Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/KH-UBND

Cà Mau, ngày 15 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH CÀ MAU NĂM 2020

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 50-KH/TU ngày 06/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để phát huy kết quả đạt được, tiếp tục xây dựng và phát triển du lịch tỉnh Cà Mau theo định hướng, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Cà Mau năm 2020, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 65/KH-UBND ngày 24/7/2017 của UBND tỉnh thực hiện Kế hoạch số 50-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khai thác và phát huy có hiệu quả giá trị các công trình tại Khu du lịch Mũi Cà Mau. Đồng thời, tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế, có sức cạnh tranh cao so với khu vực, quốc gia, quốc tế theo định hướng.

Phấn đấu năm 2020 thu hút khoảng 1.900.000 lượt khách du lịch (30.000 lượt khách quốc tế), doanh thu 2.600 tỷ đồng; góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

2. Yêu cầu

Triển khai thực hiện từng nội dung bằng giải pháp cụ thể, thiết thực phù hợp với thực tế và định hướng phát triển du lịch, đảm bảo yêu cầu mục tiêu đề ra.

Tập trung nguồn lực xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trên cơ sở tiềm năng, lợi thế; nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách. Xây dựng sản phẩm du lịch Cà Mau qua các loại hình phù hợp như: du lịch địa lý, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với hệ thống rừng ngập nước và du lịch ngư, nông, lâm nghiệp để du lịch Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút với du khách trong và ngoài nước.

Phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề về lao động, việc làm và an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư trong năm 2020

Các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện và hoàn thành một số nhiệm vụ như sau:

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch quốc gia Mũi Cà Mau trong tháng 12/2020. Lập kế hoạch chi tiết để tiếp nhận, quản lý vận hành có hiệu quả các hạng mục đã được đầu tư tại Khu du lịch Mũi Cà Mau đề xuất mời gọi đầu tư các hạng mục dịch vụ du lịch (nhà hàng, lưu trú, nghỉ dưỡng,...) tại Khu du lịch Mũi Cà Mau. Khẩn trương tham mưu ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch.

- Sở Giao thông vận tải: đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng tuyến giao thông Tắc Thủ - Hòn Đá Bạc, hoàn thành trong tháng 10/2020.

- Công an tỉnh: đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Dự án đầu tư điều chỉnh, mở rộng khu di tích Hòn Đá Bạc (giai đoạn 1) hoàn thành vào tháng 10/2020.

- Sở Xây dựng: hoàn thành Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái Đầm Thị Tường, làm cơ sở triển khai kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, trong tháng 12/2020.

- Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Ban Quản lý rừng phòng hộ Kiến Vàng: khẩn trương trình phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững chậm nhất đến tháng 9/2020.

- Vườn Quốc gia U Minh Hạ: khẩn trương lập Quy hoạch chung xây dựng hoàn thành vào tháng 12/2020 và Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh Hạ,... đủ điều kiện thu hút đầu tư xây dựng, phát triển du lịch.

2. Phát triển sản phẩm du lịch

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thí điểm Làng Văn hóa Du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau, gắn phát triển du lịch nông thôn với chương trình “mỗi xã một sản phẩm”.

+ Tập trung phát huy giá trị di tích Khu căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước - Đầm Thị Tường, Đình Tân Hưng gắn với phát triển du lịch (theo Phương án được phê duyệt).

+ Tổ chức các hoạt động gắn với mô hình trải nghiệm phát huy các giá trị di sản, văn hóa như: Câu chuyện kể Bác Ba Phi, nghề gác kèo ong, làm muối ba khía,... tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng.

- Sở Công thương: Phát huy hiệu quả các điểm bán hàng đặc sản hiện có, đồng thời nhân rộng mô hình các điểm bán hàng đặc sản tại các điểm du lịch cộng đồng, điểm dừng chân trên các tuyến du lịch.

- Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau: tạo điều kiện và phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các dịch vụ phục vụ du lịch: Phát huy giá trị các công trình đã được đầu tư, phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ du lịch mới tại Khu du lịch Mũi Cà Mau như: tham quan quanh bãi bồi, trượt bùn, xây dựng nhà dừng chân, mô hình trải nghiệm, xổ vuông,... hoàn thành đưa vào khai thác trong tháng 10/2020.

Xây dựng kế hoạch tiếp nhận Khu du lịch Mũi Cà Mau từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào đầu năm 2021.

- Vườn Quốc gia U Minh hạ: xây dựng kế hoạch phát triển thêm sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch được cả hai mùa (mùa mưa và mùa khô): dịch vụ xem thú đêm bằng xe chuyên dùng; hoạt động đờn ca tài tử; xây dựng trạm dừng chân và tuyến đường bộ xuyên rừng,... hoàn thành tháng 10/2020.

- UBND thành phố Cà Mau: chủ trì phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định, lựa chọn và xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, nông nghiệp công nghệ cao, hoa kiểng,... tổ chức liên kết các điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố (city tour, liên kết các điểm: Khu tưởng niệm Bác Hồ, Chùa Phật Tổ, Chùa Monivongsa, Nhà dây thép, Hồng Anh Thư Quán,...), tạo điều kiện thu hút khách du lịch có thời gian lưu trú dài hơn, thời gian hoàn thành đưa vào khai thác tháng 8/2020.

- UBND huyện Năm Căn: tiếp tục kêu gọi đầu tư, xây dựng và phát triển thêm điểm dừng chân trên tuyến du lịch Cà Mau - Đất Mũi, nhằm phục vụ khách du lịch.

- UBND huyện Ngọc Hiển: chủ động xây dựng các điểm sản xuất kinh doanh sản phẩm đặc sản đặc trưng (mô hình nuôi hàu lồng, nghề làm tôm khô, bánh phồng tôm; ba khía,...), phục vụ khách tham quan du lịch.

+ Sắp xếp dân cư làng nghề xã Đất Mũi, tổ chức tập huấn, hướng dẫn bố trí nhà cửa sạch đẹp, điểm mua bán văn minh, trật tự, thái độ niềm nở, thân thiện.

+ Tổ chức và phát triển thêm từ 05 - 10 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng.

- UBND huyện Trần Văn Thời: sắp xếp dân cư khu vực trước khu du lịch Hòn Đá Bạc và chợ Kinh Hòn tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động mua bán hàng hóa, đặc sản địa phương cho khách du lịch. Chủ trì phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động, hướng dẫn xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, điểm dừng chân... trên tuyến Cà Mau - Hòn Đá Bạc (xã Trần Hợi, xã Khánh Bình Tây Bắc); kêu gọi đầu tư điểm di tích Bác Ba Phi,... tạo điều kiện hỗ trợ tối đa đối với các điểm đã hình thành, đang khai thác.

- UBND huyện U Minh: chủ trì phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ, hướng dẫn phát triển các điểm du lịch cộng đồng gắn với vườn cây ăn trái, nghề đan lát (xã Nguyễn Phích),...; đồng thời, hỗ trợ người dân xây dựng điểm sản xuất sản phẩm lưu niệm; xây dựng điểm trình diễn, trưng bày, kinh doanh hàng lưu niệm, đặc sản địa phương phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách gắn với điểm du lịch.

- UBND huyện Thới Bình: tạo điều kiện hỗ trợ mở rộng, phát triển sản phẩm dịch vụ tại vườn chim ở xã Biển Bạch Đông, hướng dẫn tổ chức cho khách tham quan và khai thác dịch vụ tại vườn chim xã Thới Bình; phát triển các điểm di tích gắn với phát triển du lịch và du lịch cộng đồng.

- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ: khẩn trương đầu tư, chỉnh trang Khu du lịch sinh thái Sông Trẹm, phát triển sản phẩm du lịch, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch và phát huy giá trị công trình giao thông tỉnh đã đầu tư.

3. Giới thiệu, quảng bá xúc tiến và liên kết hợp tác phát triển du lịch

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: chuẩn bị các điều kiện khai trương Cổng thông tin du lịch Cà Mau (ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch), phục vụ công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về du lịch Cà Mau. Đồng thời, tăng cường kết nối hợp tác với các tỉnh, thành, kết nối các điểm đến du lịch, kết nối lữ hành trong nước và quốc tế.

Hướng dẫn các Công ty lữ hành đủ điều kiện tổ chức tour thí điểm khai thác tuyến du lịch xuyên Á (R10), dự kiến vào tháng 10/2020; bên cạnh tăng cường khai thác và phục vụ tốt các thị trường khách du lịch truyền thống.

Phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long xây dựng 02 tuyến du lịch mới; phối hợp xây dựng thương hiệu du lịch chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức quảng bá xúc tiến giới thiệu du lịch tại các sự kiện chung, tăng cường quảng bá du lịch các địa phương trên các trang truyền thông du lịch địa phương; kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác liên kết hợp tác phát triển du lịch của 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long.

- Đài Phát thanh và Truyền hình Cà Mau, Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi, Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau: tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương; chia sẻ, đăng tải thông tin, bài viết, phóng sự về tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch, tuyến du lịch của 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp): tạo điều kiện hỗ trợ truyền thông, quảng bá thông qua báo, đài, ấn phẩm du lịch về điểm đến và sản phẩm du lịch mới, nhằm thu hút khách du lịch. Đồng thời, huy động nguồn lực hỗ trợ tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên, quản lý của các doanh nghiệp du lịch (trong đó tập trung đào tạo, hướng dẫn đội ngũ phục vụ tại các điểm du lịch cộng đồng, phục vụ các quán ăn trên địa bàn xã Đất Mũi).

4. Quản lý nhà nước về du lịch

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư phát triển du lịch trình cấp thẩm quyền ban hành vào kỳ họp giữa năm 2020. Phối hợp các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt các quy định của pháp luật về du lịch.

- Phát huy vai trò của các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh gắn với nhiệm vụ của từng ngành, địa phương; tiếp tục nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, là động lực cho các ngành khác phát triển. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng khu vực Mũi Cà Mau.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán chi ngân sách giao đầu năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.

2. Các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển dịch vụ phục vụ du lịch từ nguồn xã hội hóa.

Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Thường trực Ban Chỉ đạo phát triển du lịch theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch theo kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện có khó khăn vướng mắc kịp thời tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Cà Mau năm 2020 của tỉnh Cà Mau, đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- BCĐ Phát triển du lịch;
- Các đơn vị có liên quan;
- LĐVP UBND tỉnh (VIC);
- VXT13.
- Lưu: VT. Tr 11/4.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 47/KH-UBND về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau năm 2020

  • Số hiệu: 47/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/04/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Trần Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản