Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 440/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 04 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÁC HOẠT ĐỘNG GIẢM NHẸ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRONG INDC CỦA VIỆT NAM THUỘC LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Thực hiện Công văn số 5209/BGTVT-MT , ngày 11/5/2016 của Bộ Giao thông vận tải, về việc xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Báo cáo dự kiến đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (INDC) giai đoạn 2021-2030. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 trong INDC của Việt Nam thuộc lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Đắk Nông như sau:

I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Chủ động huy động mọi nguồn lực nhằm tiến hành đồng thời các giải pháp góp phần giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động giao thông vận tải;

- Chủ động phát triển giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

2. Yêu cầu:

- Lồng ghép việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong cập nhật, xây dựng, quy hoạch phát triển giao thông vận tải là chỉ tiêu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Tái cơ cấu vận tải để đạt được cơ cấu thị phần vận tải năm 2030 trong chiến lược phát triển dịch vụ vận tải theo hướng tăng thị phần vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là thị phần vận tải hành khách khối lượng lớn (đường sắt, xe buýt nhanh);

- Thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo, năng lược sạch và phương tiện, thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong giao thông vận tải;

- Xây dựng năng lực quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính từ các hoạt động giao thông vận tải; áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải theo hướng giảm thiểu ô nhiễm môi trường

- Quy hoạch và nâng cao chất lượng hệ thống giao thông vận tải; phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng;

- Xây dựng các cơ chế, chính sách, khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng, loại dần các phương tiện tiêu tốn nhiều nhiên liệu;

- Phát triển hệ thống giao thông vận tải có trọng điểm, kết nối với các trung tâm kinh tế và các khu vực sản xuất tập trung hàng hóa quy mô lớn, thông qua đầu tư vào hạ tầng giao thông với công nghệ, kỹ thuật hiện đại; tăng cường phát triển hệ thống giao thông gắn với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế - môi trường cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội;

- Tổ chức vận chuyển hàng hóa một cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

2. Quản lý hoạt động vận tải theo hướng phát thải thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả

- Tiếp tục thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại các đô thị; đầu tư và đưa vào khai thác các tuyến xe buýt nhanh như Gia Nghĩa - Buôn Ma Thuột và Gia Nghĩa đi các tỉnh lân cận;

- Tiếp cận, ứng dụng công nghệ giao thông thông minh, công nghệ vận tải xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong lưu thông và vận chuyển hàng hóa.

3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường; khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong giao thông vận tải

- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng, điều hành và khai thác vận tải góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh trong giao thông vận tải;

- Đẩy mạnh sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch (CNG, LPG...) đối với phương tiện giao thông cơ giới; rà soát, từng bước loại bỏ công nghệ, phương tiện, thiết bị kém hiệu quả, không thân thiện với môi trường;

- Tổ chức thí điểm và triển khai nhân rộng ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ ít tiêu hao năng lượng (pin năng lượng mặt trời, đèn led,...) vào các hạng mục chiếu sáng, báo hiệu giao thông và các hạng mục tiêu tốn năng lượng khác thuộc dự án bảo trì, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

4. Thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới

Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý chất lượng phương tiện nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật phương tiện, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải của các loại phương tiện giao thông, từng bước thực hiện kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, gắn máy tham gia giao thông.

5. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong giao thông vận tải

- Xây dựng, thực hiện, đa dạng hóa các chương trình, các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng phương tiện, thiết bị thân thiện với môi trường trong các hoạt động giao thông vận tải;

- Tuyên truyền, phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp vận tải, lái xe và người tham gia giao thông về các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như: hạn chế phương tiện cá nhân, sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch...

6. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và tập trung đầu tư có hiệu quả

- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương và địa phương) trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; đảm bảo sử dụng hiệu quả kinh phí đầu tư; nâng cao năng lực, chuyển giao trí thức khoa học, công nghệ và kinh nghiệm quản lý;

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ về tài chính cho việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; chú trọng lồng ghép công tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển giao thông vận tải;

- Chủ động tiếp cận và tranh thủ tối đa các nguồn lực ưu đãi về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính từ các tổ chức tài chính và nhà tài trợ quốc tế.

- Khuyến khích các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp đầu tư nguồn lực để thực hiện các nội dung của Kế hoạch.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các giai đoạn thực hiện Kế hoạch

- Giai đoạn 2016 - 2020: Chú trọng thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao năng lực, tăng cường khoa học - công nghệ và rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách thích ứng với công tác giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động giao thông vận tải của địa phương;

- Giai đoạn 2021 - 2025: Chú trọng vấn đề giảm phát thải khí nhà kính; các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được đồng thời tiến hành gắn liền với phát triển giao thông vận tải của tỉnh;

- Giai đoạn 2026 - 2030: vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trở thành tiêu chí trong các hoạt động phát triển giao thông vận tải; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch với định hướng phát triển mới.

2. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan

a) Sở Giao thông vận tải

- Hướng dẫn triển khai thực hiện kế hoạch; theo dõi, đôn đốc và định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh;

- Triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015;

- Quy hoạch phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2030 thay thế hoàn toàn xe khách tuyến cố định liên huyện trong toàn tỉnh; khuyến khích người dân sử dụng xe buýt khi tham gia giao thông, giảm các loại phương tiện cá nhân, từ đó làm giảm sự phát thải khí nhà kính;

- Quy hoạch phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi có khống chế số lượng taxi và số lượng doanh nghiệp (Vì lý do ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng đường và lưu lượng xe); đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng dịch vụ, phương thức điều hành phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh;

- Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định thống nhất và hợp lý trong phạm vi toàn tỉnh, tạo được sự kết nối giữa các tuyến xe chạy liên tỉnh và các tuyến xe buýt nội tỉnh thông qua việc quy hoạch các bến xe, các điểm dừng đón, trả khách trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý phương tiện; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định có kế hoạch nâng cấp, đổi mới nâng cao chất lượng phương tiện;

- Thúc đẩy phát triển giao thông công cộng trong đầu tư, khai thác và vận hành, đặc biệt là phương thức vận tải nhanh; khuyến khích các phương tiện sử dụng các loại nhiên liệu như CNG, LNG, LPG, E5 thay thế nhiên liệu truyền thống góp phần làm giảm lượng khí thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

b) Công ty cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Đắk Nông

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trong công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường;

- Tăng cường công tác kiểm định khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đảm bảo các phương tiện khi tham gia giao thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

c) Các đơn vị thi công xây dựng công trình giao thông

- Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp giảm bụi, khí thải trong thực hiện đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, trong bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và trong hoạt động của các phương tiện, thiết bị giao thông cơ giới;

- Nâng cao hiệu quả công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông bằng việc đẩy mạnh tái chế, sử dụng vật liệu tại chỗ, tận thu vật liệu, giảm ô nhiễm môi trường trong duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng.

d) Các doanh nghiệp vận tải

- Tổ chức quản lý và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;

- Thực hiện tốt công tác bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và hiệu quả sử dụng các phương tiện, thiết bị giao thông vận tải;

- Rà soát, đầu tư thay thế công nghệ, phương tiện, thiết bị tiêu tốn năng lượng, không thân thiện với môi trường; sử dụng phù hợp năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch cho các hoạt động vận tải và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh những nội dung không phù hợp so với tình hình thực tế Sở Giao thông vận tải có ý kiến đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

(Có danh mục các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thuộc lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2021-2030 tại phụ lục kèm theo)

 


Nơi nhận:
- Bộ GTVT;
- TT-TU, TT-HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành (th/hiện);
- UBND các huyện, thị xã (th/hiện);
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CNXD (MNC)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Xuân Hải

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC CÁC HOẠT ĐỘNG GIẢM NHẸ PHÁT THẢI KHÍ NHÀ KÍNH THUỘC LĨNH VỰC GIAO THÔNG VẬN TẢI GIAI ĐOẠN 2021-2030
(Kèm theo Kế hoạch số 440/KH-UBND ngày 04/10/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông)

TT

Tên chương trình/dự án/nhiệm vụ

Mục tiêu

Nội dung thực hiện

Thời gian thực hiện

Kinh phí thực hiện

Nguồn lực trong nước

Hỗ trợ quốc tế

Tổng kinh phí
(tỷ đồng)

Nguồn lực trong nước
(tỷ đồng)

Hỗ trợ quốc tế
(tỷ đồng)

A. Các hoạt động xây dựng thể chế

1

Quy hoạch phát triển vận tải tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

- Đến năm 2020 khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 5,48 triệu lượt hành khách; đến năm 2030 khối lượng vận chuyển hành khách ước đạt 11,84 triệu lượt hành khách.

- Quy hoạch phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2030 thay thế hoàn toàn xe khách tuyến cố định liên huyện trong toàn tỉnh; khuyến khích người dân sử dụng xe buýt khi tham gia giao thông, giảm các loại phương tiện cá nhân.

- Quy hoạch phát triển hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi có khống chế số lượng taxi và số lượng doanh nghiệp (Vì lý do ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả sử dụng đường và lưu lượng xe); đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng dịch vụ, phương thức điều hành phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

- Quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định thống nhất và hợp lý trong phạm vi toàn tỉnh, tạo được sự kết nối giữa các tuyến xe chạy liên tỉnh và các tuyến xe buýt nội tỉnh thông qua việc quy hoạch các bến xe, các điểm dừng đón, trả khách trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý phương tiện; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định có kế hoạch nâng cấp, đổi mới nâng cao chất lượng phương tiện.

X

 

Đang triển khai thực hiện

844

844

 

B. Các hoạt động đầu tư

1

Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Đến năm 2030 giao thông vận tải Đăk Nông có mạng lưới giao thông đường bộ hợp lý, liên hoàn, thông suốt kết nối với các tỉnh lân cận, các vùng kinh tế trọng điểm và cửa khẩu Đắk Per, Bu Prăng.

Hoàn chỉnh hệ thống bến bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ theo hướng hiện đại, phát triển phương tiện vận tải phù hợp với điều kiện của địa phương.

X

X

Đã triển khai thực hiện đến năm 2030

66.341

X

X

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 440/KH-UBND năm 2016 thực hiện hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 trong INDC của Việt Nam thuộc lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

  • Số hiệu: 440/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 04/10/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: Trần Xuân Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/10/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản