Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3614/KH-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG BẮT BUỘC ĐỐI VỚI CÁC NHÂN LỰC PHỤC VỤ DU LỊCH TRÊN TÀU, THUYỀN, NHÀ HÀNG NỔI PHỤC VỤ DU LỊCH TRÊN ĐƯỜNG THỦY

Thực hiện Thông báo số 1793/TB-BVHTTDL ngày 08/6/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thông báo kết luận của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn tại Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý hoạt động du lịch đường thủy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với các nhân lực phục vụ du lịch trên tàu, thuyền, nhà hàng nổi phục vụ du lịch trên đường thủy như sau:

1. Căn cứ xây dựng

Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo an toàn đối với hoạt động du lịch nói chung và hoạt động du lịch đường thủy tới các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động du lịch đường thủy; thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp thanh kiểm tra và xử lý vi phạm an toàn du lịch đường thủy; nhờ đó, nhận thức và việc tổ chức thực hiện của các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động đường thủy đã có chuyển biến, công tác đảm bảo an toàn du lịch đường thủy bước đầu đi vào nề nếp.

Tuy nhiên, công tác trật tự, an toàn đối với hoạt động du lịch đường thủy vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2011 đến nay, đã xảy ra một số vụ tai nạn đường thủy gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản của khách du lịch và người lao động, ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của ngành Du lịch Việt Nam. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch, đồng thời kiềm chế và giảm đến mức thấp nhất vi phạm, giảm thiểu nguy cơ tai nạn đối với hoạt động du lịch đường thủy, đòi hỏi cần phải xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với các nhân lực phục vụ du lịch trên tàu, thuyền, nhà hàng nổi phục vụ du lịch trên đường thủy để khắc phục những tồn tại nêu trên.

2. Mục đích, yêu cầu

2.1. Mục đích:

Xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn nghiệp vụ du lịch, nghiệp vụ xử lý các tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo an toàn đường thủy và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cho các địa phương có hoạt động du lịch sử dụng phương tiện đường thủy nội địa.

2.2. Yêu cầu:

Chương trình đào tạo cần được xây dựng đảm bảo hiệu quả, thiết thực, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn đối với hoạt động du lịch đường thủy, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Kết thúc mỗi chương trình đào tạo cần có kiểm tra, sát hạch và cấp chứng nhận chuyên môn cho các học viên đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ du lịch trên các phương tiện đường thủy nội địa.

3. Đối tượng

Toàn bộ cán bộ quản lý, thủy thủ, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên các phương tiện đường thủy nội địa kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, lưu trú du lịch tại các địa phương có hoạt động du lịch.

4. Nội dung, thời gian đào tạo

TT

Khung nội dung đào tạo

Thời gian đào tạo

1.

Kiến thức về an toàn làm việc trên phương tiện đường thủy (cứu sinh, cứu đắm, phòng chống cháy nổ, sơ cấp cứu)

02 ngày

2.

Kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm

0,5 ngày

3.

Kiến thức về nghiệp vụ buồng

01 ngày

4.

Kiến thức về nghiệp vụ bàn, bar

01 ngày

5.

Kiến thức về nghiệp vụ lễ tân đón tiếp

0,5 ngày

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Đối với Tổng cục Du lịch:

- Phối hợp với Vụ Đào tạo, các cơ sở đào tạo về du lịch xây dựng nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng chi tiết cho từng đối tượng cụ thể. Kinh phí xây dựng chương trình tự bố trí, cân đối trong các nguồn kinh phí được cấp có thẩm quyền giao hàng năm.

- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ đào tạo viên của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên toàn quốc.

- Hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch và báo cáo Bộ trưởng kết quả triển khai thực hiện.

5.2. Đối với các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố:

- Xác định nhu cầu cần đào tạo, bồi dưỡng của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, lưu trú du lịch trên các phương tiện đường thủy nội địa tại địa phương.

- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho từng đối tượng theo chương trình chi tiết của Tổng cục Du lịch ban hành. Trên cơ sở điều kiện thực tế, xác định kinh phí tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức xã hội hóa. Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cụ thể báo cáo Tổng cục Du lịch. Trong đó, xác định mức kinh phí/học viên mà mỗi doanh nghiệp phải đóng góp, đảm bảo đủ trang trải các khoản chi phí cơ sở vật chất, báo cáo viên, cấp giấy chứng nhận và công tác quản lý.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá, sát hạch và cấp giấy chứng nhận chuyên môn cho các học viên đã qua bồi dưỡng nghiệp vụ phục vụ du lịch trên các phương tiện đường thủy nội địa tại địa phương.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa không chỉ có đối tượng doanh nghiệp vận tải phục vụ du lịch mà còn có các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống, lưu trú du lịch trên địa bàn.

- Định kỳ kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn du lịch đường thủy cho các phương tiện đường thủy nội địa. Đặc biệt kiểm tra điều kiện kinh doanh, điều kiện hoạt động cả về phương tiện và con người, điều kiên an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường… Trường hợp vi phạm có hệ thống (từ 2 lần trở lên) hoặc vi phạm nghiệm trọng (gây tổn thất về người và tài sản của khách du lịch) phải đình chỉ hoạt động ngay lập tức và chỉ có thể cho phép hoạt động trở lại khi đã khắc phục thiệt hại, thực hiện xong nghĩa vụ bắt buộc và đủ thời gian củng cố hoạt động theo quy định của pháp luật.

- Hàng quý, báo cáo kết quả tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức đảm bảo an toàn du lịch đường thủy về Tổng cục Du lịch để theo dõi.

5.3. Đối với các doanh nghiệp vận tải phục vụ du lịch đường thủy:

- Lập danh sách và cử cán bộ quản lý, thủy thủ, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên các phương tiện đường thủy nội địa tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại địa phương tổ chức.

- Đóng góp kinh phí tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận cho cán bộ quản lý, thủy thủ, thuyền viên, nhân viên phục vụ trên các phương tiện đường thủy nội địa theo thông báo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương.

- Chấp hành, phổ biến và hướng dẫn cán bộ nhân viên và khách du lịch nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch đường thủy.

- Quản lý, có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho khách du lịch khi tham gia hoạt động du lịch đường thủy; đảm bảo quyền lợi về vật chất và tinh thần đối với nhân viên phục vụ khách du lịch; có trách nhiệm thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền về tai nạn hoặc nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra đối với khách du lịch và nhân viên phục vụ.

- Có phương án, chương trình kinh doanh du lịch đường thủy cụ thể, sử dụng thuyền viên, hướng dẫn viên, người phục vụ và phương tiện, bến bãi phục vụ du lịch bằng đường thủy theo đúng quy định của pháp luật; giám sát và chịu trách nhiệm về hoạt động của thuyền viên, nhân viên phục vụ, hướng dẫn viên và phương tiện, bến bãi trong thời gian tham gia du lịch đường thủy.

- Cung cấp đầy đủ thông tin, dịch vụ cho khách du lịch trước khi tham gia hoạt động du lịch đường thủy; hướng dẫn khách du lịch về các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ khi tham gia các hoạt động giao thông đường thủy theo quy định, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách du lịch trong quá trình thực hiện chương trình du lịch.

- Khi xảy ra sự cố liên quan đến an toàn của khách du lịch trong hoạt động đường thủy phải chủ động, nhanh chóng cung cấp thông tin đến các cơ quan chức năng liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời.

Trên đây là Kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với các nhân lực phục vụ du lịch trên tàu, thuyền, nhà hàng nổi phục vụ du lịch trên đường thủy./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công an;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Tổng cục Du lịch (để thực hiện);
- Các Sở VHTTDL (để thực hiện);
- Các đơn vị liên quan (để thực hiện);
- Văn phòng Bộ;
- Lưu: VT, Vụ ĐT, ĐMC.100.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hồ Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 3614/KH-BVHTTDL về xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với nhân lực phục vụ du lịch trên tàu, thuyền, nhà hàng nổi phục vụ du lịch trên đường thủy do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 3614/KH-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 27/10/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Hồ Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/10/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản