Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4043/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 13 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1252/QĐ-TTG NGÀY 26/9/2019 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TĂNG CƯỜNG THỰC THI HIỆU QUẢ CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ VỀ CÁC QUYỀN DÂN SỰ, CHÍNH TRỊ VÀ CÁC KHUYẾN NGHỊ CỦA ỦY BAN NHÂN QUYỀN LIÊN HỢP QUỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1252/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Xác định rõ nội dung công việc, lộ trình thực hiện phù hợp để triển khai thực hiện Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị (Công ước ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc trên địa bàn tỉnh.

b) Góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân trên địa bàn về các quyền dân sự, chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Việc tổ chức, thực hiện Kế hoạch phải bám sát, phù hợp với nhiệm vụ giao cho UBND cấp tỉnh tại Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh.

b) Nội dung công việc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

c) Các cơ quan, đơn vị liên quan được giao chủ trì hoặc phối hợp phải thực hiện đúng nội dung nhiệm vụ, đúng tiến độ, đảm bảo hiệu quả.

d) Bảo đảm quan hệ chặt chẽ, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị liên quan; kịp thời phản ánh, giải quyết hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Đối với việc triển khai nhiệm vụ “Tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước ICCPR”

a) Chủ động theo dõi thi hành pháp luật trong các lĩnh vực được Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ xác định cần tiếp tục nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nhằm thực hiện Công ước ICCPR (quốc phòng; an ninh quốc gia; hình sự; tôn giáo; thông tin truyền thông; xử lý vi phạm hành chính; bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc; phòng, chống ma túy; quyền lập hội; quyền hội họp hòa bình; quyền bầu cử…); kịp thời phát hiện, kiến nghị sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật của Trung ương không còn phù hợp; đề xuất ban hành mới theo thẩm quyền đối với những trường hợp phát sinh trong thực tế nhưng chưa có quy phạm pháp luật (QPPL) điều chỉnh.

- Chủ trì: Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện trong lĩnh vực, địa bàn quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Phối hợp: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp.

- Kết quả: Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực được giao.

- Tiến độ: Theo văn bản đề nghị của bộ, ngành chủ quản; UBND tỉnh.

b) Rà soát văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp có nội dung liên quan đến thực thi các quyền dân sự, chính trị; kịp thời xử lý những QPPL không còn phù hợp.

- Chủ trì: Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động rà soát thường xuyên trong lĩnh vực, địa bàn quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương ngay khi có căn cứ rà soát; rà soát chuyên đề, lĩnh vực theo kế hoạch của bộ, ngành chủ quản.

- Phối hợp: Sở Tư pháp; các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Kết quả: Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ văn bản QPPL của HĐND, UBND các cấp có nội dung liên quan đến thực thi các quyền dân sự, chính trị nhưng không còn phù hợp; báo cáo kết quả rà soát.

- Tiến độ: Thực hiện thường xuyên (rà soát thường xuyên); theo kế hoạch của bộ, ngành và chỉ đạo của UBND tỉnh (rà soát chuyên đề, lĩnh vực).

2. Đối với việc triển khai nhiệm vụ “Tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi các quy định pháp luật về quyền dân sự, chính trị”

a) Xây dựng các kế hoạch thực hiện, bố trí đủ nguồn nhân lực, tài chính nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch, chương trình hành động quốc gia để xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử đối với phụ nữ, các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (người khuyết tật; trẻ em; người dân tộc thiểu số; người đồng tính, song tính, chuyển giới, liên giới (LGBTI); người nhiễm HIV/AIDS)

- Chủ trì: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (các vấn đề đối với phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật); Sở Y tế (các vấn đề đối với người nhiễm HIV/AIDS, người LGBTI); Ban Dân tộc (các vấn đề liên quan đến người dân tộc thiểu số).

- Phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

- Kết quả: Các kế hoạch triển khai thực hiện; báo cáo sơ kết, tổng kết.

- Tiến độ: Theo kế hoạch, chương trình hành động của Trung ương.

b) Nâng cao hiệu quả tiếp nhận khiếu nại, tố cáo theo hướng thuận tiện, an toàn; tăng tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vi phạm quyền dân sự, chính trị của các cá nhân để đảm bảo tốt hơn quyền khiếu nại, tố cáo

- Chủ trì: Các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện theo thẩm quyền.

- Phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

- Kết quả: Các kênh tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thuận tiện, an toàn; tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo của năm tăng.

- Tiến độ: Hàng năm.

c) Tăng cường hoạt động hỗ trợ bảo vệ các quyền dân sự và chính trị thông qua việc tăng số lượng hoạt động trợ giúp pháp lý (đặc biệt trợ giúp cho các đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó có nạn nhân của hành vi xâm phạm quyền dân sự và chính trị); nâng cao số lượng, chất lượng trợ giúp viên pháp lý, luật sư

- Chủ trì: Sở Tư pháp.

- Phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

- Kết quả: Hoạt động trợ giúp pháp lý; số lượng trợ giúp pháp lý với chất lượng cao tăng dần theo từng năm.

- Tiến độ: Hàng năm.

d) Tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện các quyền dân sự, chính trị (đặc biệt là các thủ tục hành chính liên quan đến các quyền dân sự, chính trị); thống kê tình hình thực hiện, bảo đảm quyền dân sự, chính trị (đặc biệt là thống kê số liệu về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện liên quan đến đến các vi phạm về quyền dân sự, chính trị)

- Chủ trì: Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

- Phối hợp: Cơ quan Thanh tra cùng cấp.

- Kết quả: Chất lượng các đợt thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyền dân sự, chính trị ngày càng hiệu quả; thống kê định kỳ về quyền dân sự, chính trị

- Tiến độ: Hàng năm.

3. Đối với việc triển khai nhiệm vụ “Tiếp tục thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đào tạo”

a) Tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo, bồi dưỡng do các bộ, ngành tổ chức liên quan đến tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước ICCPR, các Bình luận chung, Báo cáo quốc gia lần thứ 3 và các tài liệu liên quan, Bản khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc

- Thực hiện: Các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Kết quả: Cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng.

- Tiến độ: Theo chương trình, kế hoạch của các bộ, ngành.

b) Tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm nhằm tuyên truyền, phổ biến; đồng thời tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành Công ước ICCPR, các tài liệu liên quan và pháp luật Việt Nam về quyền dân sự, chính trị

- Chủ trì: Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện đối với những nội dung liên quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

- Phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

- Kết quả: Các hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm về pháp luật liên quan đến quyền dân sự, chính trị.

- Tiến độ: Theo kế hoạch công tác năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.

c) Biên soạn, cấp phát các tài liệu, ấn phẩm nhằm tuyên truyền, phổ biến; đồng thời tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành Công ước ICCPR, các tài liệu liên quan và pháp luật Việt Nam về quyền dân sự, chính trị.

- Chủ trì: Các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện đối với những nội dung liên quan trong lĩnh vực quản lý nhà nước được giao.

- Phối hợp: Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan.

- Kết quả: Tài liệu, ấn phẩm phổ biến, tuyên truyền.

- Tiến độ: Theo chương trình, kế hoạch công tác năm của cơ quan, đơn vị, địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ nhiệm vụ được phân công tại Mục II Kế hoạch này, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm:

a) Tổ chức triển khai thực hiện theo đúng tiến độ đã đề ra.

b) Tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo, thúc đẩy các quyền dân sự, chính trị cụ thể tại các chương trình, kế hoạch khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, UBND tỉnh.

c) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê định kỳ hàng năm trước ngày 30/10, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu; gửi về UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

2. Sở Tư pháp là cơ quan chủ trì, có nhiệm vụ tham mưu giúp Chủ tịch UBND tỉnh:

a) Tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

b) Định kỳ thông báo kết quả thực hiện về Bộ Tư pháp trước ngày 30/11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

c) Thực hiện chế độ sơ kết, tổng kết theo quy định.

IV. KINH PHÍ

Các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao, chủ động sắp xếp, cân đối trong phạm vi dự toán hàng năm theo quy định và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch.

Trên cơ sở các nội dung đã được đề ra tại Kế hoạch này, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã kịp thời chỉ đạo, nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; (b/c)
- TT HĐND tỉnh;
- LĐ UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Báo Đắk Lắk, Đài PT-TH tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Phòng Tư pháp các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, NC (N_30)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Cảnh