Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4657/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 12 tháng 12 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

KIỂM TRA, KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG TRƯỚC, TRONG VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN ĐINH DẬU NĂM 2017 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

a) Tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá đột biến; góp phần phát triển sản xuất, bình ổn thị trường, mở rộng lưu thông hàng hóa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

b) Tăng cường công tác kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm; sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm… Chú ý các mặt hàng như pháo nổ, văn hóa phẩm độc hại, tài liệu có nội dung xấu, đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực, xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, động vật hoang dã và các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

c) Qua kiểm tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước.

2. Yêu cầu:

a) Kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, trong đó chú trọng kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

b) Hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính phải tuân thủ pháp luật về kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính; khi tiến hành kiểm tra phải có căn cứ, bảo đảm khách quan, công bằng, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

c) Không để xảy ra tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong công tác kiểm tra giữa các cơ quan, lực lượng có chức năng kiểm tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân là đối tượng kiểm tra.

d) Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cử cán bộ, công chức tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành phải đáp ứng đúng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị mình nhằm tham mưu công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đúng pháp luật và có hiệu quả.

đ) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật Nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, thông báo ngay cho cơ quan chức năng các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

e) Kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm, làm ngơ hoặc tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA BÀN VÀ THỜI GIAN KIỂM TRA

1. Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực thương mại gồm:

- Kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

- Kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường bao gồm: kinh doanh hàng hoá nhập lậu; sản xuất, kinh doanh hàng hóa cấm kinh doanh và hàng giả; hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

- Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về xúc tiến thương mại, quy định về ghi nhãn hàng hoá, an toàn thực phẩm, quy định về đo lường và chất lượng hàng hóa.

b) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giá:

Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bình ổn giá; chấp hành giá, đăng ký giá, kê khai giá; niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận về giá, tăng giá, giảm giá, định giá bất hợp lý…

c) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm:

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; các quy định về quảng cáo, khuyến mãi, thông tin, giáo dục truyền thông về an toàn thực phẩm; quy định về kiểm nghiệm thực phẩm, phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.

- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.

2. Đối tượng kiểm tra:

Tổ chức, cá nhân trong nước hoặc tổ chức, cá nhân là người nước ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; chú trọng kiểm tra các đối tượng có dấu hiệu vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cấm, các kho chứa hàng, điểm tập kết, nơi cung cấp, phân phối hàng nhập lậu; vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

3. Địa bàn kiểm tra:

Trên phạm vi toàn tỉnh; tập trung kiểm tra các chợ, trung tâm thương mại - dịch vụ, khu du lịch và trong các khu vực dân cư trọng điểm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

4. Thời gian kiểm tra:

Tiến hành kiểm tra từ ngày 15 tháng 12 năm 2016 đến ngày 06 tháng 02 năm 2017.

5. Chế độ kiểm tra: Kiểm tra đột xuất, có trọng tâm, trọng điểm.

III. TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG KIỂM TRA, KIỂM SOÁT

1. Về tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh:

Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, thành phần gồm:

- Trưởng đoàn: Lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường.

- Phó Trưởng đoàn: Lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 7 thuộc Chi cục Quản lý thị trường.

- Các thành viên tham gia là cán bộ, công chức do các Sở, ban, ngành cử gồm: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường, đại diện Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.

- Đoàn kiểm tra liên ngành hoạt động trên phạm vi toàn tỉnh, chủ yếu tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến có quy mô lớn, các chợ, trung tâm thương mại.

2. Về tổ chức các Đoàn kiểm tra liên ngành ở các huyện, thị xã, thành phố:

Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành (do Đội trưởng Đội Quản lý thị trường làm Trưởng đoàn) để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát trên địa bàn theo nội dung Kế hoạch này.

Giao Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính có liên quan trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát.

3. Thời gian, lĩnh vực hoạt động kiểm tra:

Hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 chia làm 02 đợt kiểm tra như sau:

- Đợt 1: Từ ngày 15 tháng 12 năm 2016 đến ngày 26 tháng 01 năm 2017: Kiểm tra hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm; hoạt động phân phối các mặt hàng tiêu thụ mạnh trong dịp Tết như: hạt dưa, bánh, mứt, kẹo, chả giò, nem chua, bánh phở, nước uống, nước mắm đóng chai, bia rượu, nước giải khát, quần áo, vải, hàng điện tử...; hoạt động vận chuyển, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, kiểm tra hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa không đảm bảo quy định về đo lường và chất lượng.

- Đợt 2: Từ ngày 30 tháng 01 năm 2017 đến ngày 06 tháng 02 năm 2017: Tập trung kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và các hành vi kinh doanh trái phép trên các địa bàn trọng điểm, các chợ Tết; kiểm tra giá cả, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, tập trung kiểm tra các khu du lịch: Hàm Tiến - Mũi Né, Đồi Dương - Thương Chánh, Tiến Thành - thành phố Phan Thiết; cáp treo Tà Cú - huyện Hàm Thuận Nam; Bình Thạnh - huyện Tuy Phong; Tân Hải, Cam Bình - thị xã La Gi.

4. Về kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính:

a) Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố thống nhất sử dụng các loại ấn chỉ của Chi cục Quản lý thị trường để phục vụ cho công tác kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

b) Hoạt động kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính của các Đoàn kiểm tra liên ngành phải tuân thủ theo pháp luật về kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính.

c) Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, thực hiện đúng theo thẩm quyền và có sự thống nhất giữa các cơ quan tham gia phối hợp kiểm tra. Những vụ việc vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều cơ quan thì chuyển hồ sơ cho cơ quan thẩm quyền chung xử lý theo quy định. Những vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan Điều tra Công an thụ lý.

IV. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM:

1. Sở Công thương: Trực tiếp chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường chủ trì các Đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017; theo dõi tình hình công tác kiểm tra, kiểm soát của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Khoa học và Công nghệ: Cử cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành, chuẩn bị các tài liệu và tham mưu Đoàn kiểm tra liên ngành trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

3. Sở Tài chính: Cử cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành, chuẩn bị các tài liệu và tham mưu Đoàn kiểm tra liên ngành trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cử cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành, chuẩn bị các tài liệu và tham mưu Đoàn kiểm tra liên ngành trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Sở Y tế: Cử cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành, chuẩn bị các tài liệu và tham mưu Đoàn kiểm tra liên ngành trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Sở Y tế.

6. Công an tỉnh: Cử cán bộ thuộc lực lượng Cảnh sát kinh tế tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành để phối hợp kiểm tra trong các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Công an tỉnh; kịp thời ngăn chặn các trường hợp chống người thi hành công vụ.

7. Chi cục Quản lý thị trường: Cử cán bộ, kiểm soát viên có năng lực chuyên môn tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành để đảm bảo kiểm tra, kiểm soát, thiết lập hồ sơ vụ việc vi phạm nhanh chóng, đúng pháp luật; chuẩn bị các loại ấn chỉ của Quản lý thị trường và các văn bản pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính phục vụ cho công tác kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường có trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc kiểm tra và xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Chỉ đạo các cơ quan chức năng và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đột biến giá cả hàng hóa, dịch vụ, mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

b) Căn cứ Kế hoạch kiểm tra này, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 trên địa bàn quản lý.

9. Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận, Báo Bình Thuận, các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch và phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung của Kế hoạch này để nhân dân, người tham gia sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng hiểu rõ và thực hiện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Yêu cầu các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo các phòng chuyên môn và Ủy ban nhân các xã, phường, thị trấn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh triển khai thực hiện tốt các yêu cầu, nội dung kiểm tra của Kế hoạch này trên địa bàn.

2. Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường lập dự trù kinh phí hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh thông qua Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Riêng công tác phí của các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh do cơ quan cử cán bộ, công chức tham gia Đoàn kiểm tra chi trả theo chế độ quy định.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xem xét cấp kinh phí hoạt động cho Đoàn kiểm tra liên ngành do địa phương thành lập nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

4. Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn kiểm tra liên ngành của các huyện, thị xã, thành phố thực hiện báo cáo tình hình thị trường, kết quả kiểm tra, xử lý về Sở Công Thương (qua Chi cục Quản lý thị trường) bằng văn bản và thư điện tử (Email: nvth.qltt@sct.binhthuan.gov.vn) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương theo 03 đợt như sau:

- Đợt 1: báo cáo trước ngày 20 tháng 12 năm 2016.

- Đợt 2: báo cáo trước ngày 20 tháng 01 năm 2017.

- Đợt 3: báo cáo trước ngày 01 tháng 02 năm 2017 (sáng mùng 5 Tết).

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này, nếu có khó khăn, vướng mắc yêu cầu các Sở, ngành, địa phương báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công thương) để có ý kiến chỉ đạo giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Báo Bình Thuận, Đài PTTH Bình Thuận;
- Lưu: VT, NC, KT. Thường.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4657/KH-UBND năm 2016 kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 4657/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản