Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/KH-UBND

Kiên Giang, ngày 15 tháng 3 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN QUY ĐỊNH BẮT BUỘC ĐỘI MŨ BẢO HIỂM ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐI MÔ TÔ, XE GẮN MÁY, XE ĐẠP ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG

Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 32-CTr/TU ngày 28 tháng 01 năm 2013 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm (MBH) đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, cụ thể như sau:

I. MC ĐÍCH

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; tạo được sự quan tâm, đồng thuận của toàn xã hội trong việc chấp hành quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đặc biệt là đối tượng trẻ em.

2. Nâng cao trách nhiệm và khả năng phối hợp, hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm.

3. Tăng tỷ lệ người đội mũ bảo hiểm đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với người lớn là 95%, đối với trẻ em là 90% vào năm 2020, góp phần làm giảm tỷ lệ thương tích do tai nạn giao thông gây ra.

II. YÊU CẦU

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến từng cơ quan, tổ chức, từng hộ gia đình các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh (Đảng, chính quyền, đoàn thể), các tổ chức chính trị - xã hội phải gương mẫu, chấp hành và động viên, tuyên truyền cho người thân, con em trong gia đình các quy định về sản xuất, kinh doanh và đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

3. Tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm, đặc biệt các loại mũ kém chất lượng, mũ không phải mũ bảo hiểm.

4. Kiểm soát, xử lý nghiêm người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đội mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; kể cả trẻ em.

III. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Hoạt động tuyên truyền:

a) Nội dung tuyên truyền:

- Đội mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện sẽ bị xử phạt như hành vi không đội MBH; các chế tài và mức xử phạt hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán và sử dụng MBH giả, mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

- Cách nhận biết và phân biệt mũ giả mạo MBH, MBH không đạt tiêu chuẩn chất lượng và mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật như: Mũ giả mạo mũ bảo hiểm là những loại mũ không có tem hợp quy CR, không có nhãn “MBH cho người đi mô tô, xe máy” hoặc không có đủ ba bộ phận như vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong và quai mũ.

- Cảnh báo tác hại và hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh, mua bán và sử dụng mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

- Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội cam kết cá nhân và người thân trong gia đình sử dụng MBH đúng quy chuẩn.

- Mức xử phạt vi phạm hành chính của hành vi đội mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

b) Hình thức tuyên truyền:

- Trên phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài..., thông qua các phóng sự, chuyên mục, tin, bài, hình ảnh,...

- Tuyên truyền trực quan thông qua các áp phích, tờ rơi, tổ chức diễu hành,...

- Tổ chức cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh mua bán MBH ký cam kết chỉ sản xuất, kinh doanh và mua bán MBH đúng quy chuẩn.

- Tổ chức ký cam kết sử dụng MBH đúng quy chuẩn tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội.

- Công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh và mua bán MBH đúng quy chuẩn.

2. Xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mua bán MBH giả, mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

a) Về mặt hàng:

- Các loại mũ có kiểu dáng bên ngoài giống MBH dành cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện nhưng không có dấu hợp quy, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa.

- Các loại mũ giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu MBH đúng quy chuẩn.

- Các loại MBH không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

b) Các vi phạm cần tập trung xử lý:

- Vi phạm về đăng ký, kinh doanh.

- Vi phạm về hóa đơn, chứng từ.

- Vi phạm về chất lượng hàng hóa, nhãn mác hàng hóa, hàng giả và các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,...

- Vi phạm về địa điểm kinh doanh và trật tự an toàn giao thông.

Ngoài xử lý vi phạm hành chính, phải tịch thu, tiêu hủy các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc hàng hóa kém chất lượng,...

3. Xử lý hành vi đội mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

a) Đối tượng xử lý: Người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội MBH hoặc đội MBH không đúng quy cách, đội mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; kể cả trẻ em.

b) Xử lý vi phạm: Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh (Đảng, chính quyền, đoàn thể); các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; UBND các cấp; các trường Đại học, Cao đẳng:

- Tổ chức cam kết đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên và học sinh, sinh viên phải đội MBH đạt chuẩn, đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đồng thời, tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình cùng thực hiện.

- Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch này về Ban An toàn giao thông tỉnh trước ngày 25/6/2018 và 25/12/2018 để tổng hợp vào báo cáo sơ kết và tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

- Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh (Đảng, chính quyền, đoàn thể); Chủ tịch UBND các cấp có văn bản yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị gương mẫu, tự giác thực hiện tốt quy định đội MBH đúng quy chuẩn khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện (không được đội mũ không phải MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện); đồng thời, quy định các hình thức đánh giá, xếp loại hàng năm trong cơ quan, đơn vị.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp với Ban An toàn giao thông các cấp tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

Tăng cường chỉ đạo tuyên truyền các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh bắt buộc đội MBH khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; nhất là trên hệ thống loa truyền thanh địa phương.

3. Báo Kiên Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang:

Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH. Trong đó, phải đưa các nội dung cảnh báo tác hại và hậu quả của việc sản xuất, kinh doanh, mua bán và sử dụng mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; nhất là các phóng sự về hậu quả của việc không đội MHB và đội mũ không phải MBH khi xảy ra tai nạn giao thông.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chỉ đạo các trường học kết hợp các cuộc họp phụ huynh để triển khai nội dung, tài liệu về thực hiện quy định pháp luật về đội MBH cho học sinh khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đồng thời, tổ chức ký cam kết với phụ huynh học sinh thực hiện quy định đội MBH khi đưa con em đến trường bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan tổ chức các buổi nói chuyện, các buổi lễ chào cờ sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa về tác hại của việc không đội MBH và đội mũ không phải MBH khi xảy ra tai nạn giao thông,...

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc học sinh không đội MBH khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; có hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với từng lứa tuổi học sinh khi vi phạm.

5. Sở Y tế:

- Chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế thống kê bệnh nhân do tai nạn giao thông khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội MBH và mũ không phải MBH.

- Phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức các lớp sơ cứu ban đầu cho các tình nguyện viên, người chạy xe ôm trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh.

6. Sở Khoa học và Công nghệ:

Chủ trì, phối hợp Sở Công Thương và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mua bán MBH giả, mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Thông qua công tác kiểm tra các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh mua bán MBH ký cam kết chỉ sản xuất, kinh doanh mua bán MBH đúng quy chuẩn.

7. Công an tỉnh:

- Huy động các lực lượng hỗ trợ lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức ra quân xử lý chuyên đề về hành vi đội mũ không phải MBH, đội MBH không đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

- Thông báo các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về đội MBH đến nơi cư trú, học tập, công tác và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục.

8. Sở Giao thông vận tải:

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh, mua bán vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhất là kinh doanh, mua bán MBH trên vỉa hè, lấn chiếm lòng lề đường,...

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

10. Ban An toàn giao thông tỉnh

- Ngoài phối hợp với các cơ quan báo, đài để tuyên truyền thì in ấn các tài liệu (tờ rơi, áp phích,...) về đội MBH đạt chuẩn; cách nhận biết và phân biệt mũ giả mạo MBH, các quy định xử phạt hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

- Phối hợp với các cơ sở sản xuất và đại lý kinh doanh mua bán MBH tổ chức các điểm bán MBH đúng quy chuẩn; đồng thời, tiếp nhận, tiêu hủy mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

- Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức trao tặng và vận động các tổ chức, cá nhân trao tặng MBH đạt quy chuẩn cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con em gia đình chính sách,...

- Theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Ban An toàn giao thông tỉnh) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm thực hiện hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch đã đề ra./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban ATGTQG;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang;
- TT.TU; TT.HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Ban ATGT tỉnh;
- Báo Kiên Giang;
- Đài Phát Thanh và Truyền hình KG;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh (Đảng, chính quyền, đoàn thể);
- Các tổ chức chính trị - xã hội;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- LĐVP và CVNC;
- Lưu: VT, tthuy.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Mai Văn Huỳnh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 48/KH-UBND năm 2018 về triển khai giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 48/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/03/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Mai Văn Huỳnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản