Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 486/KH-UBND

Kon Tum, ngày 07 tháng 3 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẠI TRẠM Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Quyết định số 6110/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Quyết định số 6111/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã, phường giai đoạn 2018 - 2020;

Căn cứ Công văn số 841/CNTT-THKCB ngày 28/12/2018 của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế về việc đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại trạm y tế xã, phường, thị trấn tỉnh Kon Tum giai đoạn đến năm 2020, như sau:

I. THỰC TRẠNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TẠI TRẠM Y TẾ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

1. Hạ tầng công nghệ thông tin

a) Cơ sở hạ tầng: 100% trạm y tế xã được kết nối Internet, tuy nhiên một số xã ở vùng sâu, vùng xa (xã Ia Đal huyện Ia H’Drai, các xã Ngọc Tem, Đăk Nên và Đăk Ring huyện Kon Plông) chưa có đường truyền có dây (kết nối Internet qua mạng không dây - 3G) hoặc một số xã chất lượng đường truyền không đảm bảo (xa trung tâm nên tốc độ đường truyền chậm, không ổn định), ảnh hưởng đến việc kết nối với các cơ sở y tế tuyến trên, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

b) Trang thiết bị: Mỗi trạm y tế được trang bị từ 02 - 03 máy vi tính (bình quân 2 đến 3 cán bộ trạm y tế sử dụng chung một máy vi tính, nên chưa đảm bảo về số lượng theo Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị, mặt khác đa số máy vi tính tuyến xã có cấu hình ở mức độ trung bình hoặc thấp, xuống cấp chỉ đảm bảo đáp ứng ở mức độ tối thiểu cho việc ứng dụng CNTT trong hoạt động văn phòng, do thiếu kinh phí nên trong nhiều năm chưa được đầu tư nâng cấp, bổ sung, do đó không đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT tại trạm y tế.

2. Nhân lực y tế xã

a) Tại tuyến xã không bố trí cán bộ chuyên trách CNTT; tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố mỗi đơn vị bố trí một cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ từ cao đẳng CNTT trở lên, lực lượng này có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã trong việc triển khai các ứng dụng CNTT tại tuyến xã.

a) Tổng số cán bộ y tế tuyến xã 635 người, bình quân trên 6 cán bộ/ trạm y tế, trong đó hầu hết có trình độ chuyên môn y, dược; trình độ tin học ở cấp độ A (cũ), do đó kỹ năng sử dụng các thiết bị, phần mềm CNTT còn hạn chế.

3. Ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã

a) Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đã được Bộ Y tế triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương và 100% trạm y tế tuyến xã trên toàn tỉnh đã chính thức triển khai và ứng dụng phần mềm này từ năm 2017, đến nay đã đi vào ổn định.

b) Triển khai mới Phần mềm quản lý sức khỏe điện tử tại 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh từ tháng 07/2018. Do mới triển khai, nên đang trong giai đoạn cập nhật hệ thống thông tin hành chính cá nhân của nhân khẩu và tạo lập hồ sơ quản lý (gần 60% dân số được cập nhật thông tin hành chính cá nhân và tạo lập hồ sơ quản lý); chưa khai thác, thu thập và quản lý đầy đủ các thông tin về sức khỏe của người dân theo Mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/03/2017.

c) 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã đã được triển khai phần mềm quản lý khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán BHYT từ năm 2016; đồng thời thực hiện việc kết xuất, gửi dữ liệu điện tử khám bệnh, chữa bệnh BHYT lên Cổng thông tin giám định BHYT của cơ quan Bảo hiểm xã hội để quản lý thông tuyến và giám định thanh toán BHYT và Cổng dữ liệu của Bộ Y tế theo quy định.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Ứng dụng CNTT để quản lý hoạt động của trạm y tế xã/phường/thị trấn (hoạt động chuyên môn, tài chính, nhân lực, ...) nhằm tiết kiệm thời gian, nhân lực, sổ sách bảo đảm sự chính xác của số liệu, khả năng kết nối liên thông giữa trạm y tế xã với bảo hiểm xã hội và các tuyến y tế cao hơn, góp phần đẩy mạnh công tác quản lý hiệu quả hơn.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Triển khai phần mềm tin học quản lý hoạt động trạm y tế xã, kết nối liên thông và chia sẻ thông tin với các hệ thống thông tin bệnh viện, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR), hệ thống giám định và thanh toán bảo hiểm y tế, hệ thống thống kê y tế điện tử trong toàn quốc.

b) Triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trên toàn tỉnh.

c) Triển khai phần mềm thống kê y tế điện tử ở các tuyến xã, huyện và tỉnh theo chủ trương và lộ trình triển khai của Bộ Y tế.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Bổ sung, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã

a) Trang bị bổ sung máy tính để bàn (từ 1 đến 2 bộ/trạm y tế) và máy in cho trạm y tế trong phạm vi định mức, tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị nhằm phục vụ các hoạt động chuyên môn và công tác quản lý điều hành tại Trạm Y tế xã, phường.

b) Rà soát lắp đặt, nâng cấp hệ thống mạng viễn thông (Internet) tại các trạm y tế chưa có đường truyền có dây hoặc có đường truyền nhưng không đảm bảo cho việc triển khai ứng dụng CNTT nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối thông suốt với tuyến trên, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội.

2. Đào tạo, tập huấn cho các bộ tuyến xã, huyện:

a) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin tại tuyến huyện để có thể hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã trong việc triển khai các phần mềm công nghệ thông tin tại tuyến xã.

b) Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho 100% đội ngũ viên chức y tế tuyến xã trong việc vận hành, khai thác và sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin tại tuyến xã.

(Có kế hoạch đào tạo, tập huấn cụ thể riêng theo từng chuyên đề và từng nhóm đối tượng).

3. Ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã

a) Triển khai phần mềm tin học quản lý hoạt động trạm y tế xã, phường, thị trấn với các chức năng đáp ứng yêu cầu quy định tại Quyết định số 6110/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành hướng dẫn xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn và có khả năng kết xuất dữ liệu theo định dạng, cấu trúc do Bộ Y tế quy định.

b) Tiếp tục triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR) tại tuyến xã để quản lý sức khỏe người dân một cách toàn diện, liên tục. Quý I/2019, 100% dân số được cập nhật hệ thống thông tin hành chính cá nhân của nhân khẩu và tạo lập hồ sơ quản lý; cuối năm 2019, 50% dân số và cuối năm 2020, trên 90% dân số được cập nhật thông tin đầy đủ theo Mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 831/QĐ-BYT ngày 11/03/2017.

- Tiếp tục khai thác thông tin và hoàn thành việc cập nhật hệ thống thông tin hành chính cá nhân của nhân khẩu và tạo lập hồ sơ quản lý trên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.

- Tổ chức khám sức khỏe để lập, đưa vào hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho các đối tượng: Người cao tuổi, người khuyết tật, học sinh, trẻ em....

- Khai thác các thông tin sẵn có tại trạm y tế xã để đưa vào hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử.

c) Triển khai phần mềm thống kê y tế điện tử từ tỉnh đến huyện, xã theo chủ trương và lộ trình của Bộ Y tế, đến năm 2020 công tác thống kê y tế tổng hợp cơ bản được thực hiện trên môi trường mạng để quản lý tất cả các chỉ tiêu thống kê theo quy định tại Thông tư số 27/2014/TT-BYT ngày 14/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hệ thống biểu mẫu thống kê y tế áp dụng đối với các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện và xã; Thông tư số 28/2014/TT-BYT ngày 14/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành y tế và Quyết định số 2360/1997/QĐ-BYT ngày 14/11/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành biểu mẫu báo cáo thống kê bệnh viện.

d) Kết nối dữ liệu từ phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi) vào phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.

e) Kết nối dữ liệu từ Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia vào phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử.

4. Kinh phí thực hiện kế hoạch

a) Ngân sách địa phương (sự nghiệp y tế hàng năm UBND tỉnh giao cho ngành Y tế): Chi mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin cho trạm y tế xã (năm 2019, đã bố trí 2,856 tỷ đồng) và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn triển khai các phần mềm.

b) Dự án “Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” tại tỉnh Kon Tum: Chi mua sắm trang thiết bị CNTT cho trạm y tế tuyến xã.

c) Nguồn chi thường xuyên, nguồn thu của các đơn vị thực hiện và các nguồn huy động hợp pháp khác: Chi thuê dịch vụ công nghệ thông tin, nâng cấp, lắp đặt đường truyền (Internet) và các khoản chi khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch. Huy động các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong kế hoạch.

2. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế phân khai kinh phí sự nghiệp y tế giao hàng năm, kết hợp lồng ghép nguồn dự án, chương trình và các nguồn hợp pháp khác để thực hiện kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT tại trạm y tế xã, phường, thị trấn tỉnh Kon Tum đến năm 2020 phù hợp quy định hiện hành.

3. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh triển khai tốt việc kết nối, liên thông phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế với Cổng thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam đáp ứng yêu cầu kiểm tra thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT và giám định thanh toán BHYT; đồng thời chia sẻ thông tin từ dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT để thực hiện các nội dung về quản lý y tế cơ sở, quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử và thống kê y tế điện tử.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố phối hợp với các phòng, ban, ngành trên địa bàn và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch; quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông và CNTT trên địa bàn các xã, phường, thị trấn nói chung và tại trạm y tế nói riêng để từng bước ứng dụng CNTT tại trạm y tế có hiệu quả.

Căn cứ nội dung Kế hoạch, các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Sở Y tế tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể CT-XH tỉnh;
- Viễn thông Kon Tum;
- Viettel Kon Tum;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP UBND tỉnh, PVP phụ trách;
- Lưu: VT, KGVX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thị Nga

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 486/KH-UBND năm 2019 triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại trạm y tế xã, phường, thị trấn tỉnh Kon Tum giai đoạn đến năm 2020

  • Số hiệu: 486/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 07/03/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Trần Thị Nga
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/03/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản