Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4423/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 23 tháng 5 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI SỐ BÁO CHÍ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG

Thực hiện Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 về Phê duyệt chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Chuyển đổi số báo chí nhằm xây dựng các cơ quan báo chí tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước nói chung và của tỉnh Lâm Đồng nói riêng; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

2. Chuyển đổi số báo chí của tỉnh được triển khai toàn diện, kiên quyết, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được, đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ và bám sát Quyết định số 2119/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông về ban hành chiến lược phát triển lĩnh vực báo chí giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 531/QĐ-BTTTT ngày 04/4/2023 ban hành Kế hoạch hành động năm 2023 triển khai chiến lược phát triển lĩnh vực báo chí giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 2119/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2021; Kế hoạch số 5731/KH-UBND ngày 03/8/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về thực hiện chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 3731/KI1-UBND ngày 16/4/2023 về thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

3. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin hệ thống thông tin báo chí. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh thông tin ngay từ khi thiết kế.

4. Khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, trong đó nguồn lực doanh nghiệp tạo bứt phá; nguồn lực ngân sách đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài Nhà nước; tăng cường, huy động, thúc đẩy hợp tác công - tư; nguồn lực từ các chương trình hợp tác trong nước và quốc tế là hỗ trợ; nguồn lực trong Nhân dân là yếu tố quyết định sự thành công.

5. Các cơ quan báo chí cần xác định rõ lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng thông tin báo chí.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu đến năm 2025:

- 67% cơ quan báo chí tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước).

- 67% cơ quan báo chí tỉnh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- 100% Cơ quan báo chí điện tử tỉnh có giải pháp đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên.

- 67% cơ quan báo chí tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ; phát triển cơ quan truyền thông đa phương tiện của địa phương.

- Các cơ quan báo chí tỉnh tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 33,5% cơ quan báo chí tỉnh tăng doanh thu tối thiểu 20%; Tăng 5-10% mô hình báo chí, điện tử thu phí nội dung so với năm 2020.

- 100% lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tỉnh được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí.

- Tiếp tục duy trì, 100% người dân ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận ít nhất một loại hình báo chí của cơ quan báo chí tỉnh phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu.

- Hàng năm, các cơ quan báo chí tỉnh tăng 20% số lượng tin, bài mới phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo vệ Tổ quốc, thông tin thiết yếu.

- 67% cơ quan báo chí tỉnh tự chủ; Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ thực hiện nhiệm vụ chính trị và thông tin thiết yếu theo quy định.

- Tạp chí Lang Bian được cấp phép lại, đảm bảo hoạt động đúng tính chất chuyên sâu, chuyên ngành.

2. Mục tiêu đến năm 2030:

- 100% cơ quan báo chí tỉnh đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước).

- 100% cơ quan báo chí tỉnh sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

- 100% cơ quan báo chí tỉnh hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số.

- Các cơ quan báo chí tỉnh tối ưu hóa nguồn thu, trong đó 67% cơ quan báo chí tăng doanh thu tối thiểu 20%.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Nâng cao nhận thức, tăng cường tuyên truyền

- Nâng cao nhận thức cán bộ quản lý thông tin, truyền thông; lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí tỉnh về vai trò quan trọng và sự cấp thiết phải đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số báo chí đồng bộ với chương trình chuyển đổi số của tỉnh.

- Tăng cường tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh những tổ chức, cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quá trình chuyển đổi số báo chí để chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng.

- Các cơ quan chủ quản báo chí quan tâm, tạo điều kiện để cơ quan báo chí trực thuộc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Tăng kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ để hàng năm cơ quan báo chí tỉnh tăng khoảng 20% số lượng tin, bài sản xuất mới tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu so với năm 2020 theo tinh thần Chỉ thị 09/2021/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Thông tin tốt, tích cực là dòng chảy chính trên báo chí, là thông tin có kiểm chứng, chuyên sâu nhằm lan tỏa năng lượng tích cực, truyền cảm hứng, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và của Việt Nam nói chung. Thông tin trên báo chí cân bằng giữa đưa tin và phân tích, đánh giá, định hướng. Báo chí tập trung truyền thông tốt, giải thích rõ chính sách để xã hội hiếu và ủng hộ, tập trung tìm kiếm lời giải cho những vấn đề lớn của đất nước.

2. Thực hiện quy hoạch báo chí

Tiếp tục thực hiện Quy hoạch phát triển báo chí tỉnh đến năm 2025 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng tại Văn bản số 6868/UBND-VX2 ngày 22/10/2019 về triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

3. Phát triển các sản phẩm báo chí số

- Thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả.

- Phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.

- Ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật... để giúp tăng lưu lượng người dùng, truyền tải thông điệp được cá nhân hóa đến từng bạn đọc với nhu cầu khác nhau, gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc theo dạng Thư tòa soạn hay tin tuyển chọn từ Ban biên tập.

4. Ứng dụng nền tảng số cho các cơ quan báo chí tỉnh

- Ứng dụng các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và nền tảng truyền hình số (trực tuyến); nền tảng báo chí điện tử.

- Xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, bao gồm các hoạt động sản xuất, tối ưu hóa dữ liệu, quy trình xuất bản, hoạt động quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác hai chiều với độc giả, đo lường số lượng độc giả.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tác nghiệp thông qua ứng dụng nền tảng quản lý tòa soạn điện tử.

5. Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí tỉnh

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý thông tin, truyền thông, lãnh đạo các cơ quan báo chí về kỹ năng cơ bản, cần thiết cho chuyển đổi số báo chí.

- Tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng, thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ đổi mới sản xuất, phân phối nội dung và giám sát, đánh giá chất lượng thông tin.

- Các cơ quan báo chí tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ nhằm đào tạo nguồn nhân lực số có chất lượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số báo chí.

6. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước hoạt động báo chí; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý báo chí, chấn chỉnh vi phạm hoạt động báo chí

- Nâng cao vị thế của báo chí, truyền thông nói chung và công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông nói riêng trong nhận thức của hệ thống chính trị, của người dân; tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho báo chí cách mạng phát triển đúng định hướng.

- Hướng dẫn cho các sở, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

- Khuyến khích, hướng dẫn cơ quan báo chí triển khai mô hình “thu phí một phần nội dung” trên phiên bản điện tử, phù hợp xu thế phát triển báo chí, nhằm tăng nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo.

- Xử lý triệt để các vấn đề còn tồn tại của báo chí; tăng cường giám sát, đo đạc bằng công nghệ để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh cơ quan báo chí thực hiện đúng quy định của pháp luật;

- Tăng cường giám sát vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí trong quản lý hoạt động báo chí theo đúng quy định của pháp luật, trong hoàn thiện quy chế, quy trình quản lý lòa soạn, quy trình tác nghiệp của phóng viên, biên tập viên.

- Chỉ đạo, định hướng báo chí thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; các sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh.

7. Tăng cường hợp tác, học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố, quốc gia có nền báo chí số phát triển mạnh.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định phân cấp ngân sách, tăng cường lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch liên quan đã được phê duyệt.

2. Huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, theo dõi, đôn đốc các cơ quan báo chí tỉnh và các đơn vị có liên quan thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch nhằm triển khai chiến lược chuyển đổi số và phát triển báo chí trên địa bàn tỉnh đạt mục tiêu đề ra.

- Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan rà soát, kịp thời tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về báo chí và các văn bản pháp luật có liên quan theo chức năng, thẩm quyền được giao nhằm thúc đẩy, hỗ trợ quá trình phát triển và chuyển đổi số của các cơ quan báo chí.

2. Các cơ quan báo chí tỉnh (Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Lang Bian)

Xây dựng kế hoạch và tiến hành đánh giá hằng năm kết quả thực hiện, nhằm triển khai thực hiện các chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này; Chủ động xây dựng các nội dung từng bước chuyển đổi số cho cơ quan báo chí, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

2. Sở Tài chính

Bố trí kinh phí thường xuyên theo phân cấp ngân sách hiện hành theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện Kế hoạch, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn.

3. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc

Hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh triển khai chuyển đổi số.

4. Các cơ quan chủ quản báo chí

- Phê duyệt và chỉ đạo triển khai Kế hoạch chuyển đổi số của cơ quan báo chí trực thuộc.

- Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tài chính cho cơ quan báo chí triển khai chuyển đổi số.

- Nâng cao nhận thức, kiến thức cho dội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí, biên tập viên, phóng viên về chuyển đổi số.

Đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo nhiệm vụ phân công triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch này. Báo cáo kết quả về Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 25/11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh theo quy định. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ TTTT (B/c);
- TT.TU, TT.HDND tỉnh (B/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh
- Các sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Đài PTTH tỉnh; Báo Lâm Đồng;
- UBND các huyện, thành phố;
- Tạp chí Lang Bian;
- Lưu: VT, VX4.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm S

 

PHỤ LỤC

NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TRIỂN KHAI CHIẾN LƯỢC CHUYỂN ĐỔI SỐ BÁO CHÍ ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
(Kèm theo Kế hoạch số 4423/KH-UBND ngày 23/5/2023 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

TT

Nhiệm vụ, giải pháp

Đơn vị Chủ trì

Đơn vị phối hợp

Kết quả sản phẩm

Thời gian thực hiện

1

Phát triển các sản phẩm báo chí số; Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền

Các cơ quan báo chí tỉnh

Sở TT&TT; các đơn vị, địa phương có liên quan

Xây dựng Kế hoạch hàng năm

2022-2025

2

Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí tỉnh (Tổ chức các hoạt động gồm: tập huấn/đào tạo/bồi dưỡng...)

Sở Thông tin và Truyền thông

Cục Báo chí; các cơ quan báo chí và các đơn vị có liên quan

Tổ chức ít nhất 01 hoạt động/năm;

2023 - 2025

3

Hướng dẫn các cơ quan báo chí sử dụng nền tảng dùng chung, hợp tác và chia sẻ chi phí cho các cơ quan báo chí về nguồn lực công nghệ bao gồm các nền tảng hạ tầng, nền tảng tòa soạn hội tụ, dịch vụ an ninh bảo mật phục vụ chuyển đổi số báo chí; khung chương trình và biên soạn tài liệu về Chuyển đổi số báo chí; sử dụng Sổ tay Hướng dẫn ứng dụng, khai thác công nghệ số phục vụ chuyển đổi số báo chí

Sở Thông tin và Truyền thông

Cục Báo chí; các cơ quan báo chí tỉnh

- Văn bản hướng dẫn

Sau khi có hướng dẫn từ Bộ TT&TT

Ứng dụng nền tảng số cho các cơ quan báo chí tỉnh

Các cơ quan báo chí tỉnh

Cục Báo chí; các cơ quan báo chí tỉnh

Danh mục các nền tảng ứng dụng

2024-2025

4

Thực hiện quy hoạch báo chí

 

Theo dõi, đánh giá kết quả triển khai Quy hoạch

Sở Thông tin và Truyền thông

Các cơ quan báo chí tỉnh và các đơn vị, địa phương có liên quan

Báo cáo kết quả triển khai quy hoạch báo chí tỉnh

Khi có yêu cầu từ Bộ TTTT

Tổ chức thực hiện đảm bảo các nội dung quy hoạch lĩnh vực Báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Các cơ quan báo chí tỉnh

Sở TT&TT; các đơn vị, địa phương có liên quan

Kế hoạch triển khai

2021-2025

5

Thường xuyên rà soát lại hiệu lực giấy phép hoạt động báo chí, chuyên trang, ấn phẩm phù hợp quy định pháp luật và Quy hoạch báo chí, đề nghị Bộ TT&TT cấp phép nhằm hoạt động đảm bảo quy định của pháp luật

Các cơ quan báo chí tỉnh

Sở TT&TT theo dõi

Giấy phép hoạt động

Thường xuyên

6

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước hoạt động báo chí; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác quản lý báo chí, chấn chỉnh vi phạm hoạt động báo chí

Sở Thông tin và Truyền thông

Các sở, ban. ngành, địa phương

Kết quả thanh tra, kiểm tra

Thường xuyên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4423/KH-UBND năm 2023 về triển khai Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

  • Số hiệu: 4423/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 23/05/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Phạm S
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản