Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4057/KH-BHXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG NĂM 2023

Để tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) (sau đây gọi chung là truyền thông chính sách) thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; căn cứ Quyết định số 294/QĐ-LĐTBXH ngày 03/3/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam, căn cứ nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, BHXH Việt Nam xây dựng Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông năm 2023, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Truyền thông nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận trong tổ chức thực hiện, củng cố niềm tin trong Nhân dân về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

1.2. Truyền thông nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động, người lao động và mỗi người dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN; từ đó tích cực, chủ động, liên tục tham gia BHXH, BHYT để được bù đắp thu nhập khi khó khăn, chăm sóc sức khỏe, tuổi già có lương hưu, ổn định cuộc sống.

1.3. Nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động truyền thông chính sách, cổ vũ động viên các tập thể, cá nhân trong toàn Ngành tích cực tham gia công tác truyền thông, hưởng ứng các phong trào thi đua, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023; thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ mà các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Đồng thời, hoàn thành các mục tiêu năm 2023 đã được đề ra tại Quyết định số 294/QĐ-LĐTBXH về việc phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền BHXH đến năm 2025.

1.4. Tạo sự thống nhất chung trong toàn Ngành về truyền thông chính sách, đảm bảo đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả.

2. Yêu cầu

2.1. Công tác thông tin, truyền thông năm 2023 cần bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành BHXH Việt Nam, đáp ứng kịp thời các thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN được triển khai sâu rộng từ Trung ương đến cơ sở; nắm bắt, định hướng các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, BHYT mà dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vấn đề “nóng”.

2.2. Nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông đa dạng, phong phú, linh hoạt, tiếp tục được đổi mới toàn diện, phù hợp với đặc thù từng nhóm chủ thể, đặc điểm văn hóa vùng miền và yêu cầu của xu hướng truyền thông mới, hiện đại, tạo được điểm nhấn và thu hút sự quan tâm đông đảo của các tầng lớp Nhân dân, người lao động. Thực hiện các hình thức truyền thông hiện đại, truyền thông số, truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; kết hợp giữa các hình thức truyền thông thường xuyên với hình thức truyền thông theo chiến dịch, chủ đề, chuyên đề; đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh mang tính hình thức.

2.3. Công tác thông tin, truyền thông phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, liên tục, đồng bộ ở các cấp. Truyền thông phải tạo cảm hứng, lan tỏa nhằm huy động được sức mạnh của toàn xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

II. CHỦ THỂ THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG

1. Cấp ủy đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội, các hội, đoàn thể các cấp.

2. Người sử dụng lao động, người lao động thuộc diện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN, BHYT bắt buộc theo quy định.

3. Người thuộc diện tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

4. Học sinh, sinh viên; các cơ sở giáo dục.

5. Các cơ sở khám, chữa bệnh.

6. Các tổ chức dịch vụ thu, cộng tác viên tuyên truyền (hội viên, cộng tác viên các hội, đoàn thể,…) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

III. NỘI DUNG THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG

1. Truyền thông chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản về BHXH, BHYT, BHTN và các văn bản nghiệp vụ của Ngành; truyền thông về dự án Luật BHXH (sửa đổi); dự án Luật BHYT (sửa đổi);…

2. Truyền thông ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân nhằm tiếp tục củng cố, tạo niềm tin sâu rộng trong toàn xã hội về giá trị nhân văn, tính ưu việt trong chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước ta.

3. Truyền thông sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; vai trò, ý nghĩa, kết quả, từ đó lan tỏa sự thành công trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT khi cấp ủy, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ.

4. Truyền thông về trách nhiệm, nghĩa vụ, ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động, người lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động, các cơ quan, đơn vị trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ cho người lao động; các quyền lợi người lao động được hưởng khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

5. Truyền thông về công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, kết quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án 06) của Ngành BHXH Việt Nam: Ý nghĩa, vai trò, lợi ích; nội dung, lộ trình, các hoạt động và kết quả đạt được của Ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp, người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

6. Truyền thông các quy định liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; những nỗ lực của Ngành BHXH Việt Nam trong việc đảm bảo lợi ích cho người dân tham gia khám, chữa bệnh BHYT.

7. Truyền thông những thành tựu, kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; Tiếp tục truyền thông về kết quả 5 năm triển khai Nghị quyết số 96/NQ-BCS, kết quả công tác truyền thông thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW.

8. Truyền thông biểu dương, khen thưởng, truyền cảm hứng thông qua vận động, thuyết phục, cổ vũ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT, tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; nhân vật thực tế; biểu dương các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

9. Thông tin, truyền thông cảnh báo những thông tin xấu độc, sai sự thật về BHXH, BHYT, BHTN, nhất là trên môi trường Internet, mạng xã hội; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kết quả xét xử của tòa án các cấp về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

(Nội dung chi tiết tại Phụ lục I đính kèm).

IV. HÌNH THỨC TRUYỀN THÔNG

1. Truyền thông thường xuyên

1.1. Truyền thông qua công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền

- BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là BHXH tỉnh) thường xuyên báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, trong đó có công tác truyền thông.

- Phối hợp đăng tải tin, bài truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh, website/các trang mạng xã hội của các sở, ngành, đoàn thể tại địa phương.

1.2. Tổ chức các hội nghị truyền thông, truyền thông nhóm nhỏ

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo tỉnh, thành ủy cung cấp, định hướng thông tin truyền thông BHXH, BHYT cho đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện, báo cáo viên cơ sở và các cơ quan báo chí trên địa bàn thông qua các hội nghị báo cáo viên, hội nghị giao ban báo chí.

- Phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các tổ chức dịch vụ thu và các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị truyền thông (phổ biến, tập huấn, hội thảo, đối thoại, tư vấn trực tiếp,…); các cuộc truyền thông nhóm nhỏ đến từng cụm dân cư, hộ gia đình, từng người dân; các cuộc thi tìm hiểu chính sách, pháp luật BHXH, BHYT theo hình thức trực tiếp, trực tuyến.

- Tổ chức các hội nghị truyền thông, hội thi, truyền thông nhóm nhỏ,… chú trọng truyền thông về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

1.3. Thông tin, truyền thông trên các phương tiện truyền thông của Ngành

1.3.1. Truyền thông trên hệ thống Cổng Thông tin điện tử của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh và Tạp chí BHXH

- Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh: chủ động triển khai các tin, bài, phóng sự,… chú trọng thực hiện các tin, bài hiện đại như infographic, video clip, motion graphic, megastory; nội dung cập nhật, có tính thời sự, nhân vật điển hình thực tế, cách làm hay sáng tạo.

- Tạp chí BHXH: tiếp tục nâng cao chất lượng về nội dung, đổi mới hình thức truyền thông; tăng cường các tuyến tin, bài theo chủ đề, chuyên đề, chiến dịch, phù hợp với từng nhóm chủ thể, chú trọng truyền thông BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các loại hình truyền thông đa phương tiện trên phiên bản điện tử của Tạp chí BHXH.

1.3.2. Truyền thông trên các trang mạng xã hội: Fanpage facebook, Zalo OA, Youtube của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh

- Tổ chức các hội nghị truyền thông trực tuyến: livestream, qua ứng dụng Zoom, ứng dụng google meet.

- Đăng tải các tin, bài, phóng sự, video clip, viral, parody,…; chia sẻ các sản phẩm truyền thông của Ngành: infographic, motion graphic, tiểu phẩm phát thanh truyền hình,… trên môi trường Internet, mạng xã hội như Fanpage, Zalo, Youtube để lan tỏa nội dung, ý nghĩa, lợi ích của các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; đăng tải, chia sẻ những câu chuyện hay, xúc động, gương người tốt, việc tốt nhằm lan tỏa giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong cộng đồng mạng; các mô hình hay về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

- Trả lời, hỗ trợ, bình luận, tư vấn, giải đáp chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với người dân thông qua chức năng comment, inbox trên Fanpage, Zalo.

1.3.3. Truyền thông qua ứng dụng VssID-BHXH số của Ngành

Tích cực đăng tải các tin, bài, sản phẩm truyền thông trên ứng dụng VssID- BHXH số để tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN đến người dùng.

1.4. Thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng

- Thực hiện thông tin, truyền thông chính sách BHXH, BHYT ở tất cả các loại hình báo chí, trong đó chú trọng và tăng cường truyền thông trên báo điện tử, báo phát thanh, đài truyền hình.

- Đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, theo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm của từng tháng, quý, năm và phù hợp với tôn chỉ mục đích, nhóm độc giả/ khán giả/ thính giả của từng cơ quan báo chí.

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí chú trọng xây dựng, thực hiện trên báo in, báo điện tử, đài phát thanh, đài truyền hình: các chuyên trang, chuyên mục cố định về BHXH, BHYT; phát sóng vào các khung giờ “vàng”; truyền thông qua các chương trình có sức hút lớn với độc giả/ khán giả/ thính giả.

- Tăng cường sử dụng các thể loại báo chí mới, hiện đại như Infographic, mega story, podcasts, clip tin tức, tọa đàm - giao lưu trực tuyến.

1.5. Truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở

- Truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT qua hệ thống loa truyền thanh xã, phường, thị trấn; trong đó chú trọng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

- Đối với những khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp sử dụng ngôn ngữ là tiếng dân tộc để nâng cao hiệu quả truyền thông.

1.6. Truyền thông qua các sản phẩm truyền thông

- Các sản phẩm truyền thông truyền thống như tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, các sản phẩm mang thông điệp truyền thông: thực hiện biên tập các nội dung hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể để thông tin về những quy định liên quan đến các chế độ, chính sách BHXH bắt buộc, BHYT; BHTN; BHXH tự nguyện; BHYT hộ gia đình; BHYT học sinh, sinh viên… Chú trọng biên tập các bài tuyên truyền để phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở; các tờ rơi, tờ gấp dịch ra các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số để sử dụng truyền thông cho nhóm chủ thể này tại địa phương.

- Các sản phẩm truyền thông hiện đại như motion graphics, Infographic, viral clip, videos clip, phóng sự ngắn, tiểu phẩm phát thanh/ truyền hình, podcasts,…: tăng cường thực hiện các sản phẩm theo hướng sinh động, bắt mắt, thân thiện và gần gũi để giúp các nhóm đối tượng cập nhật các thông tin mới về chính sách BHXH, BHYT, BHTN về công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành trong triển khai thực hiện chính sách và các thông tin chỉ dẫn khác một cách linh hoạt, kịp thời. Đặc biệt, chú trọng sản xuất các sản phẩm truyền thông về quyền lợi, lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT, lan tỏa các thông điệp về tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT.

- Thực hiện biên tập, đổi mới nội dung các sản phẩm truyền thông theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ; thiết kế hình thức sinh động, gần gũi, chuyên nghiệp, hiện đại phù hợp với từng chủ thể và mục đích sử dụng như truyền thông trực tiếp, truyền thông tại hội nghị, hội thảo và truyền thông qua các kênh thông tấn, báo chí và mạng xã hội.

1.7. Truyền thông qua hoạt động hỗ trợ, tư vấn, giải đáp

- Thông tin, truyền thông qua các hoạt động giải đáp, tư vấn, hỗ trợ khách hàng qua hệ thống Tổng đài hỗ trợ 1900.9068, chuyên mục Hỏi - đáp trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam; hệ thống Hotline của BHXH các tỉnh; các kênh tiếp nhận, hỗ trợ thông tin khác của Ngành BHXH Việt Nam.

- Truyền thông qua công tác khảo sát, đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, BHTN; qua hoạt động chăm sóc khách hàng, hỗ trợ khách hàng thực hiện dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

- Truyền thông qua hoạt động giải đáp chính sách, trả lời trực tiếp ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, cử tri qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội,…

1.8. Truyền thông qua nhân vật thực tế

- Vận động, khuyến khích người đang hưởng các chế độ BHXH, BHYT, nhất là người hưởng lương hưu hàng tháng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người khám chữa bệnh BHYT được hưởng chi phí cao tham gia truyền thông về trải nghiệm các tiện ích mà Ngành BHXH đã và đang triển khai nhằm hướng tới sự thuận tiện trong sử dụng, khai thác dịch vụ và giá trị, lợi ích thiết thực của các chế độ BHXH, BHYT, từ đó lan tỏa, thu hút người tham gia.

- Biểu dương các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng, môi trường Internet, mạng xã hội, từ đó tạo sự lan tỏa.

- Phát hiện, biểu dương các nhân vật thực tế có cách làm hay, sáng tạo, mô hình truyền thông mới để chia sẻ, lan tỏa kinh nghiệm, sáng kiến.

1.9. Truyền thông lan tỏa cảm hứng qua các tổ chức, cá nhân làm công tác thiện nguyện

- Truyền thông vận động, thuyết phục, cổ vũ các doanh nghiệp, ngân hàng, các tập đoàn và các tổ chức, cá nhân tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định.

- Phối hợp chặt chẽ với Phòng Công tác xã hội tại các bệnh viện tuyến Trung ương thường trú trên địa bàn và một số bệnh viện tuyến tỉnh nhận danh sách những bệnh nhân bị bệnh nan y chưa nằm trong danh sách nghèo, cận nghèo, hoặc diện đã có thẻ do Nhà nước hỗ trợ để trao tặng kịp thời, qua đó lan tỏa tính nhân văn của chính sách BHYT.

- Truyền thông lan tỏa, đưa tin về các sự kiện, hoạt động thiện nguyện của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp về BHXH, BHYT; đăng tải tin, bài tri ân, cảm ơn các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân; thông tin tới cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đã làm thiện nguyện về những giá trị, lợi ích mà người dân được hưởng từ sổ BHXH, thẻ BHYT được tặng (nhất là chi phí khám chữa bệnh BHYT phát sinh trong năm của người được tặng thẻ BHYT).

2. Truyền thông theo chủ đề, chuyên đề, chiến dịch

2.1. Truyền thông theo chủ đề

2.1.1. Truyền thông nhân ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2) và ngày thành lập Ngành BHXH Việt Nam (16/2)

- Truyền thông việc Đảng và Nhà nước chăm lo cuộc sống Nhân dân thông qua chính sách BHXH, BHYT.

- Truyền thông các kết quả, thành tích thực hiện nhiệm vụ để chào mừng ngày thành lập, đặc biệt là trong công tác phát triển người tham gia, tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN, công tác chuyển đổi số với mục tiêu phục vụ ngày càng tốt hơn lợi ích của doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT.

2.1.2. Truyền thông nhân Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân (tháng 5)

- Truyền thông những điểm mới của chính sách, pháp luật BHXH.

- Truyền thông chuyên sâu về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của các chế độ BHXH.

- Truyền thông ý nghĩa sâu sắc, kết quả thiết thực khi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH; trách nhiệm, ý nghĩa việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương đối với người tham gia BHXH tự nguyện.

- Trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động, người lao động.

- Truyền thông, vận động các doanh nghiệp, ngân hàng, các tập đoàn, tổ chức, cá nhân tặng sổ BHXH cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

2.1.3. Truyền thông nhân Ngày BHYT Việt Nam (1/7)

- Truyền thông những điểm mới của chính sách, pháp luật BHYT.

- Kết quả thực hiện chính sách BHYT và những nỗ lực của Ngành BHXH Việt Nam trong việc đảm bảo quyền lợi cho người KCB BHYT, nhất là trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT.

- Truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHYT; vận động, cổ vũ các tổ chức, cá nhân tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

2.1.4. Truyền thông BHYT học sinh, sinh viên nhân dịp năm học mới (tháng 8, 9)

- Truyền thông sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của BHYT học sinh, sinh viên; việc triển khai các chính sách hỗ trợ mức đóng cho học sinh, sinh viên trên địa bàn.

- Truyền thông, vận động các tổ chức, cá nhân tặng thẻ BHYT cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện BHYT học sinh, sinh viên.

2.1.5. Truyền thông nhân Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10)

- Truyền thông sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của Ngành BHXH Việt Nam nói riêng; những nỗ lực và kết quả nổi bật của Ngành trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt là Đề án 06 của Chính phủ nhằm phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp khi tham gia BHXH, BHYT.

- Truyền thông, vận động người dân, doanh nghiệp tăng cường sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến của Ngành BHXH Việt Nam; biểu dương những tập thể, cá nhân đi đầu trong việc triển khai, thực hiện hiệu quả về chuyển đổi số.

2.1.6. Truyền thông nhân Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11)

- Truyền thông về quyền lợi, nghĩa vụ của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

- Truyền thông ý thức tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân, nhất là trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; chế tài, trách nhiệm pháp lý của những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

2.1.7. Truyền thông thi đua nước rút về đích hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ (tháng 10 - 12)

- Truyền thông sự nỗ lực, quyết tâm, các giải pháp cấp bách, sáng kiến, kinh nghiệm và kết quả thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.

- Những thành tích nổi bật năm 2023 của Ngành BHXH Việt Nam.

2.2. Truyền thông theo chuyên đề

2.2.1. Chuyên đề vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền

Truyền thông về vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; trách nhiệm, ý nghĩa việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương đối với người tham gia BHXH, BHYT.

2.2.2. Chuyên đề về sửa đổi Luật BHXH, Luật BHYT

Truyền thông về những điểm mới của dự án Luật BHXH (sửa đổi); dự án Luật BHYT (sửa đổi) và những văn bản có liên quan.

2.2.3. Chuyên đề về công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT

Truyền thông biểu dương, lan tỏa, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp… có cơ chế hỗ trợ cho người khó khăn được tham gia BHXH, BHYT.

Ngoài các chuyên đề truyền thông nêu trên, căn cứ tình hình thực tế, BHXH Việt Nam sẽ có văn bản hướng dẫn về chuyên đề truyền thông mới theo yêu cầu nhiệm vụ, BHXH tỉnh chủ động lựa chọn chuyên đề truyền thông phù hợp với thực tế địa phương.

2.3. Truyền thông theo chiến dịch

2.3.1. Lễ ra quân

Tổ chức các Lễ ra quân truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

2.3.2. Truyền thông trực quan

Tổ chức truyền thông trực quan qua chăng treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, phướn, tranh cổ động,... trên các trục đường phố chính của thành phố, thị xã, thị trấn, nơi đông người qua lại, trụ sở cơ quan BHXH các cấp, các cơ sở khám chữa bệnh BHYT, các cơ sở giáo dục.

2.3.3. Chương trình thiện nguyện

Tổ chức các Lễ phát động hoạt động thiện nguyện nhân dịp Tháng vì người nghèo, Tháng hành động vì người cao tuổi, Lễ phát động, kêu gọi các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn,…

V. PHƯƠNG PHÁP TRUYỀN THÔNG

1. Kết hợp hài hòa giữa truyền thông thường xuyên và truyền thông theo chủ đề, chuyên đề, theo chiến dịch; giữa các hình thức truyền thông truyền thống với các hình thức truyền thông mới, truyền thông số, truyền thông đa phương tiện.

2. Thực hiện phương pháp truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt theo từng nhóm chủ thể, phù hợp với thực tiễn địa phương. Tăng cường phương pháp truyền thông đa chiều, truyền thông số, truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội. Phát huy vai trò là một “tuyên truyền viên” của chính người tham gia BHXH, BHYT chia sẻ về giá trị, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT; phát huy vai trò của tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời, giúp người dân nhận biết các thông tin xấu, tin sai sự thật về BHXH, BHYT, chủ động phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Từ chi phí quản lý BHXH, BHTN, BHYT (kinh phí tuyên truyền) được BHXH Việt Nam giao cho Trung tâm Truyền thông và BHXH các tỉnh, thành phố; hỗ trợ từ ngân sách của địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trung tâm Truyền thông

1.1. Là đầu mối chủ trì tham mưu, giúp Lãnh đạo Ngành tổ chức thực hiện Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông của Ngành.

1.2. Hướng dẫn BHXH tỉnh xây dựng và triển khai Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông năm 2023, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc thù của từng địa phương.

1.3. Chủ trì xây dựng nội dung, ký kết các hợp đồng phối hợp thông tin, truyền thông năm 2023 với các Bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và triển khai thực hiện.

1.4. Chủ trì thực hiện theo dõi, tổng hợp, phân tích, nắm bắt thông tin trên báo chí và dư luận xã hội về BHXH, BHYT, BHTN; qua đó kịp thời phát hiện các thông tin xấu, độc, sai sự thật về BHXH, BHYT, BHTN, các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin trong truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời đề xuất các giải pháp truyền thông phù hợp.

1.5. Tổ chức hiệu quả hoạt động của Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam và các kênh truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội của Ngành (Fanpage facebook, Zalo OA,…). Phát huy kênh truyền thông chủ lực của Ngành trong tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN, định hướng thông tin đối với báo chí ngoài Ngành và dư luận xã hội.

1.6. Sản xuất các sản phẩm truyền thông về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

1.7. Tổ chức cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho các cơ quan thông tấn, báo chí đảm bảo kịp thời, đúng định hướng.

1.8. Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Khung kịch bản đính kèm.

1.9. Xây dựng dự toán kinh phí tuyên truyền năm 2023 tại Trung ương; tổng hợp dự toán kinh phí tuyên truyền của toàn Ngành; đề xuất phân bổ, điều chỉnh dự toán kinh phí tuyên truyền gửi Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tài chính - Kế toán thẩm định, trình Lãnh đạo Ngành phê duyệt.

2. Tạp chí BHXH

2.1. Cụ thể hóa các nội dung thông tin, truyền thông tại Kế hoạch này vào Kế hoạch công tác năm 2023 của đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được Tổng Giám đốc giao.

2.2. Phát huy vai trò của cơ quan lý luận, nghiệp vụ chủ lực thông tin ngôn luận về BHXH, BHYT, BHTN của Ngành; đi sâu vào các vấn đề lý luận, học thuật nhằm định hướng chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; định hướng thông tin đối với báo chí ngoài Ngành và dư luận xã hội; chú trọng đổi mới nội dung, ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển các loại hình truyền thông đa phương tiện trên phiên bản điện tử của Tạp chí BHXH.

2.3. Tăng cường các tuyến tin, bài trên phiên bản điện tử, theo chủ đề, chiến dịch, phù hợp với từng nhóm chủ thể nhằm truyền thông phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

2.4. Đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội thông qua việc đăng tải, chia sẻ các tin, bài, viral, motiongraphic, infographic,…

2.5. Theo dõi, nắm bắt thông tin dư luận xã hội để có bài viết tuyên truyền, phản biện phù hợp; kịp thời phát hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin trong truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN. Phối hợp với Trung tâm Truyền thông để kịp thời xử lý các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật về BHXH, BHYT, BHTN.

2.6. Tăng cường truyền thông, biểu dương, nhân rộng mô hình hay, sáng kiến tốt, huy động sự vào cuộc của các cấp để hỗ trợ người khó khăn tham gia BHXH, BHYT.

3. Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng

Thông qua các hoạt động chăm sóc khách hàng, từ đó thông tin, truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BHTN: Tiếp nhận, hỗ trợ, tư vấn, giải đáp qua Tổng đài điện thoại, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam, Email, Fanpage; Tổ chức các hoạt động tư vấn, đối thoại về chính sách BHXH, BHYT, BHTN khi có thay đổi về chính sách; chương trình tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn;...

4. Trung tâm Công nghệ thông tin

4.1. Chủ động đặt hàng các chuyên đề truyền thông về chuyển đổi số, kết quả triển khai Đề án 06,…

4.2. Chủ động cung cấp cho Trung tâm Truyền thông các thông tin cần truyền thông về chuyển đổi số của Ngành để kịp thời phục vụ công tác truyền thông; đảm bảo kỹ thuật để các hoạt động truyền thông trên ứng dụng VssID- BHXH số, Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam được thông suốt.

4.3. Kịp thời cập nhật các sản phẩm truyền thông (tin bài, hình ảnh, đa phương tiện, video clip, viral clip) về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, công tác chuyển đổi số và các hoạt động nổi bật của Ngành trên ứng dụng VssID-BHXH số.

5. Vụ Tài chính - Kế toán

Xây dựng kế hoạch chuyển kinh phí chi quản lý BHXH, BHTN, BHYT (bao gồm cả kinh phí tuyên truyền) cho các đơn vị trong Ngành BHXH Việt Nam theo quy định.

6. Các đơn vị trực thuộc khác

6.1. Cụ thể hóa các nội dung thông tin, truyền thông tại Kế hoạch công tác này vào Kế hoạch công tác năm 2023 của các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

6.2. Phối hợp với Trung tâm Truyền thông trong triển khai các hoạt động truyền thông. Trên cơ sở các nội dung, hoạt động cần truyền thông, chủ động đặt hàng các chuyên đề cần truyền thông thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách; chủ động cung cấp thông tin định kỳ hoặc đột xuất cho Trung tâm Truyền thông để tổ chức truyền thông, hướng dẫn BHXH tỉnh truyền thông thường xuyên, truyền thông theo chiến dịch nhằm kịp thời định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận xã hội về việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Phối hợp, cung cấp thông tin, số liệu để phục vụ truyền thông trên ứng dụng VssID-BHXH số.

6.3. Chủ động theo dõi, kiểm soát thông tin thuộc lĩnh vực phụ trách, kịp thời phát hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin trong truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN; phối hợp với Trung tâm Truyền thông và các đơn vị có liên quan tham mưu giúp Lãnh đạo Ngành thực hiện các hoạt động thông tin, truyền thông với các cơ quan báo chí, đồng thời tham gia xử lý các thông tin xấu độc, thông tin sai sự thật về BHXH, BHYT, BHTN.

7. BHXH các tỉnh, thành phố

7.1. Trên cơ sở Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông của BHXH Việt Nam, xây dựng và cụ thể hóa thành Kế hoạch, kịch bản truyền thông của BHXH tỉnh, đảm bảo linh hoạt, thích ứng, phù hợp với đặc thù của địa phương, chú trọng truyền thông về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (gửi về BHXH Việt Nam qua Trung tâm Truyền thông trước ngày 15/01/2023).

Trên cơ sở nguồn kinh phí được BHXH Việt Nam cấp, BHXH tỉnh phân bổ kinh phí và tổ chức thực hiện đảm bảo đúng quy định, hiệu quả, chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí truyền thông được cấp. Thực hiện phân bổ kinh phí cho BHXH cấp huyện; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác thông tin, truyền thông và việc sử dụng kinh phí của BHXH cấp huyện.

7.2. Chủ động, tích cực huy động, vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

7.3. Xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để truyền thông chính sách phù hợp tới từng nhóm chủ thể, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Vận động, khích lệ những người đang hưởng các chế độ BHXH, người đang hưởng lương hưu hàng tháng, người khám chữa bệnh BHYT được hưởng chi phí cao tại địa phương tham gia tuyên truyền, chia sẻ về lợi ích thiết thực của các chế độ BHXH, BHYT.

7.4. Chủ động cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho các cơ quan báo chí. Tăng cường truyền thông qua các phương tiện truyền thông của đơn vị, qua hệ thống truyền thanh cơ sở, trên môi trường Internet, mạng xã hội. Tiếp nhận, biên tập, sản xuất, phát hành các sản phẩm truyền thông, đảm bảo các đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia, người tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT được tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

7.5. Kiểm soát thông tin về tình hình triển khai thực hiện BHXH, BHYT, BHTN ngay tại địa phương; kịp thời phát hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 11 Luật Tiếp cận thông tin trong truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN, báo cáo cấp có thẩm quyền và gửi về BHXH Việt Nam qua Trung tâm Truyền thông; chủ động xử lý các thông tin thuộc phạm vi phụ trách.

7.6. Bố trí công chức, viên chức có kinh nghiệm, vững chuyên môn nghiệp vụ, có khả năng viết, trình bày, thuyết trình trước công chúng thực hiện thông tin, truyền thông về BHXH, BHYT, BHTN.

7.7. Xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho công chức, viên chức làm công tác truyền thông của đơn vị, nhân viên tổ chức dịch vụ thu, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đáp ứng tình hình thực tế, đặc thù địa phương.

7.8. Báo cáo kết quả công tác thông tin, truyền thông với BHXH Việt Nam (qua Trung tâm Truyền thông) gồm: Báo cáo hằng tháng; báo cáo định kỳ 6 tháng, năm (theo các Mẫu đính kèm), báo cáo đột xuất theo yêu cầu quản lý (nếu có).

8. BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân

Trên cơ sở Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông của BHXH Việt Nam, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân xây dựng và cụ thể hóa thành Kế hoạch của đơn vị, phù hợp với đặc thù để truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

(Kế hoạch đính kèm Khung kịch bản Truyền thông theo từng nhóm chủ thể tại Phụ lục II).

Trên đây là Kế hoạch công tác thông tin, truyền thông năm 2023 của BHXH Việt Nam, đề nghị các đơn vị trực thuộc, BHXH các tỉnh, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch này. Trong quá triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phản ánh kịp thời về BHXH Việt Nam (qua Trung tâm Truyền thông, số điện thoại 0243.6285.231) để được hướng dẫn./.

 


Nơi nhận:
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó TGĐ;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- BHXH các tỉnh, thành phố;
- BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân;
- Cổng TTĐT BHXH Việt Nam;
- Lưu: VT, TT.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đào Việt Ánh

 

PHỤ LỤC I

NỘI DUNG THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG NĂM 2023
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 4057/KH-BHXH ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam)

1. Truyền thông về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản về BHXH, BHYT, BHTN và các văn bản nghiệp vụ của Ngành; truyền thông về dự án Luật BHXH (sửa đổi); dự án Luật BHYT (sửa đổi)

- Tiếp tục thông tin, truyền thông chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản về BHXH, BHYT, BHTN và các văn bản nghiệp vụ của Ngành theo hướng dẫn tại Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của Ngành; chú trọng Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết số 125/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 19/5/2022 về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH.

- Thông tin, truyền thông về những điểm mới dự kiến được sửa đổi, thay thế trong dự án Luật BHXH (sửa đổi); dự án Luật BHYT (sửa đổi) và các văn bản liên quan; Truyền thông về ý nghĩa, sự cần thiết, đánh giá tác động của việc sửa đổi đó đối với công tác đảm bảo quyền và lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội đất nước.

- Theo dõi, nắm bắt và kịp thời phản ánh, định hướng dư luận để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sửa đổi Luật và các văn bản liên quan; cập nhật, thông tin, truyền thông kịp thời đến người lao động và Nhân dân những nội dung, quy định mới về chính sách BHXH, BHYT và các văn bản liên quan đến Ngành.

2. Truyền thông ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, BHTN đối với đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân nhằm tiếp tục củng cố, tạo niềm tin sâu rộng trong toàn xã hội về giá trị nhân văn, tính ưu việt trong chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước ta

- Truyền thông sâu, rộng về ý nghĩa, vai trò, lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT, BHTN, chú trọng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

- Truyền thông nhấn mạnh về những quyền lợi thiết thực khi tham gia BHXH, BHYT; những rủi ro khi không tham gia; từ đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta

- Truyền thông khẳng định Ngành BHXH Việt Nam luôn nỗ lực đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích cho người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT (chi trả, giải quyết các chế độ kịp thời; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp).

- Truyền thông những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần.

3. Truyền thông sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; vai trò, ý nghĩa, kết quả, từ đó lan tỏa sự thành công trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT khi cấp ủy, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ

- Tiếp tục truyền thông quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

- Truyền thông ý nghĩa sâu sắc, kết quả thiết thực khi cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vào cuộc trực tiếp chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn; truyền thông lan tỏa kết quả, sự thành công trong việc đưa chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ý nghĩa, kết quả của việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN theo Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó khẳng định sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động và Nhân dân.

- Truyền thông về trách nhiệm, ý nghĩa, kết quả việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương đối với người tham gia BHXH, BHYT; việc chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong công tác tổ chức, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT tại địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống Nhân dân trên địa bàn, qua đó giúp hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

4. Truyền thông về trách nhiệm, nghĩa vụ, ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động, người lao động; trách nhiệm của người sử dụng lao động, các cơ quan, đơn vị trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ cho người lao động; các quyền lợi khi tham gia mà người lao động được hưởng

- Thông tin, truyền thông trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của người sử dụng lao động, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động; truyền thông việc doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN vừa góp phần xây dựng uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp vừa đảm bảo an sinh xã hội.

- Truyền thông nâng cao hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động để họ có khả năng tự bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm hại; các quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT mà người lao động được hưởng.

- Truyền thông, vận động người lao động đã nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tiếp tục tham gia BHXH, BHYT, BHTN khi quay trở lại thị trường lao động.

5. Truyền thông về công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, kết quả triển khai Đề án 06 của Ngành BHXH Việt Nam: Ý nghĩa, vai trò, lợi ích; nội dung, lộ trình, các hoạt động và kết quả đạt được của Ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đơn vị, doanh nghiệp, người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN

- Thông tin, truyền thông sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của Ngành BHXH Việt Nam nói riêng.

- Truyền thông về những nỗ lực và kết quả nổi bật của Ngành trong công tác chuyển đổi số, đặc biệt là triển khai Đề án 06 của Chính phủ nhằm mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT: Kết quả triển khai kịp thời, hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, liên thông, giải quyết thủ tục hành chính trên trục dữ liệu quốc gia, triển khai ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”; Kết quả việc triển khai tiện ích đặt lịch làm việc với cơ quan BHXH; Kết quả triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên căn cước công dân gắn chíp và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong khám chữa bệnh BHYT, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính;…

- Truyền thông tới các đơn vị, tổ chức, cá nhân việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong tiếp nhận và giải quyết chế độ cho người lao động như: tiếp nhận Quyết định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp theo dịch vụ công “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp”; giải quyết hưởng và chi trả trợ cấp mai táng theo Thủ tục hành chính liên thông “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí”; giải quyết hưởng BHXH một lần áp dụng thí điểm xác thực mã chữ ký số được tích hợp trong ứng dụng trên thiết bị di động trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia”;...

- Truyền thông nâng cao nhận thức, đẩy mạnh việc sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến của Ngành BHXH Việt Nam, gắn kết với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho người sử dụng.

6. Truyền thông các quy định liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; những nỗ lực của Ngành BHXH Việt Nam trong việc đảm bảo lợi ích cho người dân tham gia khám, chữa bệnh BHYT

- Truyền thông các quy định liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

- Truyền thông sự nỗ lực, chủ động của Ngành BHXH Việt Nam trong việc đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHYT theo quy định.

- Truyền thông công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu suất, hiệu quả giám định BHYT, nhằm phục vụ, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT tốt hơn; công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT an toàn, hiệu quả; thông tin nhận diện, phê phán các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

7. Truyền thông những thành tựu, kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN; Tiếp tục truyền thông về kết quả 5 năm triển khai Nghị quyết số 96/NQ-BCS; kết quả công tác truyền thông thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW

- Truyền thông những thành tựu, kết quả đạt được trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

- Truyền thông việc triển khai thực hiện, kết quả thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

- Tiếp tục truyền thông về kết quả 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong tình hình mới”; kết quả công tác truyền thông thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

- Truyền thông các dịch vụ trong hoạt động nghiệp vụ và hoạt động chăm sóc khách hàng hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

- Thông tin, truyền thông các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; các hoạt động truyền thông đối ngoại của Ngành, từ đó nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trong cộng đồng an sinh xã hội quốc tế.

8. Truyền thông biểu dương, khen thưởng, truyền cảm hứng thông qua vận động, thuyết phục, cổ vũ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT, tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; nhân vật thực tế; biểu dương các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN

- Tăng cường thông tin, truyền thông về các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm làm công tác thiện nguyện trong lĩnh vực BHXH, BHYT, tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

- Truyền thông ghi nhận, phản ánh những chia sẻ từ chính những người dân có hoàn cảnh khó khăn được tặng sổ BHXH, thẻ BHYT để thấy được ý nghĩa, giá trị to lớn từ món quà chứa đựng giá trị an sinh này.

- Truyền thông lan tỏa vận động, thuyết phục, cổ vũ các doanh nghiệp, ngân hàng, các tập đoàn và các tổ chức, cá nhân tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; người thân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình như quà tặng ý nghĩa, thiết thực cho các thành viên khác trong gia đình.

- Truyền thông về các nhân vật thực tế (người thật, việc thật) đã và đang được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, nhất là người hưởng lương hưu hàng tháng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người khám, chữa bệnh BHYT được hưởng chi phí cao; từ đó thu hút người tham gia.

- Truyền thông biểu dương các đơn vị thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN; những cách làm hay, hiệu quả, các mô hình sáng tạo trong công tác truyền thông, vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, qua đó tạo sự lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến.

9. Thông tin, truyền thông cảnh báo những thông tin xấu độc, sai sự thật về BHXH, BHYT, BHTN, nhất là trên môi trường Internet, mạng xã hội; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kết quả xét xử của tòa án các cấp về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN

- Thông tin, truyền thông cảnh báo những thông tin xấu độc, sai sự thật về BHXH, BHYT, BHTN; truyền thông phản biện lại những nội dung sai sự thật về chính sách BHXH, BHYT, BHTN, qua đó góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

- Truyền thông về những chế tài, trách nhiệm pháp lý của những hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

- Truyền thông kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, kết quả xét xử của tòa án các cấp về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

- Truyền thông khuyến cáo người lao động không thực hiện thế chấp, mua bán sổ BHXH; ký hợp đồng ủy quyền giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần; hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người khác nếu không có lý do chính đáng.

- Công khai danh tính các đơn vị sử dụng lao động trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN số tiền lớn, thời gian chậm đóng kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên môi trường Internet, mạng xã hội.

- Truyền thông kết quả triển khai đôn đốc thu hồi nợ theo Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BHXHVN ngày 21/1/2022 giữa Bộ Công an và BHXH Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 4057/KH-BHXH năm 2022 về công tác thông tin, truyền thông năm 2023 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 4057/KH-BHXH
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 30/12/2022
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Người ký: Đào Việt Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản