Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4865/KH-UBND | Hóc Môn, ngày 03 tháng 10 năm 2021 |
Thực hiện Kế hoạch số 1273/KH-SGDĐT ngày 04 tháng 5 năm 2021 của Sở Giáo dục và Đào tạo về Triển khai Chương trình chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025.
Ủy ban nhân dân huyện Hóc Môn ban hành kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn giai đoạn 2021 - 2025 với nội dung sau:
1. Mục đích
Nâng cao và thống nhất nhận thức trong cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên và toàn huyện về các nội dung của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nhất là vai trò, ý nghĩa, các nhiệm vụ trọng tâm của chuyển đổi số, làm cơ sở để huy động sức mạnh tổng thể, giúp quá trình triển khai được thuận lợi, đồng bộ.
Chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục kế thừa và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) trên nền tảng công nghệ số, công nghệ thông minh, góp phần xây dựng giáo dục huyện hiện đại, chất lượng, hiệu quả và hội nhập; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận giáo dục và được học tập, nâng cao trình độ liên tục, suốt đời; góp phần nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cho huyện theo định hướng kinh tế tri thức, kinh tế số.
2. Yêu cầu
Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện, đảm bảo kết nối với các hệ thống Đô thị thông minh của huyện nhằm xây dựng hệ thống tác nghiệp, điều hành mang tính tổng thể, tích hợp liên ngành cao trên cơ sở kết nối, chia sẻ, dùng chung dữ liệu và nguồn lực giúp tối ưu chi phí, nâng cao khả năng dự báo chính xác làm nền tảng cho việc xây dựng và triển khai các chính sách tổng thể.
1. Chỉ tiêu cụ thể
Triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục huyện, bao gồm: cơ sở dữ liệu kết nối, liên thông hệ thống thông tin các trường trong huyện và sử dụng công cụ phân tích dữ liệu để quản lý hoạt động giáo dục huyện. Đến năm 2025, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị (từ quản lý học sinh, giáo viên, cán bộ đến quá trình học tập, thời khóa biểu, cơ sở vật chất, thu học phí không dùng tiền mặt...) đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành.
Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin cho ngành giáo dục huyện theo hướng hiện đại, thiết thực và hiệu quả. Đến năm 2025, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục được kết nối đường truyền băng thông rộng đủ để triển khai hiệu quả các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet; 100% học sinh được tiếp cận Internet và kho học liệu trực tuyến; bước đầu hoàn thành việc xây dựng cổng thư viện số (giáo trình, bài giảng, học liệu số) và thử nghiệm hệ thống dạy - học trực tuyến cho các trường THCS trên địa bàn huyện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học (bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, giúp kết hợp học trên lớp và học trực tuyến), kiểm tra - đánh giá. Đến năm 2025, 100% đơn vị, cơ sở giáo dục có Trang thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin (cơ sở vật chất, chương trình học, đội ngũ,...) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tập trung chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, hoàn thiện hệ thống văn phòng điện tử, cổng dịch vụ công và một cửa điện tử, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 3, 4; xây dựng nền quản trị giáo dục thông minh góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.
2. Các giải pháp thực hiện
2.1. Xây dựng hệ sinh thái số Ngành Giáo dục và Đào tạo
Hoàn thiện và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu Ngành, số hóa các dữ liệu chuyên ngành, liên thông, tích hợp với Kho dữ liệu dùng chung của huyện nhằm phục vụ công tác quản lý và khai thác, chia sẻ dữ liệu Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện.
Xây dựng Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh trên cơ sở triển khai và hoàn thiện hệ thống thông tin thống nhất của Ngành trên Trục liên thông dữ liệu giáo dục - LGSP (Local Government Service Platform) phục vụ công tác quản lý, điều hành giáo dục huyện. Từng bước xây dựng hệ sinh thái số Giáo dục huyện bao gồm 2 nhóm chính:
- Nhóm 1: thu thập dữ liệu các hệ thống, phần mềm, hệ thống phần mềm có chức năng tạo ra dữ liệu thô được sử dụng tại cơ sở (cấp thu thập dữ liệu thấp nhất) như các phần mềm quản lý trường học, hệ thống Camera trường học do các đơn vị hợp tác với Sở hoặc các phần mềm do Sở Giáo dục và Đào tạo phát triển.
- Nhóm 2: khai thác và chuẩn hóa dữ liệu bao gồm các phần mềm, hệ thống phần mềm sử dụng dữ liệu được nhóm 1 thu thập để làm nền tảng định danh người dùng và tham số đầu vào. Nhóm này gồm: hệ thống họp trực tuyến, các hệ thống báo cáo chuyên môn, thống kê, hệ thống học tập, ôn luyện trực tuyến..., các phần mềm tạo hội thi, các chức năng quản lý, các phần mềm liên lạc giữa phụ huynh và nhà trường... thông qua việc sử dụng những dữ liệu thu thập được vào các hoạt động thường xuyên, liên tục, dữ liệu được rà soát, chuẩn hóa và giữ trong trạng thái dữ liệu sống.
Triển khai cơ sở dữ liệu ngành, quản lý điểm, học bạ điện tử và phần mềm quản lý dạy - học, e-learning, e-library, quản lý các cơ sở giáo dục điện tử.
Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT&TT trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy tờ. Phát triển kết nối thông tin điện tử, xác thực điện tử, trường học điện tử, quản lý hồ sơ học vụ điện tử ở các cơ sở giáo dục. Nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin quản lý các cơ sở giáo dục, triển khai hệ thống bản đồ số (GIS Giáo dục) trên Bản đồ nền do Sở Tài nguyên và Môi trường cung ứng nhằm hỗ trợ người dân tìm kiếm thông tin về các cơ sở giáo dục, dịch vụ giáo dục phù hợp được thuận lợi, dễ dàng; đồng thời, từ bước hiện thực hóa công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2021 - 2025 trên không gian bản đồ giáo dục.
2.2. Phát triển chính quyền số trong Giáo dục
Triển khai, hoàn thiện các ứng dụng CNTT&TT trong quản lý, điều hành điện tử, hạn chế việc sử dụng giấy tờ, ứng dụng phát triển giao dịch điện tử, xác thực điện tử, văn phòng điện tử; triển khai hệ thống chữ ký số, chữ ký điện tử.
Triển khai hạng mục “Phần mềm một cửa điện tử - ISO điện tử” và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.
Bước đầu số hóa các văn bản, tài liệu của giáo dục huyện.
2.3. Đẩy mạnh triển khai Đề án “Trường học thông minh - Trường học không tiền mặt”
Triển khai “Phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu” tại 100% trường học trên địa bàn huyện nhằm liên thông dữ liệu, hỗ trợ phụ huynh, học sinh thanh toán học phí không dùng tiền mặt. Lựa chọn ngân hàng, công ty trung gian thanh toán triển khai các giải pháp thu học phí không dùng tiền mặt. Ứng dụng các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt thân thiện với người dùng trên internet, thiết bị di động và các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích của ngân hàng.
2.4. Tiếp tục triển khai Đề án xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại
Xây dựng trung tâm dữ liệu E-library, ứng dụng công nghệ giúp học sinh mở rộng phạm vi nghiên cứu học tập. Tối ưu hóa việc lưu trữ, bảo quản khai thác và giao lưu thông tin, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ của người dùng trong và ngoài các thư viện nhà trường hiện nay.
Số hóa và xây dựng hệ thống dữ liệu liên thư viện tiên tiến, hiện đại, hỗ trợ giáo viên và học sinh chủ động về phương thức tìm kiếm thông tin, dữ liệu học tập nghiên cứu, dễ dàng truy cập từ xa.
Phối hợp hoạt động giảng dạy của giáo viên với việc tự học, tự nghiên cứu của học sinh, trao đổi các dữ liệu giảng dạy trong và ngoài nhà trường, giáo viên và các nhà quản lý giáo dục cũng có thể hỗ trợ chia sẻ nguồn tư liệu, tài liệu khoa học, tài liệu giảng dạy qua đó góp phần chuyển đổi số trong hoạt động của thư viện, bước đầu hình thành các thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường trên địa bàn huyện.
2.5. Xây dựng nền tảng số nâng cao hiệu quả dạy - học trực tuyến
Tập trung triển khai các nền tảng số để cung cấp các hình thức dạy học trực tuyến (e-leaming), dạy học từ xa cụ thể:
- Xây dựng nền tảng quản lý đào tạo trực tuyến (Learning Management System - LMS) nhằm quản trị, giám sát, báo cáo và phân phối các khóa học, chương trình đào tạo, học tập một cách đồng bộ và hiệu quả.
- Số hóa học liệu (hay học liệu điện tử) bao gồm: giáo trình điện tử, sách giáo khoa điện tử, tài liệu tham khảo điện tử, bài kiểm tra đánh giá điện tử, bản trình chiếu, bảng dữ liệu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học, thí nghiệm mô phỏng và các học liệu được số hóa khác nhằm hình thành kho học liệu số.
2.6. Xây dựng các cơ sở dữ liệu giáo dục chuyên ngành giáo dục
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tập trung chuyển đổi số trên cơ sở xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành trên nguyên tắc kế thừa đối với những CSDL đã hình thành đồng thời phát triển các CSDL mới nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Ngành Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể:
- Cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành Giáo dục Mầm non.
- Cơ sở dữ liệu chuyên ngành tổ chức cán bộ: Quản lý nhân sự; Quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên; Tuyển dụng và chuyển công tác viên chức, công chức; Công khai về các đơn vị, loại hình dịch vụ giáo dục.
- Cơ sở dữ liệu về quản lý và đánh giá công tác thi đua - khen thưởng.
- Cơ sở dữ liệu về công tác kiểm định chất lượng Giáo dục.
- Cơ sở dữ liệu về quản lý văn bằng, chứng chỉ ngành.
- Cơ sở dữ liệu về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu và phát triển hệ thống thông tin quản lý trang thiết bị giáo dục (cơ sở vật chất) và công tác Thanh tra Phòng Giáo dục và Đào tạo.
1. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện
Chịu trách nhiệm triển khai kế hoạch này, thực hiện các nội dung ở mục 2.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các đơn vị, cơ sở giáo dục (nhất là người đứng đầu của đơn vị), các doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số, của CNTT&TT trong lĩnh vực giáo dục.
Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục của huyện.
2. Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện
Chủ trì, phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện rà soát và tham mưu Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt kinh phí, tăng cường đầu tư đảm bảo nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch được triển khai đúng tiến độ.
3. Phòng Nội vụ huyện
Phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất Ủy ban nhân dân huyện bố trí số lượng người làm việc đáp ứng yêu cầu dạy và học Tin học trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập theo quy định.
Phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành hoặc bổ sung, điều chỉnh quy định về các cơ chế, chính sách đối với đội ngũ giáo viên Tin học phù hợp với tình hình thực tiễn.
4. Phòng Văn hóa và Thông tin, Đài Truyền thanh - Bản tin Hóc Môn
Tổ chức đưa tin bài về Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân trên địa bàn huyện về mục tiêu, ý nghĩa và lợi ích của Chương trình.
5. Văn phòng HĐND-UBND huyện
Hỗ trợ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sắp xếp cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý các phần mềm, số hóa dữ liệu phục vụ cho Kế hoạch.
6. Ủy ban nhân dân 12 xã - thị trấn
Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tăng cường sự tham gia của người dân, tổ chức và doanh nghiệp cùng góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích của chuyển đổi số; tổ chức kết nối, tập hợp, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển các sản phẩm ứng dụng, nền tảng giáo dục số.
Các đơn vị được phân công thực hiện đánh giá việc triển khai kế hoạch gắn với việc đánh giá kết quả công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu; gửi về Ủy ban nhân dân huyện thông qua Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để tổng hợp, báo cáo (báo cáo sơ kết: gửi vào tháng 12 hàng năm; báo cáo tổng kết gửi vào tháng 11/2025).
Trên đây là Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn giai đoạn 2021 - 2025, đề nghị các phòng, ban và đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 2222/KH-UBND năm 2022 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 2Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 3Kế hoạch 354/KH-UBND năm 2022 về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030
- 4Kế hoạch 102/KH-UBND năm 2023 về Chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 5Kế hoạch 723/KH-SGDĐT tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo năm 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Kế hoạch 1273/KH-SGDĐT năm 2021 triển khai Chương trình Chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025
- 2Kế hoạch 2222/KH-UBND năm 2022 về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 3Kế hoạch 220/KH-UBND năm 2022 thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 4Kế hoạch 354/KH-UBND năm 2022 về chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo Lào Cai giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030
- 5Kế hoạch 102/KH-UBND năm 2023 về Chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- 6Kế hoạch 723/KH-SGDĐT tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo năm 2023 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Kế hoạch 4865/KH-UBND năm 2021 về triển khai Chương trình chuyển đổi số của Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025
- Số hiệu: 4865/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 03/10/2021
- Nơi ban hành: Huyện Hóc Môn
- Người ký: Lê Thụy Mỵ Châu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/10/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra