Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/KH-UBND

Sơn La, ngày 20 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

GIẢI TỎA HÀNH LANG AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA NĂM 2020

Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 3370/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2014 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt Kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ tỉnh Sơn La giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Quyết định số 25/2016/QĐ-UBND ngày 05 tháng 10 năm 2016 của UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành Quy định sử dụng phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương tỉnh Sơn La;

Căn cứ Quyết định số 3224/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2017 của UBND tỉnh Sơn La về việc ban hành quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La;

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ. UBND tỉnh Sơn La xây dựng Kế hoạch giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn tỉnh năm 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích: Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các địa phương, các cơ quan ban ngành chuyên môn trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong việc sử dụng và bảo vệ hành lang an toàn đường bộ; lập lại kỷ cương pháp luật trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đảm bảo đường thông hè thoáng, đường phố xanh sạch đẹp, đảm bảo tầm nhìn cho các phương tiện tham gia giao thông để từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông, góp phần tích cực xây dựng và hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng.

2. Yêu cầu

- Triển khai đồng bộ, quyết liệt từ cấp cơ sở, có sự chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh, các ngành thành viên của Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thành phố; Ban ATGT các xã, phường, thị trấn và thủ trưởng các đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh.

- Có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các đơn vị được giao nhiệm vụ, quản lý tốt phần đất dành cho hành lang an toàn đường bộ đã được giải tỏa tránh tình trạng tái vi phạm, tái lấn chiếm.

- Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện có hiệu quả kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn đường bộ năm 2020 của UBND tỉnh

II. NỘI DUNG, TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Nội dung

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trọng tâm tuyên truyền các quy định về bảo vệ hành lang an toàn đường bộ.

- Vận động các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn đường bộ tự giác tháo dỡ, di dời công trình, vật kiến trúc khác ra khỏi phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

- Thực hiện cưỡng chế giải tỏa các công trình xây dựng trái phép: Biển quảng cáo, panô áp phích, mái che, lều quán, quầy bán hàng hóa trong hành lang an toàn đường bộ...

- Quản lý và bảo vệ tốt phần hành lang an toàn đường bộ đã thực hiện giải toả, bảo vệ mốc lộ giới đã được giao cho chính quyền địa phương quản lý.

2. Tiến độ thực hiện

- UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch giải tỏa hành lang an toàn đường bộ chi tiết, chủ trì phối hợp cùng đơn vị quản lý đường bộ trên địa bàn và Thanh tra giao thông thống nhất các nội dung triển khai thực hiện kế hoạch, rõ trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện.

- Trong tháng 3, 4 và 5/2020 thực hiện công tác tuyên truyền, ký cam kết, vận động, quy định thời gian cho các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ, di rời công trình vi phạm hành lang an toàn đường bộ.

- Từ ngày 01/6/2020 đến ngày 31/9/2020 các tổ chức, cá nhân vi phạm tự giác thực hiện việc tháo dỡ, di dời công trình vi phạm ra khỏi phạm hành lang an toàn đường bộ.

- Từ ngày 01/10/2020 đến ngày 31/10/2020 kiên quyết cưỡng chế giải tỏa các trường hợp không tự giác thực hiện việc tháo dỡ, di dời các công trình ra khỏi phạm vi hành lang an toàn đường bộ.

- Từ 01/11/2020 đến ngày 16/11/2020 các địa phương tổng kết rút kinh nghiệm, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh (qua Sở giao thông vận tải Sơn La) để tổng hợp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan quản lý đường bộ (Sở Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ I): Tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung theo quy định tại Điều 6 của quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La (ban hành kèm theo Quyết định số 3224/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND tỉnh Sơn La); hướng dẫn UBND cấp huyện, thành phố cấp phép thi công các công trình thiết yếu, nút giao đấu nối và xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.

2. UBND các huyện, thành phố

- Triển khai thực hiện tốt nội dung theo quy định tại Điều 7 của quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La (ban hành kèm theo Quyết định số 3224/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND tỉnh Sơn La); thực hiện tốt việc tổ chức tuyên truyền từ cơ sở, phát huy hiệu quả hệ thống thông tin truyền thanh từ các thôn bản, xã, phường.

- Chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng, tăng cường công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ: Không cấp phép xây dựng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật; xử lý triệt để các tổ chức, cá nhân san lấp mặt bằng lấn chiếm, xâm hại phạm vi dòng chảy thượng-hạ lưu của công trình thoát nước và tổ chức giải tỏa, hoàn trả lại dòng chảy tự nhiên theo hiện trạng ban đầu để đảm bảo thoát nước.

- Tiếp tục xây dựng, duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình cộng tác viên bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại địa phương là công an viên tại các tổ, bản dọc tuyến đường Quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã để phối hợp tuyên truyền và xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ ngay từ giai đoạn đầu.

- Chủ trì xử lý các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ, các hành vi lấn chiếm, tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất thuộc hành lang an toàn đường bộ. Đối với các trường hợp vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ngoài việc xử lý theo quy định của pháp luật, tiếp tục xử lý trách nhiệm theo các điều khoản được quy định tại Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh.

- Chủ trì thành lập tổ công tác liên ngành, phối hợp với lực lượng chức năng, các đơn vị quản lý đường bộ để tổ chức cưỡng chế, giải tỏa các trường hợp vi phạm không chấp hành tự tháo dỡ, di rời các công trình vi phạm; cương quyết giải tỏa ngăn chặn triệt để tình trạng tái lấn chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn giao thông đường bộ. Sau khi đã giải tỏa hành lang đường bộ, tổ chức phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ cắm mốc chỉ giới hành lang an toàn đường bộ, giao cho UBND xã, phường, thị trấn quản lý, bảo vệ phần hành lang đường bộ đã được giải toả, bảo vệ mốc lộ giới.

3. UBND các xã, phường, thị trấn

- Triển khai thực hiện tốt nội dung theo quy định tại Điều 8 của quy chế phối hợp xử lý vi phạm trong quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La (ban hành kèm theo Quyết định số 3224/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND tỉnh Sơn La);

- Chỉ đạo lực lượng công an viên tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ đến từng hộ gia đình trong tổ, bản, tiểu khu.

- Xử lý kịp thời theo thẩm quyền các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ trên các tuyến Quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã thuộc địa bàn quản lý ngay từ giai đoạn đầu.

- Tiếp nhận bàn giao quản lý, bảo vệ mốc lộ giới tại địa phương.

Trên đây là Kế hoạch giải tỏa hành lang đường bộ trên các tuyến đường thuộc địa bàn tỉnh Sơn La năm 2020. Căn cứ Kế hoạch này yêu cầu các cấp, các ngành, các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban ATGT Quốc gia; báo cáo
- Bộ Giao thông vận tải; báo cáo
- Thường trực Tỉnh ủy; báo cáo
- Thường trực HĐND tỉnh; báo cáo
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam (p/h);
- Cục Quản lý đường bộ I;
- Các Sở, ban, ngành của tỉnh;
- UBND huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KT(Đạt). 30 bản

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Hồng Minh