Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/KH-UBND

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, TÍNH CHUYÊN NGHIỆP TRONG TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY, CỨU NẠN, CỨU HỘ CỦA LỰC LƯỢNG CẢNH SÁT PCCC&CNCH THỦ ĐÔ NĂM 2019

Thực hiện Quyết định 2858/QĐ-UBND, ngày 12/6/2018 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2018 - 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án), UBND Thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Đề án trong năm 2019 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, ý thức phục vụ nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH) của cán bộ chiến sỹ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thành phố. Tạo bước chuyển biến tích cực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Tăng cường đầu tư, ứng dụng trang thiết bị, phương tiện khoa học công nghệ tiên tiến phục vụ công tác PCCC&CNCH. Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thành phố theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

2. Yêu cầu

- Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH phải trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức và thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm an toàn PCCC, nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

- Xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thành phố phải đảm bảo theo hướng vững mạnh, chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; cán bộ chiến sỹ từng đơn vị phải có đầy đủ tố chất đáp ứng yêu cầu về công tác, được đào tạo về trình độ chuyên môn, am hiểu lĩnh vực PCCC&CNCH, được ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng thành thạo trang thiết bị kỹ thuật chữa cháy, CNCH.

- Công tác xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thành phố phải đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, Thành ủy, UBND Thành phố về kiện toàn tổ chức bộ máy trong Công an nhân dân. Tăng cường chấn chỉnh tư thế, lễ tiết, tác phong, tinh thần dũng cảm, vì nhân dân phục vụ.

- Phát triển mạng lưới các đơn vị CC&CNCH theo quy hoạch phát triển Thủ đô phù hợp với quy chuẩn và thực tiễn. Đảm bảo cự ly, bán kính cho lực lượng, phương tiện CC&CNCH tiếp cận hiện trường nhanh nhất, phát huy hiệu quả CC&CNCH tốt nhất.

II. CÁC CHỈ TIÊU ĐỀ RA TRONG NĂM 2019

1. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ

Mục tiêu trong năm 2019 trình độ đào tạo đạt:

- Trình độ đào tạo cao đẳng, đại học đạt 55% trở lên; trình độ trung cấp trở xuống khoảng 45%.

- Tỷ lệ cán bộ được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ PCCC&CNCH đạt 65% trở lên biên chế của đơn vị.

- Tỷ lệ cán bộ có trình độ cao cấp lý luận chính trị đạt 8%.

- Tỷ lệ cán bộ có trình độ trung cấp lý luận chính trị đạt 35%.

- Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ trong diện quy hoạch lãnh đạo, chỉ huy nhằm hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn chức danh phục vụ công tác bổ nhiệm cán bộ khi có yêu cầu, cụ thể: Tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, chỉ huy các cấp đạt 80%; Tỷ lệ đào tạo, bồi dưỡng quy hoạch chức danh lãnh đạo, chỉ huy các cấp đạt 50%.

2. Bổ sung nguồn nhân lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH

- Tiếp tục đề nghị Bộ Công an bổ sung nhân lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thành phố, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công 2017 - 2020 đã được Hội đồng nhân Thành phố thông qua danh mục đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu cấp thiết về doanh trại, phương tiện, trang thiết bị (Theo Quyết định số 812/QĐ-UBND, ngày 17/02/2016 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt dự án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH của thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”).

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức chính trị, vai trò, trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH

- Tổ chức các lớp nhằm giáo dục, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để mỗi CBCS có bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu ngành, yêu nghề, tự hào về truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô, nhận thức rõ nhiệm vụ PCCC&CNCH hiện nay có ý nghĩa hết sức quan trọng và đang ngày càng được xã hội quan tâm, tôn vinh, coi trọng; có năng lực, trình độ đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác quản lý cán bộ, chiến sỹ, chủ động, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm và các dấu hiệu tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.

- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ trực tiếp làm công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bố trí quỹ đất của Thành phố để xây dựng nhà ở xã hội, ưu tiên cho CBCS của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên, khích lệ, đề cao tấm gương dũng cảm, vì nước quên thân, vì dân phục vụ trong chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

- Tiếp tục tuyên truyền hình ảnh “Người chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô cách mạng, chính quy, chuyên nghiệp, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ” gắn với nhân rộng các điển hình tiên tiến có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

2. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH năm 2019 để làm cơ sở ổn định, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm.

- Phối hợp trường Đại học PCCC - Bộ Công an đào tạo trình độ Đại học chiếm tỷ lệ từ 3- 5% biên chế, Trung cấp chiếm tỷ lệ 3% biên chế.

- Công tác tự đào tạo, huấn luyện: Mở 01-02 lớp bồi dưỡng công tác điều hành, lãnh đạo, chỉ huy CC&CNCH; 01-02 lớp chuyên sâu CNCH; 02 - 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra an toàn PCCC; 01-02 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4.

- Tiếp tục tạo điều kiện cho cán bộ đi học tập, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong và ngoài nước.

3. Nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, chiến sỹ làm công tác PCCC&CNCH

- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, khả năng điều hành cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy. Duy trì công tác đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, chỉ huy, điều hành công tác CC&CNCH để hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt công tác.

- Nâng cao kỹ, chiến thuật, chú trọng rèn luyện thể lực, thể chất; bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, kỹ thuật và kinh nghiệm trong PCCC&CNCH. Xây dựng các phương án CC&CNCH sát với thực tế, chú trọng đặt ra các tình huống phức tạp khi cháy, nổ xảy ra; Tổ chức cho cán bộ chiến sỹ học tập phương án và thực tập phương án theo quy định.

- Hoàn thiện cơ chế, quy chế huy động và sử dụng lực lượng, đảm bảo phát huy hiệu quả cao nhất, tránh chồng chéo, cản trở, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong CC&CNCH, đặc biệt đối với các đám cháy lớn, phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia.

- Năm 2019, tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ kiểm tra an toàn PCCC 01 đợt, cán bộ CC&CNCH 02 đợt.

4. Đầu tư trang thiết bị, phương tiện PCCC&CNCH

- Tổ chức thực hiện giai đoạn 1 của Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng PCCC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030: giai đoạn 2016 - 2020 về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện, triển khai cụ thể hóa bằng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

- Trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị bảo vệ cá nhân, đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho CBCS khi tham gia CC&CNCH. Huy động các nguồn vốn đầu tư, hiện đại hóa các phương tiện CC&CNCH đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

5. Bố trí sử dụng nhân lực có hiệu quả

- Cơ cấu lại tỷ lệ, bố trí nhân lực giữa các đơn vị CC&CNCH khu vực thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH với các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH tại quận, huyện, thị xã phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị theo hướng tăng cường nguồn lực cho các đơn vị, bộ phận trực tiếp chiến đấu, bám sát địa bàn, cơ sở.

- Tiến hành rà soát, đánh giá việc bố trí sử dụng cán bộ, trên cơ sở đó bố trí, sắp xếp cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, năng lực, sở trường, trình độ đào tạo của cán bộ.

- Kiến nghị Bộ công an có cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn lực cho lực lượng Cảnh sát PCCC.

6. Ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực PCCC&CNCH

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC như: thiết bị cảnh báo cháy nhanh; số hóa các cơ sở nguy hiểm về cháy nổ...

- Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là với các nước có trình độ khoa học - công nghệ tiên tiến về PCCC&CNCH để trao đổi kinh nghiệm, tranh thủ công nghệ hiện đại và nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ chiến sỹ.

- Nghiên cứu, triển khai áp dụng công tác điều hành, chỉ huy CC&CNCH trên Bản đồ số thuộc Trung Tâm chỉ huy - Công an Thành phố; Triển khai Kênh tương tác trực tuyến giữa lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH với người dân để kịp thời hướng dẫn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến lĩnh vực PCCC & CNCH.

IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Công an thành phố Hà Nội

- Chủ trì, tham mưu Thành ủy, UBND Thành phố trong công tác đảm bảo an toàn PCCC, tổ chức CC&CNCH hàng ngày theo quy định. Là cơ quan chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện Kế hoạch này.

- Tiếp tục xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; đổi mới nhận thức, ý thức trách nhiệm, tác phong công tác, chiến đấu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu. Chú trọng công tác đào tạo trình độ nghiệp vụ PCCC&CNCH cho CBCS theo chỉ tiêu đã đề ra. Trang bị, bổ túc kỹ năng thực hành, thực tế cho CBCS trong công tác bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện PCCC.

- Tăng cường công tác nắm và dự báo tình hình, đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, công tác quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH, trọng tâm là: các cơ sở trọng điểm về cháy, nổ, các cơ sở trọng điểm về chính trị - kinh tế - xã hội, các địa bàn làng nghề, địa bàn tập trung đông dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, nhà cao tầng, khu vui chơi, giải trí tập trung đông người...

- Xây dựng, tổ chức diễn tập phương án CC&CNCH để chủ động giải quyết, xử lý hiệu quả các vụ cháy, nổ lớn, phức tạp có thể xảy ra. Phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện hiệp đồng sẵn sàng ứng phó với các tình huống cháy, nổ, sự cố thảm họa, cứu nạn, cứu hộ cần huy động nhiều lực lượng tham gia.

- Chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng, phương tiện cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH xử lý, giải quyết có hiệu quả các vụ cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ nghiêm trọng, thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”.

- Tổng hợp đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện Đề án và Kế hoạch thực hiện hàng năm trên toàn địa bàn Thành phố để báo cáo Bộ Công an, Thành ủy, UBND Thành phố.

2. Bộ Tư lệnh Thủ đô

- Phối hợp với Công an Thành phố thực hiện có hiệu quả Nghị định số 77/2010/NĐ-CP, ngày 12/7/2010 của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng; phối hợp tổ chức diễn tập các phương án CC&CNCH.

- Thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; bảo đảm an toàn tuyệt đối về PC&CC các công trình quốc phòng, vị trí quân sự trên địa bàn Thành phố.

3. Sở Tài chính

Thẩm định, trình UBND Thành phố báo cáo HĐND Thành phố quyết định giao dự toán chi ngân sách cho Công an Thành phố, các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã phục vụ công tác PCCC&CNCH trên địa bàn Thủ đô theo quy định của pháp luật; hướng dẫn đơn vị sử dụng ngân sách đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

4. Sở Quy hoạch - Kiến trúc

- Tập trung công tác quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ công tác PCCC&CNCH như: giao thông, nguồn nước cho chữa cháy, mạng lưới các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH chuyên nghiệp, hệ thống thông tin, quản lý, quy hoạch PCCC,...

- Đề xuất UBND TP quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở xã hội, ưu tiên cho CBCS của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nhà ở.

5. Sở Xây dựng

Chủ trì, theo dõi việc xây dựng, lắp đặt và kiểm tra, rà soát tổ chức duy tu, sửa chữa kịp thời thường xuyên hệ thống trụ nước chữa cháy, các bể chứa, hố thu, bến lấy nước đảm bảo đáp ứng yêu cầu cấp nước chữa cháy theo quy định. Trong năm 2019, hoàn thành việc triển khai thực hiện trên địa bàn các quận nội thành, hướng đến phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp nước chữa cháy theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; 100% các trụ nước, bến lấy nước, hố thu nước phục vụ cho chữa cháy hiện có phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, cân đối, bố trí nguồn vốn để báo cáo Thành phố đầu tư các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện cho Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an Thành phố thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 đã được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư.

7. Sở Giao thông vận tải

- Tổ chức kiểm tra, xử lý, giải tỏa các công trình xây dựng, vật cản không phù hợp, đảm bảo lòng, lề đường phục vụ công tác CC&CNCH trên các tuyến phố, đường nội đô, ngoại đô trên địa bàn Thành phố.

- Duy trì, phối hợp phân luồng giao thông và điều tiết giao thông khi triển khai công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo, đài của Thành phố kịp thời đưa những thông tin về tấm gương dũng cảm của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thủ đô, quần chúng nhân dân trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng chiến đấu với giặc lửa bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

9. Sở Y tế

Phối hợp với Công an TP Hà Nội tổ chức huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng y tế cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH, chú trọng kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân.

Năm 2019, tổ chức tập huấn 02 - 03 lớp cho khoảng 150 cán bộ chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH tham gia.

10. Sở Tư pháp

Phối hợp với Công an TP Hà Nội tổ chức tuyên truyền, phổ biến, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC; theo dõi việc triển khai thực hiện của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

11. Đề nghị Ban Nội chính Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Công an TP Hà Nội, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai tốt các nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân (Cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên...) tích cực tham gia công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn dân cư, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC.

12. Các sở, ngành khác thuộc UBND Thành phố

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với Công an TP Hà Nội, các đơn vị có liên quan triển khai tốt các nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch. Làm tốt công tác đảm bảo an toàn PCCC tại cơ quan, đơn vị.

13. UBND các quận, huyện, thị xã

- Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PC&CC của thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (theo Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 17/02/2016 của UBND Thành phố).

- Phối hợp với Công an Thành phố Hà Nội, các Sở, Ban, Ngành có liên quan bố trí kinh phí cấp cho Công an các quận, huyện, thị xã để cải tạo, xây dựng trụ sở làm việc cho các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH, đảm bảo thuận lợi thực hiện nhiệm vụ PCCC&CNCH và các điều kiện về sinh hoạt, tập luyện cho CBCS.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao:

- Chịu trách nhiệm triển khai kịp thời và hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch này; lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ được phân công vào kế hoạch, đề án, chương trình công tác của Sở, ngành, địa phương.

- Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình; báo cáo kết quả thực hiện 6 tháng (trước 20/6), tổng kết 01 năm (trước 20/12) về UBND Thành phố (qua Công an Thành phố) để tổng hợp.

2. Giao Công an Thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; tổng hợp kết quả triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, báo cáo Thành ủy và UBND Thành phố xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an;
- Đ/c Bí thư Thành ủy Hà Nội;
- Đ/c Chủ tịch UBNDTP;
- Thường trực: Thành ủy, HĐND TP;
- Ban Nội chính Thành ủy;
- Ban Pháp chế HĐND TP;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội;
- Các Đ/c PCT UBND TP;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- UBND quận, huyện, thị xã;
- VPUBTP: CVP, NC, ĐT, TKBT, KT;
- Lưu: VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sửu

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ CÁC SỞ, NGÀNH
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2019)

TT

Nội dung

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Thời gian dự kiến hoàn thành

Ghi chú

1.

Tổ chức lớp an ninh quốc phòng cho đối tượng 4

Công an TP Hà Nội

Bộ Tư lệnh Thủ đô

Quý II, IV/2019

 

2.

Tổ chức lớp Bồi dưỡng điều hành & chỉ huy CC&CNCH

Công an TP Hà Nội

 

Quý II, III/2019

 

3.

Tổ chức lớp Bồi dưỡng chuyên sâu CNCH

Công an TP Hà Nội

 

Quý III/2019

 

4.

Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra an toàn PCCC

Công an TP Hà Nội

 

Quý II, III, IV/2019

 

5.

Lựa chọn cử cán bộ đào tạo chuyên sâu tại nước ngoài thời gian từ 3-6 tháng

Công an TP Hà Nội

 

Quý II/2019

 

6.

Lựa chọn cử cán bộ đi tập huấn học hỏi kinh nghiệm QLNN về PCCC

Công an TP Hà Nội

 

Quý II/2019

 

7.

Tổ chức hội thảo về ứng dụng khoa học công nghệ về PCCC (Phối hợp với chuyên gia của Đức, Pháp)

Công an TP Hà Nội

 

Quý III/2019

 

8.

Xây dựng phần mềm số hóa cơ sở nguy hiểm về cháy nổ giai đoạn 1

Sở Thông tin và truyền thông

Công an TP Hà Nội

Quý IV/2019

 

9.

Xây dựng các tiểu phẩm ngắn, phim ngắn, phóng sự giới thiệu tuyên truyền về hình ảnh chiến sỹ Cảnh sát PCCC

Sở Thông tin và truyền thông

Công an TP Hà Nội, UBND quận, huyện

Quý I, II, III/2019

 

10.

Làm tờ rơi có nội dung là hình ảnh hoạt hình minh họa hướng dẫn cách phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn theo từng chủ đề trong công tác phòng cháy.

Sở Thông tin và truyền thông

Công an TP Hà Nội

Quý II/2019

 

11.

Kịp thời đưa những thông tin về tấm gương dũng cảm của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Thành phố, quần chúng nhân dân trong công tác chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, sẵn sàng chiến đấu với giặc lửa bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Sở Thông tin và truyền thông

Công an TP Hà Nội

Thường xuyên trong năm

 

12.

Tổ chức huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng y tế cho cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát PCCC&CNCH Thành phố, chú trọng kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân. Năm 2019 tổ chức tập huấn được 02-03 lớp (khoảng 150 CBCS).

Sở Y tế

Công an TP Hà Nội

Quý II, III/2019

 

13.

Rà soát thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, như: giao thông, nguồn nước, mạng lưới các đơn vị Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp, hệ thống thông tin, quản lý, quy hoạch PCCC.

Sở Quy hoạch và kiến trúc

 

Quý III/2019

 

14.

Chủ trì, theo dõi việc xây dựng, lắp đặt và kiểm tra, rà soát tổ chức duy tu, sửa chữa kịp thời thường xuyên hệ thống trụ nước chữa cháy, các bể chứa, hố thu, bến lấy nước đảm bảo đáp ứng yêu cầu cấp nước chữa cháy theo quy định. Trong năm 2019 hoàn thành việc triển khai thực hiện trên địa bàn các quận nội thành. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản đáp ứng yêu cầu cấp nước chữa cháy theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định; 100% các trụ nước, bến lấy nước, hố thu nước phục vụ cho chữa cháy hiện có phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu.

Sở Xây dựng

Công an TP Hà Nội

Quý IV/2019

 

15.

Kiểm tra, xử lý, giải tỏa các công trình xây dựng, vật cản không phù hợp trên lòng, lề đường phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên các tuyến phố đường nội đô, ngoại đô trên địa bàn thành phố.

Sở Giao thông vận tải

 

Quý IV/2019

 

16.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân (Cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên...) tích cực tham gia công tác đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn dân cư, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân PCCC.

Ban nội chính

Công an TP Hà Nội, các Sở, Ban, Ngành có liên quan

Quý IV/2019

 

17.

Bố trí đất xây dựng trụ sở làm việc đảm bảo thuận lợi trong việc triển khai nhiệm vụ PCCC&CNCH, và các điều kiện về ăn, ở, tập luyện cho các đơn vị Cảnh sát PCCC&CNCH

UBND quận, huyện, thị xã

Công an TP Hà Nội, các Sở, Ban, Ngành có liên quan

Quý IV/2019

 

18.

Khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, CNCH

UBND TP

Công an TP Hà Nội

Thường xuyên trong năm

 

19.

Sơ kết 6 tháng, tổng kết việc triển khai thực hiện Kế hoạch trong năm 2019.

Công an TP Hà Nội

Các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã

Quý II, IV/2019

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 46/KH-UBND thực hiện Đề án nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Thủ đô năm 2019 do thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 46/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/02/2019
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Sửu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản