ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3785/KH-UBND | Kon Tum, ngày 22 tháng 10 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Thực hiện Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 3155/SKHĐT-VX ngày 09 tháng 10 năm 2024; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Kon Tum, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, đồng thời góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển đồng bộ kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.
- Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đồng bộ với phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Phát huy mối quan hệ ba Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, trong đó Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, Nhà trường đóng vai trò trung tâm, Nhà doanh nghiệp đóng vai trò đồng hành, hỗ trợ, để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
2. Mục tiêu cụ thể.
- Đến năm 2030:
Liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, học viện, các tổ chức, cá nhân theo quy định để triển khai các chương trình liên kết, hợp tác đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây cho học sinh, sinh viên có nhu cầu.
- Đến năm 2050:
+ Nghiên cứu xây dựng, triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
+ Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng đáp ứng nhu cầu tại tỉnh về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
II. Nhiệm vụ và giải pháp.
1. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Trường Cao đẳng Kon Tum và các đơn vị, địa phương có liên quan: Triển khai hợp tác hiệu quả giữa 3 Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, trong đó quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị, địa phương có liên quan: Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương (sau khi có hướng dẫn của Trung ương).
2. Đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương có liên quan: Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thuộc phạm vi kế hoạch và hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh (theo nhu cầu thực tế của địa phương, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí).
3. Tổ chức đào tạo
- Trường Cao đẳng Kon Tum chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị, địa phương có liên quan: Phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, học viện, các tổ chức cá nhân có uy tín để triển khai các chương trình liên kết, hợp tác tổ chức đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây cho người học trên địa bàn trong và ngoài tỉnh (khi có nhu cầu).
- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trường Cao đẳng Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum: Khuyến khích, thúc đẩy theo học các khối ngành về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), tiếng Anh chuyên ngành, kỹ năng mềm, tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo làm nền tảng theo học các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
- Trường Cao đẳng Kon Tum chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan: Hỗ trợ, khuyến khích các giảng viên chủ động tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu, tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bán dẫn để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu về giảng dạy; phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ giảng viên.
4. Huy động, đa dạng hóa nguồn lực
- Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Ngoài nguồn ngân sách địa phương, đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai thực hiện Kế hoạch (các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước).
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan: Đẩy mạnh hợp tác công - tư, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
5. Xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Trường Cao đẳng Kon Tum, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị có liên quan: Khuyến khích, hỗ trợ hợp tác giữa nhà trường, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ sinh viên, giảng viên thực tập, làm việc thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị, địa phương có liên quan: Ươm tạo doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực lao động, tài chính và công nghệ bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn.
6. Nghiên cứu và phát triển
- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các đơn vị, địa phương có liên quan: Ưu tiên bố trí và cân đối ngân sách nhà nước hàng năm để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Khuyến khích Trường Cao đẳng Kon Tum và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các chương trình hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục nghiên cứu về ngành công nghiệp bán dẫn có uy tín nhằm phát triển chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu phát triển của tỉnh.
7. Các nhiệm vụ, giải pháp khác
- Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Chương trình, của ngành công nghiệp bán dẫn và khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), tạo phong trào thi đua sôi nổi trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các nội dung của Chương trình.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Khuyến khích tổ chức các cuộc thi, giải thưởng và khen thưởng nhằm tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
- Trường Cao đẳng Kon Tum, Sở Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan: Cử đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (nhà giáo, đang công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các sở, ngành có trình độ chuyên môn liên quan, nhóm ngành gần) được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực ngành công nghiệp bán dẫn, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tham quan, học tập mô hình triển khai đào tạo về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp uy tín.
(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)
III. Kinh phí thực hiện.
1. Hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương (nếu có).
2. Ngân sách địa phương các cấp.
3. Tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch; làm đầu mối theo dõi, đánh giá quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch; đề xuất giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc (nếu có).
- Đôn đốc các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch; tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15 tháng
11 hằng năm.
- Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Phụ lục kèm theo.
2. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về tầm quan trọng của khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) và những cơ hội nghề nghiệp trong ngành bán dẫn.
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai các nội dung thuộc Chương trình bảo đảm bám sát mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
- Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Phụ lục kèm theo.
3. Sở Tài chính:
- Căn cứ đề xuất của đơn vị, địa phương và khả năng cân đối ngân sách, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các đơn vị, địa phương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch theo pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Phụ lục kèm theo.
4. Trường Cao đẳng Kon Tum:
- Theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai các chương trình hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục nghiên cứu về ngành công nghiệp bán dẫn có uy tín nhằm nâng cao năng lực đào tạo, phát triển chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị và nhu cầu phát triển của tỉnh.
- Hỗ trợ, khuyến khích, các giảng viên chủ động tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu, tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bán dẫn để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu về giảng dạy; phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ giảng viên.
- Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Phụ lục kèm theo.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Khuyến khích, thúc đẩy học sinh theo học các khối ngành về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), tiếng Anh chuyên ngành, kỹ năng mềm, tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo làm nền tảng theo học các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
- Rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học hoặc có nguyện vọng theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước.
- Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Phụ lục kèm theo.
6. Sở Khoa học và Công nghệ:
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn.
- Chủ trì tổng hợp các đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí và cân đối ngân sách nhà nước hàng năm để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh
- Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Phụ lục kèm theo.
7. Công an tỉnh:
Chủ động triển khai công tác nắm tình hình việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về công nghiệp bán dẫn để phát hiện sơ hở, thiếu sót, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Theo dõi, hướng dẫn Trường Cao đẳng Kon Tum triển khai thực hiện các chính sách thúc đẩy, nâng cao năng lực đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh (sau khi có hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
9. Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum:
- Rà soát và hiệu chỉnh chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin nhằm bổ sung về các học phần liên quan đến vi mạch bán dẫn.
- Phối hợp với các trường thành viên đào tạo chuyên ngành vi mạch bán dẫn và thiết kế vi mạch bán dẫn.
- Phát triển các chương trình đào tạo ngắn hạn, cấp chứng chỉ về trí tuệ nhân tạo cũng như lĩnh vực liên quan đến công nghiệp bán dẫn dành cho sinh viên, nhân lực ngành gần muốn chuyển đổi ngành nghề.
- Thực hiện liên kết với doanh nghiệp nhằm đào tạo các khóa học ngắn hạn phục vụ cho phát triển nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn.
- Hỗ trợ, khuyến khích các giảng viên tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tiềm năng, lợi thế của địa phương.
- Chủ động bố trí kinh phí, huy động nguồn lực và vốn ngoài ngân sách phù hợp điều kiện của địa phương để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác có cùng nội dung, nhiệm vụ với Kế hoạch.
- Tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện Kế hoạch; Chỉ đạo thực hiện, tổ chức theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch trên địa bàn; thực hiện chế độ báo cáo, đánh giá Kế hoạch theo quy định.
- Chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Phụ lục kèm theo.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch; trong quá trình triển khai thực hiện trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu) để xem xét, điều chỉnh đảm bảo quy định và tình hình thực tế./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
CHI TIẾT NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NGÀNH CÔNG NGHIỆP BÁN DẪN ĐẾN NĂM 2030, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2050” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Kèm theo Kế hoạch số: 3785 /KH-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum)
TT | Nhiệm vụ, giải pháp | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Cấp trình | Tiến độ thực hiện |
I | Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù | ||||
1 | Triển khai hợp tác hiệu quả giữa 3 Nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, trong đó quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Trường Cao đẳng Kon Tum, các đơn vị, địa phương có liên quan | Cơ quan có thẩm quyền | Hàng năm |
2 | Rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương (sau khi có hướng dẫn của Trung ương). | Sở Giáo dục và Đào tạo | Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị, địa phương liên quan | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 |
II | Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, công nghệ phục vụ đào tạo | ||||
1 | Ưu tiên bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thuộc phạm vi Kế hoạch và hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh. (theo nhu cầu thực tế của địa phương bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí). | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở Tài chính, các đơn vị, địa phương liên quan | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 (Căn cứ khả năng bố trí vốn) |
III | Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức đào tạo | ||||
1 | Phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, học viện, các tổ chức cá nhân có uy tín để triển khai các chương trình liên kết, hợp tác tổ chức đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây cho người học trên địa bàn trong và ngoài tỉnh (khi có nhu cầu). | Trường Cao đẳng Kon Tum | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị, địa phương liên quan | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 |
2 | Khuyến khích, thúc đẩy theo học các khối ngành về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), tiếng Anh chuyên ngành, kỹ năng mềm, tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo làm nền tảng theo học các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. | Sở Giáo dục và Đào tạo | Trường Cao đẳng Kon Tum, Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 |
3 | Hỗ trợ, khuyến khích các giảng viên chủ động tham gia các chương trình đào tạo chuyên sâu, tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bán dẫn để nâng cao năng lực, đáp ứng yêu cầu về giảng dạy; phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ giảng viên. | Trường Cao đẳng Kon Tum | Các đơn vị, địa phương liên quan | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 |
IV | Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về huy động, đa dạng hóa nguồn lực | ||||
1 | Ngoài nguồn ngân sách địa phương, đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai thực hiện Kế hoạch (các nguồn vốn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước). | Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố | Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 |
2 | Đẩy mạnh hợp tác công - tư, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các đơn vị, địa phương liên quan | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 |
V | Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng hệ sinh thái, tạo đầu ra cho nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp | ||||
1 | Khuyến khích, hỗ trợ hợp tác giữa nhà trường, trung tâm đổi mới sáng tạo và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, hỗ trợ sinh viên, giảng viên thực tập, làm việc thực tế tại các tổ chức, doanh nghiệp. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Trường Cao đẳng Kon Tum, Sở Khoa học và Công nghệ, các đơn vị có liên quan | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 |
2 | Ươm tạo doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực lao động, tài chính và công nghệ bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đơn vị, địa phương có liên quan | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 |
VI | Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp về nghiên cứu và phát triển | ||||
1 | Ưu tiên bố trí và cân đối ngân sách nhà nước hàng năm để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. | Sở Khoa học và Công nghệ | Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, các đơn vị, địa phương có liên quan | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 |
2 | Khuyến khích Trường Cao đẳng Kon Tum và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai các chương trình hợp tác đào tạo với các cơ sở giáo dục nghiên cứu về ngành công nghiệp bán dẫn có uy tín nhằm phát triển chương trình đào tạo liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục và nhu cầu phát triển của tỉnh. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội | Cơ quan có thẩm quyền | 2025-2030 |
VII | Nhóm các nhiệm vụ, giải pháp khác | ||||
1 | Truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Chương trình, của ngành công nghiệp bán dẫn và khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), tạo phong trào thi đua sôi nổi trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các nội dung của Chương trình | Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo | Các sở, ban ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố | Cơ quan có thẩm quyền | Thường xuyên, hàng năm |
2 | Khuyến khích tổ chức các cuộc thi, giải thưởng và khen thưởng nhằm tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các sở, ban ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố | Cơ quan có thẩm quyền | 2030 |
3 | Cử đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (nhà giáo, đang công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các sở, ngành có trình độ chuyên môn liên quan, nhóm ngành gần) được tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực ngành công nghiệp bán dẫn, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tham quan, học tập mô hình triển khai đào tạo về lĩnh vực công nghiệp bán dẫn của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp uy tín. | Trường Cao đẳng Kon Tum, Sở Giáo dục và Đào tạo | Các đơn vị, địa phương có liên quan | Cơ quan có thẩm quyền | Thường xuyên |
Kế hoạch 3785/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- Số hiệu: 3785/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 22/10/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
- Người ký: Nguyễn Ngọc Sâm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/10/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định