Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 4817/KH-BTP

Hà Nội, ngày 04 tháng 12 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2019 VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NĂM 2020

Để đánh giá kết quả thực hiện công tác tư pháp, thi hành án dân sự (sau đây gọi chung là công tác tư pháp) trong năm 2019 và triển khai công tác năm 2020, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức tổng kết như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đánh giá kịp thời, khách quan, toàn diện, chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác tư pháp năm 2019; xác định đúng, đầy đủ, khả thi phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác năm 2020. Qua đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong các mặt công tác, địa bàn còn tồn tại, hạn chế; tạo tiền đề thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

2. Yêu cầu

2.1. Nội dung tổng kết bám sát các nội dung liên quan đến công tác tư pháp, pháp chế trong các Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương; gắn kết chặt chẽ với việc tổng kết công tác của các Bộ, ngành, địa phương để tham mưu toàn diện cho Lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương trong chỉ đạo về công tác tư pháp, pháp chế.

2.2. Việc tổ chức tổng kết về công tác tư pháp bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

II. NỘI DUNG TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2019, TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NĂM 2020

1. Các nội dung tổng kết công tác tư pháp năm 2019, triển khai công tác năm 2020

1.1. Đánh giá kết quả thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2019 (được nêu tại Báo cáo số 13/BC-BTP ngày 15/01/2019 của Bộ Tư pháp về tổng kết công tác tư pháp năm 2018 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2019; Báo cáo số 186/BC-BTP ngày 19/7/2019 của Bộ Tư pháp về công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2019).

Kết quả thực hiện các Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong đó trọng tâm là việc thực hiện Chương trình hành động của Ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (Ban hành kèm theo Quyết định số 80/QĐ-BTP ngày 15/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp);

1.2. Xác định phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác tư pháp trong năm 2020 đảm bảo bám sát các Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

2. Các Báo cáo chuyên đề; tham luận của đơn vị thuộc Bộ, của Bộ, ngành, địa phương

2.1. Các Báo cáo chuyên đề

- Một số vấn đề về công tác xây dựng pháp luật sau tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW và sơ kết Hiến pháp 2013.

- Công tác phối hợp giữa Hệ thống thi hành án dân sự với các cơ quan tư pháp trong tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

- Một số vấn đề cần lưu ý trong công tác thanh tra chuyên ngành lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

- Một số vấn đề cần lưu ý qua việc xử lý các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư nước ngoài.

2.2. Tham luận của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó tập trung vào các khó khăn, vướng mắc về công tác tư pháp, pháp chế tại Bộ, ngành, địa phương.

III. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2020

1. Hình thức, địa điểm, thời gian tổ chức

1.1. Về hình thức và địa điểm: Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2020 được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 64 điểm cầu (điểm cầu Trung ương - điểm cầu chính và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

- Điểm cầu Trung ương tổ chức tại Hà Nội.

- Điểm cầu của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức tại Văn phòng Ủy ban nhân dân của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

1.2. Về thời gian: Dự kiến Hội nghị được tổ chức trong ½ ngày 24/12/2019 (Thứ Ba).

2. Thành phần tham dự Hội nghị

2.1. Đối với điểm cầu Trung ương

- Mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước:

+ Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội;

+ Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

- Mời đại diện các cơ quan, tổ chức ở Trung ương: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hiệp hội Công chứng Việt Nam.

- Triệu tập Lãnh đạo, Chuyên viên cao cấp, Chuyên viên chính, Chánh văn phòng hoặc tương đương các đơn vị thuộc Bộ (Cục Công tác phía Nam, các Trường Trung cấp Luật có thể tham dự tại điểm cầu địa phương nơi có trụ sở của Cục, Trường); Thủ trưởng Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Dự kiến: khoảng 200 đại biểu.

2.2. Đối với điểm cầu tại địa phương:

- Mời đại diện Lãnh đạo Tỉnh/Thành ủy; đại diện Lãnh đạo HĐND; Lãnh đạo UBND; đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội; Ban Nội chính, Văn phòng UBND, Văn phòng HĐND; đại diện các Sở, ngành: Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch

- Đầu tư, Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát; Chủ nhiệm Đoàn luật sư; Chủ tịch Hội luật gia; Chủ tịch Hội Công chứng (nếu có).

- Triệu tập: Lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Sở Tư pháp, Cục THADS; một số Trưởng Phòng Tư pháp trên địa bàn.

Tổng số: khoảng 40 đại biểu/điểm cầu.

3. Tài liệu tại Hội nghị

3.1. Báo cáo tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2020;

3.2. Các báo cáo chuyên đề nêu tại mục II.2. của Kế hoạch này;

3.3. Báo cáo tổng kết công tác thi đua - khen thưởng năm 2019 và phát động phong trào thi đua năm 2020.

3.4. Bản tổng hợp tiếp nhận và trả lời kiến nghị của tổ chức pháp chế Bộ, ngành, địa phương đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp năm 2019.

3.5. Các tài liệu khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ.

IV. TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2020 TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG, CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ

1. Đối với việc tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Đề nghị Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tư pháp chuẩn bị, sớm tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2020 của địa phương. Việc tổ chức Hội nghị theo tinh thần thiết thực, hiệu quả, với thời gian và thành phần như sau:

1.1. Thời gian tổ chức: Việc triển khai công tác tư pháp của các địa phương được tổ chức trong khoảng thời gian từ sau Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 đến trước ngày 15/01/2020.

1.2. Thành phần tham dự:

- Đề nghị Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì Hội nghị.

- Mời đại diện Lãnh đạo các Sở, ngành liên quan (Nội chính, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, UBND, Công an, Nội vụ, Tài chính, Toà án, Viện kiểm sát, Đoàn luật sư...); Thủ trưởng Tổ chức pháp chế các Sở, ngành của địa phương; Lãnh đạo UBND cấp huyện, Phòng Tư pháp tham dự Hội nghị;

- Về việc Lãnh đạo Bộ dự triển khai công tác tư pháp tại các địa phương: Văn phòng Bộ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan rà soát, tham mưu Lãnh đạo Bộ dự chỉ đạo triển khai công tác tại một số địa phương.

2. Đối với việc tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của các đơn vị thuộc Bộ

2.1. Thời gian tổ chức: Hội nghị triển khai công tác năm 2020 của các đơn vị thuộc Bộ được tổ chức trong khoảng thời gian từ sau Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2020 đến trước ngày 15/01/2020.

2.2. Hình thức tổ chức

Trên cơ sở xác định một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2020, Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu Lãnh đạo Bộ chủ trì triển khai công tác theo nhóm lĩnh vực đó; đối với các lĩnh vực công tác khác, giao Thủ trưởng đơn vị chủ trì tổ chức.

2.3. Thành phần tham dự:

- Lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị triển khai công tác theo nhóm lĩnh vực;

- Cán bộ chủ chốt của các đơn vị là đối tượng tổng kết công tác;

- Lãnh đạo các đơn vị có liên quan thuộc Bộ tham dự Hội nghị.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Văn phòng Bộ

1.1. Chủ trì chuẩn bị về các tài liệu của Hội nghị nêu tại Mục II.1.

1.2. Chủ trì chuẩn bị về công tác tổ chức Hội nghị:

- Chuẩn bị Quyết định về việc tổ chức Hội nghị; Quy chế Hội nghị; gợi ý thảo luận tại Hội nghị; chương trình, kịch bản Hội nghị.

- Chuẩn bị Giấy mời đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương; Giấy triệu tập đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.

1.3. Chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, các đơn vị báo chí trong và ngoài Ngành Tư pháp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến Hội nghị.

1.4. Đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được phân công, chủ động báo cáo xin chủ trương và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.

2. Các đơn vị thuộc Bộ:

2.1. Phối hợp Văn phòng Bộ chuẩn bị tài liệu của Hội nghị; chủ động thực hiện các nhiệm vụ tại mục IV.2 của Kế hoạch này.

2.2. Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Hộ tịch, quốc tịch chứng thực, Vụ Pháp luật quốc tế, theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, khẩn trương chuẩn bị các Báo cáo chuyên đề tại mục II.2.1, báo cáo Thứ trưởng phụ trách và gửi về Văn phòng Bộ trước ngày 18/12/2019.

2.3. Cục Công nghệ thông tin có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị liên quan đảm bảo về kỹ thuật phục vụ Hội nghị trực tuyến tại các điểm cầu.

2.4. Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo các Cục Thi hành án dân sự phối hợp Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị về công tác tổ chức Hội nghị tại điểm cầu địa phương mình.

3. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này; chuẩn bị các ý kiến tham luận của đơn vị, các thủ tục và công tác tổ chức Hội nghị tại địa phương; phối hợp với Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị Giấy mời đại biểu tham dự Hội nghị; chuẩn bị Giấy triệu tập đại biểu tham dự Hội nghị tại địa phương; phối hợp Cục Thi hành án dân sự chuẩn bị các điều kiện khác để tổ chức Hội nghị.

4. Tổ chức Pháp chế các Bộ, ngành có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch này; chuẩn bị các ý kiến tham luận của Bộ, Ngành tại Hội nghị.

5. Kinh phí tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ liên quan được thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- P.TTgTTCP Trương Hòa Bình (để báo cáo);
- Văn phòng Quốc hội (để phối hợp);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, thành phố (để phối hợp);
- Các Thứ trưởng Bộ Tư pháp (để chỉ đạo thực hiện);
- Các đơn vị thuộc Bộ; Tổ chức pháp chế các Bộ, Ngành; Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu: VT, VP (TH&KSTTHC).

BỘ TRƯỞNG




Lê Thành Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4817/KH-BTP về tổ chức tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và triển khai công tác năm 2020 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 4817/KH-BTP
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/12/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Lê Thành Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/12/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản