Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5330/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 24 tháng 06 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO ĐẢM TÀI CHÍNH CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020”;

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Cơ sở pháp lý

a) Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020”;

b) Kế hoạch số 967/KH-BYT ngày 10/12/2013 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020” và Hướng dẫn số 999/HD-BYT ngày 18/12/2013 của Bộ y tế hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giai đoạn 2013 - 2020” tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

c) Kế hoạch số 1090/KH-UBND ngày 05/02/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai Thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Tình hình huy động và sử dụng kinh phí trong thời gian qua

a) Tình hình huy động kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS

Giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã huy động được 36,754 tỷ đồng (chưa tính ngân sách sự nghiệp chi thường xuyên cho Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS), bao gồm:

- Ngân sách nhà nước do Trung ương cấp thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Phòng, chống HIV/AIDS là 10,048 tỷ đồng, chiếm 27% tổng kinh phí, được sử dụng chủ yếu cho chương trình thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá chương trình, các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng.

- Ngân sách nhà nước do địa phương cấp để thực hiện CTMTQG phòng, chống HIV/AIDS là 8,525 tỷ đồng, chi hỗ trợ cho hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và tập huấn cho đội ngũ cán bộ phòng, chống HIV/AIDS các tuyến. Mặc dù kinh phí địa phương cấp cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã tăng dần theo từng năm, nhưng chỉ chiếm 23% tổng kinh phí huy động được.

- Nguồn viện trợ quốc tế thông qua các dự án là 18,251 tỷ đồng (chiếm 50% tổng kinh phí), chủ yếu chi cho các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV.

- Trong giai đoạn 2011 - 2015, nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả còn rất hạn chế và thiếu số liệu báo cáo.

Ngoài kinh phí được cấp bằng tiền, các dự án quốc tế và Chương trình mục tiêu quốc gia còn hỗ trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh thông qua việc cấp thuốc điều trị ARV, với tổng kinh phí trong giai đoạn 2011 - 2015 là 12,072 tỷ đồng.

b) Kết quả sử dụng kinh phí

- Trong những năm qua, do dịch tập trung các đối tượng có hành vi nguy cơ cao như: nghiện chích ma túy (NCMT), phụ nữ bán dâm (PNBD), quan hệ đồng tính (MSM) và số người được phát hiện nhiễm HIV chưa nhiều, nên đầu tư chủ yếu cho công tác dự phòng, trong đó tập trung cho lĩnh vực can thiệp giảm tác hại. Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS đã sử dụng kinh phí hợp lý, hiệu quả, phân chia theo 4 dự án như sau: 50% dành cho dự phòng lây nhiễm HIV; 30% dành cho hoạt động chăm sóc, điều trị; 15% dành cho giám sát dịch, theo dõi, đánh giá chương trình và 5% dành cho tăng cường năng lực quản lý Chương trình.

- Việc sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đã đạt được các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Mặc dù số trường hợp nhiễm HIV phát hiện mới hàng năm không thay đổi do tăng cường công tác tầm soát dịch bệnh, nhưng các chỉ số khác của dịch bệnh đã chuyển sang chiều hướng tích cực hơn:

+ Nhờ làm tốt công tác tư vấn và điều trị ARV, số người nhiễm HIV chuyển sang AIDS đã giảm hàng năm.

+ Công tác phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con đã được thực hiện thường xuyên; phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm tự nguyện HIV chiếm trên 80% và 100% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được tiếp cận điều trị dự phòng mẹ con.

+ Đa số đối tượng tiêm chích ma túy và mại dâm đã có ý thức và thay đổi hành vi để phòng, chống lây nhiễm HIV, số lượng bơm kim tiêm (BKT) và bao cao su (BCS) được phát miễn phí ngày một tăng.

- Nhìn chung, dịch HIV/AIDS tại Đồng Nai vẫn ở giai đoạn tập trung (trên 5% ở các nhóm nguy cơ cao và dưới 1% ở nhóm phụ nữ mang thai); số người nhiễm mới HIV đã được kiểm soát từ năm 2006 đến nay, nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát mới nếu không tiếp tục duy trì các can thiệp dự phòng hiệu quả nhất là trong nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, đặc biệt là nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam.

c) Những khó khăn trong huy động, quản lý, sử dụng kinh phí

- Hiện nay, kinh phí do Trung ương phân bổ và kinh phí do các nguồn viện trợ chiếm trên 75% tổng kinh phí hoạt động, nguồn kinh phí này có xu hướng giảm nhanh sau năm 2013 (kinh phí cấp năm 2014 giảm 75% so với năm 2012); các nguồn tài trợ từ các dự án quốc tế đã bị cắt giảm sau năm 2015.

- Trong giai đoạn 2011 - 2015, nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả còn rất hạn chế và thiếu số liệu báo cáo do hầu hết các dịch vụ chăm sóc, điều trị ngoại trú cho người nhiễm HIV đều được các dự án viện trợ chi trả; nhiều người nhiễm HIV không đến các cơ sở y tế đã đăng ký khám BHYT.

- Mặc dù thực hiện việc quản lý và điều phối kinh phí phòng, chống HIV/AIDS một đầu mối là Sở Y tế (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS làm thường trực), nhưng các nguồn kinh phí trực tiếp do các sở, ban, ngành, cơ quan, địa phương đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đã không được báo cáo về Sở Y tế.

- Chưa thống nhất về cơ chế vận hành và quản lý giữa các nguồn kinh phí.

3. Ước tính nhu cầu và sự thiếu hụt kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020

a) Ước tính nhu cầu kinh phí giai đoạn 2016 - 2020

- Để thực hiện mục tiêu duy trì và phát triển bền vững hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thì nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS năm sau phải cao hơn năm trước ít nhất 10%. Nguồn kinh phí tăng thêm này nhằm tăng cường các hoạt động, mở rộng phạm vi bao phủ, tăng đối tượng thụ hưởng, bù đắp giá cả lạm phát.

- Trên cơ sở sử dụng kinh phí giai đoạn 2011 - 2015, ước tính kinh phí cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020 là 49.561 triệu đồng, gồm:

+ Chi cho dự phòng lây nhiễm HIV là 5.446 triệu đồng (chiếm 11%);

+ Chi cho điều trị HIV/AIDS là 24.284 triệu đồng (chiếm 49%);

+ Chi cho giám sát dịch và theo dõi, đánh giá chương trình là 19.831 triệu đồng (chiếm 40 %),

- Nhu cầu này chưa bao gồm kinh phí chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (Đính kèm Phụ lục I: Ước tính nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020).

b) Ước tính sự thiếu hụt kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh trong giai đoạn 2016 - 2020

Theo Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 16/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng,chống HIV/AIDS giai đoạn 2013 - 2020”, nguồn kinh phí Trung ương cắt giảm hàng năm khoảng 20%, kinh phí viện trợ sau 2015 chỉ đáp ứng 25% nguồn kinh phí yêu cầu. Ước tính tổng kinh phí có thể huy động trong giai đoạn này là 14,503 tỷ đồng, đáp ứng được 29% nhu cầu kinh phí hoạt động, cần huy động thêm 35,058 tỷ đồng để đảm bảo triển khai các hoạt động đạt được mục tiêu Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh (Đính kèm Phụ lục II: Ước tính khả năng huy động và sự thiếu hụt kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020).

c) Nguyên nhân của sự thiếu hụt tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2016 - 2020

- Tăng nhu cầu đầu tư Chương trình

+ Do phải mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động để ứng phó với tình hình dịch bệnh đang ngày càng lan rộng và có tính chất phức tạp.

+ Việc gia tăng số lượng bệnh nhân điều trị ARV, số phụ nữ mang thai và nhóm đối tượng nguy cơ cao sẽ đòi hỏi nhu cầu cung ứng các dịch vụ kèm theo như: Cung cấp thuốc ARV, cấp test xét nghiệm sàng lọc, cung cấp BKT và BCS miễn phí.

- Nguồn kinh phí được cấp hàng năm giảm

+ Theo lộ trình hàng năm ngân sách Trung ương cắt giảm dần.

+ Theo lộ trình cũng như cam kết của Việt Nam với quốc tế: Đến năm 2016, nguồn kinh phí viện trợ nước ngoài bị cắt giảm.

- Nguồn kinh phí do người thụ hưởng và BHYT chi trả còn hạn chế và chưa có cơ sở ước tính.

Từ những lý do trên, cần xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020 nhằm duy trì và phát triển bền vững hiệu quả các hoạt động của Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho phòng, chống HIV/AIDS từ ngân sách nhà nước của tỉnh, tiến tới ngân sách nhà nước ở địa phương (bao gồm cả nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước ở Trung ương thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia) bảo đảm nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai.

b) Đảm bảo ít nhất 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp.

c) Đảm bảo ít nhất 80% số người nhiễm HIV có thẻ BHYT được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT vào năm 2016 và đạt 100% vào năm 2020.

d) Tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS để tự cân đối thu - chi cho các hoạt động của các dịch vụ này.

đ) Đảm bảo sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm đúng quy định hiện hành.

III. NHIỆM VỤ

1. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, kết hợp với ngân sách trung ương nhằm đảm bảo tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tập trung đầu tư các hoạt động thiết yếu, mang tính bền vững, lâu dài, hiệu quả cao, bao gồm dự phòng là chủ đạo và chăm sóc, điều trị người bị nhiễm HIV/AIDS.

2. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; chuyển dần nhiệm vụ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ BHYT theo quy định của Trung ương; tăng cường quản lý, tổ chức, vận hành bộ máy tinh giản và tiết kiệm; thiết kế, xây dựng, triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng giảm chi phí - tăng hiệu quả.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, các doanh nghiệp, trường học trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các đơn vị trích kinh phí hàng năm để thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS.

IV. GIẢI PHÁP

1. Huy động tài chính từ các nguồn khác nhau

a) Do Trung ương phân bổ từ ngân sách và các nguồn tài trợ từ Trung ương.

b) Nguồn ngân sách địa phương: Tăng dần kinh phí đầu tư cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo kinh phí Chương trình phòng chống HIV/AIDS năm sau cao hơn năm trước ít nhất là 10%, từng bước bù đắp nguồn kinh phí thiếu hụt do cắt giảm các nguồn tài trợ từ các dự án và ngân sách Trung ương.

c) Nguồn Bảo hiểm y tế: Là nguồn kinh phí quan trọng để chi trả trong lĩnh vực chăm sóc và điều trị liên quan đến HIV/AIDS trong thời gian tới. Giải pháp đặt ra là mở rộng tỷ lệ mua BHYT cho người nhiễm HIV thông qua việc tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV mua BHYT; hỗ trợ mua BHYT đối với những người nhiễm HIV thuộc hộ cận nghèo; đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT vào năm 2020. Xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS theo hướng đẩy mạnh sự tham gia của BHYT đối với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở địa phương.

d) Nguồn thu phí dịch vụ tại các cơ sở điều trị Methadone, tư vấn xét nghiệm HIV cung ứng BCS, BKT theo hướng Nhà nước đảm bảo đội ngũ nhân viên có năng lực cung ứng dịch vụ, khách hàng chi trả phí dịch vụ.

đ) Nguồn kinh phí được huy động từ các lĩnh vực khác:

- Các doanh nghiệp từng bước chủ động bố trí kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động tại đơn vị;

- Huy động nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS từ nguồn kinh phí thường xuyên của các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại các đơn vị và cho chương trình chung;

- Từ nguồn xử phạt hành chính liên quan đến HIV/AIDS theo quy định;

- Các nguồn tài trợ trực tiếp trong và ngoài nước.

2. Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí

a) Tập trung quản lý các nguồn kinh phí Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS thống nhất một đầu mối tại Sở Y tế (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS làm thường trực) để đảm bảo phân bổ sử dụng hiệu quả, tránh chồng chéo. Tại tuyến huyện và xã tập trung quản lý, điều phối và phân bổ kinh phí tại Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội cấp huyện, giao Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện.

b) Căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ và các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS hàng năm, Sở Y tế dự trù kinh phí và phân bổ kinh phí cho các địa phương và đơn vị.

c) Hướng dẫn các cơ quan đầu mối về phòng, chống HIV/AIDS tại các tuyến trong công tác lập kế hoạch, quản lý và sử dụng kinh phí, nhằm đảm bảo điều phối và phân bổ kinh phí hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương và các đơn vị.

d) Tăng cường giám sát tài chính trong nội dung kiểm tra giám sát hoạt động Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS các cấp định kỳ hàng năm do Ban chỉ đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện.

3. Quản lý chương trình nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực

Thực hiện tốt các nhiệm vụ của Mục III trong Kế hoạch số 1090/KH-UBND ngày 05/02/2016 của UBND tỉnh.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa triển khai thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn các cơ quan liên quan, các địa phương tổ chức thực hiện; tham mưu UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội tỉnh sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch;

b) Là đầu mối tiếp nhận, quản lý và phân bổ các nguồn kinh phí Chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

c) Phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Công Thương, Ngoại vụ và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan vận động các nguồn tài trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS;

d) Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội tỉnh, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT, hỗ trợ cấp phát thẻ BHYT cho các đối tượng nghèo, cận nghèo nhiễm HIV/AIDS;

đ) Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai xã hội hóa một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như: Chương trình tư vấn xét nghiệm HIV, chương trình điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone, chương trình BCS, BKT; vận động doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại doanh nghiệp;

e) Quản lý tốt các hoạt động của Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS, gắn kết các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vào hệ thống y tế địa phương, lồng ghép các dịch vụ và củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo hướng giảm chi phí - tăng hiệu quả;

g) Có Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch tại các đơn vị, địa phương.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh những nội dung có liên quan đến nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số cho các chương trình, dự án phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

3. Sở Tài chính

Hướng dẫn Sở Y tế, các sở, ban, ngành việc phân bổ, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính và thực hiện đúng các quy định hiện hành.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Nghiên cứu đề xuất triển khai các hoạt động hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, bệnh nhân điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone, người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, qua đó, tạo điều kiện cho các đối tượng tăng thu nhập và tự chi trả một phần chi phí khi tham gia dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

b) Hướng dẫn các địa phương, đơn vị tạo điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS và người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tiếp cận chính sách xã hội hiện hành dành cho người dễ bị tổn thương.

c) Phối hợp với các Sở: Y tế, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh từng bước xã hội hóa chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây truyền HIV, trong đó chú trọng triển khai chương trình BCS tại các dịch vụ lưu trú và vui chơi giải trí theo Thông tư liên tịch số 29/2013/TTLT-BYT-BVHTTDL-BCA-BLĐTBXH ngày 30/9/2013 về việc thực hiện biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng BCS tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.

5. Bảo hiểm xã hội tỉnh

Phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành liên quan cấp phát thẻ BHYT, chi trả các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV/AIDS thông qua hệ thống BHYT theo quy định.

6. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai

Phối hợp với Sở Y tế vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ cho Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh.

7. Các sở, ban, ngành

a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS là một hoạt động thường xuyên, bố trí kinh phí cho hoạt động này - chủ động huy động nguồn kinh phí hợp pháp để bổ sung kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại đơn vị.

b) Quản lý, sử dụng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS đúng mục đích, hiệu quả, đúng quy định.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể tỉnh

a) Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tăng cường huy động nguồn lực và sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; đặc biệt vận động các tổ chức tôn giáo tham gia hỗ trợ thực hiện chăm sóc người nhiễm HIV tại cộng đồng, nhất là trẻ nhiễm HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS;

b) Quản lý, sử dụng kinh phí phòng, chống HIV/AIDS đúng mục đích, hiệu quả và đúng quy định hiện hành.

9. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa

a) Triển khai thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện Kế hoạch;

b) Bên cạnh nguồn ngân sách được cấp thông qua Sở Y tế, chủ động bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như huy động sự đóng góp của xã hội, các tổ chức nhân đạo, doanh nghiệp tại địa phương tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016 - 2020, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa nghiêm túc thực hiện, báo cáo việc triển khai thực hiện gửi Sở Y tế tổng hợp. Sở Y tế có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch và báo cáo kết quả về UBND tỉnh, Bộ Y tế theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh; UBMTTQVN tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBT (VX);
- Các sở, ban, ngành;
- Các tổ chức đoàn thể tỉnh;
- Chánh, Phó VP. UBT (VX, KT);
- UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, VX, KT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hòa Hiệp

 

PHỤ LỤC I

ƯỚC TÍNH NHU CẦU KINH PHÍ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 5330/KH-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Đồng Nai)

(Đơn vị tính: Triệu đồng)

Nội dung phân tích

Năm

Giai đoạn 2016-2020

2015

2016

2017

2018

2019

2020

Tổng nhu cầu

7.380

8.118

8.930

9.822

10.805

11.886

49.561

Dự phòng lây nhiễm HIV

811

892

982

1.079

1.187

1.306

5.446

Chăm sóc và điều trị

3.616

3.978

4.375

4.813

5.294

5.824

24.284

Theo dõi, giám sát, đánh giá

2.953

3.248

3.573

3.930

4.324

4.756

19.831

Ghi chú: Kinh phí năm sau cao hơn năm trước 10%.

 

PHỤ LỤC II

ƯỚC TÍNH KHẢ NĂNG HUY ĐỘNG VÀ SỰ THIẾU HỤT KINH PHÍ CHO CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Kèm theo Kế hoạch số 5330/KH-UBND ngày 24 tháng 6 năm 2016 của UBND tỉnh Đồng Nai)

(ĐVT: Triệu đồng)

TT

Nội dung phân tích

Năm

Giai đoạn 2016-2020

2015

2016

2017

2018

2019

2020

I

KINH PHÍ CẦN HUY ĐỘNG TỪ CÁC NGUỒN

7.380

8.118

8.930

9.822

10.805

11.886

49.561

1

Nguồn ngân sách Trung ương

1.656

1.822

2.004

2.204

2.425

2.667

11.122

2

Nguồn ngân sách địa phương

642

706

777

856

940

1.034

4.313

3

Viện trợ quốc tế

5.082

5.590

6.149

6.762

7.440

8.185

34.126

II

KHẢ NĂNG HUY ĐỘNG ĐƯỢC

2.902

2.596

2.709

2.863

3.053

3.282

14.503

1

Nguồn ngân sách Trung ương

616

492

394

315

252

201

1.654

2

Nguồn ngân sách địa phương

642

706

777

856

940

1.034

4.313

3

Nguồn Viện trợ quốc tế

1.644

1.398

1.538

1.692

1.861

2.047

8.536

III

THIẾU HỤT (III=I-II)

 

5.522

6.221

6.959

7.752

8.604

35.058

1

Nguồn ngân sách Trung ương

 

1.330

1.610

1.889

2.173

2.466

9.468

2

Nguồn ngân sách địa phương

 

0

0

0

0

0

0

3

Viện trợ quốc tế

 

4.192

4.611

5.070

5.579

6.138

25.590

Ghi chú: Chưa tính khả năng huy động từ các doanh nghiệp, bảo hiểm y tế và người dân tự chi trả.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 5330/KH-UBND năm 2016 thực hiện Đề án Bảo đảm tài chính cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 5330/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/06/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Hòa Hiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản