Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 378/KH-UBND

Lào Cai, ngày 28 tháng 10 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP NHẰM ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG TIÊU THỤ, XUẤT KHẨU HÀNG HÓA NÔNG SẢN, LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN TRONG BỐI CẢNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VÀ GIAI ĐOẠN SAU COVID-19

Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19; văn bản số 6802/VPCP-KTTH ngày 23/9/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19; văn bản số 5380/BCT-XTTM ngày 01/9/2021 của Bộ Công Thương về việc khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau COVID-19. Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông sản, lâm sản và thủy sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh và giai đoạn sau Covid-19 với một số nội dung, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông sản, lâm sản và thủy sản của Việt Nam qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Lào Cai đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; dần nâng cao giá trị hàng hóa nông, lâm, thủy sản xuất khẩu.

- Phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy mạnh công tác đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản.

2. Yêu cầu

- Đảm bảo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành; xác định nội dung công việc phải gắn liền với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì trong việc triển khai thực hiện kế hoạch để có kết quả cao nhất.

- Các hoạt động nhằm đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải đảm bảo tính khả thi về phương thức, quy mô tổ chức, tiến độ thực hiện gắn với chất lượng và tính chuyên nghiệp, qua đó đạt hiệu quả trong công tác xúc tiến; nâng cao tính liên kết phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nâng cao năng lực sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản hàng hóa nông nghiệp tỉnh Lào Cai

- Tăng cường đẩy mạnh việc thực hiện cấp mã số vùng trồng nhằm hỗ trợ theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát chất lượng sản phẩm; truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng.

- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa nông nghiệp của tỉnh vào các siêu thị, trung tâm tiêu thụ nông sản và đáp ứng nhu cầu về chất lượng sản phẩm tại thị trường nước ngoài.

- Tiếp tục rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến và tiêu thụ. Phối hợp với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông sản tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm phục vụ quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu.

- Đẩy mạnh hình thành các cơ sở thu gom, sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương trên địa bàn tỉnh để phục vụ kết nối tiêu thụ; phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến nhỏ trên địa bàn tỉnh để thu mua và chế biến các loại quả tươi thành sản phẩm chế biến đóng hộp, sấy khô, sấy dẻo, các sản phẩm OCOP,…

- Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng các nhà lạnh, kho lạnh, Container lạnh để bảo quản, kéo dài thời gian thu hoạch và tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

- Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản để tăng giá trị sản phẩm nông sản và giảm áp lực đối với việc tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông sản tươi của tỉnh.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã dần nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, chủ lực của tỉnh, ứng dụng khoa học công nghệ và các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất, kinh doanh để tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài.

2. Đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lào Cai tại thị trường trong nước

- Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại và thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại, các hội nghị, hội thảo, ký kết các biên bản ghi nhớ với các tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo điều kiện để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm an toàn tỉnh Lào Cai nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao và các Chương trình xúc tiến thương mại hàng năm thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh tham gia hội chợ, triển lãm tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tăng cường quảng bá các doanh nghiệp, các sản phẩm và các loại hình dịch vụ của tỉnh, tổ chức các cuộc gặp gỡ, giao thương, học hỏi kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đầu tư, sản xuất kinh doanh, liên doanh, liên kết, kích cầu tiêu dùng, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

- Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động trưng bày, bán các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, các cửa hàng nông sản an toàn, nông sản sạch, các trạm dừng nghỉ dọc các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh.

- Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh kết nối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp kịp thời tại thị trường các tỉnh, thành phố có nhu cầu; Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận bán hàng bằng hình thức thương mại điện tử; Hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam như: Shopee, Lazada, Tiki, Vỏ Sò, Sen Đỏ, VNPost...

- Đẩy mạnh hoạt động kết nối với các nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước để hỗ trợ thu mua, chế biến các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Lào Cai như chuối, dứa, quả ôn đới, các sản phẩm thủy sản nước lạnh như cá tầm, cá hồi...

- Thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin và dự báo thị trường nông nghiệp tới các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh tại thị trường trong nước.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng như: truyền hình, phát thanh; các báo; các Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương và của các tỉnh, thành phố; các mạng xã hội; xây dựng và phát hành các ấn phẩm dưới dạng video, tin bài, ấn phẩm...

3. Đẩy mạnh việc xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Lào Cai sang thị trường nước ngoài

- Chủ động làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ tỉnh Lào Cai tìm hiểu tiêu chuẩn, điều kiện từng bước đáp ứng để hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tỉnh Lào Cai sang các nước thành viên của các Hiệp định thương mại tự thế hệ mới mà Việt Nam có tham gia như (EVFTA, UKVFTA, RCEP, CPTPP,...); hỗ trợ tỉnh Lào Cai tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới ngoài Trung Quốc (đặc biệt là đối với các mặt hàng nông, lâm sản như: chuối, dứa, sắn, tinh dầu quế, thảo quả,...) và cung cấp thông tin về các doanh nghiệp đầu mối của một số thị trường trên thế giới chuyên nhập khẩu các mặt hàng này.

- Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì hoạt động xuất khẩu sản phẩm hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó tích cực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao chất lượng sản phẩm, thực hiện cấp mã số vùng trồng, từng bước kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm và dần chuyển đổi hình thức xuất khẩu từ hình thức xuất khẩu biên mậu (cá nhân, hộ kinh doanh) sang xuất khẩu chính ngạch, tránh các rủi ro về kinh tế.

- Tổ chức làm việc với Tham tán thương mại của Đại sứ quán các nước để xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh, cụ thể: Ấn Độ, Asean, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nam Phi, EU (xúc tiến xuất khẩu đối với sản phẩm: phôi thép, phốt pho vàng, quế và các sản phẩm từ quế, sản phẩm từ gỗ rừng trồng, các sản phẩm nông sản); Trung Đông, Nga, Nam và Tây Á,... (xúc tiến xuất khẩu đối với sản phẩm chè, dược liệu).

- Tổ chức cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế trong và ngoài nước như: Hội chợ hàng hóa các quốc gia Nam Á - Trung Quốc; Hội chợ Tây Song Bản Nạp, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Côn Minh, Trung Quốc; Hội chợ VietnamExpo; Hội chợ nông nghiệp quốc tế AgroViet; Hội chợ quốc tế tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Asean,... nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh.

- Chủ động tham gia các chương trình hợp tác song phương và đa phương nhằm khảo sát thị trường đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, chú trọng vào việc hình thành và phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến sâu...

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử quốc tế như: Alibaba, Amazon...

- Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cung cấp thông tin về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là về các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa... đối với những thị trường tiềm năng, sản phẩm hàng hóa công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp của tỉnh Lào Cai có khả năng xuất khẩu với số lượng lớn.

4. Xúc tiến xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai

- Tăng cường đề nghị với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc (bổ sung các mặt hàng sầu riêng, bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, khoai lang tím...).

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh hàng hóa trên cả nước với các doanh nghiệp của Trung Quốc tạo cơ hội kết nối, thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp hai Bên như: Hội chợ Thương mại quốc tế Việt - Trung hàng năm tại thành phố Lào Cai và huyện Hà Khẩu (Trung Quốc); Hội nghị xúc tiến xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản hàng năm tại thành phố Lào Cai; Hội nghị xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản tại huyện Hà Khẩu, Trung Quốc;...

- Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức các Hội nghị xúc tiến xuất khẩu, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây của các địa phương sang thị trường Trung Quốc như: Hội nghị thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều của tỉnh Bắc Giang, Hải Dương; Hội nghị thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu quả nhãn và các sản phẩm nông sản tỉnh Hưng Yên; Hội nghị thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu xoài, nhãn và các sản phẩm nông sản tỉnh Sơn La; Hội nghị thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thanh long các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang;...

- Tổ chức đoàn khảo sát vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản có thế mạnh xuất khẩu, kết hợp tuyên truyền, quảng bá về lợi thế, cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp thực hiện thông quan xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc.

- Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên cả nước tham gia các hội chợ, triển lãm, các hội nghị xúc tiến xuất nhập khẩu hàng hóa tại Trung Quốc như: Hội chợ hàng hóa các quốc gia Nam Á, Đông Nam Á, Côn Minh - Trung Quốc; Hội chợ Tây Song Bản Nạp, Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Côn Minh, Trung Quốc;...

- Thường xuyên tổ chức làm việc, hội đàm với phía tỉnh Vân Nam, Trung Quốc để thúc đẩy thực hiện các biện pháp giúp đẩy mạnh tiện lợi hóa thông quan tại các cửa khẩu, nâng cao lưu lượng hàng hóa thông quan xuất khẩu của Việt Nam như:

Đối với cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Việt Nam) - Bắc Sơn (Trung Quốc): gỡ bỏ hạn chế về hoạt động xuất nhập cảnh đối với người điều khiển phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu; khôi phục hoạt động thông quan nhập khẩu các loại trái cây tươi; tiếp tục triển khai kéo dài thời gian thông quan tại cặp cửa khẩu này từ 07h00 đến 22h00 (giờ Hà Nội) và 08h00 đến 23h00 (giờ Bắc Kinh) hàng ngày đối với mặt hàng nông sản và thủy sản xuất nhập khẩu của cả hai Bên; nâng cao hiệu quả thực hiện "luồng ưu tiên" thông quan đối với hàng hóa nông sản đã được hai Bên ký kết thực hiện...

Đối với cặp cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc): đẩy mạnh việc đưa cặp cửa khẩu này vào danh mục các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây từ Việt Nam; tổ chức thực hiện hoạt động thí điểm thông quan xuất nhập khẩu một số mặt hàng trái cây, nông sản (như: thanh long, xoài, dưa hấu, chuối, mít,...của Việt Nam) qua cặp cửa khẩu quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu trong thời gian chờ phía Trung Quốc hoàn tất việc chỉ định cửa khẩu nhập khẩu và tăng thêm số đôi chuyến tàu liên vận hoạt động hàng ngày để nâng cao lưu lượng xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai Bên;...

Đẩy mạnh việc mở các cặp cửa khẩu Bản Vược (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc) và Mường Khương (Việt Nam) - Kiều Đầu (Trung Quốc) thành điểm thông quan hàng hóa; xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng tại Bát Xát (Việt Nam) và Bá Sái (Trung Quốc); đẩy nhanh tiến độ mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư dự án Trung tâm xúc tiến thương mại và chợ biên giới Kim Thành, từng bước nghiên cứu thiết lập các cặp chợ biên giới khác để tạo thêm điểm thông quan, mua bán trao đổi hàng hóa hai Bên.

Tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với phía Trung Quốc thiết lập địa điểm trưng bày hàng hóa của Việt Nam tại thành phố Mông Tự, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

- Thường xuyên trao đổi, kết nối với Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc để nắm bắt thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, những thay đổi trong chính sách của Trung Quốc trên tuyến biên giới giữa tỉnh Lào Cai - Vân Nam; thông tin về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội lớn của tỉnh Vân Nam và châu Hồng Hà. Thông tin về tình hình hoạt động thông quan tại các cửa khẩu tỉnh Lào Cai; tình hình triển khai một số biện pháp về quản lý hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa của phía bạn Trung Quốc;... kịp thời thông tin đến các tỉnh, thành phố có vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai để chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Nguồn ngân sách: Căn cứ vào nội dung Kế hoạch và các nhiệm vụ cụ thể, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài Chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

- Nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, HTX, nguồn hỗ trợ từ các Bộ, ngành trung ương và các nguồn huy động hợp pháp khác.

- Việc quản lý và sử dụng kinh phí phải đảm bảo có hiệu quả, tiết kiệm và thực hiện đúng các quy định hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Thường xuyên làm việc, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Lào Cai.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia ký kết, trong đó đặc biệt là các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP,...) nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa các ưu đãi về thuế từ các FTA.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai công tác hướng dẫn, tuyên truyền kịp thời về Lệnh 248 về quản lý đăng ký sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Trung Quốc và Lệnh 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Chính sách này sẽ gây rất nhiều khó khăn, thách thức đối với hàng hóa nông sản, thủy sản, thực phẩm của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

- Từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm như: Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung; Hội nghị kết nối, xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản;...

- Thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin và dự báo thị trường các nước nhập khẩu nhằm kịp thời cung cấp cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam (đặc biệt là các loại nông sản, lâm sản, thủy sản) phục vụ hoạt động điều hành, sản xuất, kinh doanh của các đơn vị.

- Đẩy mạnh công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển thương mại điện tử; hỗ trợ đưa các sản phẩm của tỉnh Lào Cai tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc tìm hiểu thông tin các vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản tại các tỉnh, thành phố nhằm đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng, phát hành ấn phẩm dưới dạng video, tin bài... phục vụ cho công tác tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Lào Cai đến thị trường các nước nhập khẩu.

- Thường xuyên trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc nhằm đẩy mạnh tiện lợi hóa thông quan tại các cửa khẩu, nâng cao lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai Bên, đặc biệt là thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản, lâm sản và thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất ra các sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản và thực phẩm của tỉnh đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường trong và ngoài nước; phát triển các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa theo thế mạnh của từng địa phương hướng tới phát triển bền vững.

- Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp hiệu quả với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của tỉnh đạt chất lượng, năng suất đáp ứng nhu cầu các nước nhập khẩu.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện có hiệu quả việc cấp mã số vùng trồng cho nông sản phục vụ xuất khẩu, tham gia tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

- Thường xuyên phối hợp, làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục mở cửa thị trường cho trái cây, nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc (trong đó có mặt hàng dứa, thảo quả... của tỉnh Lào Cai).

- Thường xuyên cập nhật thông tin giá cả, thị trường; tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.

- Tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản như: phơi khô, sấy khô, sây dẻo, chế biến tinh bột, đóng hộp,... để bảo quản, tích trữ, nâng cao giá trị sản phẩm.

- Tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục tăng cường hợp tác với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, các tổ chức quốc tế JICA, WB, KFW8; các tổ chức phi chính phủ (tổ chức SNV/Hà Lan, GREAT...) để tranh thủ, thu hút nguồn vốn (NGO, ODA, FDI) phát triển thị trường, khoa học công nghệ phục vụ cho các mục tiêu phát triển nông nghiệp.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xây dựng danh mục các dự án ưu tiên chế biến bảo quản các mặt hàng nông, lâm, thủy sản và xây dựng chính sách hỗ trợ sơ chế, bảo quản nông, lâm, thủy sản, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan cân đối bổ sung kế hoạch vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng liên quan đến các khu vực cửa khẩu; đồng thời triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương; xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, trong đó trọng tâm hướng vào các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực.

4. Sở Tài chính

- Tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kinh phí để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nói chung qua các cửa khẩu tỉnh Lào Cai, và các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Lào Cai nói riêng ra thị trường nước ngoài.

- Thường xuyên rà soát, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế đối với các loại phí, lệ phí nhằm đẩy mạnh thu hút các loại nông sản thông quan qua cửa khẩu Lào Cai.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với điều kiện thực tiễn.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung cao cho việc xây dựng nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh; đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký bảo hộ tại nước ngoài cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các sản phẩm đã được cấp văn bằng bảo hộ.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cập nhật các thông tin liên quan đến các quy định về các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế; các quy định về hàng rào phi thuế; áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code...) để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, hàng hóa của tỉnh trên các phương tiện truyền thông.

- Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để xây dựng tin, bài, phóng sự, clip, tăng cường thời lượng tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, thông tin về thị trường hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của tỉnh.

- Hỗ trợ các sở, ngành, địa phương làm việc với các cơ quan truyền thông của Trung ương và các tỉnh để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm của tỉnh; về vị trí, vai trò cầu nối, lợi thế của hệ thống cửa khẩu tỉnh Lào Cai.

7. Sở Ngoại vụ

- Thường xuyên trao đổi, đề nghị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh (Trung Quốc) cung cấp thông tin về nhu cầu của thị trường Trung Quốc và các cơ hội thúc đẩy hợp tác cho các cơ quan, doanh nghiệp trong tỉnh.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trao đổi với các cơ quan chức năng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về việc mở thêm các cặp cửa khẩu, điểm thông quan, cặp chợ biên giới, chỉ định cửa khẩu nhập khẩu trái cây,... nhằm thúc đẩy hoạt động thông quan xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.

8. Sở Y tế

- Phối hợp với các sở, ngành, địa phương để đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch bệnh khi tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa trong tỉnh, ngoài tỉnh và tại nước ngoài.

- Căn cứ tình hình thực tế ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động hoạt động trong các khâu thu hoạch, chế biến, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hướng dẫn, tư vấn chuyên môn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các đơn vị vận tải hàng hóa lưu thông tiêu thụ, xuất khẩu trên địa bàn.

9. Cục Hải quan tỉnh

- Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan: Thực hiện hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), hệ thống giám sát tự động (VASSCM) tại kho, bãi, cảng; Triển khai thực hiện thanh toán thuế, lệ phí hải quan bằng phương thức điện tử (e-Payment); Đề án tham vấn một lần, sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần; Hệ thống xử lý miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế và xử lý tiền thuế nộp thừa trên Hệ thống điện tử; Triển khai các thủ tục của các Bộ, ngành trên Cơ chế một cửa quốc gia để thực hiện thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí thông quan hàng hóa.

- Hỗ trợ tư vấn, giải quyết kịp thời những vướng mắc về thủ tục hải quan theo thẩm quyền dưới các hình thức: hướng dẫn, giải đáp trực tiếp tại cơ quan hải quan, qua điện thoại, giải đáp bằng văn bản...

- Niêm yết, tuyên truyền các văn bản về hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại công sở và nơi làm thủ tục hải quan cho các đối tượng tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, cư dân biên giới để thực hiện đúng pháp luật hải quan và triển khai thực hiện các hệ thống, phần mềm chuyên ngành.

- Tăng cường kiểm soát, đấu tranh đối với hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tăng cường thực hiện các giải pháp, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

10. Ban Quản lý Khu kinh tế

- Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương nghiên cứu, tham mưu quy trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số của tỉnh để tăng cường công tác quản lý, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý tại cửa khẩu; phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh; quản lý tổng thể, toàn diện hoạt động tại khu vực cửa khẩu; tự động hóa quy trình, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp có phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Tổ chức quản lý chặt chẽ người, phương tiện ra, vào và hoạt động tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

- Duy trì trao đổi thông tin 24/7 với Ban Quản lý cửa khẩu huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác quản lý cửa khẩu.

- Thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xuất, nhập khẩu, dịch vụ kho bãi; doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, kịp thời tổng hợp, tham mưu các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với các sở, ngành chức năng có liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện của UBND huyện, thị xã, thành phố về phát triển các sản phẩm xuất khẩu chủ lực trên địa bàn, đề xuất cơ chế, chính sách và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản và các hàng hóa xuất khẩu khác.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn Hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn để đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn nhằm tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu đi các nước.

- Phối hợp với các sở, ngành, cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Tổ chức Hội nghị kết nối cung cầu của huyện, thị xã, thành phố nhằm kết nối các doanh nghiệp, tiểu thương thu mua với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

- Chủ động kết nối với hệ thống siêu thị, nhà phân phối lớn, tìm kiếm thị trường mới để đẩy mạnh tiêu thụ hết các sản phẩm. Khuyến khích các doanh nghiệp, Hợp tác xã của huyện, thị xã, thành phố tham gia tích cực các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Căn cứ Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện; trong quá trình triển khai nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc kịp thời tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Công Thương) xem xét, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Công Thương (b/c);
- TT. HĐND, Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PT-TH, Báo Lào Cai, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu VT, TH(3,4), NLN (1,2), VX2, KT2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Quốc Khánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 378/KH-UBND năm 2021 triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa nông sản, lâm sản và thủy sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh và giai đoạn sau Covid-19 do tỉnh Lào Cai ban hành

  • Số hiệu: 378/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 28/10/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Hoàng Quốc Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản