Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4436/KH-UBND

Hải Dương, ngày 03 tháng 12 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG VÀ MỞ RỘNG VÙNG SẢN XUẤT AN TOÀN, THEO TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ VÀ QUẢNG BÁ, XÚC TIẾN TIÊU THỤ SẢN PHẨM RAU, TRÁI CÂY NĂM 2021

Hiện nay, sản phẩm rau và trái cây của tỉnh đang có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường lớn với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm rau, trái cây phải đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là việc kiểm soát dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật.

Để sản xuất các sản phẩm rau và trái cây của tỉnh đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế, xuất khẩu sang các thị trường lớn góp phần nâng cao giá trị giá trị sản xuất của mặt hàng này, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Kế hoạch “Xây dựng và mở rộng vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế và quảng bá, xúc tiến tiêu thụ rau, trái cây tỉnh Hải Dương năm 2021”, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất rau, trái cây theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Kết nối và xây dựng các chuỗi liên kết bền vững để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản xuất rau, trái cây của tỉnh.

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm rau, trái cây an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

2. Yêu cầu

- Xây dựng thành công 580ha rau, 520ha trái cây an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất an toàn, theo tiêu chuẩn quốc tế cho người sản xuất, người kinh doanh và cán bộ quản lý; hỗ trợ người sản xuất kịp thời để tổ chức thành công Kế hoạch.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ rau, trái cây kịp thời, hiệu quả; tổ chức kết nối người sản xuất với doanh nghiệp thu mua, bảo quản, chế biến để xuất khẩu và tiêu thụ ở các hệ thống rau, trái cây an toàn trên toàn quốc.

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện, doanh nghiệp và người sản xuất trong triển khai và thực hiện kế hoạch.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Lựa chọn, xây dựng vùng sản xuất rau, trái cây an toàn, theo tiêu chuẩn quốc tế.

a) Yêu cầu đối với vùng trồng trái cây:

- Đối với sản phẩm vải, nhãn: Vùng sản xuất vải, nhãn phải được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng trái cây xuất khẩu.

- Vùng sản xuất tập trung phải có diện tích tối thiểu: 5 ha/vùng.

- Tổng diện tích: 520 ha (gồm: 450ha vải, 52ha nhãn, và 20ha ổi).

- Địa điểm: Tại huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh.

b) Yêu cầu đối với vùng trồng rau các loại:

- Vùng sản xuất có diện tích tối thiểu: 5 ha/vùng.

- Tổng diện tích: 580 ha (gồm: 200-300ha cà rốt, 100-200ha bắp cải, 50-100ha súp lơ và khoảng 100ha rau, dưa các loại).

- Địa điểm: Tại các huyện, thành phố, thị xã.

c) Yêu cầu đối với người sản xuất:

Người sản xuất phải có trình độ sản xuất tốt, tự nguyện đăng ký tham gia kế hoạch và tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do chương trình tổ chức. Chấp hành nghiêm quy định của cơ quan chuyên môn để sản xuất ra sản phẩm an toàn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

2. Đào tạo, tập huấn

a) Đào tạo cán bộ kỹ thuật và cán bộ cơ sở về các nội dung:

- Tiêu chuẩn/quy định của các nước EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc,... về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với rau, trái cây nhập khẩu.

- Quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và các yêu cầu để được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP.

- Danh mục thuốc BVTV/hoạt chất thuốc BVTV và phân bón khuyến cáo sử dụng trong vùng sản xuất. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, trái cây xuất khẩu và các khuyến cáo/yêu cầu trong chỉ đạo vùng rau, trái cây theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Thực trạng kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương; giải pháp quản lý hoạt động buôn bán, kinh doanh, tư vấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón ở các vùng rau, trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế.

b) Tập huấn các hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong vùng sản xuất về các nội dung:

- Tiêu chuẩn/quy định của các nước EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc,... về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, trái cây nhập khẩu.

- Thành phần sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ; các loại thuốc bảo vệ thực vật/hoạt chất thuốc BVTV và phân bón khuyến cáo sử dụng cho các vùng sản xuất để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Các quy định trong hoạt động kinh doanh, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

- Định hướng trong sản xuất nông sản an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

c) Đào tạo nông dân tham gia kế hoạch về các nội dung:

- Tiêu chuẩn/quy định của các nước nhập khẩu (EU, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc,...) về vùng trồng, thuốc bảo vệ thực vật, thu hái, đóng gói, ghi chép nhật ký sản xuất.

- Các quy định, các yêu cầu của sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

- Thành phần và thời điểm phát sinh sâu bệnh hại; biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để đảm bảo an toàn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu; thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật, phân bón phục vụ xuất khẩu; biện pháp kiểm soát thành phần sinh vật hại nằm trong danh mục kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu (nếu có).

3. Quản lý, giám sát vùng trồng rau, trái cây phục vụ xuất khẩu

- Điều tra, dự tính, dự báo và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại bằng các loại thuốc Bảo vệ thực vật có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam và nước nhập khẩu cho phép sử dụng trên trái cây và rau phục vụ xuất khẩu.

- Kiểm tra, giám sát việc duy trì các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số.

- Kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán và tư vấn nông dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của các hộ kinh doanh trong vùng sản xuất rau trái cây theo tiêu chuẩn quốc tế; kiểm tra việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của nông dân tham gia Kế hoạch để đảm bảo nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, thuốc ngoài danh mục khuyến cáo và sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện theo yêu cầu của cơ quan chuyên môn.

- Điều tra, giám sát và hướng dẫn kiểm soát sâu bệnh hại là đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

- Lấy mẫu sản phẩm để phân tích, giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau, trái cây phục vụ xuất khẩu.

- Triển khai ký cam kết với các đại lý, cửa hàng kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật ở các vùng sản xuất rau, trái cây xuất khẩu về việc tư vấn, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

4. Cấp mã số vùng trồng và chứng nhận các vùng trồng đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

- Đăng ký cấp mã số vùng trồng (cho các vùng đăng ký lần đầu) và đăng ký duy trì mã số vùng trồng (cho các vùng đã được cấp mã số những năm trước) theo quy định của Cục bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP cho những diện tích đăng ký sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

5. Truyền thông, quảng bá rau, trái cây sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế tỉnh Hải Dương năm 2021.

- Mời doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp thu mua, chế biến và các chuỗi cửa hàng, siêu thị rau, trái cây an toàn, … đến thăm vùng sản xuất; hội thảo bàn biện pháp hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ rau, trái cây của tỉnh.

- Kết nối vùng sản xuất đủ tiêu chuẩn xuất khẩu với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản; xây dựng và hình thành các chuỗi liên kết bền vững để phát triển sản xuất, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản xuất rau, trái cây của tỉnh.

- Tổ chức lễ công bố thu mua, xuất khẩu rau, trái cây an toàn của tỉnh.

- Cung cấp thông tin cho các cơ quan truyền thông (báo, đài) về hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, trái cây an toàn ngày từ đầu vụ sản xuất để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rau, trái cây an toàn tỉnh Hải Dương.

- Lắp đặt các biển quảng bá (vùng sản xuất vải, nhãn, ổi, rau, .. theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu) tại các vùng sản xuất để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm.

- Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá rau, trái cây an toàn tỉnh Hải Dương do trung ương và các địa phương tổ chức. Giới thiệu tem truy xuất nguồn gốc; giấy chứng nhận mã số vùng trồng (có mã QR code); giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; các chứng nhận thương hiệu (chỉ dẫn địa lý, Cup thương hiệu, …), catalogue, tờ rơi, … trong các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá rau, trái cây an toàn của tỉnh.

III. NỘI DUNG VÀ KINH PHÍ HỖ TRỢ

1. Nội dung, mức hỗ trợ

a) Hỗ trợ vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế

- Hỗ trợ kinh phí cho nông dân mua thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng giai đoạn trước khi thu hoạch để kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Mức hỗ trợ: 5 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn cho cán bộ cơ sở, nông dân tham gia kế hoạch, đại lý, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trong vùng. Mức hỗ trợ: 1,5 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ kinh phí thuê tư vấn, đánh giá, chứng nhận VietGAP cho diện tích lần đầu đăng ký sản xuất theo quy trình VietGAP. Mức hỗ trợ: 5 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ kinh phí thuê tư vấn, đánh giá, cấp giấy chứng nhận GlobalGAP cho diện tích đăng ký sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Mức hỗ trợ: 15 triệu đồng/ha.

- Hỗ trợ kinh phí thuê phân tích, giám định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật 150 mẫu rau, trái cây theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

b) Hỗ trợ thực hiện công tác quảng bá, kết nối tiêu thụ, xuất khẩu rau, trái cây an toàn:

- Hỗ trợ kinh phí tổ chức 20 cuộc gặp gỡ, kết nối doanh nghiệp, bàn biện pháp tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ.

- Hỗ trợ kinh phí phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh viết bài, đưa thông tin, … từ đầu đến cuối vụ sản xuất để giới thiệu, quảng bá sản phẩm rau, trái cây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu tới người tiêu dùng trong và ngoài nước để giúp việc tiêu thụ thuận lợi.

- Hỗ trợ kinh phí tổ chức các hội nghị xúc tiến, kết nối giao thương, lễ hội, lễ công bố,…việc thu hái, xuất khẩu rau, trái cây theo tiêu chuẩn quốc tế.

- Hỗ trợ kinh phí in ấn catalogue, tham gia chào hàng, hội chợ, hội nghị trưng bày, giới thiệu để quảng bá.

- Hỗ trợ kinh phí lắp đặt biển vùng trồng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế tại các vùng sản xuất (khoảng 5ha/vùng/biển)

c) Hỗ trợ công tác triển khai, quản lý và thực hiện kế hoạch:

- Hỗ trợ kinh phí thuê chuyên gia (tư vấn, hướng dẫn xây dựng và triển khai vùng trồng; tư vấn xây dựng quy trình kỹ thuật; tư vấn các tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu; tư vấn về hàng rào kỹ thuật, …).

- Hỗ trợ kinh phí tiếp đón chuyên gia nước ngoài về kiểm tra vùng trồng, giám sát quá trình thu hái và xử lý trái cây, rau trước khi xuất khẩu.

- Hỗ trợ kinh phí quản lý, triển khai, tổng kết, đánh giá, văn phòng phẩm,… để triển khai, thực hiện kế hoạch.

2. Kinh phí thực hiện:

Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí để tổ chức, thực hiện Kế hoạch, trong đó:

- Kinh phí để xây dựng, chỉ đạo và thực hiện 580ha rau và hoạt động quảng bá, xúc tiến tiêu thụ rau năm 2021: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tham mưu thực hiện.

- Kinh phí để xây dựng, chỉ đạo và thực hiện 520 ha cây ăn quả theo tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trái cây năm 2021: Giao UBND huyện Thanh Hà và UBND thành phố Chí Linh đề xuất tham mưu thực hiện.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Là cơ quan thường trực, được giao chủ trì và tổ chức thực hiện kế hoạch trên địa bàn toàn tỉnh:

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng dự toán kinh phí, thực hiện cho 580ha rau theo tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ rau tỉnh Hải Dương, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định.

b) Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật:

- Trực tiếp chỉ đạo, giám sát 580 ha rau theo tiêu chuẩn quốc tế tại các địa phương để phục vụ nội tiêu và xuất khẩu và làm mô hình học tập, nhân ra diện rộng trong các năm tiếp theo.

- Tổ chức mua vật tư thuốc BVTV hỗ trợ 580ha rau thuộc kế hoạch; thuê tư vấn, đánh giá (VietGAP, Global GAP), tiếp đón, thuê khoán chuyên gia, ... cấp phát vật tư hỗ trợ nông dân đảm bảo yêu cầu, kịp thời, hiệu quả.

- Xây dựng và ban hành quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho 1.100ha vải, nhãn, ổi và rau an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế để các địa phương làm căn cứ chỉ đạo nông dân thực hiện.

c) Phối hợp và chịu trách nhiệm hướng dẫn về chuyên môn với UBND huyện Thanh Hà, UBND thành phố Chí Linh triển khai, tổ chức thực hiện 520ha vải, nhãn, ổi theo tiêu chuẩn quốc tế tại các địa phương.

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá rau an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế năm 2021;

e) Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Tham mưu tổng hợp, báo cáo, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện Kế hoạch, làm cơ sở thực hiện các năm tiếp theo.

2. UBND huyện Thanh Hà, UBND thành phố Chí Linh

- Thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện để tổ chức thực hiện Kế hoạch trên địa bàn;

- Xây dựng dự toán kinh phí, thực hiện cho 520 ha vải, nhãn, ổi theo tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ trái cây trình thẩm định, phê duyệt theo quy định. Cân đối, bố trí kinh phí để hỗ trợ thêm cho nông dân tham gia Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cán bộ và nông dân tham gia Kế hoạch.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, quảng bá trái cây an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu năm 2021.

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch trên địa bàn; giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Tham mưu tổng hợp, báo cáo, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện kế hoạch trên địa bàn, làm cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch các năm tiếp theo.

3. Sở Tài chính:

Thẩm định dự toán, bố trí kinh phí, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; hướng dẫn việc sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo quy định.

4. Sở Công thương:

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức Lễ hội vải thiều và nông sản tỉnh Hải Dương năm 2021.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND cấp huyện, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá rau, trái cây.

- Tăng cường kết nối, kêu gọi doanh nghiệp nông nghiệp đến đầu tư, thu mua, chế biến và xuất khẩu rau, trái cây tỉnh Hải Dương.

5. Sở Kế hoạch và đầu tư:

Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến và xuất khẩu rau, trái cây nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung.

6. Sở khoa học và công nghệ:

Nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ để ứng dụng các giải pháp xử lý cho vải ra hoa, đậu quả trong điều kiện thời tiết bất thuận và kỹ thuật sản xuất, thu hái, bảo quản, chế biến rau, trái cây phục vụ xuất khẩu.

7. UBND các huyện, thành phố, thị xã tham gia Kế hoạch

- Quy hoạch, lựa chọn vùng trồng và lựa chọn hộ nông dân tham gia Kế hoạch. Tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt quy trình sản xuất và cam kết đảm bảo chất lượng, an toàn và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Giao Phòng Nông nghiệp và PTNT/Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện làm đầu mối để tổ chức, triển khai, thực hiện kế hoạch trên địa bàn; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch.

- Phân công cán bộ phụ trách đến từng vùng trồng để phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát nông dân thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Cân đối, bố trí kinh phí để hỗ trợ thêm phân bón, thuốc BVTV cho nông dân tham gia Kế hoạch. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai các nội dung hỗ trợ trên địa bàn. Kiểm tra, giám sát và chỉ đạo người sản xuất sử dụng vật tư hỗ trợ hiệu quả

- Chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp trong, ngoài nước và các sở, ngành tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu rau, trái cây an toàn của địa phương. Chủ động mời gọi doanh nghiệp nông nghiệp đến thăm quan vùng sản xuất, bàn biện pháp hợp tác và kết nối tiêu thụ rau, trái cây an toàn trên địa bàn.

8. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ rau, trái cây đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Đăng ký vùng trồng và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau, trái cây theo tiêu chuẩn quốc tế ngay từ đầu vụ để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất. Xây dựng và triển khai kế hoạch thu mua, xuất khẩu rau, trái cây năm 2021.

- Tích cực tham gia các hoạt động kết nối tiêu thụ, quảng bá rau, trái cây an toàn tỉnh Hải Dương tổ chức.

- Tích cực làm việc với các đối tác trong và ngoài nước để hoàn thiện quy trình bảo quản và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trên đây là Kế hoạch “Xây dựng và mở rộng vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế và quảng bá, xúc tiến tiêu thụ rau, trái cây tỉnh Hải Dương năm 2021”, yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung triển khai thực hiện. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để xem xét, chỉ đạo, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Lưu: VT, NNTNMT, Ô Chính (10b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Dương Thái

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4436/KH-UBND năm 2020 về Xây dựng và mở rộng vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế và quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau, trái cây năm 2021 do tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 4436/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 03/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Dương Thái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản