Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3624/KH-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 105/2020/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 9 NĂM 2020 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC MẦM NON TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non (sau đây gọi tắt là Nghị định số 105);

Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 105, gồm các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố thông qua việc tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất; hỗ trợ thêm kinh phí cho các hoạt động chăm sóc trẻ, cho trẻ mẫu giáo, mầm non, cho giáo viên mầm non.

- Đặc biệt quan tâm xây dựng thêm các chính sách để hỗ trợ giáo dục mầm non cho con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, các vùng khó khăn, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

- Các chính sách hỗ trợ phải cụ thể, phù hợp từng đối tượng, hòa chung với các chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non mà Thành phố đang triển khai thực hiện.

II. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Nhóm giải pháp đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non

1.1. Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non

- Tăng cường nguồn lực từ ngân sách đầu tư cơ sở vật chất theo các chương trình, dự án để thực hiện mục tiêu kiên cố hóa trường, lớp giáo dục mầm non, bảo đảm đến năm 2025 đạt 01 phòng/nhóm, lớp; đầu tư xây dựng mới, bổ sung các hạng mục công trình đạt chuẩn và nâng chuẩn về cơ sở vật chất đối với giáo dục mầm non.

- Khuyến khích thu hút các nguồn lực của xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật.

- Bố trí dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non trong kế hoạch sử dụng đất đai của địa phương; củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.

1.2. Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn

- Ưu tiên đầu tư kinh phí địa phương từ các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đáp ứng yêu cầu kiên cố hóa trường, lớp học.

- Cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo quy định của Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP) được ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ:

+ Kinh phí hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non được tính trên số lượng trẻ được ăn bán trú, tối thiểu bằng 2.400.000 đồng/01 tháng/45 trẻ, số dư từ 20 trẻ trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ.

+ Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 05 lần mức hỗ trợ nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm học.

+ Hằng năm, cùng với thời điểm dự toán ngân sách nhà nước, các Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp số trẻ em hiện có của các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gửi Phòng Tài chính cùng cấp thẩm định, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt kinh phí theo quy định.

1.3. Chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp, nơi có nhiều lao động và chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển giáo dục mầm non

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét và quyết định.

2. Nhóm giải pháp đối với trẻ em mầm non

2.1. Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo

- Trẻ em độ tuổi mẫu giáo thuộc đối tượng hỗ trợ theo Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng; thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, không quá 9 tháng/năm học.

- Tại thời điểm nhập học đầu mỗi năm học, các cơ sở giáo dục mầm non phổ biến rộng rãi, hướng dẫn cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng hỗ trợ thực hiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ ăn trưa theo Khoản 3 và nộp hồ sơ theo Khoản 4 Điều 7 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.

- Trình tự, thời gian và phương thức thực hiện: các cơ sở giáo dục mầm non, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 4, 5 Điều 7 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.

2.2. Trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét, quyết định mức hỗ trợ.

3. Nhóm giải pháp đối với giáo viên mầm non

3.1. Đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số

- Giáo viên mầm non, được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng (bốn trăm năm mươi nghìn đồng một tháng). Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

- Các cơ sở giáo dục mầm non, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP.

3.2. Hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn đối với giáo viên mầm non dân lập, tư thục

- Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhóm, tổ trưởng chuyên môn) đang làm việc tại các Cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định: được Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

- Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

- Hằng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định.

3.3. Hỗ trợ giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố để trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết xem xét, quyết định.

III. THỜI GIAN VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kế hoạch triển khai thực hiện từ ngày 01 tháng 11 năm 2021.

- Kinh phí thực hiện các chính sách quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP bao gồm:

+ Ngân sách nhà nước;

+ Nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

- Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện có trách nhiệm lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo các quy định hiện hành.

IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức, các quận, huyện triển khai thực hiện kế hoạch; tổ chức kiểm tra, đánh giá, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố.

- Chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân Thành phố đối với các nội dung tại mục 1.3, 2.2 và 3.3 của Kế hoạch này.

2. Sở Tài chính

Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố cân đối nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện Kế hoạch theo quy định về phân cấp ngân sách hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân Thành phố kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục mầm non được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện

- Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Kế hoạch tại địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện và báo cáo tình hình thực hiện định kỳ hằng năm, gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ Quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai thực hiện đúng đối tượng và có hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- TTUB: CT, PCT;
- Các sở, ngành TP;
- UBND quận, huyện. TP Thủ Đức;
- VPUB: CPVP;
- Phòng VX, TH;
- Lưu: VT, (VX-VN).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Anh Đức

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3624/KH-UBND năm 2021 thực hiện Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 3624/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 02/11/2021
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Dương Anh Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản