Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/KH-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 30 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, CỘNG ĐỒNG VÀ ĐƠN VỊ GIAI ĐOẠN 2023 - 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”; Quyết định số 387/QĐ-TTg, ngày 25/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021 - 2030”; Quyết định số 242/QĐ-KHVN ngay 28/7/2022 của Trung ương Hội khuyến học Việt Nam về ban hành Bộ tiêu chí và Hướng dẫn đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân thông qua việc triển khai hiệu quả, nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2023 - 2030.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- 100% cán bộ và hội viên của Hội Khuyến học các cấp được học tập quán triệt các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời giai đoạn 2021 - 2025.

- 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 65% cộng đồng (ấp, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 80% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.

- 40% người lao động trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”,“Cộng đồng học tập”, 60% cán bộ, công chức, nhân viên trong “Đơn vị học tập” trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu “Công dân học tập”.

- Phấn đấu 100% lãnh đạo Hội khuyến học cấp xã tham gia quản lý Trung tâm Học tập cộng đồng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng; 40% cán bộ làm công tác khuyến học cấp xã tham gia tổ chức các hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, được bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- 100% cán bộ, hội viên Hội khuyến học các cấp được học tập, quán triệt các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nhất là những vấn đề về xã hội học tập bền vững và những xu thế phát triển các mô hình học tập giai đoạn 2026 - 2030 ở trong nước và thế giới.

- 80% gia đình được công nhận đạt danh hiệu “Gia đình học tập”, 75% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 75% cộng đồng (ấp, tổ dân phố và tương đương) được công nhận đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”, 90% các tổ chức, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cấp xã được công nhận đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”.

- 60% người lao động trong “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, 80% cán bộ, công chức, viên chức trong “Đơn vị học tập” trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu “Công dân học tập”.

- 70% cán bộ làm công tác khuyến học cấp xã tham gia tổ chức các hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, được bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, phổ biến về xây dựng và phát triển các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập trong cộng đồng

- Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức quán triệt nội dung Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị” đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Phát động phong trào thi đua, tổ chức cuộc vận động xây dựng, nhân rộng các mô hình học tập để thúc đẩy học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị, gắn kết với phong trào xây dựng cộng đồng học tập cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý của các cấp chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị

- Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với việc học tập suốt đời, xây dựng và phát triển các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập trong cộng đồng.

- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp. Tiếp tục củng cố, xây dựng Hội Khuyến học các cấp vững mạnh, làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia hoạt động thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2023 - 2030”.

- Hội Khuyến học các cấp tăng cường công tác phối hợp với ngành Giáo dục, ngành Văn hóa, ngành Thông tin để phát triển nguồn lực thông tin, duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Học tập cộng đồng, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng, các thiết chế văn hóa cơ sở, góp phần đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2023 - 2030.

3. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời, xây dựng các mô hình học tập

- Triển khai thực hiện trên nền tảng công nghệ số việc thu thập minh chứng, cho điểm, đánh giá, tổng hợp, báo cáo... việc thực hiện các Bộ tiêu chí xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” theo các mục tiêu của Kế hoạch.

- Xây dựng, sử dụng các trang thông tin điện tử... giúp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn nâng cao hiểu biết cho cán bộ hội, hội viên khuyến học và người dân về các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng các mô hình học tập.

4. Đẩy mạnh triển khai nhân rộng, sơ kết, tổng kết các mô hình học tập

- Tổ chức quán triệt các chủ trương của Đảng, các đề án, chương trình của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và nhân rộng các mô hình học tập giai đoạn 2023 - 2030.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2023 - 2030” theo quy định.

- Tham dự Hội nghị sơ kết 5 năm và Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025 vào quý II năm 2026, Hội nghị tổng kết 10 năm và Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 vào quý IV năm 2030.

- Tổ chức đánh giá, công nhận các Danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” theo các giai đoạn 2023 - 2025 và 2026-2030.

- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát đánh giá, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Chương trình, công tác thi đua, khen thưởng.

5. Huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường sự đóng góp của cộng đồng trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, nhân rộng các mô hình học tập, góp phần xây dựng xã hội học tập.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công được cấp cho Hội theo quy định.

2. Căn cứ nhiệm vụ được giao, hàng năm Hội khuyến học các cấp lập dự toán kinh phí và tổng hợp chung vào dự toán chi ngân sách nhà nước cho hoạt động của Hội, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí theo quy định.

3. Đối với các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể và cơ quan cấp tỉnh có liên quan: Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, hàng năm lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí theo quy định.

4. Các địa phương có trách nhiệm cân đối ngân sách, bố trí kinh phí hàng năm thực hiện các công việc liên quan đến triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” theo các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hội Khuyến học tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội để triển khai thực hiện Kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch hàng năm; chỉ đạo, hướng dẫn Hội Khuyến học các cấp triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, triển khai tập huấn về Bộ tiêu chí và Hướng dẫn đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.

- Kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động và hiệu quả triển khai Kế hoạch tại các huyện, thị xã, thành phố; định kỳ báo cáo UBND tỉnh; tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh đánh giá tác động và hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.

- Phối hợp với Hội khuyến học tỉnh tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá công nhận, sơ kết, tổng kết việc triển khai các mô hình học tập suốt đời trong Gia đình, Dòng họ, Cộng đồng, Đơn vị trên địa bàn.

3. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí địa phương và hệ thống thông tin cơ sở thông tin, tuyên truyền về về xã hội học tập, học tập suốt đời, về giáo dục người lớn và về các mô hình học tập trong Kế hoạch; đánh giá việc phát triển văn hóa đọc trong gia đình, cộng đồng và việc xây dựng xã hội học tập gắn với Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

4. Sở Văn hóa và Thể thao

Triển khai lồng ghép việc thực hiện mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, gắn kết với việc xây dựng các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “khu phố văn hóa” và gắn với công tác xây dựng và thực hiện quy ước trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Tài chính

Trên cơ sở Kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và trên cơ sở dự toán kinh phí do Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học và các đơn vị có liên quan xây dựng, Sở Tài chính phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách và phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách

6. Các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, các lực lượng vũ trang tỉnh

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cung ứng các chương trình học tập suốt đời; tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang và người lao động trong đơn vị được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tích cực tham gia xây dựng các mô hình học tập.

- Tổ chức lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch với quá trình triển khai thực hiện các chương trình, đề án khác liên quan (xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, gia đình, tổ dân phố, ấp, xã văn hóa...).

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Bố trí ngân sách để thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tại địa phương, chỉ đạo các cơ quan liên quan ở địa phương phối hợp với Hội khuyến học cùng cấp triển khai có hiệu quả Kế hoạch trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông của địa phương tổ chức tuyên truyền về xã hội học tập, học tập suốt đời, về giáo dục người lớn và về các mô hình học tập trong Kế hoạch.

- Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc triển khai các mô hình học tập.

8. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội có liên quan

- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua về công tác khuyến học, khuyến tài; lồng ghép các tiêu chí xây dựng các mô hình học tập vào tiêu chí công nhận “Nông thôn mới”, “đô thị văn minh”, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác.

- Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và các tổ chức xã hội có liên quan phối hợp với Hội khuyến học tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập cũng như các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”.

Căn cứ nội dung trên, các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị chủ động báo cáo, đề xuất về Hội Khuyến học tỉnh để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện./.

(Đính kèm Bộ tiêu chí và Hướng dẫn đánh giá, công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” giai đoạn 2023-2030).

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Hội Khuyến học Việt Nam (b/c)
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- Ban VH-XH-HĐND tỉnh;
- Sở Giáo dục và đào tạo;
- Công an tỉnh;
- BCHQS, BCH BĐBP tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Lưu: VT, VX6.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Minh Thông

 

BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN CÁC DANH HIỆU “GIA ĐÌNH HỌC TẬP”, “DÒNG HỌ HỌC TẬP”, “CỘNG ĐỒNG HỌC TẬP”, “ĐƠN VỊ HỌC TẬP” GIAI ĐOẠN 2023-2030

(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 49/KH-UBND, ngày 30/3/2023 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

I. Bộ TIÊU CHÍ

1.1. Mô hình “Gia đình học tập”

Tiêu chí

Chỉ số đánh giá

Điểm

I. Kết quả học tập của gia đình

(60 điểm)

1. Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, hoàn thành phổ cập giáo dục theo quy định.

10

2. Kết quả học tập của học sinh, sinh viên phải đạt yêu cầu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; biết sử dụng công nghệ thông tin trong học tập.

10

3. Hạnh kiểm của học sinh, sinh viên phải đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trẻ em phải lễ phép với mọi người trong gia đình, khu dân cư và ngoài xã hội; Đoàn viên thanh niên phải hoàn thành tốt nhiệm vụ và chỉ tiêu phấn đấu theo quy định của tổ chức Đoàn TNCSHCM; tích cực tham gia các hoạt động chung ở địa phương nơi cư trú.

10

4. 100% người trong độ tuổi từ 16-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 trở lên theo quy định (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từ 90% trở lên). Người cao tuổi còn sức khỏe tham gia học tập ít nhất 01 nội dung bổ ích, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

15

5. Người trong gia đình là cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành nhiệm vụ học tập theo quy định của Nhà nước hoặc theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị 40% người lớn trong gia đình đạt danh hiệu công dân học tập.

15

II. Điều kiện học tập của gia đình

(20 điểm)

6. Gia đình tạo điều kiện, giúp đỡ và có hình thức khen thưởng, động viên các thành viên trong gia đình tích cực tự học, học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

10

7. Gia đình có góc học tập cho trẻ em, có sách báo, ti vi, máy tính, mạng internet hoặc điện thoại thông minh để mọi người có điều kiện tự học và học tập thường xuyên.

10

III. Tác dụng của học tập đối với gia đình (20 điểm)

8. Gia đình tích cực lao động, phát triển kinh tế, mọi người trong độ tuổi lao động có nghề hoặc việc làm ổn định. Đời sống kinh tế của gia đình ngày càng dược nâng cao.

10

9. Gia đình sống hòa thuận, gắn bó, chia sẻ với các gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố. Tích cực tham gia công tác khuyến học, các cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào khác ở địa phương; thực hiện tốt quy định của pháp luật.

10

1.2. Mô hình “Dòng họ học tập”

Tiêu chí

Chỉ số đánh giá

Điểm

I. Kết quả học tập của dòng họ

(55 điểm)

1. 80% số gia đình trong dòng họ đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (60% đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn).

20

2. 100% người trong độ tuổi từ 16-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 trở lên theo quy định (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từ 90% trở lên).

15

3. 40% người lớn trong dòng họ đạt danh hiệu “Công dân học tập”.

20

II. Điều kiện học tập của dòng họ

(25 điểm)

4. Dòng họ có nhiều hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với những thành viên có tinh thần tự học và tham gia học tập thường xuyên, giúp đỡ các gia đình khó khăn, bảo đảm con em trong dòng họ đều dược đi học và đạt yêu cầu của Bộ GDĐT.

15

5. Quỹ Khuyến học của dòng họ đạt mức bình quân đầu người cao hơn mức bình quân đầu người toàn tỉnh.

10

III. Tác dụng của học tập đối với dòng họ

(20 điểm)

6. Trong dòng họ không có hộ nghèo. Các gia đình trong dòng họ đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Mọi người trong độ tuổi lao động đều có nghề hoặc việc làm ổn định.

10

7. Dòng họ tích cực tham gia các phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; tham gia học tập, sinh hoạt tại trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, thư viện... và các phong trào khác liên quan của địa phương.

10

1.3. Mô hình “Cộng đồng học tập”

Tiêu chí

Chỉ số đánh giá

Điểm

I. Kết quả học tập của cộng đồng (50 điểm)

1. 80% số gia đình trong thôn, ấp, tổ dân phố đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình học tập” (60% đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn); trong đó 70% trở lên số gia đình đăng ký đạt danh hiệu “Gia đình học tập”.

20

2. 40% người trong độ tuổi lao động đạt danh hiệu công dân học tập.

20

3. 100% người trong độ tuổi từ 16-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 trở lên theo quy định (đối với vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn từ 90% trở lên).

10

II. Điều kiện học tập của cộng đồng

(30 điểm)

4. Chi bộ đảng và thôn, ấp, tổ dân phố có kế hoạch và chỉ tiêu phấn đấu xây dựng các mô hình: gia đình học tập, cộng đồng học tập, công dân học tập.

10

5. Chi hội Khuyến học của thôn, ấp, tổ dân phố tổ chức động viên, khen thưởng kịp thời với những người tích cực học tập thường xuyên. Quỹ khuyến học của thôn, ấp, tổ dân phố đạt mức bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân đầu người toàn tỉnh.

10

 

6. Trong thôn, ấp, tổ dân phố có ít nhất 02 trong các phương tiện học tập cộng đồng (tủ sách, thư viện, phòng sinh hoạt chung, phương tiện truyền thanh, truyền hình, máy tính...).

10

III. Tác dụng của học tập đối với cộng đồng

(20 điểm)

7. Trong thôn, ấp, tổ dân phố, mọi người trong tuổi lao động ai cũng có việc làm. Không có hộ nghèo.

10

8. Nhân dân trong thôn, ấp, tổ dân phố tích cực tham gia học tập tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Học tập cộng đồng, nhà văn hóa, thư viện,...; triển khai tham gia các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “xây dựng nông thôn mới”, “xây dựng khu đô thị văn minh” và các phong trào khác của địa phương.

10

1.4. Mô hình “Đơn vị học tập”

Tiêu chí

Chỉ số đánh giá

Điểm

I. Kết quả học tập của đơn vị

(50 điểm)

1. 90% cán bộ, công chức, viên chức học tập ít nhất 01 nội dung, dưới nhiều hình thức, phương thức khác nhau.

10

2. 90% cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định; 90% lao động trong các doanh nghiệp có trình độ trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên và được đào tạo nghề.

10

3. 90% cán bộ, công chức, viên chức tham gia các chương trình học tập nâng cao trình độ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và 40% trở lên có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm.

10

4. 60% cán bộ, công chức, viên chức đạt danh hiệu “Công dân học tập”.

20

II. Điều kiện học tập của đơn vị

(30 điểm)

5. Cấp ủy và lãnh đạo đơn vị có kế hoạch, có chỉ tiêu thi đua hàng năm đối với việc học tập trong đơn vị, tạo môi trường thuận lợi để các thành viên phấn đấu trở thành công dân học tập; bố trí kinh phí hàng năm cho công tác đào tạo.

Các tổ chức đoàn thể trong đơn vị có giải pháp và trách nhiệm động viên, thúc đẩy thành viên của mình học tập thường xuyên đạt kết quả tốt.

10

6. Đơn vị có các phương tiện phục vụ cho việc học tập thường xuyên của các thành viên, nhất là các trang thiết bị kỹ thuật số để học tập và truy cập thông tin chính thống trên mạng internet.

10

7. Tổ chức khuyến học của đơn vị hoạt động có nề nếp, hiệu quả. Quỹ khuyến học của đơn vị đạt mức bình quân đầu người cao hơn mức bình quân đầu người toàn tỉnh.

10

III. Tác dụng của học tập đối với đơn vị (20 điểm)

8. Hằng năm, đơn vị đạt danh hiệu thi đua từ “Tập thể lao động tiên tiến” trở lên. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, nghĩa vụ với Nhà nước; không vi phạm pháp luật. Các thành viên trong đơn vị tích cực tham gia các cuộc vận động trong cộng đồng.

10

9. Gia đình của các thành viên thuộc đơn vị đều đăng ký phấn đấu xây dựng “gia đình học tập”, trong đó 80% gia đình cán bộ, công chức, viên chức đạt danh hiệu “Gia đình học tập”.

10

II. HƯỚNG DẪN VIỆC TRIỂN KHAI ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN CÁC DANH HIỆU HỌC TẬP

1. Các mô hình học tập đều được đánh giá trên cả 3 tiêu chí cơ bản: Kết quả học tập, Điều kiện học tập, Tác dụng của học tập;

2. Với các chỉ số đo, nếu không đạt đầy đủ thì không cho điểm tối đa. Tùy vào mức độ đạt được cụ thể để xác định mức điểm tương xứng. Riêng với chỉ số 5 thuộc tiêu chí I của mô hình “Gia đình học tập”; chỉ số 3 thuộc tiêu chí I của mô hình “Dòng họ học tập”, chỉ số 2 thuộc tiêu chí I của mô hình “Cộng đồng học tập” và chỉ số 4 thuộc tiêu chí I của mô hình “Đơn vị học tập” mà không đạt đầy đủ thì cho điểm 0.

3. Để không bị xáo trộn cách đánh giá, bình chọn các mô hình học tập, các khâu thẩm định báo cáo, xác lập minh chứng, tổng hợp thành tích, hoàn thiện báo cáo vẫn tiến hành theo cơ chế và sự phân công như đã thực hiện trong giai đoạn 2014-2020.

4. Hội Khuyến học cơ sở tập hợp hồ sơ đã được bình chọn trình UBND cấp xã ra quyết định công nhận các mô hình học tập.

5. Báo cáo tổng hợp về kết quả xây dựng các mô hình học tập ở cấp xã cần bảo đảm đủ các số liệu trong bảng thống kê dưới đây:

Gia đình học tập

Số gia đình trên địa bàn cấp xã

Số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”

Tỷ lệ %

GĐHT/Gia đình trong xã

Dòng họ học tập

Số dòng họ trên địa bàn cấp xã

Số dòng họ đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”

Tỷ lệ %

DHHT/Dòng họ trong xã

Cộng đồng học tập

Số thôn, ấp, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã

Số thôn, ấp, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”

Tỷ lệ %

CĐHT/Cộng đồng trong xã

Đơn vị học tập

Số cơ quan, trường học, tổ sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn cấp xã

Số cơ quan, trường học, tổ sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn cấp xã đạt danh hiệu “Đơn vị học tập”

Tỷ lệ %

ĐVHT/Đơn vị trong xã

Công dân học tập

Tổng số người lớn trên địa bàn xã (không tính học sinh, sinh viên đang đi học)

Tổng số người lớn trong gia đình đạt danh hiệu “Gia đình học tập”

Tỷ lệ %

CDHT/người lớn trong xã

Tỷ lệ %

CDHT/người lớn trong gia đình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 49/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2023-2030" trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

  • Số hiệu: 49/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 30/03/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Đặng Minh Thông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản