Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 485 /KH-UBND

Quảng Bình, ngày 12 tháng 4 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2019 - 2023 TỈNH QUẢNG BÌNH

PHẦN 1

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2014 - 2018

I. Kết quả thực hiện phát triển các ngành sản xuất

Tổng giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn đến năm 2018 trên địa bàn tỉnh (phân theo 7 nhóm ngành của Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn) đạt 3.999.300 triệu đồng, tăng 913.750 triệu đồng so với năm 2014, so với mục tiêu Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020 đạt 88,4%, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2014 đến 2018 đạt 6,69%. Tổng lao động thường xuyên và thời vụ hoạt động trong ngành nghề nông thôn 37.957 lao động, so với mục tiêu Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020 đạt 56,5%. Có 22.625 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn, so với mục tiêu Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn đến năm 2020 đạt 67,2%, trong đó: 154 doanh nghiệp; 41 hợp tác xã, tổ hợp tác và 22.430 hộ kinh doanh cá thể. Cụ thể theo các nhóm ngành hàng như sau:

- Chế biến bảo quản nông lâm thủy sản: Giá trị sản xuất 991.900 triệu đồng, có 4.676 cơ sở với 6.588 lao động.

- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ: Giá trị sản xuất 197.200 triệu đồng, có 1.946 cơ sở với 3.171 lao động.

- Xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn: Giá trị sản xuất 110.000 triệu đồng, có 384 cơ sở với 1.140 lao động.

- Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ: Giá trị sản xuất 1.406.500 triệu đồng, có 10.748 cơ sở với 16.536 lao động.

- Gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh: Giá trị sản xuất 400 triệu đồng, có 8 cơ sở với 21 lao động.

- Sản xuất muối: Giá trị sản xuất 500 triệu đồng, có 400 cơ sở với 700 lao động.

- Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn: Giá trị sản xuất 1.292.800 triệu đồng, có 4.463 cơ sở với 9.801 lao động.

II. Tình hình phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận

Đến nay, toàn tỉnh có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Nhìn chung các làng nghề, làng nghề truyền thống đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nhàn rỗi ở địa phương, nổi bật có các làng nghề: nón lá truyền thống Hạ Thôn, xã Quảng Tân thu hút 850 hộ với 2.100 lao động, tạo thu nhập ổn định bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng; Làng nghề nón lá truyền thống Quy Hậu, xã Liên Thủy thu hút 1.600 hộ với hơn 1.600 lao động; Làng nghề chế biến bún bánh mè xát Tân An, xã Quảng Thanh thu hút 232 hộ với 460 lao động.

Bên cạnh đó, một số làng nghề đang gặp nhiều khó khăn hoạt động sản xuất ở dạng duy trì, nguyên nhân là do sản phẩm không còn phù hợp với thị trường như: Làng nghề đan lát Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, làng nghề rèn đúc Nhân Hòa, xã Quảng Hòa.

Các sản phẩm chính của làng nghề bao gồm: nón lá, nước mắm, rượu, bún bánh, mây tre, chổi đót, chiếu cói.... Thị trường tiêu thụ đa số là thị trường nội tỉnh và các địa phương khác như tỉnh Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, thành phố Đà Nẵng... Một số làng nghề nhập trực tiếp cho các doanh nghiệp đến thu mua tại xã. Công tác xử lý ô nhiễm môi trường được các cơ sở làng nghề quan tâm, hiện nay trên địa bàn tỉnh không có làng nghề nào nằm trong danh mục các làng nghề ô nhiễm đã được đưa vào Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Lao động tại làng nghề, làng nghề truyền thống chủ yếu là lao động thủ công chưa qua đào tạo. Đa số sử dụng lao động nhàn rỗi có trình độ thấp tại địa phương, mặc dù hàng năm đã có chính sách đào tạo nghề gắn với phát triển làng nghề, một số làng nghề đã được đào tạo lao động có trình độ sơ cấp nhưng còn ít dẫn đến thu nhập không cao, do đó người lao động có xu hướng tìm việc làm khác phù hợp hơn.

Công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu bước đầu đã được một số cơ sở làng nghề quan tâm, chú trọng thực hiện. Một số nhãn hiệu đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể: HTX SXKD rượu làng nghề Võ Xá, xã Võ Ninh, Hợp tác xã bánh mè xát Tân An; Hội nước mắm Nhân Trạch. Năm 2018 một số sản phẩm của cơ sở làng nghề đã được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như: sản phẩm mây xiên đan mắt cáo (HTX mây tre đan Quảng Tiến); sản phẩm Khoai deo Hải Ninh (HTX Sản xuất và Chế biến khoai deo Hải Ninh); sản phẩm bánh mè xát (HTX làng nghề bánh mè xát Tân An).

Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề được thực hiện thông qua hoạt động hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề theo hình thức liên kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp (Như đào tạo nghề may công nghiệp); cơ sở tự đào tạo nghề, truyền nghề (Các lớp nón lá, chổi đót, mây xiên, mộc mỹ nghệ, cơ khí, chế biến thủy sản, mây, tre đan); mời chuyên gia đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề mới (Các lớp mây xiên xuất khẩu)… Bên cạnh đó, một số địa phương còn khuyến khích các tổ chức xã hội tham gia hoạt động sản xuất nhằm bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hóa ở địa phương như Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ...

III. Kết quả và kinh phí thực hiện hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống.

Tổng kinh phí hỗ trợ giai đoạn 2014 - 2018: 9.049 triệu đồng, trong đó: ngân sách tỉnh: 5.459 triệu đồng; ngân sách huyện: 3.590 triệu đồng.

Các nội dung hỗ trợ: Đầu tư trang thiết bị máy móc, xây dựng nhà xưởng (5.060 triệu đồng), hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (3.864 triệu đồng), đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề (260 triệu đồng), xúc tiến thương mại (45 triệu đồng).

(Chi tiết theo biểu kèm theo)

IV. Đánh giá chung

1. Kết quả đạt được

Lĩnh vực ngành nghề nông thôn, làng nghề đã có sự phát triển, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn. Các cơ sở ngành nghề nông thôn đã tạo ra sản phẩm hàng hoá ngày càng phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của nhân dân trên địa bàn, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Cùng với việc tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có ở trong tỉnh, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Một số ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường như chế biến nước mắm, sản xuất bún, bánh ướt... các cơ sở đã chú trọng việc xử lý chất thải.

Đa số các làng nghề trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn. Công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu đã được các cơ sở làng nghề quan tâm. Hoạt động truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề ngày càng được liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp.

2. Tồn tại, khó khăn

- Ngành nghề nông thôn phát triển còn chậm, mang tính tự phát ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng, sử dụng công nghệ trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, chưa có sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Cơ sở ngành nghề nông thôn đang gặp nhiều khó khăn về vốn, nhiều cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư để sản xuất. Nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh chủ yếu là vốn tự có của các hộ gia đình.

- Lao động ngành nghề nông thôn chủ yếu chưa qua đào tạo, lao động có tay nghề cao còn thiếu, một số chương trình đào tạo nghề chưa có chiều sâu. Công tác đào tạo nghề, truyền nghề đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng kết quả đạt được chưa cao.

- Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trong ngành nghề nông thôn còn hạn chế. Một số nhóm ngành nghề phát triển còn gặp khó khăn, mang tính cầm chừng, chưa bền vững. Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại như: Nghề đan lát, rèn nông cụ, sản xuất chiếu, chổi đót...

- Một số chỉ tiêu Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 chưa đạt kế hoạch đề ra; công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống còn ít so với thực tế, đến nay mới chỉ công nhận được 29/52 làng nghề, làng nghề truyền thống (chiếm 55%).

- Hoạt động quản lý nhà nước ngành nghề nông thôn chưa phân định rõ ràng, còn có sự đan xen giữa tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn.

3. Nguyên nhân

- Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tiếp cận các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn của các cơ sở sản xuất còn khó khăn nhất là về vốn, khoa học công nghệ...

- Nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vùng nguyên liệu bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, chuyển đổi cây trồng vật nuôi.

- Một số nhóm ngành nghề không còn được xếp là ngành nghề nông thôn theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP như sản xuất vật liệu xây dựng, nhóm ngành xây dựng, vận tải chiếm, nên làm giảm các chỉ tiêu về giá trị sản xuất, số cơ sở, số lao động so với Quy hoạch.

PHẦN 2

MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2019 - 2023

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Nâng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nghề trong tổng giá trị sản xuất ở khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm ngành nghề, đẩy mạnh liên kết sản xuất, khuyến khích thành lập mới các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nhằm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh. Chú trọng công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, đồng thời phát triển thêm nghề mới phù hợp với từng địa phương để đa dạng hóa sản phẩm ngành nghề; giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân, quan tâm, chú trọng phát triển các làng nghề gắn với du lịch và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2023 giá trị sản xuất ngành nghề nông thôn (giá hiện hành) đạt 4.564.527 triệu đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2019 - 2023 đạt 2,5 - 3%.

- Hàng năm thu hút giải quyết việc làm khoảng 1.400 lao động, đến năm 2023 đưa số lao động sản xuất khu vực nông nghiệp nông thôn đạt 50.219 người.

- Đến năm 2023 phấn đấu mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất 05 sản phẩm ngành nghề nông thôn tham gia vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (gọi tắt là chương trình OCOP) và được công nhận là sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên.

- Hàng năm chỉ đạo xây dựng, công nhận từ 01 - 02 làng nghề theo tiêu chí quy định tại Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 35 - 40 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận.

II. Một số nhiệm vụ trọng tâm

1. Phát triển các ngành sản xuất

1.1. Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản:

Phát triển sản xuất theo hướng tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng miền. Khuyến khích các cơ sở chế biến nông sản đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất như xay xát gạo sạch, chế biến bún bánh, chế biến mủ cao su, hạt tiêu, tinh bột nghệ, tinh dầu sả, chế biến khoai deo, sản xuất mật ong tại các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Lệ Thủy, Tuyên Hóa, Minh Hóa. Phát triển mạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến nấm ăn, nấm dược liệu, dầu lạc, Cà gai leo và một số loại cây dược liệu có giá trị cao tại các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Quảng Trạch.

Tập trung phát triển các cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm, mực khô, mở rộng các cơ sở chế biến thủy sản tại các địa phương có lợi thế về khai thác và chế biến thủy sản. Khuyến khích cơ sở đầu tư nâng cấp mặt bằng sản xuất; thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ở các khu vực chế biến thủy, hải sản. Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc đầu tư nhà xưởng, thiết bị, đổi mới công nghệ chế biến thịt và các phụ phẩm từ thịt của các loại gia súc, gia cầm; đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ nhu cầu thị trường và tiến tới xuất khẩu.

1.2. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ:

Hỗ trợ việc áp dụng khoa học công nghệ và các thiết bị sản xuất nghề mây xiên, đồ gỗ gia dụng… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm.

1.3. Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ:

Duy trì các ngành nghề sản xuất đồ gỗ truyền thống đặc thù của địa phương, củng cố và mở rộng một số cơ sở may công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phát triển mạnh các mặt hàng nón lá, mây tre, đan lát tại các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy, Ba Đồn, Quảng Trạch, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Phát triển cơ khí hàn xì, sản xuất khung định hình, sửa chữa máy và thiết bị dùng trong nông nghiệp, khuyến khích cơ sở nâng cao chất lượng, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người dùng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Phát triển một số cơ sở sửa chữa cơ khí, trùng tu các phương tiện vận tải nhỏ, máy móc tàu thuyền đánh bắt hải sản tại các huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn.

1.4. Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh:

Phát triển các câu lạc bộ sinh vật cảnh để tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; mở các lớp đào tạo nghề về hoa kiểng. Đẩy mạnh phát triển mô hình hợp tác xã sinh vật cảnh nhằm tập hợp vốn và số nghệ nhân đủ để thực hiện các hợp đồng cung ứng các sản phẩm có giá trị lớn cho các đô thị trong khu vực.

1.5. Sản xuất muối:

Nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nghề sản xuất muối Phú Lộc, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, nâng cao chất lượng muối tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, tiến tới sản xuất muối bằng phương pháp trải bạt, hỗ trợ thành lập Hợp tác xã sản xuất muối để bao tiêu sản phẩm cho người nông dân.

1.6. Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn:

Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ nông thôn như dịch vụ sản xuất nông nghiệp, buôn bán, dịch vụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt nông thôn; dịch vụ ăn uống, giải khát, văn hóa, nghệ thuật.... Đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp như thu hoạch, làm đất, vận chuyển vật tư phân bón và các dịch vụ sau thu hoạch như phơi sấy, chế biến sản phẩm.

2. Bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống

Chú trọng xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm làng nghề; khuyến khích thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác trong làng nghề; huy động nguồn vốn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất, tiếp tục bảo tồn và phát triển các làng nghề đang hoạt động, có khả năng phát triển.

Khôi phục và phát triển các ngành nghề ở các làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một như làng nghề đan lát Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, làng nghề rèn đúc Nhân Hòa, xã Quảng Hòa. Bên cạnh đó, nghiên cứu để du nhập một số ngành nghề, sản phẩm mới có lợi thế về nguyên liệu, có thị trường tiêu thụ, sử dụng nhiều lao động nông thôn để có định hướng chuyển đổi nghề cho người dân.

Khuyến khích phát triển các làng nghề gắn với điểm du lịch và tuyến du lịch để phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm quà lưu niệm của du khách như Động Phong Nha, khu Mộ Đại tướng, làng Bích Họa, Biển Nhật Lệ. Hỗ trợ các cơ sở làng nghề có các sản phẩm đặc trưng đã được du khách và thị trường biết đến xây dựng các quầy hàng, gian hàng trưng bày và bán sản phẩm tại các tuyến du lịch.

3. Phát triển ngành nghề nông thôn gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”

Trên cơ sở Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” đã được ban hành, khuyến khích kêu gọi các cơ sở ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm đặc trưng, tham gia vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Trước mắt năm 2019 mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng 1 - 2 sản phẩm ngành nghề nông thôn tham gia chương trình OC OP.

III. Nguồn kinh phí và tiến độ thực hiện

Tổng kinh phí thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2019 - 2023 ước tính là 48.000 triệu đồng (Bốn mươi tám tỷ đồng), trong đó: Ngân sách tỉnh: 39.100 triệu đồng (Bao gồm ngân sách thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn khuyến công, khuyến nông, các nguồn vốn lồng ghép khác). Dự kiến hàng năm như sau:

- Năm 2019: 4.800 triệu đồng.

- Năm 2020: 5.700 triệu đồng.

- Năm 2021: 8.300 triệu đồng.

- Năm 2022: 9.200 triệu đồng.

- Năm 2023: 11.100 triệu đồng.

IV. Các giải pháp chủ yếu

1. Về mặt bằng sản xuất

Rà soát, bố trí phát triển ngành nghề nông thôn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quy hoạch tạo quỹ đất để tập trung các cơ sở chế biến nông - lâm - thủy sản đảm bảo các tiêu chí theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho các cơ sở ngành nghề nông thôn trong việc giao đất, thuê đất sản xuất theo quy định của pháp luật. Ưu tiên bố trí đất cho các cơ sở ngành nghề sản xuất vào các khu, cụm tiểu thủ công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi về việc thuê mặt bằng dài hạn ổn định sản xuất.

2. Về vốn, đầu tư tín dụng

Tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, hướng đến các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, đồng thời đơn giản hóa thủ tục vay vốn để tăng cường khả năng tiếp cận của các cơ sở đến nguồn vốn ưu đãi. Ban hành các cơ chế, chính sách giúp cơ sở ngành nghề nông thôn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Kết hợp sử dụng lồng ghép nguốn vốn các Chương trình như chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để triển khai thực hiện.

3. Xúc tiến thương mại

Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu, lựa chọn các làng nghề và sản phẩm làng nghề tiêu biểu để xây dựng thương hiệu. Tổ chức tham gia các hội chợ về ngành nghề, làng nghề nông thôn cho các cơ sở sản xuất, làng nghề, sản phẩm ngành nghề nông thôn để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tiêu thụ sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước.

4. Khoa học công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động sản xuất của ngành nghề nông thôn, ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, có chính sách hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất sản phẩm. Khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ở làng nghề truyền thống để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của nghề truyền thống, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

5. Đào tạo nhân lực

Tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng công tác đào tạo tay nghề tại các làng nghề, làng nghề truyền thống. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động ngành nghề nông thôn. Có chính sách thu hút các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo cho người dân.

V. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn hàng năm.

- Tổng hợp báo cáo định kỳ kết quả phát triển ngành nghề nông thôn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Hàng năm chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng dự toán kinh phí phát triển ngành nghề nông thôn gửi Sở Tài chính thẩm định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Sở Tài chính

Căn cứ vào khả năng ngân sách tỉnh hàng năm, Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành có liên quan thẩm định dự toán kinh phí sự nghiệp phát triển ngành nghề nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt.

4. Sở Công Thương

- Khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành nghề công nghiệp nông thôn, các

ngành công nghiệp xanh và sạch; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, sản xuất sạch hơn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn, giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm môi trường.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm ngành nghề nông thôn.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương trong tham mưu bố trí, quy hoạch đất cho cơ sở ngành nghề nông thôn.

- Xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại làng nghề đúng quy định tại Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành địa phương hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, đăng ký mã vạch sản phẩm cho các làng nghề, sản phẩm ngành nghề nông thôn có giá trị, có hiệu quả kinh tế; hướng dẫn đăng ký sở hữu trí tuệ đối với những sáng chế trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn.

- Có kế hoạch ưu tiên nghiên cứu các đề tài về phát triển các ngành nghề nông thôn phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương.

7. Sở Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương khảo sát, đề xuất xây dựng một số điểm trưng bày sản phẩm ngành nghề; điểm dừng chân cho khách du lịch. Xây dựng các chương trình du lịch gắn với các điểm đến tham quan làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương chọn những làng nghề trọng điểm để đầu tư, xây dựng làng nghề, làng văn hóa gắn với du lịch.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chính sách hiện hành, trong đó chú trọng đào tạo nghề cho lao động ở các làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác. Hướng dẫn, đôn đốc cấp huyện tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn ở địa phương.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn đến các cơ sở ngành nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất ngành nghề xây dựng các chương trình, dự án để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

- Xây dựng kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn hàng năm ở địa phương, chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn vốn được giao hàng năm để hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển ngành nghề.

- Chỉ đạo lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện quản lý nhà nước đối với các cơ sở ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn.

- Báo cáo định kỳ kết quả phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Công Thương; Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Lao động, TB và XH;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, CVNN.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Ngân

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 485/KH-UBND năm 2019 về phát triển ngành nghề nông thôn giai đoạn 2019-2023 tỉnh Quảng Bình

  • Số hiệu: 485/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/04/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Lê Minh Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/04/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản