Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4505/KH-UBND

Kon Tum, ngày 20 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VỀ BẢO TỒN VÀ SỬ DỤNG BỀN VỮNG CÁC VÙNG ĐẤT NGẬP NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Thực hiện Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021 - 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch hành động về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2030 gồm các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

- Điều tra, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn tỉnh; xác lập được các vùng đất ngập nước quan trọng, các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái và xây dựng được cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước quan trọng.

- Lập hồ sơ, báo cáo đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, thẩm định Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng hiện có trên địa bàn tỉnh, vùng bán ngập các lòng hồ thủy điện, thủy lợi khác trên địa bàn tỉnh...

- Mạng lưới các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh được thiết lập và hoạt động có hiệu quả, trong đó chú trọng các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường.

- 70% các vùng đất ngập nước nằm trong Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn tỉnh được kiểm soát có hiệu quả việc chuyến đối mục đích sử dụng đất.

3. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

- Số lượng vùng đất ngập nước đáp ứng tiêu chí vùng đất ngập nước quan trọng đối với địa phương được tổ chức điều tra, đánh giá, quản lý, quan trắc, giám sát theo quy định tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và hướng dẫn của Công ước Ramsar.

- Phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái; tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước.

- Các vùng đất ngập nước quan trọng đối với địa phương được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường.

- Năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được tăng cường.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Thống kê, kiểm kê các vùng đất ngập nước và điều tra, xác lập Danh mục các vùng đất ngập nước quan trọng:

- Điều tra, đánh giá hiện trạng, thống kê, kiểm kê diện tích các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn tỉnh, bao gồm nội dung: hiện trạng tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa, đa dạng sinh học; dịch vụ hệ sinh thái; hiện trạng quản lý; các mối đe dọa đến các vùng đất ngập nước; xác lập các ưu tiên quản lý các vùng đất ngập nước quan trọng đến năm 2030.

- Xác định các vùng đất ngập nước quan trọng dễ bị tổn thương bởi tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, các yếu tố môi trường, biến đổi khí hậu và có chế độ ưu tiên trong việc quản lý, bảo tồn các vùng đất ngập nước này.

2. Thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước:

- Điều tra, xác định các vùng đất ngập nước quan trọng có tiềm năng thành lập khu bảo tồn đất ngập nước và triển khai thành lập mới các khu bảo tồn đất ngập nước trên toàn tỉnh.

- Xây dựng hồ sơ, đề cử vùng đất ngập nước quan trọng tại các địa phương và tổ chức hoạt động mạng lưới các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

- Xây dựng, thực hiện kế hoạch quản lý và kế hoạch tạo nguồn tài chính bền vững cho các khu bảo tồn đất ngập nước.

- Thực hiện đánh giá hiệu quả quản lý các khu bảo tồn đất ngập nước theo hướng dẫn của Công ước Ramsar và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Phục hồi các vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái:

- Điều tra, đánh giá mức độ suy thoái, nguyên nhân và khả năng phục hồi của các vùng đất ngập nước quan trọng có dấu hiệu bị suy thoái trên địa bàn tỉnh, ưu tiên phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái tại các khu bảo tồn đất ngập nước.

- Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát các mối đe dọa, đánh giá mức độ tác động đến các vùng đất ngập nước quan trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước quan trọng dễ bị tổn thương.

4. Xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng:

- Xây dựng và triển khai các mô hình sinh kế bền vững về môi trường, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước quan trọng; tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình đã triển khai và phổ biến rộng rãi.

- Thí điểm các mô hình đồng quản lý, mô hình quản lý có sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng đối với một số vùng đất ngập nước quan trọng.

- Triển khai thực hiện áp dụng cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng nguồn tài nguyên đất ngập nước.

5. Quan trắc, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước:

- Xây dựng và thực hiện chương trình quan trắc, giám sát các vùng đất ngập nước quan trọng; lồng ghép hoạt động theo dõi biến động, quan trắc, giám sát các vùng đất ngập nước trong hệ thống giám sát tài nguyên và môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các vùng đất ngập nước và lồng ghép vào cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học.

- Triển khai kiểm soát, nhằm phòng ngừa và khắc phục các hoạt động có ảnh hưởng đến các vùng đất ngập nước quan trọng, đặc biệt là các vùng đất ngập nước dễ bị tổn thương và các hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng các vùng đất ngập nước theo quy định của pháp luật.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, pho biến, nâng cao nhận thức, tăng cường thực thi pháp luật về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn về quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên phạm vi toàn tỉnh.

- Đa dạng hóa các hình thức, biện pháp tuyên truyền phù hợp với các đối tượng khác nhau; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; nhân rộng các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng các vùng đất ngập nước quan trọng.

2. Tăng cường hiệu quả hoạt động của các tổ chức quản lý về đất ngập nước:

- Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của đội ngũ cán bộ quản lý đa dạng sinh học, đất ngập nước tại các địa phương; thường xuyên cử tham gia đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực, bồi dưỡng cán bộ làm công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đất ngập nước các cấp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Tăng cường nguồn lực cơ quan đầu mối thực hiện quản lý nhà nước, tổ chức bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước tại các sở, ban ngành, địa phương.

3. Đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước:

- Bảo đảm kinh phí cho công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước. Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

- Xây dựng cơ chế đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước thông qua các cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái đất ngập nước, bồi hoàn đa dạng sinh học, cơ chế chia sẻ lợi ích tại các vùng đất ngập nước quan trọng và các cơ chế tài chính khác.

- Huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ quốc tế đầu tư cho các dự án về bảo tồn đất ngập nước, hoạt động về tuyên truyền cho công tác bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái.

- Phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường tại các vùng đất ngập nước.

4. Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu về bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước:

- Xây dựng và thực hiện các chương trình nghiên cứu về tài nguyên, môi trường, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội của các vùng đất ngập nước; Nghiên cứu triển khai các biện pháp khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học các vùng đất ngập nước.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tập trung nghiên cứu ứng dụng phát triển các mô hình du lịch sinh thái, mô hình cộng đồng, doanh nghiệp tham gia quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, mô hình phối hợp quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên và chia sẻ hài hòa lợi ích tại các vùng đất ngập nước quan trọng.

5. Tăng cường hợp tác trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước:

- Thực hiện nghiêm các điều khoản của hướng dẫn của Công ước Ramsar và Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

- Tạo cơ chế thuận lợi đế các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước điều tra, khảo sát, nghiên cứu, đánh giá và đầu tư, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật phục vụ công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.

- Tăng cường các hoạt động hợp tác xuyên biên giới về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, đặc biệt tại lưu vực sông Mê Công.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương); các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Là cơ quan đầu mối, phối hợp với các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

- Định kỳ sau 5 năm sơ kết, tong kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 11 của năm và đột xuất theo yêu cầu của cấp thẩm quyền.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thực hiện các hoạt động đảm bảo duy trì, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng trong các hoạt động về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và phát triển nông thôn.

3. Sở Công Thương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý các hồ chứa thủy điện, đảm bảo duy trì, bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng trong các hoạt động về vùng ngập, bán ngập lòng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính tham mưu, tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn đầu tư công cho các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này theo quy định của pháp luật về đầu tư công, luật ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của địa phương hằng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

5. Các sở, ban ngành thuộc tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lồng ghép các nội dung của Kế hoạch trong việc xây dựng định hướng, kế hoạch thực hiện các lĩnh vực liên quan.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Triển khai các nhiệm vụ về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước theo thẩm quyền: điều tra, đánh giá đối với các vùng đất ngập nước thuộc địa bàn quản lý và đề xuất các vùng đất ngập nước quan trọng trên địa bàn quản lý...

-Tổ chức đánh giá, báo cáo việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn theo quy định; Bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững vùng đất ngập nước trên địa bàn từ nguồn ngân sách địa phương theo quy định.

VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO

Các Sở, ban ngành, địa phương và các đơn vị liên quan định kỳ 05 năm báo cáo kết quả thực hiện gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 11 của năm và đột xuất theo yêu cầu của cấp thẩm quyền.

Trên đây là Kế hoạch hành động về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2030. Trong quá trình thực hiện trường hợp có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Tổng cục Môi trường;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Công ty Thủy điện Ialy; Công ty Phát triển thủy điện Sê San;
- Văn phòng UBND tỉnh: CVP, PCVPKSX;
- Lưu: VT, NNTN.HVT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Sâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4505/KH-UBND năm 2021 hành động về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030

  • Số hiệu: 4505/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/12/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Sâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản