Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/KH-UBND

Đồng Nai, ngày 06 tháng 02 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN DỰ ÁN TRUY XUẤT NGUỒN GỐC THỰC PHẨM THIẾT YẾU CÓ NGUỒN GỐC ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2019 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025, NĂM 2024

Căn cứ Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc;

Căn cứ Công văn số 4320/VPCP-KGVX ngày 12 tháng 7 năm 2022 của Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc tại Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 4238/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Kế hoạch thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, năm 2024 với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Tiếp tục triển khai có hiệu quả dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.

b) Nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa của hoạt động truy xuất nguồn gốc (TXNG) trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, hỗ trợ việc áp dụng hệ thống TXNG; từ đó giúp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thêm công cụ trong việc kiểm soát chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa trong quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

c) Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chủ động ứng dụng các hệ thống TXNG trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thông qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

d) Công khai, minh bạch các thông tin TXNG của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường thông qua hoạt động kết nối thông tin truy xuất nguồn gốc từ các hệ thống TXNG của các ngành, lĩnh vực; đồng thời từng bước kết nối Cổng thông tin TXNG sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền cho các đối tượng tham gia, nhằm giúp các đối tượng thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, quy định của dự án; tiếp nhận đăng ký tham gia dự án của các đối tượng.

b) Vận hành hệ thống quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ trang trại đến người tiêu dùng (quản lý heo được vận chuyển từ cơ sở chăn nuôi, đến cơ sở giết mổ, vận chuyển, kinh doanh tại các chợ, siêu thị, cửa hàng, bếp ăn và tới tay người tiêu dùng).

c) Thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án; tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

a) Thiết lập mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin.

b) Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh và tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

c) Đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng; đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch để tiêu thụ hàng ngày.

d) Góp phần xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp, người chăn nuôi, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.

2. Mục tiêu cụ thể

Dự kiến truy xuất khoảng 1.200 con heo/01 ngày/đêm, áp dụng tại các đầu mối sau đây và dựa trên thực tế cụ thể:

- Tiếp tục thực hiện tại các cơ sở đã triển khai trong những năm trước.

- Đối với chợ bán lẻ: Dự kiến số chợ truyền thống được kiểm soát là 16 chợ (tăng thêm 04 chợ so với năm 2023), mỗi chợ chọn ra 03 sạp tiêu biểu đăng ký tham gia và cam kết bán 100% thịt heo có TXNG.

- Cơ sở giết mổ: Dự kiến số cơ sở giết mổ thực hiện là 20 cơ sở (tăng thêm 08 cơ sở so với năm 2023).

- Siêu thị: Dự kiến số siêu thị tham gia, thực hiện là 06 siêu thị (tăng thêm 04 siêu thị so với năm 2023).

- Cửa hàng tiện lợi: Dự kiến số cửa hàng tiện lợi tham gia, thực hiện là 10 cửa hàng (tăng thêm 08 cửa hàng so với năm 2023).

- Bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp: Dự kiến số bếp tham gia, thực hiện là 10 bếp.

- Bếp ăn trường học: Dự kiến số bếp tham gia, thực hiện là 10 bếp (tăng thêm 08 bếp so với năm 2023).

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công nghệ

a) Cần thiết phải áp dụng TXNG hiện đại cho tỉnh Đồng Nai, sử dụng các công nghệ 4.0 phục vụ quản lý nhà nước trong hoạt động vận chuyển, giết mổ, phân phối kinh doanh thực phẩm với sự tham gia của toàn bộ chuỗi cung ứng và người tiêu dùng, đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của các quy định pháp luật về chăn nuôi, giết mổ, phân phối, an toàn thực phẩm, TXNG và hướng đến phục vụ xuất khẩu toàn cầu.

b) Hệ thống truy xuất phải phục vụ thông tin cho chuỗi cung ứng để tăng cường giám sát nội bộ; có khả năng liên kết, kết nối với hệ thống quản lý đàn chăn nuôi.

c) Hệ thống thu nhập dữ liệu phải cố gắng tự động hóa ở mức cao nhất, tránh việc gây ra khó khăn phiền phức cho chuỗi cung ứng dẫn đến khả năng giả mạo, làm đối phó. Dữ liệu có khả năng chia sẻ, kết nối với cổng thông tin truy xuất hàng hóa quốc gia.

2. Tuyên truyền

a) Tuyên truyền sâu rộng đến người dân để có ý thức tiêu thụ các sản phẩm an toàn thực phẩm, có TXNG qua các kênh truyền thông như báo chí, đài truyền hình.

b) Treo bảng hiệu tại các cơ sở có tham gia dự án như cổng chợ, cổng siêu thị, khu bán thịt heo để người dân biết chỗ mua thực phẩm an toàn.

3. Tổ chức theo chuỗi

a) Việc tổ chức thực hiện TXNG theo chuỗi được tiến hành từ các kênh bán lẻ như chợ, siêu thị để đi ngược lại tìm các cơ sở giết mổ (CSGM) cung cấp thịt heo cho các đơn vị này. Sau đó tiếp tục làm việc với thương lái cung cấp heo sống cho các CSGM để họ tiếp tục thực hiện việc nhập heo phải có thông tin TXNG từ người chăn nuôi.

b) Tại các bếp ăn tập thể, căn tin, một mặt mở rộng việc TXNG tại các CSGM cung cấp thịt heo cho các đơn vị này, mặt khác giới thiệu các CSGM tham gia vào chương trình TXNG của tỉnh để các bếp ăn tập thể và căng tin có sự lựa chọn mua hàng.

c) Tổ chức kiểm tra thực tế việc thực hiện dự án tại các chợ, cơ sở giết mổ, cơ sở chăn nuôi, căn tin Bệnh viện, căn tin trường học, bếp ăn tập thể trên địa bàn tỉnh.

4. Thông tin thị trường

Trong quá trình vận hành hệ thống TXNG, các thông tin cơ bản về TXNG là bắt buộc phải có. Bên cạnh đó, sẽ từ từ động viên khuyến khích các đối tượng tham gia đưa thêm các thông tin khác về giá heo hơi, giá heo giống, giá cám. Các thông tin số được bộ phận chuyên môn của cơ quan chức năng tổng hợp để báo cáo phục vụ công tác chuyên môn và cung cấp ngược lại cho chuỗi cung ứng.

5. Đào tạo nguồn nhân lực

a) Đào tạo các cán bộ thực hiện tham gia chương trình theo các khóa hướng dẫn của đơn vị thực hiện dự án. Các khóa này nhằm mục đích hướng dẫn cán bộ và thương lái, CSGM, tiểu thương chợ bán lẻ, chuỗi siêu thị cách thức thao tác vận hành hệ thống.

b) Đào tạo cán bộ xử lý các thông tin, phân tích báo cáo do hệ thống sinh ra, các cán bộ chuyên trách sẽ cùng chuyên gia của nhà cung cấp dịch vụ học cách sử dụng hệ thống, lấy và tạo các báo cáo tổng hợp, phân tích để phục vụ công tác chuyên môn.

c) Tổ chức các lớp học chuyên sâu về vấn đề TXNG áp dụng các công nghệ 4.0 như Blockchain, AI, Bigdata; giới thiệu, phổ biến các công nghệ, phương pháp mới nhất trên thế giới và cách thức áp dụng tại Việt Nam để nâng cao hiểu biết và cải tiến phương pháp thực hiện tại tỉnh Đồng Nai. 

6. Cơ chế chính sách

a) Ưu tiên các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, kiểm soát hoạt động giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành cho các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cá nhân, tổ chức thực hiện nội dung dự án. 

b) Người chăn nuôi khi tham gia dự án sẽ được ưu tiên khi thực hiện hỗ trợ phòng chống dịch bệnh.

7. Huy động nguồn lực

a) Kinh phí thực hiện dự án được bảo đảm từ các nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn tài trợ quốc tế và trong nước, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

b) Về nguồn vốn ban đầu thực hiện dự án sẽ do Ngân sách của tỉnh hỗ trợ một phần chi phí để mua sắm thiết bị, vật tư tiêu hao, tổ chức đào tạo tuyên truyền, sau đó chuỗi cung ứng sẽ tự chi trả toàn bộ chi phí vận hành thông qua chi phí vật tư tiêu hao và chi phí TXNG.

c) Đây là giải pháp kết hợp công tư, Nhà nước hỗ trợ kinh phí ban đầu, sau đó chuỗi cung ứng tự tham gia và người tiêu dùng trả thêm phí dịch vụ với giá có kiểm soát. Lợi ích nhà nước được là có công cụ kiểm soát an toàn thực phẩm, điều tiết vĩ mô, chuỗi cung ứng được nhận thông tin để tự kiểm soát chéo và người tiêu dùng được dùng sản phẩm có kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Sử dụng nguồn kinh phí được giao theo Quyết định số 4238/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 của UBND tỉnh Đồng Nai.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ngành, địa phương

Tiếp tục tổ chức thực hiện các nội dung của dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 đã được phê duyệt.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì và chịu trách nhiệm việc truy xuất tại cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ; phối hợp các Sở: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thành phố để truy xuất tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, căn tin trường học, bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp và các chợ truyền thống.

3. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Dự án tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi (theo dõi và đôn đốc việc đeo vòng, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật).

4. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm việc truy xuất tại các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm việc truy xuất tại các bếp ăn trường học.

6. UBND các huyện, thành phố

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành và đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm việc truy xuất tại các chợ truyền thống.

Đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa tổ chức, triển khai thực hiện. Định kỳ trước ngày 15/6 và 15/12 năm 2024 báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (đồng gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất) để kịp thời chỉ đạo, xử lý trong quá trình thực hiện Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- Cục Thống kê tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh, các PCVP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTNS, KTN.
(Khoa/Khtruyxuatngoc/05.02-18)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Phi

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 50/KH-UBND thực hiện dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, năm 2024

  • Số hiệu: 50/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 06/02/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Võ Văn Phi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 06/02/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản