Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4592/KH-UBND | Khánh Hòa, ngày 21 tháng 4 năm 2025 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG NĂM 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;
Căn cứ Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy ngày 22/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;
Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy;
Căn cứ Nghị định số 159/2024/NĐ-CP ngày 18/12/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng;
Căn cứ Thông tư 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;
Nhằm chủ động thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (sau đây viết tắt là PCCCR), cụ thể hóa công tác chỉ đạo, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, kịp thời ứng phó các tình huống cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra; trên cơ sở tổng hợp, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Môi trường tại Công văn số 1004/SNNMT-KL ngày 28/3/2025, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:
1. Mục đích:
- Thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh với phương châm “phòng là chính, chữa cháy kịp thời, triệt để và an toàn”; giảm thiểu nguy cơ cháy rừng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
- Tăng cường sự phối hợp, nâng cao trách nhiệm về bảo vệ rừng, PCCCR của các cấp, các ngành và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ rừng, PCCCR; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có.
- Chủ động phát hiện sớm cháy rừng, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động PCCCR; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hoạt động PCCCR.
2. Yêu cầu:
- Xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, trong đó trách nhiệm hàng đầu thuộc về cấp ủy, chính quyền các cấp và chủ rừng; tập trung chỉ đạo thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”; PCCCR phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rùng; Quyết định số 3422/QĐ-BNN-TCLN ngày 28/8/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng rừng thực hiện Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 29/NQ- CP ngày 08/3/2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
- Đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; khẩn trương, kịp thời trước các tình huống khi cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, dụng cụ, trang thiết bị để kịp thời hỗ trợ, xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra trên địa bàn. Lực lượng Kiểm lâm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu chính quyền địa phương các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác PCCCR trên địa bàn quản lý; tăng cường kiểm tra, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCCCR. Các đơn vị chủ rừng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng về công tác bảo vệ rừng và PCCCR theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Khi chữa cháy cần thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ; trong quá trình chữa cháy đám bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: Người, tài sản, công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.
II. NỘI DUNG:
1. Công tác phòng chống cháy rừng:
a) Công tác tuyên truyền:
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCCCR; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR. Nội dung tuyên truyền, giáo dục đúng quy định pháp luật nhưng phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và phù hợp cho từng lứa tuổi, từng đối tượng; chú trọng công tác phối hợp và đổi mới hình thức, chất lượng tuyên truyền, vận động nhằm khuyến khích thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ rừng, PCCCR.
- Xây dựng, sửa chữa các các loại bảng, biển báo, bảng nội quy về BVR, PCCCR nhằm phát huy tốt việc tuyên truyền, cảnh báo cháy rừng; bố trí các biển báo cấm lừa, nội quy về PCCCR tại những nơi dễ xảy ra cháy rừng, dễ nhìn thấy, nhiều người qua lại.
b) Rà soát, khoanh vùng trọng điểm cháy:
- UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động chỉ đạo chính quyền cơ sở, đơn vị chủ rừng và các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn phối hợp với Hạt Kiểm lâm rà soát, bổ sung vùng trọng điểm cháy rừng; rà soát xác định diện tích những khu vực có nguy cơ cháy cao bao gồm cả việc nắm chắc các tuyến đường dẫn đến khu rừng, các nguồn nước gần nhất có khả năng phục vụ công tác chữa cháy; trang bị dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần cần thiết để chủ động tham gia chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra và đề ra các biện pháp PCCCR thích hợp, hiệu quả.
- Việc xác định vùng trọng điểm cháy cần căn cứ vào trạng thái rừng, thảm thực vật dưới tán rừng và một số yếu tố khác như: Địa hình, khí hậu, đất đai, độ tàn che, độ che phủ của lớp thực vật, phân bố của vật liệu cháy trên mặt đất, sự phân bố dân cư và các hoạt động kinh tế, xã hội... Ngoài ra, còn dựa trên kết quả tổng hợp, theo dõi diễn biến cháy rừng hàng năm, từ đó xác định các vùng trọng điểm nguy cơ cao xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý.
c) Kiện toàn lực lượng, bổ sung phương án, xây dựng kế hoạch PCCCR; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong PCCCR:
Căn cứ tình hình thực tế, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện công tác PCCCR trên địa bàn:
- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 (Ban Chỉ đạo) các cấp; các tổ, đội PCCCR tại chỗ. Bổ sung phương án, xây dựng kế hoạch PCCCR năm 2025 phù hợp với đặc điểm, tình hình và nguồn lực của địa phương để phát huy hiệu quả công tác PCCCR.
- Các chủ rừng rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án PCCCR quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, cụ thể:
+ Chủ rừng là tổ chức rà soát, bổ sung, chỉnh lý phương án phòng cháy và chữa cháy rừng đã lập theo Mẫu số 02 Phụ lục III kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.
+ Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư lập và rà soát, bổ sung, chỉnh lý phương án phòng cháy và chữa cháy rừng đã lập theo Mẫu số 01 Phụ lục III kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.
+ UBND cấp xã có rừng rà soát, bổ sung, chỉnh lý phương án phòng cháy và chữa cháy rừng được giao quản lý đối với diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do xã quản lý đã lập theo Mẫu số 03 Phụ lục III kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.
- Cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án PCCCR của chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư và Ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý rừng.
d) Thông tin dự báo cháy rừng:
- Chi cục Kiểm lâm thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy rừng tại Website: http://kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm các điểm cháy rừng, phân công, bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ khi mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên.
- Các đơn vị chủ rừng tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, phát hiện lửa rừng và tổ chức dập tắt kịp thời đám cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lan, cháy lớn; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
e) Công tác tuần tra, kiểm tra:
- Tăng cường tuần tra, canh gác và trực bảo vệ rừng và PCCCR. Khi cấp dự bảo cháy rừng ở cấp IV, cấp V phải bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ; tạm dừng mọi hoạt động sử dụng lửa trong, gần rừng, hoạt động đốt, xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy; kịp thời phát hiện điểm cháy và huy động lực lượng, dụng cụ, phương tiện dập tắt đám cháy không để xảy ra cháy lan trên diện rộng.
- Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 1175/QĐ-UBND ngày 04/5/2021 của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Phương án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025;
2. Công tác chữa cháy rừng:
a) Trách nhiệm báo cháy, chữa cháy và tham gia chữa cháy rừng, chỉ huy chữa cháy rừng:
- Thực hiện phương châm bốn tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”.
- Dập tắt đám cháy khẩn trương, kịp thời và triệt để; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài nguyên rừng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện và tài sản của nhân dân, nhà nước.
- Chỉ đạo, chỉ huy thống nhất; phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham gia chữa cháy rừng.
- Người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho mọi người xung quanh được biết và cho một hoặc các cơ quan sau: Chủ rừng, cơ quan Kiểm lâm hoặc cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất, chính quyền địa phương sở tại, cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nhất.
- Chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm thông báo nhanh, ngay khi phát hiện vụ cháy rừng tới Hạt Kiểm lâm; Hạt Kiểm lâm cập nhật, thông báo nhanh tới Chi cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm cập nhật, báo cáo Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh, Cục Kiểm lâm theo quy định.
- Người có mặt tại nơi xảy ra cháy rừng phải tìm mọi biện pháp để dập lửa và ngăn chặn cháy lan, cháy lớn; người tham gia chữa cháy phải chấp hành mọi mệnh lệnh của người chỉ huy chữa cháy. Trường hợp nguy cơ xảy ra cháy lớn, lan rộng, vượt khả năng của lực lượng tại chỗ thì người chỉ huy chữa cháy báo cáo lên Ban Chỉ đạo để hỗ trợ lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy.
- Chủ rừng và các lực lượng Công an, Kiểm lâm, Quân đội có nhiệm vụ tham gia chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
- Khi chữa cháy rừng, tùy đặc điểm khu vực, tính chất và quy mô đám cháy, người chỉ huy áp dụng biện pháp phù hợp để tổ chức chữa cháy; sau khi đám cháy được dập tắt phải tiến hành kiểm tra lại toàn bộ hiện trường và dập tắt hẳn các tàn lửa để tránh ngọn lửa bùng phát, cháy lại.
- Trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: Người, tài sản, công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ các trang bị bảo hộ, nước uống, thuốc cứu thương. Trường hợp có người bị thương phải được sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
b) Khắc phục hậu quả, xử lý sau cháy rừng:
- Chủ rừng xác định mức độ rừng bị thiệt hại sau khi cháy, thống kê và báo cáo Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan; căn cứ mức độ thiệt hại, chủ rừng xác định và thực hiện các giải pháp phục hồi rừng sau khi cháy.
- Hạt Kiểm lâm tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền mức độ thiệt hại, giải pháp khắc phục hậu quả theo quy định; đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xác định nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng và xử lý theo quy định của pháp luật.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:
1. Nguồn ngân sách nhà nước: Kinh phí hoạt động phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21/3/2017 của Chính phủ về quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Điều 48 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy.
2. Kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng của các đơn vị Chủ rừng do chủ rừng tự đảm bảo.
3. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:
- Thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Lâm nghiệp; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát UBND cấp xã thực hiện tốt trách nhiệm quản lý Nhà nước về lâm nghiệp theo quy định, tổ chức quản lý, bảo vệ diện tích rừng Nhà nước chưa giao, chưa cho thuê.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các quy định về PCCCR; thực hiện có hiệu quả Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08/3/2024 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 9892/CT-BNN-LN ngày 26/12/2024 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2025; Văn bản số 285/BNNMT-LNKL ngày 20/3/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
- Chỉ đạo các ban, ngành, hội, đoàn thể, UBND cấp xã và chủ rừng trên địa bàn tập trung thực hiện có hiệu quả công tác PCCCR, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ rừng, PCCCR, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCCR theo thẩm quyền, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR.
- Chỉ đạo lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác PCCCR; bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý khi có cháy rừng xảy ra.
- Định kỳ ngày 15 hàng tháng tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
2. Các đơn vị chủ rừng:
- Các Ban quản lý rừng, các Công ty lâm nghiệp và các đơn vị lực lượng vũ trang, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư,... được giao, cho thuê rừng thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng về công tác bảo vệ rừng và PCCCR theo quy định tại Luật Lâm nghiệp, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ và các quy định khác có liên quan. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện phương án PCCCR trên lâm phần quản lý; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện, máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCCR.
- Định kỳ ngày 15 hàng tháng tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện và những khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
3. Công an tỉnh:
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, các phòng nghiệp vụ, Công an cấp xã tăng cường phối hợp với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc địa phương, chủ rừng thực hiện nghiêm các biện pháp PCCCR; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chỉ huy chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; phối hợp điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
4. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:
Phối hợp tốt trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR; chỉ đạo đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm, chính quyền địa phương các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra.
5. Sở Tài chính:
Căn cứ dự toán thực hiện Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng do Sở Nông nghiệp và Môi trường lập cùng thời điểm xây dựng dự toán hàng năm để tổng hợp theo khả năng cân đối ngân sách tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.
6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh và Truyền hình Khánh Hòa:
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong thực hiện các quy định PCCCR; thường xuyên thông tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm; nêu gương các tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn.
7. Các sở, ban, ngành:
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCCCR đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR.
8. Sở Nông nghiệp và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm:
+ Tổ chức theo dõi, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng; tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tiếp nhận tổng hợp tình hình, xử lý mọi thông tin về công tác PCCCR; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng trong mọi tình huống.
+ Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm trực thuộc: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Kịp thời kiểm tra, sửa chữa, mua sắm các phương tiện, thiết bị PCCCR bảo đảm về số lượng, chất lượng, đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu PCCCR. Chỉ đạo Công chức Kiểm lâm phụ trách địa bàn tham mưu chính quyền địa phương triển khai xây dựng các kế hoạch, phương án quản lý bảo vệ rừng, PCCCR; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác trên địa bàn bảo vệ diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê do UBND cấp xã quản lý theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 102 Luật Lâm nghiệp. Tổ chức phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy rừng của các chủ rừng trên địa bàn quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm túc phương án phòng cháy, chữa cháy rừng.
+ Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo chảy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: www.kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng; tổ chức ứng trực 24/24 giờ khi mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCCCR đến các cấp theo quy định.
- Phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên tổ chức kiểm tra tình hình thực tế công tác phòng cháy, chữa cháy rừng của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; tổng hợp kết quả triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn tỉnh của các cấp, các ngành, đơn vị liên quan, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25 hàng tháng.
Trên đây là Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị chủ rừng nghiêm túc triển khai thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 630/QĐ-TTg năm 2020 về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 3422/QĐ-BNN-TCLN năm 2020 về Kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng thực hiện Quyết định 630/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Kết luận 61-KL/TW năm 2023 tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Nghị quyết 29/NQ-CP năm 2024 Chương trình hành động thực hiện Kết luận 61-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 9892/CT-BNN-LN năm 2024 tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Kế hoạch 4592/KH-UBND phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2025 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa
- Số hiệu: 4592/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 21/04/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
- Người ký: Lê Hữu Hoàng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra