Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 366/KH-UBND

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG VỆ SINH MÔI TRƯỜNG, THU GOM, VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TRÊN ĐỊA BÀN 04 QUẬN NỘI ĐÔ LỊCH SỬ THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Để đổi mới công tác duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được thực hiện đồng bộ bằng các phương tiện cơ giới, hiện đại, đạt hiệu quả, chất lượng cao tương đương các nước tiên tiến, xây dựng môi trường Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp hơn nữa cho Thủ đô, đặc biệt tại khu vực trung tâm; UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng, hiệu quả, mỹ quan đô thị, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại với môi trường sống trong lành, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững.

- Đổi mới áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, tăng cường cơ giới hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm lao động thủ công, bảo vệ sức khỏe cho người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường.

2. Yêu cầu

- Nâng cấp, thay thế toàn diện đối với thùng rác, điểm thu gom, trạm trung chuyển, xe thu gom vận chuyển rác, xây dựng quy trình thu gom - trung chuyển - vận chuyển - xử lý rác thải tiêu chuẩn cao và an toàn, đảm bảo 100% rác thải bỏ vào thùng, không có rác thải ngoài thùng, rác thải được vận chuyển kịp thời, không tràn thùng.

- Các điểm thu gom rác, vị trí đặt thùng rác trên vỉa hè đều được vệ sinh hằng ngày bằng xe chuyên dụng đảm bảo sạch sẽ và không phát tán mùi; thiết bị thu chứa kín khít, có nắp. 100% các tuyến đường, phố có đủ điều kiện hạ tầng phải thực hiện duy trì vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển bằng phương tiện cơ giới.

- Xóa bỏ các điểm cẩu. Đối với khu vực bắt buộc phải có điểm cẩu, yêu cầu 100% các điểm có phương án đảm bảo vệ sinh môi trường (mùi, nước rác phải được xử lý), mặt đường tập kết sau khi kết thúc hoạt động phải sạch, không tồn đọng nước, nước rác. Đảm bảo tiêu chí sạch 100%: ngoài giờ thu gom theo quy định không phát sinh rác thải trên đường phố, hè phố, dải phân cách, nơi công cộng.

- Thực hiện tốt công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn. Tăng cường giám sát các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường; phân công rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư, Đơn vị duy trì vệ sinh môi trường, trách nhiệm của người dân và các cấp quản lý nhà nước. Lắp đặt hệ thống camera quản lý nhận diện hiện đại để thực hiện xử phạt các hành vi vi phạm.

- Phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được tổ chức triển khai đồng bộ; thường xuyên đánh giá, cải tiến trong quá trình thực hiện. Huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân và mọi tổ chức xã hội, cộng đồng, là cơ sở để lan tỏa triển khai trên phạm vi toàn Thành phố.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Xây dựng phương án thí điểm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội.

Nguyên tắc xây dựng phương án:

- Đánh giá thực trạng cơ chế, chính sách, quản lý, quy trình thực hiện, hạ tầng, phương tiện, nhân lực, vật lực, kinh phí trong công tác thu gom, vận chuyển, duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn. Đánh giá mặt đạt, chưa đạt trong công tác thu gom, vận chuyển, duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn.

- Xây dựng phương án giải quyết đối với từng nội dung chưa đạt để đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại mục I.2 của Kế hoạch. Phương án được cụ thể hóa bằng các hình ảnh, video so sánh giữa hiện trạng đang thực hiện với mô hình đề xuất mới trên từng tuyến đường, hạng mục thực hiện.

- Đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả phương án đề ra (giải pháp đầu tư (hợp tác liên kết) bổ sung phương tiện, máy móc thiết bị hiện đại, tiên tiến; giải pháp quản lý, giám sát; giải pháp cơ chế, chính sách…)

Cơ quan, tổ chức xây dựng phương án: UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội xây dựng phương án, thống nhất phương án, các giải pháp thực hiện phương án.

Tiến độ thực hiện: UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng phê duyệt phương án thí điểm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt theo từng địa bàn quận, xong trước ngày 15/12/2024.

2. Chuẩn bị hạ tầng, nhân lực, vật lực thực hiện phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội.

- UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tập trung bố trí, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng (vị trí các điểm đặt thùng (nếu có), vị trí tập kết, trung chuyển theo quy định, hệ thống giám sát (camera,…), xác nhận khối lượng thu gom,…) theo phương án được duyệt, hoàn thành xong trước 22/12/2024.

- Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội chịu trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, máy móc, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu cao về mỹ quan, kỹ thuật bảo vệ môi trường, hoàn thành xong trước 25/12/2024.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng kiểm tra toàn bộ máy móc, phương tiện đã bố trí của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội để thực hiện phương án, hoàn thành xong trước 30/12/2024.

3. Ra quân thực hiện thu dọn, làm sạch toàn bộ địa bàn

UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng yêu cầu Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội và các phòng, ban, đơn vị liên quan thực hiện tổng vệ sinh, thu dọn toàn bộ rác thải, các điểm tồn đọng, đổ trộm rác thải, phế thải xây dựng trên địa bàn, đảm bảo trả lại mặt bằng, hạ tầng phục vụ thực hiện phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội thực hiện từ ngày 01/01/2025.

4. Triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội.

- Phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được triển khai thí điểm đồng bộ từ 01/01/2025 đến 30/6/2025.

- Đơn vị thực hiện: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (đơn vị trúng thầu công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn).

- Đơn vị giám sát: Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng quận.

5. Giám sát triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội.

- Việc kiểm tra, giám sát triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được tổ chức theo 03 cấp:

+ Cấp 1: Do Ủy ban nhân dân phường quyết định. Nhiệm vụ: Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phân loại, bỏ rác của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn cấp phường; Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các điểm tập kết, điểm đặt thùng.

+ Cấp 2: Do Ủy ban nhân dân quận quyết định. Nhiệm vụ: Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các trạm trung chuyển, công tác vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ điểm tập kết/trạm trung chuyển đến cơ sở xử lý/tái chế; đồng thời kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng kiểm tra, giám sát cấp 1 trên địa bàn cấp quận.

+ Cấp 3: Do Sở Tài nguyên và Môi trường quyết định. Nhiệm vụ: Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố và các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của lực lượng kiểm tra, giám sát cấp 1 và 2.

- Hình thức kiểm tra, giám sát: Việc kiểm tra, giám sát của các lực lượng cấp 1, cấp 2, cấp 3 được thực hiện thường xuyên hoặc đột xuất tùy vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và phù hợp với trách nhiệm của các bên trong gói thầu duy trì vệ sinh môi trường. Kết quả kiểm tra, giám sát là cơ sở để đề xuất điều chỉnh nội dung và giải pháp thực hiện phương án trên địa bàn ngày càng hiệu quả hơn; là cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với các trường hợp chưa đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định và là cơ sở để biểu dương khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt.

6. Đánh giá kết quả triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội.

- Xây dựng bộ chỉ số đánh giá bao gồm: mục tiêu cần đạt, chỉ số đánh giá, kết quả thực hiện, phương pháp thực hiện đánh giá…

- Kết quả đánh giá phải thể hiện được các nội dung đã làm, chưa làm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế (khách quan, chủ quan) và chứng minh bằng tỷ lệ, con số cụ thể, trách nhiệm của các bên làm cơ sở đề xuất giải pháp khắc phục ngay sau mỗi kỳ đánh giá; đảm bảo kết quả thực hiện của kỳ sau phải tốt hơn kỳ trước.

- UBND các phường tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được thực hiện hằng ngày.

- UBND 04 quận tổ chức giao ban, đánh giá kết quả triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được thực hiện hằng tuần.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức đánh giá kết quả triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được thực hiện hằng tháng.

- UBND Thành phố chủ trì, tổ chức đánh giá kết quả triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được thực hiện hằng quý.

7. Tổng kết, báo cáo

- Trước ngày 20/6/2025, Ủy ban nhân dân các quận tổ chức đánh giá kết quả thực hiện phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn và có văn bản báo cáo gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Trước ngày 30/6/2025, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận đánh giá kết quả thực hiện phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn và có báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để xem xét, chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và quy định pháp luật hiện hành.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các quận ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả phương án tại địa phương. Kiểm tra, đánh giá các phương án của các quận, kết quả triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; Phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận đề xuất UBND Thành phố khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời xem xét trách nhiệm, phê bình đối với các đơn vị, tổ chức, UBND các quận và các sở, ngành không triển khai thực hiện, thực hiện không hiệu quả.

- Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai thí điểm, đề xuất xây dựng quy trình, định mức, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố để xem xét, chỉ đạo thực hiện trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quy định pháp luật hiện hành.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Hướng dẫn việc thực hiện và điều chỉnh các gói thầu duy trì VSMT trên địa bàn các quận để triển khai thí điểm phương án theo quy định; Kêu gọi các đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm, đủ phương tiện hiện đại để tham gia công tác duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn.

3. Sở Tài chính

Tham mưu bố trí nguồn vốn, hướng dẫn các thủ tục thực hiện các nhiệm vụ của kế hoạch, đảm bảo thời gian thực hiện.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ngành, đơn vị liên quan cung cấp thông tin, đề nghị các cơ quan báo chí Thành phố, báo chí Trung ương, hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường các tin, bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các hoạt động về phân loại, tái chế, tái sử dụng, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo đúng quy định.

5. Công an Thành phố

Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố, kịp thời phát hiện và xử nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

6. Các cơ quan báo chí, Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội

Xây dựng phóng sự tuyên truyền, ghi hình, đưa tin phản ánh kịp thời tình hình triển khai thực hiện quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố; tuyên truyền về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng tại địa phương; kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân, mô hình hay, điển hình và thiết thực để phổ biến, tuyên truyền nhân rộng.

7. UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng

- Phê duyệt phương án chi tiết thí điểm nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Xây dựng bộ chỉ số đánh giá bao gồm: mục tiêu cần đạt, chỉ số đánh giá, kết quả thực hiện, phương pháp thực hiện đánh giá…

- Bố trí, chuẩn bị đầy đủ hạ tầng (vị trí các điểm đặt thùng (nếu có), vị trí tập kết, trung chuyển theo quy định, hệ thống giám sát (camera…), xác nhận khối lượng thu gom,…) theo phương án đã phê duyệt. Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để được hướng dẫn kịp thời việc thực hiện và điều chỉnh các gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn và nguồn kinh phí thực hiện triển khai thí điểm phương án.

- Đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn (ngoài thời gian thu gom, vận chuyển của đơn vị theo phương án đã thống nhất), chịu trách nhiệm chi trả đối với công tác thu dọn từ nguồn kinh phí xử phạt vi phạm các hành vi đổ trộm, tập kết, đốt rác thải, bỏ rác thải không đúng quy định, không phân loại rác thải.

- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, lưu ý: (1) Xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, cơ quan, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ trong phân loại tại nguồn, tái chế, tái sử dụng tiến tới giảm thiểu khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý, bằng nhiều hình thức phù hợp; (2) Tổ chức thường xuyên hiệu quả các chương trình tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

- Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm về quản lý chất thải rắn trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra việc đổ trộm, tập kết, đốt rác thải, bỏ rác thải không đúng quy định, không phân loại rác thải. Tổ chức giám sát công tác duy trì vệ sinh môi trường của các đơn vị duy trì đảm bảo chất lượng và hiệu quả;

- Tổ chức giao ban, đánh giá kết quả triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được thực hiện hằng tuần.

8. UBND các phường trên địa bàn 04 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng

- Tổ chức triển khai hoạt động về công tác phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết và thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định theo phương án được duyệt.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt như: sử dụng camera hiện có hoặc lắp đặt camera để theo dõi, kiểm tra xử lý các trường hợp phân loại, thu gom, tập kết, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đúng quy định.

- Chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội xác định cụ thể vị trí, thời gian, phương thức bỏ rác, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân và các điểm tập kết phù hợp với đặc điểm của từng khu để thống nhất phương án lựa chọn, xây dựng điểm tập kết trên địa bàn; phổ biến thời gian và phương thức bỏ rác, thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

- Công bố số điện thoại, đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh các vi phạm về phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Tuyên truyền, phổ biến quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và kiểm tra việc thực hiện.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phân loại, bỏ rác của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn phường. Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các điểm tập kết, điểm đặt thùng.

- Tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả triển khai thí điểm phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội được thực hiện hằng ngày.

9. Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội

- Phối hợp với UBND các quận, các phường đánh giá thực trạng quy trình thực hiện, hạ tầng, phương tiện, nhân lực, vật lực, kinh phí trong công tác thu gom, vận chuyển, duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn 04 quận để đề xuất phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại mục I.2 của Kế hoạch.

- Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, máy móc, trang thiết bị, công nghệ hiện đại, quy trình phù hợp đáp ứng yêu cầu cao về mỹ quan, kỹ thuật bảo vệ môi trường để triển khai thí điểm đồng bộ, hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn 04 quận theo phương án đã được UBND các quận phê duyệt từ 01/01/2025 đến hết 30/6/2025.

- Chủ động phối hợp với chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan báo chí, truyền thông thực hiện tuyên truyền rộng rãi các nội dung triển khai phương án nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử thành phố Hà Nội để người dân được biết và cùng chung tay thực hiện.

- Phối hợp với UBND các phường, cộng đồng dân cư, đại diện khu dân cư trong việc xác định thời gian, địa điểm, tần suất và phương thức thu gom chất thải rắn sinh hoạt, phương thức duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn và công bố rộng rãi.

- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác kiểm tra, giám sát các hành vi bới rác, bỏ rác không đúng giờ, đúng nơi quy định và thông báo cho chính quyền địa phương để kịp thời xử lý vi phạm.

10. Trách nhiệm của các hộ gia đình, cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh

- Thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn; lưu trữ, bỏ rác đã được phân loại theo đúng thời gian, địa điểm, phương thức hướng dẫn.

- Bỏ rác vào các thùng rác công cộng. Có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh khu vực không gian trước cửa nhà, cửa hàng.

- Tham gia vào công các tuyên truyền, giám sát và thông báo cho chính quyền địa phương các hành vi thực hiện không đúng theo khung thời gian, tần suất thu gom, địa điểm xử lý theo quy định, nâng cao trách nhiệm cộng đồng.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, tổ chức,... phát sinh trên 300 kg rác/ngày có trách nhiệm trang bị thiết bị lưu chứa đảm bảo các tiêu chí kín khít, có nắp đậy, phù hợp với cơ cấu của phương tiện vận chuyển theo đúng yêu cầu chung của địa phương.

11. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội

- Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tái chế, tái sử dụng, thu gom, lưu giữ, chuyển giao, xử lý chất thải rắn theo đúng quy định.

- Giám sát việc triển khai thực hiện quy định quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương.

UBND Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung tại Kế hoạch này./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Thành ủy;
- Đ/c Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các Phó Chủ tịch UBND Thành phố;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố;
- Các Tổ chức Chính trị - Xã hội Thành phố;
- Các sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc Thành phố;
- Công an Thành phố;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- VPUBTP: CVP, các P.CVP, các phòng: ĐT, KGVX,KTTH, NC, TH, TNMT;
- Lưu: VT, TNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trọng Đông

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 366/KH-UBND năm 2024 nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn 04 quận nội đô lịch sử Thành phố Hà Nội

  • Số hiệu: 366/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 13/12/2024
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Trọng Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản