Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 25 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TỈNH BẮC KẠN NĂM 2022

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Căn cứ Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy;

Căn cứ Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

Căn cứ Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 02/02/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Phương án PCCCR tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Công điện số 905/CĐ-TTg ngày 01/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (sau đây viết tắt là PCCCR), cụ thể hóa công tác chỉ đạo, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện hỗ trợ, kịp thời ứng phó các tình huống cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch PCCCR tỉnh Bắc Kạn năm 2022 với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai công tác PCCCR thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng.

- Chủ động, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, được thông báo nhanh chóng, kịp thời đến chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Huy động lực lượng triển khai phương án chữa cháy an toàn, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra.

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đơn vị và chủ rừng đối với công tác PCCCR.

2. Yêu cầu

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017; Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Quyết định số 1492/QĐ-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 02-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Ban Bí thư về tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 02/02/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Phương án PCCCR tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025; Công điện số 905/CĐ-TTg ngày 01/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

- Các chủ rừng có trách nhiệm rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới và thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR trên diện tích rừng được giao quản lý.

- Chỉ đạo, chỉ huy thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Khi chữa cháy rừng cần thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bao gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: Người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.

II. NỘI DUNG PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG

1. Phòng cháy rừng

1.1. Kiện toàn lực lượng, bổ sung phương án, xây dựng kế hoạch PCCCR, Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp trong PCCCR

- Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tỉnh (Ban Chỉ huy cấp tỉnh), Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huyện, thành phố (Ban Chỉ huy cấp huyện); Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự; Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ xã, phường, thị trấn (Ban Chỉ huy cấp xã) và các tổ, đội PCCCR tại chỗ ở các thôn, bản. Bổ sung phương án, xây dựng kế hoạch PCCCR năm 2022 phù hợp với đặc điểm, tình hình, khả năng và nguồn lực của địa phương để phát huy hiệu quả PCCCR.

- Các chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bắc Kạn, Ban Quản lý rừng đặc dụng, đơn vị vũ trang, các tổ chức khác và hộ gia đình, cá nhân được giao rừng, cho thuê rừng thực hiện xây dựng phương án PCCCR quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Trong đó, thực hiện thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy, tổ, đội PCCCR; rà soát xác định diện tích những khu rừng có nguy cơ cháy cao bao gồm cả việc nắm chắc các tuyến đường dẫn đến khu rừng (cả trên bản đồ và thực địa), các phương tiện, trang thiết bị, hậu cần cần thiết để thực hiện hiệu quả PCCCR.

- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch phối hợp số 66/KHPH-PCCC-KL ngày 09/4/2021 giữa Cục Cảnh sát PCCC&CNCH và Cục Kiểm lâm trong công tác PCCCR, Kế hoạch số 263/KHPH-CAT-SNN&PTNT ngày 23/6/2021 trong công tác PCCCR giữa Công an tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm và phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Bắc Kạn); Phương án huy động lực lượng, phương tiện theo cấp độ cháy rừng của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh.

- Các lực lượng: Quân sự, Công an, Kiểm lâm các cấp chủ động thực hiện và tham mưu giúp chính quyền địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; duy trì công tác phối hợp theo các quy chế phối hợp đã ký kết trong công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR.

1.2. Công tác tuyên truyền

- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn phối hợp với Chi cục Kiểm lâm xây dựng các chuyên mục, tin bài thường xuyên đưa tin về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR; nêu gương các tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt công tác PCCCR.

- Các ngành chức năng, chính quyền địa phương chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng tới nhân dân, chủ rừng trên địa bàn tỉnh.

- Các đơn vị Kiểm lâm, UBND xã, phường, thị trấn và cộng đồng thôn bản tổ chức thực hiện sửa chữa các biển tuyên truyền, biển cấp dự báo cháy rừng bị hỏng để thực hiện tốt việc tuyên truyền, thông tin cảnh báo kịp thời về cấp độ cảnh báo cháy rừng.

- Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân.

1.3. Thực hiện các biện pháp lâm sinh phòng cháy rừng

- Chủ rừng trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện các biện pháp làm giảm nguồn vật liệu cháy trên diện tích rừng trồng thuộc phạm vi quản lý, làm đường băng cản lửa ngay từ khi trồng rừng, thường xuyên phát dọn, vệ sinh đường băng đã có, đảm bảo khả năng cản lửa khi xảy ra cháy rừng.

- Lực lượng Kiểm lâm tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện tốt việc xử lý thực bì trồng rừng, vệ sinh rừng sau khai thác, chăm sóc rừng trồng năm 1, 2, 3, giảm vật liệu cháy trong rừng. Kiểm tra, giám sát việc tuần tra, kiểm tra rừng đối với các chủ rừng, cộng đồng dân cư được giao quản lý rừng.

Chủ rừng khi xử lý thực bì trồng rừng phải nghiêm túc thực hiện:

Trước khi đốt: Chủ động, sẵn sàng các biện pháp phòng cháy rừng, đồng thời cần thông báo cho trưởng thôn, bản, tổ đội PCCCR, chính quyền địa phương, cơ quan Kiểm lâm gần nhất biết để chủ động PCCCR.

Tiến hành đốt vào thời điểm thích hợp (không đốt vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V, những ngày gió to, gió tạt) khi đốt bố trí người canh gác, đảm bảo đến khi đám cháy tắt hoàn toàn mới được ra về, tuyệt đối không để cháy lan vào rừng.

1.4. Trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng trước và trong mùa khô hanh

- Ban Chỉ huy các cấp phải tự kiểm tra và thành lập đoàn kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ huy cấp dưới, các cơ quan chức năng, đơn vị chủ rừng triển khai, thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác PCCCR để công tác PCCCR ở địa phương, cơ sở thực hiện đúng quy định theo phương án PCCCR đã xây dựng và phê duyệt.

- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, chủ rừng trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng theo chế độ định kỳ và đột xuất.

- Cơ quan Kiểm lâm, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có trách nhiệm kiểm tra an toàn về PCCCR theo quy định.

1.5. Thông tin dự báo cháy rừng

- Chi cục Kiểm lâm (cơ quan thường trực PCCCR) thực hiện tiếp nhận và thông tin cấp dự báo cháy rừng rộng rãi trên trang web kiemlam.backan.gov.vn; chỉ đạo Hạt Kiểm lâm tham mưu chính quyền địa phương cơ sở thông tin cấp dự báo cháy rừng đến các thôn, tổ, các chủ rừng địa phương.

- Cơ quan Kiểm lâm duy trì phân công, bố trí lực lượng trực PCCCR 24/24 giờ khi dự báo cháy rừng cấp III, IV, V, để tiếp nhận, xử lý thông tin về tình hình cháy rừng.

- Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông các huyện, thành phố và đề nghị các cơ quan Báo đài Trung ương thường trú tại Bắc Kạn phối hợp thực hiện thông tin cảnh báo cháy rừng để chính quyền địa phương, người dân thực hiện tốt công tác PCCCR.

2. Chữa cháy rừng

2.1. Thông tin báo cháy

Người phát hiện cháy rừng phải bằng mọi cách báo cháy ngay cho người xung quanh, chủ rừng, tổ đội phòng cháy và chữa cháy rừng nơi gần nhất, cơ quan Kiểm lâm hoặc cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ nơi gần nhất, chính quyền địa phương sở tại hoặc cơ quan Công an, Quân đội nơi gần nhất.

Chủ rừng, Kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm thông báo nhanh ngay khi phát hiện vụ cháy rừng tới Hạt Kiểm lâm; Hạt Kiểm lâm cập nhật, thông báo nhanh tới Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh cập nhật, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh, Cục Kiểm lâm theo quy định.

2.2. Tổ chức chữa cháy rừng

2.2.1. Trường hợp đám cháy mới phát sinh (cháy nhỏ)

Đám cháy mới phát sinh là đám cháy nhỏ có quy mô dưới 01 ha và không có nguy cơ cháy lan sang các khu vực lân cận; có thể kiểm soát được bởi lực lượng chữa cháy rừng tại chỗ của chủ rừng hoặc của cấp xã.

- Khi phát hiện cháy rừng, chủ rừng phải huy động ngay lực lượng, công cụ để chữa cháy:

Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân thì trưởng thôn, bản nơi xảy ra cháy rừng phải huy động lực lượng, phương tiện cần thiết của thôn, bản để chữa cháy. Đồng thời với việc tổ chức chữa cháy phải báo cáo ngay cho Kiểm lâm địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã để có phương án hỗ trợ kịp thời. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã khẩn trương đến hiện trường đám cháy, trực tiếp chỉ đạo chữa cháy rừng và huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để chữa cháy rừng.

Đối với chủ rừng là tổ chức, khi phát hiện đám cháy, chủ rừng phải khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện thiết bị để chữa cháy rừng; chủ rừng trực tiếp là người chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy rừng. Đồng thời với việc tổ chức chữa cháy phải báo cáo ngay cho Kiểm lâm địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp xã để có phương án hỗ trợ kịp thời.

- Kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm báo cáo ngay cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm diễn biến vụ cháy rừng, tình hình tổ chức cứu chữa, để có phương án hỗ trợ kịp thời và trực tiếp tham gia chữa cháy rừng.

- Trong trường hợp vượt quá khả năng kiểm soát của cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban Chỉ huy cấp huyện (khi báo cáo cần nói rõ địa điểm, đường đi và hướng lan tràn của đám cháy).

2.2.2. Trường hợp đám cháy phát hiện chậm, có nguy cơ lan rộng sang các khu vực xung quanh (đám cháy trung bình).

Đám cháy trung bình là đám cháy có quy mô từ 01 ha đến < 03 ha, nhưng chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp xã chưa kiểm soát, dập tắt được, có nguy cơ cháy lan sang các khu vực lân cận; cần huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng của cấp huyện.

- Sau khi nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện một mặt huy động ngay lực lượng của huyện (Hạt Kiểm lâm; Công an huyện và Quân sự huyện...) khẩn trương tiếp cận hiện trường để chỉ đạo chữa cháy rừng; mặt khác, huy động lực lượng phương tiện trên địa bàn các xã lân cận để tham gia hỗ trợ chữa cháy rừng.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có mặt tại hiện trường là người trực tiếp chỉ đạo chữa cháy rừng. Lực lượng Kiểm lâm hướng dẫn chữa cháy cho các lực lượng tham gia chữa cháy rừng.

- Khi có có nhiều lực lượng tham gia chữa cháy rừng, người chỉ huy chữa cháy của từng lực lượng chịu sự chỉ đạo chung của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; người chỉ huy chữa cháy rừng của từng lực lượng như sau:

Đối với lực lượng Quân đội, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thủ trưởng đơn vị là người chỉ huy chữa cháy rừng.

Đối với lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng là tổ chức, người đứng đầu tổ chức là người chỉ huy hoặc ủy quyền người chỉ huy chữa cháy rừng.

Đối với các lực lượng khác tham gia chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

- Khi triển khai chữa cháy hoặc phân tích, đánh giá vụ cháy xảy ra tại những nơi giao thông khó khăn, địa hình phức tạp và các lực lượng trên địa bàn huyện không tự giải quyết được, vượt quá khả năng kiểm soát của cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy cấp tỉnh để huy động chữa cháy rừng.

2.2.3. Trường hợp đám cháy bùng phát trên quy mô lớn và nguy cơ cháy lan nhanh trên diện rộng (cháy lớn).

Đám cháy lớn là đám cháy có quy mô từ 03 ha đến dưới <15 ha, chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp huyện không kiểm soát, dập tắt được, có nguy cơ cháy lan sang các khu vực lân cận; cần huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng của cấp tỉnh.

Sau khi nhận được báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để chữa cháy rừng; khẩn trương tiếp cận đám cháy để chỉ đạo chữa cháy rừng, cụ thể:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm huy động tối đa lực lượng, phương tiện đến khu vực xảy ra cháy rừng để hướng dẫn các lực lượng và tham gia chữa cháy rừng.

- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Huy động đơn vị quân đội của địa phương, các đơn vị quân đội khác đóng trên địa bàn tỉnh tham gia chữa cháy rừng theo yêu cầu của Ban Chỉ huy cấp tỉnh.

- Công an tỉnh: Điều động lực lượng, phương tiện của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tham gia chữa cháy rừng (bao gồm cả xe chữa cháy ở những nơi có thể tiếp cận được mục tiêu); nhanh chóng triển khai phương án bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường tại các khu vực xảy ra cháy rừng và triển khai các phương án bảo vệ các công trình trọng điểm.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt tại các khu vực xảy ra cháy rừng theo yêu cầu của Ban Chỉ huy cấp tỉnh; quy định chế độ ưu tiên về thông tin, truyền tin, các dịch vụ bưu chính phục vụ chữa cháy rừng đảm bảo nhanh chóng, an toàn, chính xác, thông suốt trong mọi tình huống.

- Sở Y tế: Cơ động các tổ y tế đến các địa bàn xảy ra cháy rừng theo sự phân công của Ban Chỉ huy cấp tỉnh, để sẵn sàng cấp cứu người bị nạn trong quá trình chữa cháy.

- Sở Giao thông Vận tải: Sẵn sàng các xe chuyên chở để chở người và thiết bị khi có yêu cầu. Triển khai ngay lực lượng sửa chữa, khắc phục các đoạn đường bị hư hại, tìm đường vòng vượt (khi cần thiết) bảo đảm thông suốt giao thông để cơ động lực lượng đến khu vực xảy ra cháy rừng; phối hợp với Công an để ứng cứu, giải tỏa ách tắc giao thông.

- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan, tùy theo chức năng của mình cơ động lực lượng tham gia chữa cháy, sẵn sàng chi viện cho các đơn vị khác khi có yêu cầu của Ban Chỉ huy cấp tỉnh.

- Khi có có nhiều lực lượng tham gia chữa cháy rừng, thì người đứng đầu của mỗi lực lượng là người chỉ huy chữa cháy rừng, chịu sự chỉ đạo chung của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; người chỉ huy chữa cháy rừng của từng lực lượng như sau:

Đối với lực lượng Quân đội, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thủ trưởng đơn vị là người chỉ huy chữa cháy rừng.

Đối với lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng là tổ chức, người đứng đầu tổ chức là người chỉ huy hoặc ủy quyền người chỉ huy chữa cháy rừng.

Đối với các lực lượng khác tham gia chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

2.2.4. Trường hợp đám cháy lớn vượt quá khả năng kiểm soát của tỉnh hoặc đám cháy quy mô không lớn nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến người dân, đến an ninh quốc phòng cần hỗ trợ của Trung ương.

Đám cháy có diện tích từ 15 ha trở lên, vượt quá khả năng kiểm soát của tỉnh, hoặc đám cháy quy mô không lớn nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến người dân, đến an ninh quốc phòng, sự an toàn của các công trình quan trọng, các công trình, vật kiến trúc có nguy cơ gây cháy nổ lớn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để huy động chữa cháy rừng.

3. Phương pháp chữa cháy rừng

Thực hiện theo quy định tại Mục 5 phần II của Phương án PCCCR tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 (Kèm theo Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 02/02/2021 của UBND tỉnh Bắc Kạn)

(Kèm theo Phụ lục Tình huống cháy rừng giả định)

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn ngân sách theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP và Điều 52 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

2. Chính sách đầu tư theo quy định tại Điều 87, chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Điều 88 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.

3. Các nguồn ngân sách khác theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công thực hiện nhiệm vụ

1.1. Ban Chỉ huy cấp tỉnh

- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra định kỳ, đột xuất các địa phương, các cơ quan quản lý về lâm nghiệp và các chủ rừng trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch, Phương án PCCCR trên địa bàn toàn tỉnh.

- Cập nhật và thông tin kịp thời về cấp dự báo cháy rừng cho các địa phương và chủ rừng biết để sẵn sàng có phương án chữa cháy rừng kịp thời.

- Huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để kịp thời ứng cứu khi xảy ra cháy rừng lớn trên diện rộng vượt quá tầm kiểm soát của cơ sở. Chỉ đạo thực hiện khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra.

- Chỉ đạo Công an tỉnh giao Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh xây dựng Kế hoạch tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất tại các địa phương (cấp huyện, xã), đơn vị và chủ rừng lớn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCCR trên địa bàn quản lý đối với các chủ rừng là tổ chức.

- Thực hiện các nội dung, nhiệm vụ liên quan tại Dự án nâng cao năng lực PCCCR tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025.

Mọi thông tin, báo cáo về công tác bảo vệ rừng & PCCCR cấp tỉnh báo cáo về: Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn (qua cơ quan thường trực Chi cục Kiểm lâm), Tổ 4, Phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn, Số điện thoại: 02093.870.995; Di động: 0943 121 789; 0915 600 138.

1.2. Ban Chỉ huy cấp huyện

- Thực hiện các quy định của pháp luật về PCCCR và sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy cấp tỉnh; chủ động rà soát xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao trên địa bàn quản lý để xây dựng Kế hoạch, Phương án PCCCR phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy cấp huyện.

- Hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các xã và các chủ rừng xây dựng, thực hiện Kế hoạch, Phương án PCCCR.

- Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, tỉnh và ngành về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho mọi người dân trên địa bàn biết để thực hiện.

- Huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để dập tắt, chữa cháy kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Nếu đám cháy lớn trên diện rộng, vượt tầm kiểm soát của địa phương phải lập tức báo cáo về Ban Chỉ huy cấp tỉnh và đề nghị chi viện thêm về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để nhanh chóng dập tắt đám cháy. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức khắc phục hậu quả do cháy rừng gây ra.

- Chỉ đạo các lực lượng tiến hành điều tra, xác minh các đối tượng gây ra cháy rừng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

1.3. Ban Chỉ huy cấp xã

- Thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức xây dựng Kế hoạch, Phương án PCCCR của địa phương theo quy định. Phân công nhiệm vụ các thành viên trong Ban Chỉ huy phụ trách đến từng địa bàn thôn, bản cụ thể.

- Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác PCCCR tại địa phương; xử lý các hành vi vi phạm quy định về công tác PCCCR theo thẩm quyền.

- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác QLBVR, hướng dẫn kiến thức cơ bản về PCCCR cho nhân dân; xây dựng phong trào quần chúng trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

- Thành lập các tổ, đội PCCCR tại các thôn, bản; huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết để chữa kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Nếu đám cháy trên diện rộng vượt tầm kiểm soát của địa phương thì báo cáo Ban Chỉ huy cấp huyện và đề nghị chi viện thêm về lực lượng, phương tiện để dập tắt đám cháy.

- Chỉ đạo và phối hợp với các lực lượng tiến hành điều tra, xác minh các đối tượng gây ra cháy rừng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Giải quyết, đề xuất, kiến nghị kịp thời các chế độ cho những người tự nguyện hoặc được huy động tham gia chữa cháy theo đúng quy định hiện hành; giải quyết và khắc phục hậu quả vụ cháy gây ra trong thời gian sớm nhất.

1.4. Chủ rừng

1.4.1. Chủ rừng là tổ chức

- Xây dựng, ban hành các quy định, nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy, xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi rừng thuộc quyền quản lý; tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật;

- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức phòng cháy và chữa cháy rừng; huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy rừng; thành lập, quản lý và duy trì hoạt động của tổ, đội phòng cháy và chữa cháy rừng;

- Kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định, nội quy về phòng cháy và chữa cháy rừng và tổ chức khắc phục kịp thời các thiếu sót, vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo thẩm quyền;

- Đầu tư xây dựng công trình, trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng; Bảo đảm kinh phí đầu tư cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định hiện hành của Nhà nước;

- Báo cáo định kỳ và đột xuất về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng, thông báo kịp thời cho cơ quan Kiểm lâm sở tại, cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ và cơ quan quản lý trực tiếp những thay đổi có liên quan đến bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc phạm vi quản lý;

- Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;

- Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tìm thủ phạm gây cháy rừng.

1.4.2. Chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư

- Tổ chức thực hiện các quy định, nội quy, điều kiện an toàn, biện pháp về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của pháp luật;

- Xây dựng và thực hiện nghiêm túc phương án PCCCR trên diện tích rừng quản lý; chủ động đầu tư trang bị phương tiện, dụng cụ phòng cháy và chữa cháy rừng.

- Phối hợp với các chủ rừng khác, chính quyền sở tại, cơ quan, tổ chức xung quanh trong việc bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng; không gây nguy hiểm cháy đối với các khu rừng, cơ quan, tổ chức và hộ gia đình lân cận;

- Thực hiện các hoạt động phòng cháy và chữa cháy khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng điều tra, truy tim thủ phạm gây cháy rừng.

2. Thời gian thực hiện

- Kế hoạch PCCCR này được thực hiện từ ngày ký ban hành đến hết ngày 31/12/2022, yêu cầu các lực lượng từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thôn, bản và các chủ rừng phải duy trì công tác PCCCR, tổ chức lực lượng kiểm tra nhằm phát hiện sớm các điểm cháy, huy động lực lượng tổ chức chữa cháy kịp thời.

- Tổng kết công tác PCCCR năm 2022:

Đối với cấp huyện, cấp xã: Hoàn thành trước ngày 15/11/2022.

Đối với cấp tỉnh: Hoàn thành trong tháng 12/2022.

3. Khen thưởng, kỷ luật

Trong quá trình tổ chức thực hiện, những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác PCCCR sẽ được xem xét khen thưởng kịp thời theo quy định.

Thực hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về PCCCR; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu cơ quan, đơn vị và chủ rừng trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình không có biện pháp bảo vệ rừng, PCCCR và khi có cháy rừng xảy ra không tổ chức chữa cháy kịp thời.

Trên đây là Kế hoạch PCCCR tỉnh Bắc Kạn năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ban Chỉ huy cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và các chủ rừng nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
Gửi bản điện tử:
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Chỉ huy PTDS; PCTT&TKCN; PCCC&CN,CH tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành (t/h);
- Chi cục Kiểm lâm tỉnh (t/h);
- UBND các huyện, thành phố (t/h) ;
- CVP, PVP (Ô. Thất);
Gửi bản giấy:
- Ban Chỉ huy PTDS; PCTT&TKCN; PCCC&CN,CH tỉnh;
- Công an tỉnh (t/h);
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (t/h);
- Lưu: VT, HàNN, Bắc.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thị Minh Hoa

 

PHỤ LỤC

TÌNH HUỐNG CHÁY RỪNG GIẢ ĐỊNH
(Kèm theo Kế hoạch số 45/KH-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

1. Giả định tình huống cháy rừng tại khu vực Kéo Chim, thôn Nà Cà 1, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới.

Đám cháy phát sinh do chủ rừng đốt xử lý thực bì sau khai thác rừng trồng tại Lô 4, 14, Khoảnh 1, 5, Tiểu khu 413 thuộc khu vực Kéo Chim, thôn Nà Cà 1, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới.

2. Phương án xử trí

Đám cháy xảy ra lúc 18h chiều (ngày…..) ban đầu là đám cháy nhỏ, nhưng do thời tiết hanh khô, gió lớn cùng với sự chủ quan, không làm băng cản lửa, đốt từ phía dưới chân đồi, nên chủ rừng đã không thể kiểm soát đám cháy, dẫn đến bùng lớn và có nguy cơ cháy lan sang khu vực rừng trồng Keo bên cạnh do vậy chủ rừng hô hào người dân và điện thoại báo ngay đến Trạm Kiểm lâm Sáu Hai để được hỗ trợ chữa cháy rừng (Lúc này có 03 người dân đang canh tác ở khu vực bên cạnh nhanh chóng đến hỗ trợ dập lửa).

Ngay sau khi nhận được tin báo cháy rừng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm địa bàn đã báo cáo đề nghị Chủ tịch UBND xã Cao Kỳ huy động lực lượng tại chỗ gồm người dân ở thôn Nà Cà 1 và lực lượng dân quân, cán bộ xã tham gia chữa cháy rừng. Đồng thời Trạm trưởng trạm Kiểm lâm địa bàn huy động toàn bộ Kiểm lâm của Trạm di chuyển ngay đến khu vực xảy ra cháy rừng kịp thời ứng phó và báo cáo bằng điện thoại đến Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới nắm tình hình để sẵn sàng ứng cứu khi đám cháy vượt khả năng chữa cháy của xã.

Tuy nhiên, do thời tiết khô hanh, vật liệu cháy tập trung nhiều, ngọn lửa bốc cao, đám cháy tiếp tục phát triển mạnh lực lượng chữa cháy tại hiện trường lúc này không có khả năng kiểm soát đám cháy, nhận định tình hình Trạm trưởng trạm Kiểm lâm địa bàn báo cáo bằng điện thoại ngay về Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới để đề nghị tăng cường lực lượng ứng cứu.

Ngay sau khi được báo cáo đề nghị ứng cứu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới đã báo cáo, đề nghị Chủ tịch UBND huyện huy động 02 trung đội Dân quân tự vệ của huyện ứng phó với cháy rừng tại xã Cao Kỳ. Đồng thời Hạt trưởng huy động toàn bộ lực lượng Kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Chợ Mới tổ chức ứng cứu, tất cả lực lượng được huy động cùng với dụng cụ, trang thiết bị chữa cháy lập tức di chuyển đến khu vực xảy ra vụ cháy để hỗ trợ.

Qua quan sát, nhận định đám cháy có chiều hướng lan nhanh từ dưới lên trên, và lan sang phía trái là rừng trồng Keo 5 tuổi. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm đã chỉ đạo lực lượng ứng cứu của Hạt: 04 đồng chí sử dụng dao phát tạo đường băng cản lửa, 02 đồng chí dùng ba lô đựng nước đeo lưng phụt nước làm ướt đường băng cản lửa và phụt nước dập lửa; 04 đồng chí còn lại dùng cành cây tươi hỗ trợ lực lượng tại chỗ dập lửa trực tiếp. Theo hướng gió và hướng lan của đám cháy, lực lượng của huyện phát cây làm đường băng cản lửa, balo đựng nước đeo lưng phụt nước làm ướt đường băng cản lửa theo chiều vuông góc với hướng lan chính của đám cháy, tận dụng đường lâm nghiệp nhỏ có sẵn để mở rộng làm đường băng cản lửa. Lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động của huyện Chợ Mới khẩn trương chữa cháy rừng theo sự chỉ huy trực tiếp của Ban Chỉ huy cấp huyện. Đồng thời Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm báo cáo nhanh bằng điện thoại về Chi cục Kiểm lâm để nắm tình hình và kịp thời chỉ đạo, ứng cứu. Tuy nhiên sau 30 phút chữa cháy, tốc độ cháy lan vẫn tiếp tục tăng, gió thổi mạnh và đổi chiều phức tạp, đám cháy bắt đầu cháy lan vào rừng, cháy lên tán, các phương pháp chữa cháy trực tiếp, thủ công khó tiếp cận. Nhận thấy tình hình vượt khả năng chữa cháy lúc này, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm đã báo cáo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm xin chi viện.

Ngay sau khi nhận báo cáo của huyện, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm báo cáo nhanh về Ban chỉ huy cấp tỉnh, đồng thời huy động lực lượng là toàn bộ Kiểm lâm của các Hạt Kiểm lâm lân cận khu vực xảy ra đám cháy, huy động 02 đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR để ứng phó với cháy rừng. Tổng lực lượng tiếp viện, ứng cứu là 35 người. Chỉ đạo sử dụng tối đa các máy móc, trang bị hiện có để khống chế đám cháy, ngăn chặn triệt để thảm họa cháy rừng. Các máy móc, trang thiết bị gồm cưa xăng, máy bơm nước cao áp, bình xịt bột chữa cháy, ba lô đựng nước, máy thổi gió, quần áo chịu nhiệt, mặt nạ chống khói có nhiệm vụ làm đường băng cản lửa, chữa cháy trực tiếp và gián tiếp.

Sau khi quan sát, nhận định tình hình đám cháy đang lan rộng, nhiều khói, nguy cơ mất an toàn cao, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo chia lực lượng ứng cứu làm 2 tổ.

Tổ chữa cháy số 1: 20 người gồm 10 người mặc trang phục chịu lửa, mặt nạ chống khói, bình xịt bột, sẵn sàng ứng cứu người bị thương, ngạt khói trong quá trình chữa cháy rừng, 10 người còn lại sử dụng ba lô đựng nước đeo lưng, dập phát, cành cây tươi hỗ trợ lực lượng tại chỗ dập lửa.

Tổ chữa cháy số 2: 15 người sử dụng máy bơm cao áp, cùng xe tắc tơ chở téc nước di chuyển đến điểm cao để phụt nước trực tiếp vào các khu vực cháy lớn; sử dụng cưa xăng, dao phát cán dài, máy thổi gió khẩn trương phối hợp với lực lượng huyện mở rộng đường băng cản lửa, cắt các cây lớn trên đường băng, thổi sạch vật liệu cháy trên đường băng cản lửa.

Tổ 1 - Tổ 2 di chuyển tiếp cận đám cháy, tham gia chữa cháy rừng. Xe chở nước và máy bơm khẩn trương di chuyển lên điểm cao theo đường lâm nghiệp bắt đầu phụt nước mạnh vào các khu vực cháy lớn, cháy tán giúp dập tắt lửa và giảm nhanh tốc độ lan của ngọn lửa; Tổ làm băng cản lửa khẩn trương mở rộng đường băng các cây lớn trên đường băng được cắt đổ, vật liệu cháy được dọn dẹp, thổi sạch các lá khô. Đường băng cản lửa được tưới nước ướt bằng các ba lô đựng nước đeo lưng. Sau khi hoàn thành đường băng cản lửa, lực lượng chữa cháy đã chủ động đốt ngược từ đường băng cản lửa vào trung tâm đám cháy để giảm nhanh vật liệu cháy. Lực lượng dập lửa trực tiếp đang nhanh chóng dập tắt các đám cháy nhỏ, làm chậm tốc độ lan của đám cháy lớn. Tất cả các nhóm khẩn trương tập trung dập tắt toàn bộ lửa.

Đến 22h cùng ngày đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn người Chỉ huy lực lượng chữa cháy yêu cầu toàn bộ các lực lượng tham gia chữa cháy điểm danh quân số, kiểm tra máy móc, phương tiện, thiết bị, dụng cụ báo cáo quân số, tình trạng máy móc, thiết bị. Giao Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới đánh giá mức độ thiệt hại và điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra cháy rừng, đề xuất biện pháp xử lý theo quy định.

Sau khi kiểm tra toàn bộ quân số lực lượng tham gia chữa cháy không có thương vong, không thiệt hại về phương tiện, trang thiết bị dụng cụ chữa cháy rừng người chỉ huy ra lệnh giải tán lực lượng chữa cháy.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 45/KH-UBND về phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Bắc Kạn năm 2022

  • Số hiệu: 45/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 25/01/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Đỗ Thị Minh Hoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản