập được bồi dưỡng nâng cao năng lực hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, liên tục ngay tại trường, năng lực tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non và phổ thông mới;
- Phấn đấu 100% giáo viên mầm non và phổ thông công lập vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và đang công tác tại các trường phổ thông dân tộc nội trú được bồi dưỡng kiến thức dân tộc, tiếng dân tộc thiểu số theo quy định.
- Đảm bảo 100% giáo viên mầm non và phổ thông công lập được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý phải đảm bảo yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ... tương ứng với chức danh được quy hoạch;
- Đảm bảo 100% giáo viên mầm non và phổ thông công lập được bồi dưỡng năng lực thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
3. Nội dung thực hiện
- Về đào tạo:
+ Đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập đáp ứng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, đó là giáo viên mầm non phải tốt nghiệp trình độ đào tạo từ Cao đẳng trở lên; giáo viên Tiểu học, THCS phải tốt nghiệp trình độ đào tạo Đại học;
+ Đào tạo và tuyển dụng giáo viên đề bổ sung giáo viên mầm non và phổ thông công lập dự kiến nghỉ hưu. Đồng thời bổ sung giáo viên mầm non và phổ thông công lập đáp ứng nhu cầu giảng dạy theo chương trình đổi mới hiện nay và xu thế hội nhập quốc tế.
- Về bồi dưỡng:
+ Bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập về quản lý giáo dục, nghiệp vụ, chuyên môn liên quan chức danh nghề nghiệp, hoạt động công vụ, vị trí việc làm...
+ Bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập về kiến thức pháp luật, văn hóa công sở, nâng cao ý thức đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp...
+ Bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập để nâng cao năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý;
+ Bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập về hội nhập, hợp tác quốc tế... nhằm tuyên truyền về quan điểm, chủ trương đối ngoại của Đảng và Nhà nước, quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng, ASEAN, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống đối với Khánh Hòa;
+ Bồi dưỡng tiếng dân tộc, kiến thức dân tộc cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập công tác ở vùng dân tộc trên địa bàn tỉnh theo quy định;
+ Bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập có năng lực chuyên môn giỏi để trở thành giáo viên cốt cán tại các cơ sở giáo dục; trang bị và nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quốc phòng - an ninh, kỹ năng điều hành thực thi công vụ, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp...
(Đính kèm phụ lục nội dung và kinh phí thực hiện Kế hoạch)
1. Thực hiện việc đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động truyền thông về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập đáp ứng với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong tình hình mới
- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định của Trung ương và địa phương về công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên mầm non và phổ thông công lập nhằm nâng cao hơn nữa về nhận thức và hành động trong việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu về điều kiện, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm của giáo viên mầm non và phổ thông công lập hiện nay;
- Thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên mầm non và phổ thông công lập (bắt buộc, tự học, tự bồi dưỡng) để đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm quy định.
2. Đảm bảo nguyên tắc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non và phổ thông (tiểu học và trung học cơ sở) công lập theo quy định.
3. Thực hiện việc tuyển dụng sinh viên sư phạm hoặc thuyên chuyển, điều động giáo viên công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập phải đảm bảo về trình độ đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.
4. Đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập.
- Khuyến khích giáo viên mầm non và phổ thông công lập đảm bảo điều kiện quy định khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo chương trình hợp tác quốc tế và Đề án của Trung ương, tỉnh Khánh Hòa. Đồng thời, đăng ký tham gia giảng dạy tại các nước trong khu vực và thế giới theo chương trình hợp tác quốc tế;
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập;
- Phối hợp tổ chức các hội thảo quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; tổ chức các hoạt động trao đổi, giao lưu giữa giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên sư phạm Việt Nam - Khánh Hòa với giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên các nước trong khu vực và trên thế giới trong chương trình hợp tác quốc tế của Việt Nam - Khánh Hòa với các nước ngoài.
1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch của các cơ quan, đơn vị và địa phương gồm: kinh phí từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành; kinh phí của cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị sử dụng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; kinh phí hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; kinh phí của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách của các cơ quan, đơn vị và địa phương đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.
3. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Kế hoạch ước tính 6.100.000.000 đồng (Sáu tỷ một trăm triệu đồng).
(Đính kèm phụ lục nội dung và kinh phí thực hiện)
1. Trên cơ sở những nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch này, cùng với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 09/02/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 08-CTr/TU ngày 21/12//2020 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025, các cơ quan, đơn vị và địa phương lồng ghép xây dựng kế hoạch thực hiện những nội dung có liên quan và thường xuyên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để thông tin, chia sẻ và thực hiện chế độ báo cáo có liên quan theo quy định để đảm bảo Kế hoạch triển khai thực hiện đầy đủ và đạt mục tiêu đề ra.
2. Các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) ngoài nhiệm vụ chung, còn có trách nhiệm chủ trì và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đã nêu trong Kế hoạch
a) Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện, tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh đảm bảo yêu cầu, chất lượng, hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra;
- Căn cứ Kế hoạch, hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở quản lý, đồng thời lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch với các hoạt động khác có liên quan;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện kiểm tra, giám sát và tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
- Tổng hợp nhu cầu về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập hàng năm gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định;
- Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong quá trình thực hiện Kế hoạch.
b) Sở Nội vụ
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên mầm non và phổ thông công lập theo Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức chung cho toàn tỉnh;
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên mầm non và phổ thông công lập;
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở, ban, ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Kế hoạch.
c) Sở Tài chính
Trên cơ sở dự toán kinh phí thực hiện các nội dung chi của Kế hoạch từ nguồn vốn sự nghiệp của Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương lập được Sở Nội vụ tổng hợp, Sở Tài chính cân đối theo khả năng ngân sách tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.
d) Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn kinh phí thực hiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
đ) Ban Dân tộc tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND cấp huyện tổ chức bồi dưỡng kiến thức dân tộc; Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc và UBND cấp huyện tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập theo quy định.
e) Các sở, ban, ngành liên quan phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, và UBND cấp huyện triển khai thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được phân công.
g) Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Căn cứ Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch và biện pháp triển khai thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cho từng năm phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bố trí ngân sách đảm bảo cho việc thực hiện các hoạt động của Kế hoạch; lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch với các hoạt động khác có liên quan trên địa bàn. Đồng thời, hàng năm gửi kế hoạch và kinh phí thực hiện theo nội dung trong kế hoạch cho Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 15/10 để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt;
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo yêu cầu, chất lượng, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra;
- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Kế hoạch tại địa phương, đồng thời cung cấp thông tin, số liệu, báo cáo các nội dung thực hiện Kế hoạch cho cơ quan chủ trì và cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, kịp thời.
h) Các cơ sở đào tạo, liên kết đào tạo và bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập
- Chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện có chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập;
- Xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu phù hợp với hình thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non và phổ thông công lập vừa làm, vừa học.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để trao đổi, thống nhất hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
NỘI DUNG VÀ KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN MẦM NON VÀ PHỔ THÔNG CÔNG LẬP NĂM 2024, NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 534/KH-UBND, ngày 12 tháng 01 năm 2024 của UBND Khánh Hòa)
TT | Nội dung | Đối tượng | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Dự kiến người/lớp/đơn vị (01 Sở GDĐT và 08 UBND cấp huyện) | Dự kiến kinh phí hàng năm | Tiến độ thực hiện | Ghi chú |
01 | Đào tạo cao cấp và trung cấp lý luận chính trị | Công chức, viên chức trong diện quy hoạch | Sở GDĐT và UBND cấp huyện | Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh, Học viện... | Số lượng tham gia theo quy định |
| Hàng năm | Theo kế hoạch của tỉnh, địa phương |
02 | Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình Chuyên viên, Chuyên viên chính và Chuyên viên cao cấp | - Công chức viên chức; - Công chức, viên chức trong diện quy hoạch | Sở GDĐT và UBND cấp huyện | Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh, cơ quan có thẩm quyền | Số lượng tham gia theo quy định |
| Hàng năm | Theo kế hoạch của tỉnh, địa phương |
03 | Bồi dưỡng kiến thức an ninh - quốc phòng | Công chức, viên chức | Sở GDĐT và UBND cấp huyện | Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy quân sự các huyện, thị xã, thành phố và Sở Nội vụ... | Số lượng tham gia theo quy định |
| Hàng năm | Theo kế hoạch của tỉnh, địa phương |
04 | Bồi dưỡng Lãnh đạo cấp Sở | Công chức, viên chức trong diện quy hoạch Lãnh đạo Sở (đối với những CCVC được bổ sung mới) | Sở GDĐT và UBND cấp huyện | Sở Nội vụ, Trường Chính trị tỉnh, cơ quan có thẩm quyền | Số lượng tham gia theo quy định |
| Hàng năm | Theo kế hoạch của tỉnh |
05 | - Bồi dưỡng tiếng dân tộc - Bồi dưỡng Kiến thức dân tộc | Cán bộ, công chức, viên chức (thuộc đối tượng 3 và 4) hiện đang công tác ở vùng có đồng bào dân tộc sinh sống và tại các trường phổ thông dân tộc nội trú | - Sở GDĐT và UBND cấp huyện - Ban Dân tộc tỉnh | Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền Sở GDĐT và UBND cấp huyện | Theo kế hoạch của UBND tỉnh |
| Hàng năm | Nguồn kinh phí sự nghiệp được phân bổ hàng năm thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021- 2025. |
06 | Bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn liên quan chức danh nghề nghiệp, hoạt động công vụ, quản lý giáo dục... | Công chức, viên chức (CBQL+cốt cán) trong các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục | Sở GDĐT và UBND cấp huyện | Các trường Đại học, Cao đẳng, Học viện... trong và ngoài tỉnh | - Sở GDĐT: 02 lớp + Năm 2024: 01 lợp + Năm 2025: 01 lớp - UBND cấp huyện: 32 lớp (mỗi huyện có 2 lớp/năm) + Năm 2024: 16 lớp + Năm 2025: 16 lớp | 200 triệu + Năm 2024: 100 + Năm 2025: 100 3.200 triệu + Năm 2024: 1.600 + Năm 2025: 1.600 | Hàng năm | Ngân sách tỉnh |
07 | Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, văn hóa công sở, nâng cao ý thức đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp... | Công chức, viên chức (CBQL+cốt cán) trong các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục | Sở GDĐT và UBND cấp huyện | Sở Nội vụ, các trường Đại học, Học viện trong và ngoài tỉnh | - Sở GDĐT: 02 lớp + Năm 2024: 01 lớp + Năm 2025: 01 lớp - UBND cấp huyện: 16 lớp (mỗi huyện có 01 lớp/năm) + Năm 2024: 08 lớp + Năm 2025: 08 lớp | 200 triệu + Năm 2024: 100 + Năm 2025: 100 1.600 triệu + Năm 2024: 800 + Năm 2025: 800 | Hàng năm | Ngân sách tỉnh |
08 | Bồi dưỡng kiến thức hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế... | Công chức, viên chức (CBQL+cốt cán) trong các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục | Sở GDĐT và UBND cấp huyện | Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, các trường Đại học, Học viện... trong và ngoài tỉnh. | - Sở GDĐT: 02 lớp + Năm 2024: 01 lớp + Năm 2025:01 lớp - UBND cấp huyện: 16 lớp (mỗi huyện có 01 lớp/năm) + Năm 2024: 08 lớp + Năm 2025:08 lớp | 100 triệu + Năm 2024: 50 + Năm 2025: 50 800 triệu + Năm 2024: 400 + Năm 2025: 400 | Hàng năm | Ngân sách tỉnh |
09 | Đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác quốc tế và Đề án | Công chức, viên chức | Sở GDĐT | Sở Nội vụ, các trường Đại học, Học viện và cơ quan có thẩm quyền | Theo kế hoạch của Bộ GDĐT, UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền |
| Hàng năm | Ngân sách tỉnh |
10 | Đào tạo nâng chuẩn trình độ được đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 | Viên chức chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định | Sở GDĐT và UBND cấp huyện | Sở Nội vụ, Sở Tài chính; các trường Đại học, Cao đẳng trong và ngoài tỉnh | 784 người |
| Hàng năm và giai đoạn | Theo kế hoạch số 3620 của tỉnh |
- 1Kế hoạch 167/KH-UBND năm 2020 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông và tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông giai đoạn 2020-2025 do tỉnh Sơn La ban hành
- 2Kế hoạch 144/KH-UBND năm 2021 về đào tạo nâng trình độ chuẩn và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2022
- 3Kế hoạch 148/KH-UBND thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2022 (giai đoạn 2021-2025)
- 4Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2024 đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật giáo dục 2019
- 3Quyết định 368/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động 08-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- 4Quyết định 1719/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025
- 5Kế hoạch 167/KH-UBND năm 2020 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông và tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông giai đoạn 2020-2025 do tỉnh Sơn La ban hành
- 6Kế hoạch 144/KH-UBND năm 2021 về đào tạo nâng trình độ chuẩn và bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2022
- 7Kế hoạch 148/KH-UBND thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2022 (giai đoạn 2021-2025)
- 8Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2024 đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục phổ thông vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Kế hoạch 534/KH-UBND đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông công lập năm 2024, năm 2025 do tỉnh Khánh Hòa ban hành
- Số hiệu: 534/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 12/01/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Nguyễn Tấn Tuân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra