Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 4453/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 25 tháng 08 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC CUNG ỨNG HÀNG HÓA CHO NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TẠI CÁC KHU VỰC CÁCH LY, KHU VỰC PHONG TỎA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến mới, phức tạp. Nhằm chủ động đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người dân liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Tổ chức cung ứng hàng hóa cho Nhân dân trong tình hình dịch bệnh, tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, cụ thể như sau:

Phần I

TÌNH HÌNH CUNG ỨNG HÀNG HÓA THIẾT YẾU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

I. DỰ BÁO NHU CẦU VÀ KHẢ NĂNG CUNG ỨNG CỦA TỈNH

TT

Nhóm hàng

ĐVT

Định mức 1 người/ ngày

Dự kiến nhu cầu/ ngày

(tính theo dân số tỉnh)

Khả năng cung ứng của tỉnh/ ngày

GHI CHÚ

1

Gạo

tấn

0,0006

360

395

Gạo đủ cung ứng đến giáp hạt

2

Thịt heo/lợn

kg

0,045

27.000

500.000

Công ty heo CP, Công ty heo CJ

(50 nghìn con heo thịt từ 100-120kg/con)

3

Thịt gia cầm

kg

0,05

30.000

2.700

Nguồn ngoài tỉnh: Từ Lâm Đồng, Đắc Lắk…

4

Trứng

quả

0,5

300.000

20.000

5

Thủy hải sản

kg

0,052

31.200

348.827

Cá, tôm, thủy sản khác (gồm đánh bắt và nuôi trồng)

6

Rau củ

kg

0,32

192.000

76.800

Trong tỉnh khoảng 40%, ngoài tỉnh 60%

7

Mỳ ăn liền

Gói

2

1.200.000

 

Nguồn cung ngoài tỉnh nhập về chủ yếu qua các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi…

8

Dầu ăn

lít

0,03

18.000

 

Ghi chú:

- Định mức 1 người/ngày: theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

- Dự kiến nhu cầu/ngày: tính theo dân số của tỉnh, tương đương 600.000 dân.

- Lúa, thịt gia cầm, trứng, thủy sản: Nguồn Số liệu TK 6 tháng 2021; Báo Cáo của Sở NNPTNT

II. HỆ THỐNG CUNG ỨNG LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

1. Mạng lưới chợ: 102 chợ (01 chợ đầu mối nông sản, 101 chợ truyền thống phục vụ dân sinh)

2. Siêu thị tổng hợp: 02 (Siêu thị Co.opMart và Siêu thị Vinmart)

3. Cửa hàng tiện lợi: 33 (23 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 10 cửa hàng Vinmart )

4. Hệ thống các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp hóa phân bổ khắp các xã, phường, thị trấn.

Tổng số cửa hàng: Khoảng 1.815 cửa hàng

Trong đó:

- Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm: 477 cửa hàng

- Huyện Ninh Hải: 184 cửa hàng

- Huyện Thuận Bắc: 170 cửa hàng

- Huyện Ninh Phước: 247 cửa hàng

- Huyện Thuận Nam: 427 cửa hàng

- Huyện Ninh Sơn: 185 cửa hàng

- Huyện Bác Ái: 125 cửa hàng

5. Các doanh nghiệp phân phối, cung ứng hàng hóa cho các điểm bán, các cửa hàng tạp hóa để bán lẻ.

PHẦN II

TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CUNG ỨNG

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích: Nhằm chủ động đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, đảm bảo nguồn hàng nông sản thiết yếu cung ứng cho người dân liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu: Đáp ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân với giá cả ổn định; đảm bảo an toàn, tránh bị lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong quá trình thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho người dân tại Khu vực phong tỏa, khu vực cách ly hoặc các khu vực không có khả năng tự cung ứng. Ưu tiên phương án tại chỗ: điểm bán tại chỗ, con người tại chỗ.

II. PHƯƠNG ÁN TRIỂN KHAI CHUNG

1. Thông tin thị trường: Các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch bệnh và diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa để kịp thời triển khai thực hiện các biện pháp điều tiết. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo, tham mưu, đề xuất các biện pháp ứng phó với diễn biến của dịch bệnh và các trường hợp khẩn cấp tại địa phương.

2. Công tác thông tin, tuyên truyền:

- Nội dung tuyên truyền: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn về công tác chuẩn bị, đảm bảo hàng hóa phục vụ Nhân dân. Tuyên truyền, kêu gọi người dân không mua gom, tích trữ hàng hóa với số lượng lớn để tránh hiện tượng thiếu hàng cục bộ, lợi dụng tăng giá của một bộ phận tư thương. Tuyên truyền, đề nghị người dân chung tay ứng phó với tình hình dịch bệnh, cung ứng hàng hóa với giá cả bình ổn, tuyệt đối không lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá hàng hóa; tuyên truyền về quy định xử phạt các hành vi vi phạm và các trường hợp vi phạm bị xử lý theo quy định.

- Hình thức tuyên truyền: Loa đài, các phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn và các hình thức phù hợp khác.

3. Khai thác nguồn hàng, thực hiện dự trữ và điều tiết lưu thông hàng hóa:

- Khai thác nguồn hàng: Hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, các đơn vị bán lẻ (các siêu thị, hệ thống cửa hàng tiện lợi, …) trên địa bàn tỉnh thực hiện khai thác tốt nguồn hàng thường xuyên, nguồn hàng tại chỗ, duy trì lượng hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu thị trường, cung ứng hàng hóa với giá cả bình ổn; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố để nắm chắc nguồn cung hàng hóa, đẩy mạnh kết nối đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện dự trữ: Các doanh nghiệp, đơn vị thuộc hệ thống phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu chủ động công tác dự trữ hàng hóa để duy trì hoạt động kinh doanh, cung ứng cho thị trường nội tỉnh. Trong trường hợp cấp thiết, tham mưu triển khai các chính sách hỗ trợ tạm ứng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu.

- Điều tiết lưu thông hàng hóa: Phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa thường xuyên, kịp thời từ các kho hàng đến các điểm bán, các cửa hàng thuộc hệ thống cung ứng của doanh nghiệp, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng tại các điểm bán.

Trường hợp xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ, chỉ đạo các đơn vị phân phối, cung ứng thực hiện điều tiết nguồn hàng trong hệ thống, bù đắp lượng hàng thiếu. Trường hợp không có đủ hàng điều tiết trong hệ thống, báo cáo Sở Công Thương để chỉ đạo các đơn vị phân phối khác hỗ trợ, phối hợp đưa hàng đến khu vực thiếu hàng để cung ứng phục vụ người dân.

Trường hợp xảy ra hiện tường tượng thiếu hàng diện rộng, nguồn cung của tất cả các đơn vị thiếu, không đáp ứng nhu cầu của người dân, triển khai đồng thời các nội dung: (1) Tổ chức điều tiết, bán ra hợp lý, hạn chế số lượng mua hàng của mỗi khách hàng; (2) Tuyên truyền, yêu cầu người tiêu dùng mua hàng đủ tiêu dùng, không gom hàng để nhường cho người khác được mua sắm hàng hóa phục vụ nhu cầu hàng ngày; (3) Đề nghị các nhà cung cấp điều động hàng hóa của các tỉnh khác để tăng cường cho tỉnh; (4) Tiếp tục tăng cường sản xuất đối với hàng hóa sản xuất tại tỉnh để khai thác tối đa nguồn cung tại chỗ; (5) Tăng cường kết nối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; (6) Kiến nghị Bộ Công Thương hỗ trợ công tác điều tiết nguồn hàng từ các tỉnh, thành phố khác cung ứng cho tỉnh.

4. Rà soát, sắp xếp hệ thống cung ứng hàng hóa:

- Rà soát, sắp xếp, hướng dẫn thực hiện đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch để tiếp tục hoạt động mạng lưới chợ dân sinh; các siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, các cửa hàng, cửa hiệu… kinh doanh lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, để nhằm duy trì, đảm bảo kênh phân phối hàng hóa tại chỗ của các địa phương đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

- Trong trường hợp cấp thiết, tổ chức điểm cung ứng hàng hóa tạm thời để tập kết, phân chia, trung chuyển, giao hàng đến các hộ dân.

5. Liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố: Tăng cường liên kết, phối hợp với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh có ký kết Chương trình liên kết, hợp tác với tỉnh Ninh Thuận để kết nối các đơn vị cung ứng mặt hàng mà tỉnh đang thiếu hụt nhằm khai thác thêm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

6. Kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý trường hợp vi phạm theo quy định: Phối hợp với Cục Quản lý thị trường, các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến đối với các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch và mặt hàng thiết yếu. Xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm theo quy định.

III. KẾ HOẠCH CUNG ỨNG HÀNG HÓA CHO KHU VỰC PHONG TỎA/KHU VỰC CÁCH LY.

1. Yêu cầu đặt ra:

- Đáp ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu cho người dân với giá cả ổn định; đồng thời, phải đảm bảo an toàn, tránh bị lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong quá trình thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho người dân.

- Ưu tiên phương án tại chỗ: điểm bán tại chỗ, con người tại chỗ.

- Căn cứ vào tình hình, diễn biến cụ thể của dịch bệnh, điều kiện thực tế của địa phương, vùng, khu vực cách ly, khu vực phong tỏa để lựa chọn Phương án cung ứng hàng hóa đảm bảo phù hợp, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế để lựa chọn Phương án thực hiện phù hợp, hiệu quả nhất.

2. Công tác triển khai:

- Thực hiện thống kê thông tin khu vực bị cách ly, số lượng người, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu để triển khai việc cung ứng hàng hóa đảm bảo phù hợp phục vụ đời sống Nhân dân.

- Thống kê điểm bán, cửa hàng hiện có tại khu vực cách ly, vùng phong tỏa có đủ điều kiện để sử dụng thiết lập điểm cung ứng hàng hóa.

- Trường hợp các cửa hàng tại chỗ không đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch, thực hiện tổ chức điểm cung ứng hàng hóa tạm thời (địa phương rà soát lựa chọn, xác định vị trí phù hợp đảm bảo tiêu chí vị trí trống, rộng rãi, …).

- Thành lập Tổ tự quản để làm nhiệm vụ hỗ trợ người dân nhận đặt hàng, chuyển hàng từ Chốt kiểm soát/Điểm trung chuyển đến các hộ dân.

3. Phương án thực hiện cụ thể:

3.1. Phương án cung ứng hàng hóa cho các cửa hàng, cửa tiệm, cơ sở, điểm bán bên trong khu vực cách ly

- Các cửa hàng, cửa tiệm, cơ sở, điểm bên trong khu vực cách ly được phép hoạt động khi đáp ứng các yêu cầu, điều kiện về phòng chống dịch theo quy định.

- Sở Công Thương phối hợp UBND các huyện, thành phố thông tin danh sách các đơn vị cung ứng phân phối hàng hóa thiết yếu đến các cửa hàng, cửa tiệm, cơ sở, điểm bán trên địa bàn biết, liên hệ kết nối đặt hàng (thông qua hình thức trực tuyến: điện thoại, số zalo…).

- Thời gian đặt hàng: 02 lần/tuần

- Doanh nghiệp phân phối (Đơn vị bán sỉ) tiếp nhận nhu cầu và thực hiện cung ứng.

- Phương thức giao hàng, thu tiền:

- Địa điểm giao hàng: Tại Chốt kiểm soát/Điểm trung chuyển.

- Hình thức thanh toán: Tiền mặt hoặc chuyển khoản. Khuyến khích thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

- Áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong quá trình giao, nhận hàng và thanh toán tiền (tiền phải được khử khuẩn trước khi giao nhận).

3.2. Phương án cung ứng hàng hóa cho người dân trong khu vực phong tỏa, khu vực cách ly.

a) Phương án 1: cung ứng hàng hóa thông qua các đơn vị cung ứng:

Sở Công Thương phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân, cung cấp thông tin: (1) Danh mục hàng hóa thiết yếu và giá bán cụ thể; (2) Phiếu mua hàng.

Trên cơ sở Danh mục hàng hóa thiết yếu và giá bán được cung cấp, người tiêu dùng/hộ dân đăng ký mua hàng bằng Phiếu mua hàng (tên hàng, số lượng cụ thể) và gửi tiền cho Tổ tự quản để được hỗ trợ mua và nhận hàng.

- Thời gian đặt hàng: 02 lần/tuần.

- Phương thức giao hàng: Giao hàng thông qua tổ tự quản

- Hình thức thanh toán: Tiền mặt hoặc chuyển khoản

Áp dụng nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong quá trình giao, nhận hàng và thanh toán tiền (tiền phải được khử khuẩn trước khi nhận và chuyển cho người của cửa hàng, điểm bán).

Cách thức thực hiện: Các địa phương chỉ đạo các khu vực cách ly phong tỏa thành lập các Tổ tự quản, phụ trách việc vận chuyển, phân phối các nhu yếu phẩm và hàng hóa thiết yếu đến với người dân.

Phát phiếu: Các Tổ tự quản tại Khu vực phong tỏa triển khai phát Phiếu mua hàng đến các hộ dân gồm: (1) Danh mục hàng hóa thiết yếu và giá bán cụ thể; (2) Phiếu mua hàng.

Nhận phiếu và tiền mua hàng: Các Tổ tự quản nhận Phiếu mua hàng của người dân trong khu vực 2 lần/tuần

Giao phiếu và tiền mua hàng: Các Tổ tự quản giao Phiếu mua hàng và tiền mua hàng của người dân trong khu vực giao cho đơn vị cung ứng 2 lần/tuần.

Giao, nhận hàng: Đơn vị cung ứng thực hiện giao hàng theo phiếu Mua hàng cho Tổ tự quản theo đúng số lượng Phiếu mua hàng đã được đóng gói, dán thông tin người nhận và số tiền bên ngoài túi hàng và giao hàng đến điểm tập kết vào thời gian từ 8-9 giờ sáng 2 lần/tuần. Tổ tự quản tiếp nhận hàng từ đơn vị cung ứng tại điểm tập kết hàng; thực hiện việc kiểm đếm đơn hàng theo Phiếu mua hàng và chuyển hàng đến cho người dân.

b) Phương án 2: cung ứng hàng hóa thông qua nhóm tình nguyện “đi chợ hộ”:

- Các địa phương chỉ đạo thành lập các nhóm tình nguyện “đi chợ hộ”, lực lượng gồm các tổ chức tình nguyện của địa phương, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội cựu chiến binh, ….

- Các Tổ tự quản trong khu vực cách ly có trách nhiệm tổng hợp phiếu mua hàng của người dân, chuyển đến các nhóm tình nguyện “đi chợ hộ”, các nhóm này sẽ mua hàng theo danh mục của phiếu và giao lại cho Tổ cung ứng để chuyển đến người dân.

Thời gian đặt hàng, phương thức giao hàng và hình thức thanh toán thực hiện theo phương án 1.

* Quy trình thực hiện

Cách thức thực hiện

Phát phiếu: Các Tổ tự quản tại Khu vực phong tỏa triển khai phát Phiếu mua hàng đến các hộ dân gồm: (1) Danh mục hàng hóa thiết yếu và giá bán cụ thể; (2) Phiếu mua hàng.

Nhận phiếu và tiền mua hàng: Các Tổ tự quản nhận Phiếu mua hàng của người dân trong khu vực 2 lần/tuần

Giao phiếu và tiền mua hàng: Các Tổ tự quản giao Phiếu mua hàng và tiền mua hàng của người dân trong khu vực giao cho nhóm “đi chợ hộ” 2 lần/tuần.

Giao, nhận hàng: Nhóm “đi chợ hộ” sẽ mua giúp hàng theo Phiếu mua hàng của người dân, chuyển về tổ tự quản để chuyển đến người dân có đăng ký. Tổ tự quản tiếp nhận hàng từ đơn vị cung ứng tại điểm tập kết hàng; thực hiện việc kiểm đếm đơn hàng theo Phiếu mua hàng và chuyển hàng đến cho người dân.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung tại kế hoạch này.

- Phối hợp với UBND các huyện, thành phố lựa chọn, triển khai Phương án cung ứng hàng hóa cho vùng, khu vực cách ly, phong tỏa đảm bảo phù hợp.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối, các đơn vị bán lẻ trên địa bàn tỉnh thực hiện khai thác tốt nguồn hàng, duy trì lượng hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu thị trường, cung ứng hàng hóa với giá cả bình ổn phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và khu vực bị cách ly y tế nói riêng.

- Tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng để đảm bảo vốn, các điều kiện thuận lợi trong quá trình khai thác nguồn hàng, thực hiện dự trữ hàng hóa.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì thực hiện thống kê, định kỳ cập nhật sản lượng lương thực, các mặt hàng nông sản được sản xuất trên địa bàn tỉnh, phân theo từng địa bàn các huyện, thành phố gửi Sở Công Thương để có phương án chủ động nguồn hàng lương thực thực phẩm tại tỉnh.

- Triển khai phương án ứng phó trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, thủy sản đảm bảo phù hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu nội tỉnh, đảm bảo ổn định nguồn cung ứng tại chỗ để chủ động ứng phó trong mọi tình huống.

3. Sở Giao thông vận tải:

- Chủ trì hướng dẫn thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng chống dịch trong vận chuyển hàng hóa; hướng dẫn thực hiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp cung ứng tại tỉnh đảm bảo thông suốt.

- Triển khai phương án tổ chức giao thông phù hợp, phương án huy động các phương tiện vận chuyển công cộng, phương án trưng dụng các xe chuyên dụng nhằm kịp thời vận chuyển hàng hóa thiết yếu cung ứng tại tỉnh trong trường hợp cấp thiết.

- Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Y tế, và Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố triển khai phương án vận chuyển liên tỉnh phù hợp nhăm đảm bảo nguồn hàng thiết yếu về tỉnh được thuận lợi, an toàn.

4. Sở Y tế:

Chủ trì hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các biện pháp an toàn y tế trong quá trình cung ứng, đưa hàng hóa vào khu vực cách ly y tế, khu phong tỏa.

Rà soát, đánh giá nguy cơ dịch tễ tại các chợ và đề xuất tạm ngừng hoặc khôi phục hoạt động của các chợ đảm bảo công tác chống dịch an toàn và hiệu quả.

Có kế hoạch cụ thể tổ chức xét nghiệm tầm soát; phân bổ ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng cung ứng hàng hóa thiết yếu (doanh nghiệp phân phối; chợ; siêu thị; cửa hàng tiện lợi; cửa hàng, điểm bán lẻ trên địa bàn tỉnh)

5. Sở Tài chính:

- Phối hợp với Sở Công Thương tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng để đảm bảo vốn, các điều kiện thuận lợi trong quá trình khai thác nguồn hàng, thực hiện dự trữ hàng hóa.

- Hướng dẫn thực hiện các thủ tục tạm ứng kinh phí và hoàn trả tạm ứng theo quy định. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo quy định của pháp luật.

6. Sở Thông tin và truyền thông triển khai, chỉ đạo các cơ quan truyền thông và hệ thống phát thanh địa phương thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền về kế hoạch đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân trong tình hình dịch bệnh; khuyến cáo người dân không mua gom, tích trữ hàng hóa, cùng chung tay ứng phó với tình hình dịch bệnh; cung ứng hàng hóa với giá cả bình ổn, tuyệt đối không lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá hàng hóa.

7. Hội Nông dân tỉnh rà soát các hợp tác xã, hộ nông dân có khả năng cung ứng hoặc làm đầu mối thu mua các sản phẩm nông sản của tỉnh, thông tin về Sở Công Thương để kết nối đến các điểm bán, các chợ truyền thống trên địa bàn nhằm chủ động nguồn hàng tại tỉnh. Thời gian hoàn thành trước ngày 15/9/2021, gửi về Sở Công Thương để phục vụ việc hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản bị ùn ứ cho người dân.

8. Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong tình hình, diễn biến của dịch bệnh Covid-19; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là vi phạm về đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá, gây bất ổn thị trường.

9. Ủy ban nhân dân huyện các huyện, thành phố:

- Căn cứ Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch, lựa chọn phương án chi tiết đảm bảo phù hợp và hiệu quả nhất cho từng địa phương.

- Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động tại các cơ sở kinh doanh, các chợ vùng lân cận để khai thác thêm nguồn cung các nhu yếu phẩm hàng ngày, đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời nhu cầu của Nhân dân.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương xác định và chỉ đạo triển khai Phương án cung ứng hàng hóa cho khu vực cách ly y tế/ khu vực phong tỏa thuộc địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo triển khai việc sản xuất trên địa bàn đảm bảo phù hợp nhằm khai thác nguồn cung ứng tại chỗ để chủ động ứng phó trong mọi tình huống.

Yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện trường hợp có khó khăn, vướng mắc các đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như phần IV;
- BCĐ phòng chống dịch Covid-19;
- VPUB: LĐ, CV;
- Lưu: VT, KTTH Nam.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Tấn Cảnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4453/KH-UBND năm 2021 về tổ chức cung ứng hàng hóa cho Nhân dân trong tình hình dịch Covid-19 tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

  • Số hiệu: 4453/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 25/08/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Phan Tấn Cảnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản