Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4517/KH-UBND | Bình Thuận, ngày 28 tháng 11 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC LIÊN QUAN ĐẾN LĨNH VỰC THỦY LỢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 27 tháng 11 năm 2023;
Căn cứ Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 54/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước;
Căn cứ Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT ngày 16 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Căn cứ Công văn số 5005/BNN-TL ngày 15 tháng 7 năm 2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến lĩnh vực thủy lợi;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 188/TTr-SNN ngày 11 tháng 11 năm 2024.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
a) Xác định cụ thể các nội dung công việc liên quan đến lĩnh vực thủy lợi quy định tại Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
b) Xác định trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc khai thác, sử dụng, cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng tài nguyên nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Yêu cầu:
a) Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến lĩnh vực thủy lợi quy định tại Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT.
b) Gắn với trách nhiệm, vai trò của cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì trong việc phối hợp các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện.
c) Xác định lộ trình thực hiện cụ thể từng nội dung công việc bảo đảm từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, việc thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến lĩnh vực thủy lợi quy định tại Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
d) Kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có trong quá trình tổ chức thực hiện.
II. NỘI DUNG
1. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan đến lĩnh vực thủy lợi tại Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT
a) Tổ chức Hội nghị quán triệt, phổ biến các quy định liên quan đến lĩnh vực thủy lợi tại Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT tại tỉnh Bình Thuận:
- Cơ quan chủ trì: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Cơ quan phối hợp: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Quý II/2025.
b) Tổ chức tuyên truyền các quy định liên quan đến lĩnh vực thủy lợi tại Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT trên các phương tiện thông tin đại chúng:
- Cơ quan chủ trì: Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận.
- Cơ quan phối hợp: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.
2. Thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến lĩnh vực thủy lợi
Căn cứ Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 53/2024/NĐ-CP, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Hàng năm, đôn đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại cơ quan, đơn vị, địa phương (căn cứ khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước và điểm d khoản 2 Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP).
- Chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn rà soát, xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn do đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng trên địa bàn tỉnh gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt (căn cứ khoản 1 Điều 34 Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT).
- Căn cứ nội dung đề xuất của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn về nhu cầu đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc để giám sát hoạt động khai thác nước mặt, nước dưới đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt khu vực nông thôn, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bố trí kinh phí đầu tư (căn cứ Mục 5 Công văn số 5005/BNN-TL ngày 15/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Đôn đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện việc đăng ký hoặc cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP, Mục 4 Công văn số 5005/BNN-TL ngày 15/7/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường:
Kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn khi có đề nghị của tổ chức, cá nhân đầu tư, quản lý, vận hành công trình khai thác nước (căn cứ khoản 1 Điều 34 Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT).
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát hoạt động khai thác nước mặt, nước dưới đất theo quy định của Luật Đầu tư công.
d) Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi:
- Hàng năm, xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên nước phục vụ thủy lợi cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Nội dung chính của kế hoạch khai thác, sử dụng nước (căn cứ khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước và điểm d khoản 2 Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP), gồm:
+ Hiện trạng nguồn nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi do đơn vị khai thác trên địa bàn tỉnh.
+ Xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh tại đơn vị và nhu cầu khai thác, sử dụng nước cụ thể cho từng công trình, hệ thống công trình thủy lợi theo từng tháng, thời kỳ trong năm phù hợp với trạng thái nguồn nước được công bố.
- Xây dựng Kế hoạch ứng phó với từng trạng thái thiếu hụt của nguồn nước theo kịch bản nguồn nước được công bố, trong đó gồm: Kế hoạch cấp nước dự phòng, ứng phó với trạng thái thiếu hụt của nguồn nước trong các hệ thống, công trình thủy lợi (căn cứ khoản 3 Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP).
- Rà soát, lập, điều chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi theo thời gian thực, công trình, hệ thống công trình thủy lợi bảo đảm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, chống thất thoát, lãng phí nước và bảo đảm lưu thông của dòng chảy trong hệ thống công trình, không gây ứ đọng, ô nhiễm nguồn nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (căn cứ điểm a khoản 2 Điều 44 Luật Tài nguyên nước và khoản 1 Điều 51 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP).
- Thực hiện vận hành đập, hồ chứa thủy lợi tuân thủ nội dung quy định tại khoản 6 Điều 50 Luật Tài nguyên nước.
- Vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ khai thác, sử dụng nước, tích, trữ nước để chủ động lấy nước, trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tối thiểu khi xảy ra thiếu nước (căn cứ điểm a khoản 4 Điều 45 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP).
- Xây dựng kế hoạch, đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát tài nguyên nước tại các hệ thống, công trình thủy lợi có khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bố trí kinh phí đầu tư. Thực hiện lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát và phải hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền số liệu, thực hiện việc quan trắc tự động, liên tục để giám sát trực tuyến các thông số theo quy định của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP trước ngày 01/7/2027 đối với công trình xây dựng trước ngày 01/01/2013 vả hoàn thành trước ngày 31/12/2025 đối với công trình xây dựng từ ngày 01/01/2013 đến trước ngày 01/7/2024. Trong thời gian chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị, kết nối, truyền số liệu để thực hiện việc giám sát trực tuyến thì đề nghị tổ chức, cá nhân có công trình khai thác tài nguyên nước phải thực hiện việc cập nhật số liệu giám sát định kỳ đối với các thông số quy định tại khoản 1 Điều 90 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP (căn cứ điểm b khoản 7 Điều 97 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP).
- Cung cấp thông tin về khai thác, sử dụng nước của công trình do đơn vị quản lý vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia nhằm hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân phối tài nguyên nước (căn cứ khoản 3 Điều 46 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP).
- Lập phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với đập, hồ chứa thủy lợi trên sông, suối (căn cứ điểm a khoản 2 Điều 23 Luật Tài nguyên nước).
- Thực hiện việc đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước phục vụ thủy lợi (căn cứ khoản 1 Điều 52 Luật Tài nguyên nước).
đ) Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn:
- Hàng năm, xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên nước phục vụ hoạt động của các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn cấp cho sinh hoạt. Nội dung chính của kế hoạch khai thác, sử dụng nước (căn cứ khoản 6 Điều 35 Luật Tài nguyên nước và điểm d khoản 2 Điều 43 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP), gồm:
- Hiện trạng nguồn nước trừ trong các hồ, ao, bể chứa nước tại các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn do đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh nước sạch cấp cho sinh hoạt khu vực nông thôn tại đơn vị và nhu cầu khai thác, sử dụng nước cụ thể cho từng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn theo từng tháng, thời kỳ trong năm phù hợp với trạng thái nguồn nước được công bố
+ Kế hoạch ứng phó với từng trạng thái thiếu hụt của nguồn nước theo kịch bản nguồn nước được công bố, kế hoạch cấp nước dự phòng, ứng phó với trạng thái thiếu hụt của nguồn nước.
- Vận hành hiệu quả các công trình khai thác, sử dụng nước, công trình tích, trữ nước cung cấp nguồn nước thô phục vụ hoạt động của các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn để chủ động lấy nước, trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tối thiểu khi xảy ra thiếu nước (căn cứ điểm a khoản 4 Điều 45 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP).
- Cung cấp thông tin về khai thác, sử dụng nước của công trình do đơn vị quản lý vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia nhằm hỗ trợ ra quyết định điều hòa phân phối tài nguyên nước (căn cứ khoản 3 Điều 46 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP).
- Thực hiện việc quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước, chất lượng nước; xây dựng kế hoạch, đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt, nước dưới đất phục vụ hoạt động của các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn do đơn vị quản lý để sản xuất, cung cấp nước sạch cho sinh hoạt ở khu vực nông thôn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bố trí kinh phí đầu tư (căn cứ Mục 2 Chương VI Nghị định số 53/2024/NĐ-CP).
- Thực hiện việc đăng ký, cấp phép khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt ở khu vực nông thôn (căn cứ khoản 1 Điều 52 Luật Tài nguyên nước).
- Rà soát, xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn do đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng trên địa bàn tỉnh gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt (căn cứ khoản 1 Điều 34 Thông tư số 03/2024/TT- BTNMT).
e) Ủy ban nhân dân cấp huyện:
- Hàng năm, phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng kế hoạch khai thác tài nguyên nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt tại khu vực nông thôn trên địa bàn; kế hoạch ứng phó với từng trạng thái thiếu hụt của nguồn nước theo kịch bản nguồn nước được công bố, kế hoạch cấp nước dự phòng tại các hệ thống công trình thủy lợi và các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung khu vực nông thôn do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý; kế hoạch chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi, giảm diện tích gieo trồng phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn nước và diễn biến, dự báo xâm nhập mặn ở những khu vực có nguồn nước thường xuyên bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và các đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý khai thác công trình sử dụng nước mặt, nước dưới đất phục vụ sinh hoạt tại địa phương tổ chức vận hành hiệu quả công trình để chủ động lấy nước, trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước tối thiểu khi xảy ra thiếu nước (căn cứ điểm a khoản 4 Điều 45 Nghị định số 53/2024/NĐ-CP).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm thực hiện Kế hoạch này, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch.
3. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét, hướng dẫn./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Kế hoạch 4517/KH-UBND năm 2024 thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước liên quan đến lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- Số hiệu: 4517/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 28/11/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Nguyễn Hồng Hải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra